Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng mong được tuyên mức án càng thấp càng tốt

Hoà Nguyễn Thứ tư, ngày 08/01/2025 18:35 PM (GMT+7)
Tự bào chữa trước toà, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói đồng ý với quan điểm bào chữa của các luật sư, không bổ sung thêm điều gì. Bị cáo này bày tỏ mong được hưởng sự khoan hồng và được tuyên mức án càng thấp càng tốt.
Bình luận 0

Chiều 8/1, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo Lê Thanh Vân - cựu Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng - cựu Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và 3 người khác.

Theo Viện Kiểm sát, ông Nhưỡng, ông Vân là đại biểu Quốc hội đáng lẽ phải gương mẫu trong chấp hành quy định pháp luật, có lối sống lành mạnh nhưng đã không đại điện cho tiếng nói nhân dân một cách công tâm khách quan, nhiều lần gọi điện, tác động cơ quan chức năng theo hướng có lợi cho người quen nhằm hưởng lợi ích vật chất. Các bị cáo tuy am hiểu pháp luật nhưng cố tình phạm luật.

Luật sư đề nghị trả tự do cho bị cáo Lê Thanh Vân tại toà - Ảnh 1.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng mong được hưởng mức án thấp nhất có thể khi tự bào chữa chiều 8/1. Ảnh: NH

Ở vụ việc Cường "quắt" cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khai thác cát, ông Nhưỡng đã dùng nhiều cách, "tạo cho Cường có sức mạnh tinh thần" để giang hồ này ép, vòi tiền của doanh nghiệp…

Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù tội "Cưỡng đoạt tài sản"; 10 đến 12 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", tổng hợp buộc ông Nhưỡng chịu mức án từ 13 đến 15 năm 6 tháng tù.

Với bị cáo Lê Thanh Vân, ông này bị đề nghị từ 7 đến 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Bào chữa cho ông Lưu Bình Nhưỡng sau khi vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình luận tội, đề nghị mức án, luật sư Hoàng Thị Phương (Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh) cho biết, ông Nhưỡng đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình.

Vị luật sư thay lời ông Nhưỡng gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, mong được xem xét, đánh giá, ghi nhận để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Vị luật sư đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc cho ông Nhưỡng hưởng mức án thấp nhất dưới khung đề nghị của Viện Kiểm sát.

Tự bào chữa trước toà, bị cáo Nhưỡng nói đồng ý với quan điểm bào chữa của các luật sư, không bổ sung thêm điều gì. Bị cáo này bày tỏ nguyện vọng mong được hưởng sự khoan hồng và được mức án càng thấp càng tốt.

Với bị cáo Lê Thanh Vân, các luật sư bào chữa cho bị cáo này nêu quan điểm cho rằng thân chủ của mình đã bị truy tố không có căn cứ. Vị luật sư cho rằng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã kết luận không đúng về nội dung liên quan đến ông Vân, không phù hợp với chứng cứ trong vụ án.

Luật sư đề nghị trả tự do cho bị cáo Lê Thanh Vân tại toà - Ảnh 2.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Vân đề nghị HĐXX trả tự do cho thân chủ mình ngay tại toà. Ảnh: NH

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Vân cho rằng, mảnh đất ở Đông Anh (TP.Hà Nội) mà ông Vân bị quy kết nhận từ Nguyễn Văn Vương - cựu chuyên viên Vụ Pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước không phải đất của Vương, Vương không có quyền cho tặng, mảnh đất này cũng không đủ điều kiện chuyển nhượng.

Với quy kết bị cáo Vân nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất tại dự án 36ha ở Quảng Ninh, luật sư cho rằng quy kết không có căn cứ. Lời hứa tặng hay cho diện tích đất này của Vương với ông Vân là lời hứa không có căn cứ. Luật sư phân tích trong mọi trường hợp, bị cáo Vân không thể hưởng lợi 1.000m2 tại dự án ở hiện tại hay tương lai.

Từ các phân tích, luật sư bào chữa cho ông Lê Thanh Vân đề nghị HĐXX trả tự do cho bị cáo Vân tại toà.

Cùng bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Vân, luật sư Trần Hồng Phúc (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm, bà không bào chữa xin giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ mà đề nghị trả tự do tại toà cho bị cáo Vân.

Với bị cáo Nguyễn Văn Vương, luật sư bào chữa cho bị cáo Vương bào chữa rằng việc thân chủ bị truy tố không đúng tội, không đúng người, không đúng pháp luật.

Tuy nhiên luật sư của bị cáo Vương trình bày rằng dù xét xử tội nào thì hành vi của bị cáo Vương cũng vi phạm, nhưng đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Vương khi xét xử ông này ở một tội danh khác. Tự bào chữa, Nguyễn Văn Vương đồng ý với quan điểm bào chữa của luật sư.

Bị cáo Phạm Minh Cường (SN 1986, thường gọi là Cường "quắt", huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình): 7 đến 8 năm về tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt của các bản án trước buộc bị cáo chấp hành theo quy định.

Bị cáo Vũ Đăng Phương (SN 1982, Thái Thuỵ, Thái Bình, lao động tự do): 6 đến 7 năm về tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt với các bản án trước buộc bị cáo chấp hành theo quy định.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng - cựu Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù tội "Cưỡng đoạt tài sản"; 10 đến 12 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", tổng hợp buộc ông Nhưỡng chịu mức án từ 13 đến 15 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Lê Thanh Vân (SN 1964, cựu Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, cựu đại biểu Quốc hội Khoá XV): Từ 7 đến 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Bị cáo Nguyễn Văn Vương (SN 1976, Đặng Xá, Gia Lâm, TP.Hà Nội, cựu chuyên viên vụ Pháp luật – Văn phòng Chủ tịch nước: 13 đến 14 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem