Theo thông tin ban đầu, đầu giờ chiều 8/1, giữa 2 vợ chồng ông Hoàng Đức Quang (SN 1964) và bà Đỗ Thị Hạnh (SN 1975) ở ấp Cây Điệp, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước xảy ra mâu thuẫn và cãi nhau.
Đến khoảng 13h30 chiều cùng ngày, người nhà phát hiện bà Hạnh trong tư thế treo cổ bằng sợi dù trong phòng. Mặc dù được đưa đi cấp cứu, nhưng bà Hạnh không qua khỏi.
Ngay sau đó, người nhà cũng phát hiện ông Hoàng Đức Quang đã uống thuốc diệt cỏ, nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Vụ việc đang được cơ quan công an làm rõ.
Ngày 9/1, Công an huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) cho biết, đối tượng Trần Minh Xuông (sinh năm 1995, ngụ ấp Hoà Thuận 1, xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành) đã đến công an đầu thú về hành vi giết người.
Trước đó, khoảng 23 giờ ngày 4/1, anh G.V.N, sinh 1986 (ngụ xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương) đến quán nhậu thuộc khu phố Kiên Tân, thị trấn Kiên Lương và ngồi gần bàn đối tượng Trần Minh Xuông.
Khoảng 1 giờ sáng ngày 5/1, trong lúc nói chuyện qua lại, hai bên xảy ra mâu thuẫn. Xuông đã dùng ly bia tấn công N, khiến mảnh vỡ cắt đứt động mạch, làm N gục ngã tại chỗ.
Sau khi gây án, Xuông cùng một số người ở quán đưa N đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, mất nhiều máu nên N đã tử vong tại bệnh viện.
Nhận thức được hành vi phạm tội, Xuông đã đến Công an huyện Kiên Lương đầu thú.
Ngày 9/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Nhận hôi lộ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Công ty Hoàng Dân và các đơn vị, địa phương liên quan.
Cơ quan điều tra đã khởi tố 12 bị can, gồm: Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Trần Tố Nghị, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình; Trần Văn Lăng, nguyên Giám đốc Ban 2, về tội Nhận hối lộ.
Bị can Nguyễn Đắc Điệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sông Đà 5; Trần Văn Nhì, Trưởng phòng Kế hoạch thẩm định Ban 8; Phạm Đông Phương, nguyên Phó Giám đốc Ban 2; Nguyễn Văn Dân, Giám đốc Công ty Hoàng Dân; Vũ Đình Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Hoàng Dân; Tạ Văn Thuyết, Giám đốc Ban 1; Nguyễn Văn Thuật, Trưởng phòng Kế hoạch thẩm định Ban 1; Lê Văn Hiền, nguyên Giám đốc Ban 8; Mai Quang Vượng, nguyên Phó Giám đốc Ban 8, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Bộ Công an, cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi của nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Hoàng Văn Thắng cùng nguyên Quyền Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT (Cục QLXDCT) Trần Tố Nghị. Hai bị can này bị cáo buộc đã thoả thuận, nhận tiền từ Công ty Hoàng Dân và các nhà thầu trong liên danh, sau đó chỉ đạo lãnh đạo các ban thuộc Bộ NN&PTNT thông đồng, móc ngoặc, vi phạm quy định về đấu thầu.
Các hành vi này nhằm giúp Công ty Hoàng Dân và các nhà thầu trong liên danh trúng thầu tại các dự án bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, gây thất thoát, lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Theo điều tra ban đầu, các hành vi vi phạm gây thiệt hại hơn 234 tỷ đồng.
Các dự án gồm: Dự án Hồ Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, do Quản lý Đầu tư & Xây dựng Thủy lợi 4 (Ban 4) làm Chủ đầu tư; Dự án Hồ Bản Lải, tỉnh Lạng Sơn, do Ban Quản lý Đầu tư & Xây dựng Thủy lợi 2 (Ban 2) làm Chủ đầu tư; Dự án Hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Đắk Lắk, do Ban Quản lý Đầu tư & Xây dựng Thủy lợi 8 (Ban 8 làm Chủ đầu tư; Dự án Hồ Cánh Tạng, tỉnh Hòa Bình, do Ban Quản lý Đầu tư & Xây dựng Thủy lợi 1 (Ban 1) làm Chủ đầu tư.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thực hiện tống đạt các thủ tục tố tụng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, đối tượng liên quan tại Bộ NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc, Công ty Hoàng Dân và các nhà thầu, đơn vị thi công để đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, điều tra, xác minh phục vụ thu hồi triệt để tài sản.
