Điều gì đã giúp Bình Dương giải phóng mặt bằng giao thông nhanh chóng và hiệu quả?
Điều gì đã giúp Bình Dương giải phóng mặt bằng giao thông nhanh chóng và hiệu quả?
Nguyên Vỹ
Thứ tư, ngày 13/11/2024 17:08 PM (GMT+7)
Nhiều dự án giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Dương với hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Bình Dương luôn coi trọng sự đồng thuận và lợi ích của người dân, nhất là trong việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ở khu phố Thạnh Lợi (phường An Thạnh, TP.Thuận An), ông Nguyễn Thành Công đang sống trong căn nhà xây theo kiến trúc biệt thự, mới được 2 năm.
Khi chính quyền vận động thu hồi đất để thực hiện đường vành đai 3 qua Bình Dương, gia đình ông có 710m2 đất bị thu hồi; với giá đền bù đất thổ cư hơn 14 triệu đồng/m2, đất nông nghiệp hơn 8,2 triệu đồng/m2.
Ông Công cho biết, các hộ dân kế bên, nằm trong phạm vi thực hiện dự án đều đồng thuận chủ trương làm đường, hợp tác tích cực với ban giải phóng mặt bằng.
Hiện ông đã nhận tiền bồi thường, đang cất lại nhà khác ở lô đất kế bên, chờ xong sẽ chuyển nhà để bàn giao mặt bằng.
"Mức giá đền bù hợp lý nên gia đình nhận tiền để có điều kiện xây sửa nơi ở mới nhanh hơn, sớm ổn định cuộc sống", ông Công nói.
Ngụ cùng phường An Thạnh, cũng có 1 số trường hợp khúc mắc về chính sách bồi thường. Như trường hợp của bà Trần Thị Thu Trang, chủ nhà nghỉ Trang Vy, nằm trên đường An Thạnh 11. Bà Trang thuộc diện hỗ trợ tái định cư.
Cơ sở kinh doanh của bà có diện tích thu hồi khá lớn, với 1.502m2. Bà Trang cho biết, cơ sở của mình cách đường lớn Hồ Văn Mên chỉ khoảng 50m nhưng giá đền bù thấp hơn so với giá thị trường.
Số tiền đền bù sẽ khó mua lại lô đất khác có diện tích tương đương, hoặc nếu có mua được thì cũng nhỏ hơn. Bà Trang đã kiến nghị TP.Thuận An xem xét đền bù mức giá hợp lý hơn.
Ông Nguyễn Thành Úy – Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết, giá đền bù đang áp dụng cho đường Vành đai 3 là do một đơn vị tư vấn độc lập xây dựng, đã được UBND tỉnh thông qua, không tùy tiện thay đổi.
Riêng với thửa đất của bà Trang, TP.Thuận An đã cân nhắc kỹ lưỡng. Lô đất này được áp theo giá đất giáp đường lớn 4m (không phải đường chính quy trong danh mục của tỉnh). Còn nếu áp giá theo vị trí tiếp giáp đường Hồ Văn Mên, giá tiền đền bù còn thấp hơn giá hiện tại, càng thiệt thòi cho hộ dân.
Theo ông Úy, TP.Thuận An có rất nhiều hộ dân khác trong diện giải tỏa trắng. Thành phố phải thường xuyên tiếp xúc, vận động với từng trường hợp cụ thể vì mỗi hộ cá nhân, tổ chức lại có mỗi hoàn cảnh đặc thù khác nhau.
Nhiều trường hợp bị thất thu do tạm ngừng kinh doanh; nhiều hộ già yếu, neo đơn, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ tạm cư hoặc di dời chỗ ở.
"Trân trọng và cảm ơn sự đồng thuận của người dân đối với dự án, TP.Thuận An tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công", ông Úy nói.
Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng dự án giao thông trọng điểm Bình Dương
Dự án đường Vành đai 3 qua Bình Dương được bố trí vốn 19.280 tỷ đồng. Trong đó kinh phí xây lắp 5.750 tỷ đồng; còn lại hơn 13.500 tỷ đồng là phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Dự án đã bố trí nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Ông Trần Hùng Việt – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông cho biết, gói thầu Xây lắp 3 triển khai trên địa bàn TP.Thuận An là gói thầu phức tạp, đòi hỏi giao mặt bằng sớm để hoàn thiện tuyến Vành đai 3.
Trong đó, điểm xây dựng mố cầu từ đường Cách Mạng Tháng 8 đến cạnh chùa Thiên Tôn Sắc Tứ là điểm "nóng" về giải phóng mặt bằng. Công trình này có diện tích không lớn nhưng cần xử lý nền kỹ thuật, nền cọc, rồi chờ lún 10-12 tháng sau đó.
