Ông Lê Thanh Vân nói rất buồn vì bị bắt khi sắp mãn nhiệm ĐBQH, ông Lưu Bình Nhưỡng nói bị bệnh tim
Bị cáo Lê Thanh Vân nói rất buồn vì bị bắt khi sắp mãn nhiệm ĐBQH, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói bị bệnh tim
Hoà Nguyễn
Thứ năm, ngày 09/01/2025 16:26 PM (GMT+7)
Nói lời sau cùng, bị cáo Lê Thanh Vân cho biết, trong suốt thời gian qua lúc nào cũng vì đất nước, vì nhân dân. Bị cáo bày tỏ cảm thấy rất buồn khi sắp mãn nhiệm đại biểu Quốc hội thì vướng phải vụ án này.
Chiều 9/1, sau 3 ngày làm việc, Hội đồng xét xử (HĐXX) Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình đã tuyên bố kết thúc phần tranh luận. Trước khi bước vào nghị án, HĐXX cho các bị cáo được nói lời sau cùng.
Là người được nói lời sau cùng đầu tiên, bị cáo Lê Thanh Vân – cựu Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội nói rất buồn vì bị bắt khi sắp mãn nhiệm đại biểu Quốc hội.
Bị cáo Vân trình bày, trong suốt quãng thời gian qua bị cáo này chưa từng vi phạm một vấn đề gì, lúc nào cũng vì đất nước, vì nhân dân. Đến khi bị bắt bị cáo Vân cũng ý thức được trách nhiệm của mình, làm việc với cơ quan điều tra rất xây dựng.
Bị cáo Lê Thanh Vân mong HĐXX xem xét, cân nhắc khi lượng hình cho mình một bản án hợp lý, hợp tình. Ảnh: Truyền hình Thái Bình
Bị cáo Vân nói tin Hội đồng xét xử những ngày qua đã nghe hết những vấn đề trong vụ án, cái nào có lý, có tình thì xem xét, cân nhắc để có bản án hợp lý, hợp tình cho mình.
Nói lời sau cùng, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng – cựu Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho biết từ ngày vào trại giam, sức khoẻ của bị cáo rất giảm sút, bệnh tim rất nặng. Hiện vận động khó khăn, tuổi cao, bệnh tật thì nhiều, mong HĐXX quan tâm, xem xét cho bản án hợp lý, hợp tình để ông có điều kiện chấp hành án sau này.
Các bị cáo Nguyễn Văn Vương – cựu chuyên viên Vụ Pháp luật (Văn phòng Chủ tịch nước), Nguyễn Đăng Phương (Thái Bình, lao động tự do), Phạm Minh Cường (Cường "quắt", Thái Bình) đều mong HĐXX xem xét cho bản án hợp lý. Cường "quắt" cũng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Lưu Bình Nhưỡng.
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng cho biết sức khoẻ của ông hiện đang không tốt, bệnh tim rất nặng khi nói lời sau cùng, mong HĐXX xem xét cho bản án hợp lý. Ảnh: PV
Do vụ án phức tạp, có nhiều vấn đề cần phải xem xét, HĐXX quyết định nghị án kéo dài, ngày 13/1/2025 sẽ tuyên án sơ thẩm vụ án này.
Ở diễn biến trước đó, trong phần tranh luận chiều cùng ngày, luật sư bào chữa cho bị cáo Vân cũng như bị cáo Vân đã bày tỏ quan điểm để tranh luận với vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại toà.
Theo đó, liên quan đến dự án thăm dò khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại đồi Bắc Sơn (Quảng Ninh), ông Vân bị cáo buộc tháng 7/2023 đã gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp, để Công ty cổ phần Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và đã hưởng lợi 60 triệu đồng.
Tranh luận về lời khai của các đại diện doanh nghiệp này khi nói đã dúi 50 triệu đồng vào túi quần bên trái của ông Vân khi gặp tại phòng của ông Lưu Bình Nhưỡng, luật sư Trần Hồng Phúc (người bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Vân) cho biết, phía Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã xác định không có cơ sở xác định ông Vân hôm đó mặc quần áo như thế nào, luật sư nêu cần thiết phải cho đối chất, thực nghiệm điều tra vì lời khai của các đại diện doanh nghiệp là không logic.
Tiếp tục phân tích, luật sư Phúc cho biết, theo hồ sơ, sơ đồ hiện trường phòng làm việc của ông Nhưỡng mà 2 đại diện doanh nghiệp Trường Sinh vẽ có mâu thuẫn với sơ đồ hiện trường do bị cáo Vân và sơ đồ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình. Cụ thể, phía đại diện doanh nghiệp vẽ sơ đồ phòng có ghế hình chữ L, tuy nhiên bản vẽ sơ đồ này khác với bản vẽ hiện trường của ông Vân (bản vẽ của ông Vân phù hợp với sơ đồ của cơ quan điều tra).
Dẫn chứng thông tin này, luật sư Phúc nói muốn chứng minh việc thân chủ của mình không nhận 50 triệu đồng như lời trình bày của anh Nguyễn Đức Sinh (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Trường Sinh) và anh Trần Sỹ Thanh (Hà Nội, người chung vốn với anh Sinh thực hiện dự án).
Đối đáp với tranh luận này, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cho biết, thời điểm doanh nghiệp đến phòng ông Nhưỡng và thời điểm cơ quan điều tra lập sơ đồ hiện trường là 2 thời điểm khác nhau. Việc một số đồ vật trong phòng có sự thay đổi đã khiến bản vẽ sơ đồ hiện trường có sự khác nhau và đó là chuyện bình thường. Phía Viện Kiểm sát cũng cho biết, không chỉ căn cứ vào lời khai của kế toán Công ty cổ phần Trường Sinh để xác định ông Vân nhận 50 triệu đồng mà còn căn cứ vào nhiều tài liệu, chứng cứ khác.
Tiếp tục tranh luận, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng quan điểm của Viện Kiểm sát là không phù hợp. Theo vị luật sư, thời điểm cơ quan điều tra thực nghiệm hiện trường đã vẽ lại sơ đồ. Bị cáo Vân cũng vẽ lại sơ đồ hiện trường thời điểm tiếp các anh Sinh, Thanh, và sơ đồ này phù hợp với sơ đồ của cơ quan điều tra, không có sự thay đổi nào về phòng làm việc của ông Nhưỡng.
Tranh luận với vị đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Vân cũng khẳng định, sơ đồ hiện trường phòng làm việc của ông Nhưỡng mà ông vẽ khớp với bản vẽ của cơ quan điều tra. Về quan điểm của Viện Kiểm sát cho rằng khi bị cáo Vân thực hiện việc gọi điện, chuyển đơn không vi phạm quy định pháp luật, nhưng nhằm mục đích trục lợi thì là hành vi phạm tội cũng như việc ông Vân vi phạm Luật tiếp công dân và Nghị quyết 759 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội liên quan việc tiếp công dân, bị cáo Vân nói ông không tiếp công dân, ông tiếp nhận đơn thư qua đường bưu điện.
Ông Vân cũng nói về vai trò của đại biểu Quốc hội là phải giữ mối liên hệ với cử tri. Về quan điểm bị cáo Vân chuyển đơn đến những người không có thẩm quyền giải quyết là Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, bị cáo Vân tranh luận, ông thực hiện gửi đơn đến Phó Thủ tướng khi UBND tỉnh Quảng Ninh không trả lời. Trong việc chuyển đơn cho Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh thời điểm đó, bị cáo Vân nói có vai trò của Bí thư ở đây nên ông mới chuyển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.