Ông Võ Văn Hồng - Chủ tịch UBND TP Dĩ An cho biết, thành phố đã phê duyệt chi trả hồ sơ bồi thường 84 đợt, cho 532/532 trường hợp (đạt 100%); với tổng số tiền hơn 3.064 tỷ đồng. Tổng diện tích thu hồi hơn 177.609m2, đạt tỷ lệ 100%.
Công tác chi trả bồi thường đến nay là 519/532 trường hợp, đạt 97,6%. Còn lại 13 trường hợp, TP Dĩ An sẽ chi trả dứt điểm trong tháng 12/2024.
TP Dĩ An đã phê duyệt hồ sơ của 221/221 trường hợp được bố trí tái định cư, với số tiền sử dụng đất phải nộp là 495,812 tỷ đồng. Thành phố có đủ quỹ nền đất để bố trí cho dự án, và đã cấp đủ 221 nền tái định cư.
Đến nay, TP Dĩ An đã tiếp nhận mặt bằng bàn giao chủ đầu tư 508/532 trường hợp, đạt tỷ lệ 95,5%; còn lại 24 trường hợp (chiếm tỷ lệ 4,52%) chưa bàn giao mặt bằng.
Trong công tác giải phóng mặt bằng, Dĩ An cũng gặp vướng khi có một số trường hợp chưa đồng tình, có khiếu nại, hoặc nguồn gốc đất chưa rõ ràng nên tốn nhiều thời gian giải quyết.
"Với một số trường hợp còn lại, thành phố đang tính tới phương án cuối cùng là cưỡng chế, cam kết đến ngày 31/12 phải bàn giao hoàn toàn 100% mặt bằng", ông Hồng cho biết.
Trên địa bàn TP Thuận An có khá nhiều điểm "đỏ" chưa bàn giao mặt bằng. Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND thành phố cho biết, địa phương đã làm việc, thỏa thuận với từng trường hợp cụ thể.
Ví như khu vực cạnh Chùa Sắc Tứ Thiên Tôn (phường An Thành) có nhiều hộ dân nghèo, không có sổ đất, quá trình xử lý kéo dài. Thông qua chính sách hỗ trợ kinh phí tìm chỗ tạm cư, bà con đã thống nhất phương án giao sớm mặt bằng.
"Hoặc những điểm cần kíp, ưu tiên thông đường để phương tiện có thể vào thi công cũng đã được người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đến nay, TP Thuận An đã bàn giao hơn 80% mặt bằng", ông Tâm nói.
Ông Trần Hùng Việt – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết, các điểm mặt bằng còn vướng ở TP Thủ Dầu Một cũng sẽ xử lý xong trong tháng 12/2024.
"Những đoạn còn khó khăn như xã An Sơn (TP Thuận An), chính quyền địa phương đã cam kết bàn giao mặt bằng trước 31/12. Khi đó, khâu xây dựng sẽ đảm bảo theo kịp tiến độ", ông Việt nói.
Tại đoạn thi công cầu vượt Nguyễn Thị Minh Khai và quốc lộ 13 trên địa bàn TP Thuận An và TP Thủ Dầu Một (thuộc gói thầu XL3 đường Vành đai 3 qua Bình Dương) đang có 180 công nhân thi công.
Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CC1 là một đơn vị liên danh thi công công trình này. Ông Trần Văn Pha – Giám đốc dự án của CC1 cho biết, công trình có tổng cộng 6 mũi thi công cầu và 6 mũi thi công đường.
Trên công trình, từ công nhân đến kỹ sư đều đang nỗ lực làm việc 3 ca 4 kíp. Ban đêm, công nhân đổ bê tông, ban ngày làm những phần việc khó hơn mà ban đêm không làm được.
"Mọi người ý thức rõ đây là công trình trọng điểm nên phấn đấu hoàn thành các mốc tiến độ mà tỉnh Bình Dương đã cam kết với Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ", ông Pha nói.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, vấn đề mang tính quyết định hiện nay vẫn là giải phóng mặt bằng. Bình Dương phải đảm bảo bàn giao thông suốt toàn tuyến Vành đai 3, vì đây là dự án quốc gia.
Bí thư lưu ý, công tác giải phóng mặt bằng phải tạo sự đồng thuận lớn trong bà con nhân dân, với đầy đủ các chính sách có lợi nhất, đảm bảo lợi ích chung.
Thời gian qua, các địa phương như Thuận An, Dĩ An đã rất nỗ lực, vì đây là các địa bàn gặp nhiều khó khăn khi dự án đi qua các khu vực dân cư lâu năm, đông đặc, nhiều hộ lại không có đầy đủ sổ sách.
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, cưỡng chế thu hồi mặt bằng là giải pháp cuối cùng, không làm khác đi được mới dùng tới.
"Các địa phương cần tiếp tục nỗ lực, cùng với bà con bàn bạc, thống nhất phương án, tiến tới xóa hết các điểm "đỏ" chưa hoàn thành bàn giao; kiên quyết giao đủ mặt bằng trước 31/12/2024", Bí thư tỉnh ủy đề nghị.