Đơn vị thi công đang cần từng mét vuông đất để triển khai. Nếu không đủ mặt bằng, công trình sẽ bị bị "trượt" tiến độ, khó thông tuyến toàn dự án như đã cam kết với Chính phủ.
Thêm nữa, ngay trong thời gian thi công, tiếng ồn từ máy móc sẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống của bà con. "Ban quản lý sẽ đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đồng thời huy động nhân công, phương tiện để hỗ trợ bà con di dời đến chỗ tạm cư ", ông Việt nói.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 đoạn qua thành phố TP.Dĩ An có 532 trường hợp bị ảnh hưởng, với tổng diện tích thu hồi khoảng 17,76ha. Hiện trạng khu vực giải tỏa là khu dân cư hiện hữu; và các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
Theo ông Võ Trọng Tài - Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, dự án tầm quan trọng đặc biệt, nhất là với các phường Bình Thắng, Bình An. Dĩ An đang tích cực tháo gỡ các khó khăn để các trường hợp còn lại đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Đơn cử như nút giao Tân Vạn cũng là nút giao phức tạp nhất trên địa bàn, là vị trí kết nối giữa quốc lộ 1 hiện hữu với đường Vành đai 3. Nút giao hoàn thành sẽ giải quyết ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại đây do lưu lượng xe đông đúc.
Với những trường hợp còn khiếu nại về giá, diện tích, tài sản trên đất; TP.Dĩ An phối hợp giải quyết thấu đáo, hợp tình hợp lý nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân. Từ sự đồng thuận người dân, đến nay, thành phố đã bàn giao mặt bằng đạt 94%.
Người dân phải được hưởng lợi ích từ các dự án giao thông trọng điểm
Dự án Vành đai 3 có khoảng 450 trường hợp giải tỏa đủ điều kiện tái định cư. TP.Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An đã chủ động chuẩn bị quỹ nền đất tái định cư cho dân; và đã tổ chức cho nhiều trường hợp bốc thăm chọn vị trí đất.
Ông Nguyễn Thanh Tâm – Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết, giá đền bù dự án đường Vành đai 3 được xem là cao hơn nhiều với so với các dự án khác trước đây nên tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân.
Riêng đoạn qua Thuận An có đất thu hồi có bồi thường là 49,56ha, (chiếm 67,7%), và 177 hộ giải tỏa trắng. Thuận An vừa tập đẩy nhanh tiến độ khu tái định cư, vừa tăng cường đối thoại, vận động người dân giao mặt bằng trước.
Phương án của thành phố là tăng chi ngân sách, hỗ trợ người dân tìm chỗ ở tạm cư trong thời gian chờ nhận tái định cư.
"Tiến độ bàn giao mặt bằng trên địa bàn 4 phường xã hiện đã đạt từ 70-100%, nhiều tổ chức dù chưa nhận tiền nhưng cũng đã bàn giao mặt bằng. Các trường hợp còn lại sẽ vận động bàn giao trong tháng 12/2024", ông Tâm nói.
Tương tự, với dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, Thuận An đã phê duyệt phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với 486 hộ gia đình, cá nhân và 52 tổ chức với số tiền hơn 2,71 tỷ đồng (đạt 99%).
Công tác tái định cư quốc lộ 13 đã xét xong và chuẩn bị giao đất. Qua họp dân, đa số bà con đồng tình ủng hộ. Vấn đề còn lại chủ yếu là giải quyết đơn giá tài sản trên đất của người dân, doanh nghiệp do không nằm trong đơn giá của tỉnh. Thuận An đang xây dựng phương án để hoàn tất chi trả trong thời gian sớm nhất.
Trong chuyến khảo sát tiến độ các công trình giao thông trọng điểm và tiếp xúc các hộ dân mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho biết, so với nhiều tỉnh thành, tỷ lệ người dân Bình Dương đồng thuận với các dự án rất cao.
Việc người dân phải rời bỏ nơi ở cũ, vào nhận tái định cư vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn. Các ngành, các địa phương thấy phương án nào có lợi nhất cho người dân thì phải mạnh dạn đề xuất và triển khai.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy, quá trình triển khai chính sách không nên máy móc; phải hướng về quyền lợi chính đáng của người dân để đề xuất, thực hiện. Bởi vì người dân xứng đáng và phải được hưởng lợi từ dự án của tỉnh.
"Công tác đền bù được Bình Dương thực hiện tốt với nhiều dự án từ nhiều năm trước. Công tác này cần tiếp tục phát huy với các dự án giao thông trọng điểm hiện tại và tương lai", ông Nguyễn Văn Lợi đề nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.