Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bị đề nghị từ 13 đến 15 năm 6 tháng tù, Lê Thanh Vân từ 7-9 năm tù
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bị đề nghị từ 13 đến 15 năm 6 tháng tù, Lê Thanh Vân từ 7- 9 năm tù
Hoà Nguyễn
Thứ tư, ngày 08/01/2025 14:31 PM (GMT+7)
Chiều 8/1, tại phiên toàn xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và các bị cáo đã bước vào phần tranh luận, đại diện Viện KSND tỉnh đã đề nghị mức án cho bị cáo.
Bị cáo Phạm Minh Cường (SN 1986, thường gọi là Cường "quắt", huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình): 7 đến 8 năm về tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt của các bản án trước buộc bị cáo chấp hành theo quy định.
Bị cáo Vũ Đăng Phương (SN 1982, Thái Thuỵ, Thái Bình, lao động tự do): 6 đến 7 năm về tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt với các bản án trước buộc bị cáo chấp hành theo quy định.
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng - cựu Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù tội "Cưỡng đoạt tài sản"; 10 đến 12 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", tổng hợp buộc ông Nhưỡng chịu mức án từ 13 đến 15 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Lê Thanh Vân (SN 1964, cựu Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, cựu đại biểu Quốc hội Khoá XV): Từ 7 đến 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Bị cáo Nguyễn Văn Vương (SN 1976, Đặng Xá, Gia Lâm, TP.Hà Nội, cựu chuyên viên vụ Pháp luật – Văn phòng Chủ tịch nước: 13 đến 14 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".
Trước đó, vào buổi sáng ngày 8/1, trả lời thẩm vấn của HĐXX, trước những lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Vương - cựu chuyên viên Vụ pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước khai cho ông Lưu Bình Nhưỡng suất đất ngoại giao ở huyện Đông Anh, bị cáo Nhưỡng nói không đúng.
Bị cáo Nhưỡng trình bày, với suất đất đó, bản thân ông sẽ phải trả tiền thuế và các phí liên quan. Sau này ông được một người quen cho biết suất đất trên là bất hợp pháp, đang nằm trong quy hoạch, không thể giao dịch.
"Hôm nay, bị cáo cảm ơn anh Vương trước thanh thiên, bạch nhật và HĐXX đã nhận là nói dối tôi" – bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói.
Bị cáo Nhưỡng khai, cho suất này là để lại suất rẻ, tham gia đầu tư ngay từ đầu chứ không phải là cho không suất đất. Ông Nhưỡng nghe dự kiến đây sẽ là dự án kết hợp thương mại du lịch, tuy nhiên mức độ quan tâm của bị cáo này với chỗ đất được cho không cao.
Bị cáo Lê Thanh Vân trình bày trước toà, liên quan đến dự án 36ha, ông chuyển đơn đến Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh thời điểm đó thay vì UBND tỉnh là do có vai trò của Bí thư. Ảnh: Truyền hình Thái Bình
Liên quan đến dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (Dự án 36ha), ông Nhưỡng xác nhận được Vương nhờ chuyển đơn lên cơ quan chức năng và cho rằng "đây cũng là trách nhiệm bình thường" của mình, nhưng ông "không sốt sắng".
Bị cáo này cũng xác nhận đã 2 lần chuyển đơn liên quan dự án này vì lần đầu tiên đọc văn bản trả lời của tỉnh Quảng Ninh không thấy thỏa đáng nên tiếp tục chuyển đơn đến Thủ tướng.
Trả lời thẩm vấn về việc chuyển đơn, ông Nhưỡng nói khi là đại biểu Quốc hội phải đeo bám đến cùng sự việc, đại biểu Quốc hội có thể được dùng nhiều cách để giám sát việc chuyển đơn và đại biểu Quốc hội cũng có thể chuyển đơn đến các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.
Cũng tại phiên xử sáng cùng ngày, luật sư đã nêu vấn đề về bộ cánh cổng gỗ mà Cường "quắt" (Phạm Minh Cường, 1 bị cáo trong vụ án) tặng nhà thờ gia đình ông Nhưỡng bị quy kết là tang vật vụ án, ông Nhưỡng nói nếu bộ cánh cổng này Cường "quắt" tặng với mục đích giải quyết việc cho Bùi Văn Thao (người làm của Cường, có xảy ra tranh chấp đất đai ở TP.Hải Phòng và nhờ ông Nhưỡng can thiệp) sẽ là một sự "ô nhục" và phải tháo ra.
Với ông Lê Thanh Vân, bị cáo này khai bản thân và bị cáo Vương không thỏa thuận gì với nhau về việc cho suất đất ngoại giao.
Bị cáo Vân nói bản thân luôn xác định lô đất này để đầu tư chứ không phải món quà được tặng. Bị cáo Vân khai rằng đã liên tục nhắc bị cáo Nhưỡng khi nào dự án thành công nhớ nhắc mình chuẩn bị tiền trước 10, 15 ngày để nộp cho chủ đầu tư.
Về việc đứng tên đất, bị cáo Nhưỡng bảo bị cáo Vân phải có một người đứng ra cho tên vào hồ sơ nên ông Vân mới gửi căn cước công dân của con trai mình.
Ông Vân cũng trình bày đến giờ cũng không biết mảnh đất được nói tới nằm cụ thể ở đâu. Bị cáo Vân gửi lời cảm ơn bị cáo Vương hôm nay đã nói ra sự thật về lô đất trên.
Với việc ông Vân chuyển đơn cho ông Nguyễn Xuân Ký (Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh thời điểm đó) mà không phải cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với dự án 36ha là UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Vân cho biết do đã gọi điện cho một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, được biết việc xem xét dự án còn phải do chủ trương chung, ở đây có vai trò của Bí thư nên mới chuyển đơn như thế.
Về việc chuyển đơn nhiều lần, bị cáo Vân khai chuyển nhiều lần là theo nguyên tắc, khi có đơn thì với vai trò là đại biểu Quốc hội thì lại chuyển đơn.
Cơ quan truy tố cáo buộc, ông Lê Thanh Vân từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2023 là đại biểu Quốc hội Khóa XIV, XV, Uỷ viên thường trực Uỷ ban ngân sách Quốc hội, mặc dù không thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và không thuộc lĩnh vực phụ trách của Uỷ viên thường trực Ủy ban ngân sách Quốc hội nhưng trong tháng 6, 7, 8, 12/2020, ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ để đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện Dự án 36ha, hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng ở xã Vân Nội, nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất trị giá 1,95 tỷ đồng ở dự án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.