Ngày 9/1, Công an huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai đã tạm giữ bác sĩ N.V.C, người đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực huyện Định Quán để điều tra về hành vi hiếp dâm.
Theo thông tin ban đầu, ngày 29/12/2024, chị H. (30 tuổi, ngụ huyện Định Quán) đến Công an huyện Định Quán trình báo về việc bị bác sĩ C. hiếp dâm tại phòng khám riêng ở nhà bác sĩ.
Chia sẻ với báo chí, chị H. cho biết, chiều 29/12/2024, chị đến phòng khám riêng của bác sĩ C. để khám bệnh. Trong lúc khám cho chị H., bác sĩ này đã có hành vi khống chế, thực hiện hành vi hiếp dâm với nữ bệnh nhân.
Sau khi thực hiện hành vi xong, bác sĩ C. mới để chị H. về nhà. Nữ bệnh nhân đã đến Công an huyện Định Quán trình báo.
Vào cuộc điều tra, Công an huyện Định Quán đã mời bác sĩ C. làm việc. Bước đầu, bác sĩ C. đã thừa nhận hành vi của mình.
Sáng 9/1, Hội đồng xét xử (HĐXX) Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình bước sang ngày làm việc thứ 3, xét xử các bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và một số bị cáo khác.
Tranh luận tại phiên toà, bị cáo Lê Thanh Vân nêu một số vấn đề và cho rằng cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình truy tố mình còn các tồn tại.
Cụ thể, cáo trạng nêu: "Trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2023, các bị can Phạm Minh Cường, Vũ Đăng Phương, Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và Nguyễn Văn Vương đã có các hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi". Bị cáo Vân đặt vấn đề, căn cứ vào đâu buộc tội bị cáo này cưỡng đoạt tài sản.
Tiếp theo, bị cáo Vân nói cáo trạng xác định hành vi của mình là can thiệp ở các dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (Dự án 36ha), dự án thăm dò khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại đồi Bắc Sơn (Quảng Ninh). Tuy nhiên bị cáo này phân tích, hành vi can thiệp là hành vi không có trong Bộ luật Hình sự.
Tiếp tục tranh luận, bị cáo Vân dẫn lại quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, rằng "mặc dù không thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và không thuộc lĩnh vực phụ trách của Uỷ viên thường trực Uỷ ban Ngân sách Quốc hội nhưng có các hành vi ký các văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh…". Bị cáo này đặt vấn đề, căn cứ vào đâu mà Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình nói không thuộc lĩnh vực phụ trách. Bị cáo Vân thậm chí còn cho rằng, đây là một văn bản tố tụng cẩu thả.
Tranh luận về quan điểm luận tội của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Vân cho rằng việc luận tội đã sai lầm khi lực lượng chức năng khám xét, thu giữ 50 triệu đồng ở cơ quan của ông nhưng lại nêu thu ở nhà.
Đáng chú ý, vị cựu đại biểu Quốc hội này nói mình "bị xúc phạm vô cùng", cho rằng doanh nghiệp đã khai khống khi đưa cho mình có 10 triệu đồng mà khai lên 50 triệu đồng.
Trong đề nghị của mình, bị cáo Vân đề nghị trả lại 10 triệu đồng này, tuy nhiên là "trả lại đàng hoàng, không phải hành vi khắc phục hậu quả".
Clip bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ sự ăn năn, hối hận khi để xảy ra các sai phạm.
"Tôi có nhận tội đâu mà khắc phục hậu quả…, tôi bác bỏ quan điểm của Viện Kiểm sát" – bị cáo Lê Thanh Vân nói trước toà.
Về quy kết bị cáo Vân gọi điện thoại can thiệp đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, bị cáo này tranh luận rằng việc gọi điện thoại là hoàn toàn phù hợp.
