Quảng Trị: Đây là lý do khiến dự án vốn ODA giải ngân chậm tiến độ

12/07/2023 07:23 GMT+7
Năm 2023, tỉnh Quảng Trị có 8 dự án ODA được bố trí 551,451 tỷ đồng để thực hiện. Tính đến hết ngày 30/6, tổng vốn giải ngân của 8 dự án này là 49,8 tỷ đồng, chỉ đạt 9,04%.

Ngày 11/7, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận, vì gặp nhiều khó khăn nên tính đến ngày 30/6, tổng vốn giải ngân 8 dự án vốn ODA trên địa bàn mới đạt 9,04%.

Quảng Trị: Đây là lý do khiến dự án vốn ODA giải ngân chậm tiến độ - Ảnh 1.

Đường Phường 2 đi Đông Lương, Đông Lễ, thành phố Đông Hà thuộc Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mekong - Dự án thành phần tỉnh Quảng Trị chậm tiến độ. Ảnh: H.T

Cụ thể, năm 2023, tỉnh Quảng Trị có 8 dự án ODA được bố trí tổng số vốn là 551,451 tỷ đồng để thực hiện. Tính đến hết ngày 30/6, tổng vốn giải ngân của 8 dự án này là 49,8 tỷ đồng

Lý do giải ngân chậm do công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xác định giá đất tại các khu tái định cư, mức hỗ trợ, bồi thường về tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc, nhà ở trên đất nông nghiệp…

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đang đầu tư triển khai nhiều công trình trọng điểm có quy mô lớn với tiến độ yêu cầu nhanh, trong khi việc cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp thực hiện theo quy định mất thời gian dài nên khó khăn trong cung cấp vật liệu san lấp cho các công trình, dự án.

Quảng Trị: Đây là lý do khiến dự án vốn ODA giải ngân chậm tiến độ - Ảnh 2.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị thường xuyên đốc thúc các dự án, trong đó có dự án có vốn ODA nhưng vì nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án chậm tiến độ. Ảnh: H.H

Bên cạnh đó, thực tế diện tích quy hoạch các mỏ chủ yếu là đất sản xuất đã cấp cho người dân, trên đất đang có tài sản, cây cối, hoa màu, trong khi theo Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thì dự án khai thác mỏ không thuộc đối tượng thu hồi đất mà việc bồi thường theo hình thức thoả thuận. Điều này dẫn tới việc đền bù, giải phóng mặt bằng của các tổ chức sau khi trúng đấu giá gặp nhiều khó khăn.

Ghi nhận của PV Dân Việt, có nhiều doanh nghiệp phản ánh, dù trúng đấu giá mỏ đất nhưng không thể giải phóng mặt bằng trên đất của người dân. Lý do là khi biết đất nằm trong vùng quy hoạch khai thác mỏ thì người dân nâng giá thoả thuận đền bù rất cao, có trường hợp lên tới cả tỷ đồng/ha.

Quảng Trị: Đây là lý do khiến dự án vốn ODA giải ngân chậm tiến độ - Ảnh 3.

Quy trình để đưa mỏ đất vào khai thác, cung cấp cho các dự án, công trình mất thời thời gian, vướng mắc dẫn đến thiếu nguồn cung đất san lấp ổn định, ảnh hưởng tiến độ dự án xây dựng. Ảnh: Ngọc Vũ.

Ngoài ra, các dự án vốn ODA còn gặp khó khăn vì liên quan đến quy trình, thủ tục của nhà tài trợ, ý kiến thẩm định, phê duyệt của các Bộ, ngành Trung ương, thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định, hợp đồng vay lại kéo dài.

Trước tình trạng chậm giải ngân vốn ODA nêu trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chỉ đạo, kiến nghị các cấp, ngành đề xuất, tìm hướng tháo gỡ, trong đó tập trung vào việc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, rút gọn quy trình thủ tục để sớm cấp mỏ đất đi vào khai thác, cung cấp cho công trình…

Ngọc Vũ
Cùng chuyên mục