Với bị cáo Nguyễn Văn Vương, bị cáo này tranh luận rằng cáo trạng đã làm cho vụ án trở nên trầm trọng khi diễn giải nội dung gộp cả Vương vào hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Bị cáo Vương cho rằng phải tách nội dung vụ việc này ra làm hai, không gộp vào như cách thể hiện của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình nêu trong cáo trạng.
Đáng chú ý, vị cựu chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chủ tịch nước cũng tranh luận rằng "cáo trạng có điều vô lý". Cụ thể, bị cáo Vương nói mình chưa bao giờ thừa nhận hành vi nhưng thông tin lại nói Vương thừa nhận. "Tôi đã thừa nhận bao giờ" – Vương tranh luận.
Vương cũng cho rằng số tiền 3,3 tỷ đồng là Vương viết giấy vay ông Nguyễn Thanh Toàn (SN 1965, Gia Lâm, TP.Hà Nội, người được lãnh đạo Công ty Hạ Long nhờ tìm người tác động giúp dự án, Toàn tìm đến Vương), Vương không nhận của Công ty Hạ Long, nội dung này khiến Vương bị hiểu lầm là trục lợi.
Đối đáp lại quan điểm của bị cáo Vân, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết, có đủ căn cứ xác định bị cáo Vân thực hiện việc viết phiếu chuyển đơn nhằm hưởng mảnh đất ở Quảng Ninh và ở huyện Đông Anh (TP.Hà Nội).
Về quan điểm xác định bị cáo Vân không thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và nội dung viết phiếu chuyển đơn không thuộc lĩnh vực phụ trách của ông này, vị đại diện Viện Kiểm sát nói nhận định đó hoàn toàn chính xác. Cáo trạng truy tố hành vi của bị cáo Vân, việc các luật sư, bị cáo phân tích là cách hiểu của các luật sư, bị cáo.
Về nội dung bị cáo Vân bác bỏ tình tiết khắc phục hậu quả, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đề nghị HĐXX cân nhắc khi lượng hình.
Đối đáp với tranh luận của bị cáo Vương về số tiền 3,3 tỷ đồng, vị đại diện Viện Kiểm sát cho biết Viện Kiểm sát không truy tố hành vi này nên không thể hiện trong quyết định truy tố.
Cũng trình bày tại phiên toà sáng nay, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cho biết, trong 43 năm tham gia cách mạng, bị cáo đã giữ truyền thống cách mạng của gia đình, phấn đấu không biết mệt mỏi cho gia đình, cho đất nước.
Khi 2 doanh nghiệp đến tìm bị cáo Nhưỡng là lúc họ "ở trên bờ tuyệt vọng". Ông Nhưỡng nói đã làm hết mình để cứu doanh nghiệp, giúp địa phương và để phát triển kinh tế, xã hội.
"Tôi không biện hộ… Việc nhận tiền là sai phạm, tôi thực sự rất ăn năn" – bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói.
Bị cáo Nhưỡng cũng nói hơn 1 năm bị giam giữ ông đã cải tạo bản thân, "một sự cải tạo rất quyết liệt, cố gắng gột rửa những điều phạm phải, đặc biệt về tâm can".
"Mong HĐXX, Đảng, Nhà nước, đặc biệt nhân dân, cử tri cả nước lượng thứ cho tôi" – bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói trước toà.
Tại phiên toà, đại diện những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã trình bày, liên quan đến việc Viện Kiểm sát đề nghị tịch thu, sung công quỹ số tiền 300.000USD mà doanh nghiệp đưa cho ông Nhưỡng, vị đại diện thấy là không phù hợp, gây thiệt hại cho công dân. Vị này cho rằng nếu trong trường hợp số tiền này là tiền tham ô, tham nhũng thì việc tịch thu là đúng quy định, nhưng đây là tiền của công dân, đề nghị HĐXX tuyên trả lại cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đối đáp quan điểm này của đại diện những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vị đại diện Viện Kiểm sát cho biết, khi những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhờ bị cáo Nhưỡng viết phiếu chuyển đơn đã có đề nghị xong việc sẽ cảm ơn, đã có mục đích từ trước. Việc đưa tiền đôn đốc chuyển đơn là việc làm trái quy định, Viện Kiểm sát xác định việc đưa tiền này bất hợp pháp, đề nghị tịch thu là có căn cứ pháp luật.