dd/mm/yyyy

Tháng 6 về với Festival… xứ Quảng

Tháng 6 đến hẹn lại lên, Festival Di sản Quảng Nam lại diễn ra đón người dân mọi miền về đây tụ hội, thăm lại phố cổ Hội An.

Hội An dù mùa nào vẫn thế, lặng lẽ ru những khúc ca của hoài niệm, được mệnh danh là "nơi thời gian ngừng lại". Tháng 6 về, đến hẹn lại lên Festival Di sản Quảng Nam lại diễn ra (từ 7.6 -14.6.2017) để người dân mọi miền tụ hội về đây cùng nhau sống lại giây phút yên bình trong tập quán xưa cũ, những ánh đèn lồng mờ ảo, phảng phất dấu ấn thời gian của hơn 300 năm trước tái hiện sinh động và đầy cảm xúc.

Những ngôi nhà rêu phong là hồn cốt của mảnh đất di sản Hội An (Ảnh: Phạm Quý Trọng)
Những ngôi nhà rêu phong là hồn cốt của mảnh đất di sản Hội An (Ảnh: Phạm Quý Trọng)

Quy luật tàn phai của thời gian không bỏ qua cho bất cứ thứ gì, nhưng dường như  Hội An nằm ngoài sự khắc nghiệt này. Bởi trải qua nhiều thế kỷ trầm luân của lịch sử, cùng với mưa nắng của thời gian nhưng đến hôm nay con phố nhỏ xinh, mái ngói thâm nâu của những  mái nhà bên bờ sông Hoài thơ mộng vẫn trầm mặc, cổ kính như một thế giới tách biệt với những ồn ào, xô bồ ngoài kia.

Tháng 6 về, đến hẹn lại lên Festival Di sản Quảng Nam lại diễn ra. Bởi Hội An là một câu chuyện dài, mỗi mái nhà, mỗi con đường, con ngõ, mỗi địa danh đều chứa đựng dấu ấn lịch sử  mà hàng trăm năm vẫn mang những hơi thở của riêng mình, không lẫn trong dòng chảy của nhịp đô thị hóa đang tràn về muôn nơi. 

Cùng với mái ngói thâm nâu, tường vàng rêu phong, sắc màu hoa giấy luôn cuốn hút du khách khi đến với Hội An (Ảnh: Chí Nam).
Cùng với mái ngói thâm nâu, tường vàng rêu phong, sắc màu hoa giấy luôn cuốn hút du khách khi đến với Hội An (Ảnh: Chí Nam).

Đất và người Hội An xứ Quảng luôn cùng hòa quyện để giữ lại những điều bình yên nhất, mộc mạc và sâu lắng. Những chiếc đèn lồng nhỏ xinh mờ ảo, lấp lóe như  ánh sao đêm, vòng quanh của xe đạp cũ vẫn cọt kẹt thong dong trên từng con phố nhỏ, âm thanh của động cơ và khói bụi hầu như vắng bóng, những trang phục ngày xưa thấp thoáng trên đường, câu hò khoan xưa vẫn được cất lên dưới bến...

Đến xứ Quảng để được tản bộ theo dòng sông Hoài, ngắm những chiếc đèn lồng treo dưới mái hiên và tận hưởng mùi thơm bảng lảng trong gió đầy mê hoặc của trầm hương, hòa mình trong tiếng vọng của chuông chùa vang lên trong ngõ phố để cảm nhận sự bình yên lan tỏa khắp mọi nẻo đường.

Một du khách chụp ảnh về cụ bà thân thiện bên gánh hàng rong phố Hội (Ảnh: Hoàng Tuấn)
Một du khách chụp ảnh về cụ bà thân thiện bên gánh hàng rong phố Hội (Ảnh: Hoàng Tuấn)
 Quán ăn đêm ở phố Hội (Ảnh: Internet).

Người dân Hội An thân thiện cởi mở với người phương xa, hồn hậu sẻ chia với người phương gần, họ thổi hồn vào di sản và lịch sử để nó sống mãi với thời gian. Và họ chính là những "di sản sống" tạo nên giá trị văn hóa phi vật thể ở nơi này.

Không khó để bắt gặp hình ảnh buổi chiều muộn những người dân ngồi bên nhau uống chén trà mạn dưới mái nhà rêu phong trong lòng phố cổ. Câu chuyện muôn thủa về nhà cửa, về nếp sống phố cổ, về con đường, về sông nước được bàn luận xôn xao. Đó cũng là lúc mỗi người trong số họ cùng nhau nhắc nhớ về quá khứ để trân trọng và gìn giữ nó. Họ không lỗi nhịp với sự phát triển thời cuộc, họ đón nhận nhưng chắt lọc để phù hợp với hướng đi của phố cổ, bởi vậy mà thành quả là sự vẹn nguyên những nếp nhà không bị thời gian xô đẩy và tàn phá.

Những chiếc đèn lồng nhỏ xinh trước hiên nhà mang nét hoài cổ và tạo nên không gian thơ mộng cho Hội An (Ảnh: Phạm Quý Trọng)
Những chiếc đèn lồng nhỏ xinh trước hiên nhà mang nét hoài cổ và tạo nên không gian thơ mộng cho Hội An (Ảnh: Phạm Quý Trọng)

Trên mỗi đường phố là những ngôi nhà cổ xếp san sát nhau vẫn nghiêng nghiêng mái ngói bên sông Hoài, được bố trí cấu thành không gian kiến trúc gồm 3 phần: Không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng. Kiến trúc mang đặc trưng văn hóa của là một thương cảng một thời sầm uất bậc nhất khu vực, với tấp nập giao thương thuyền bè của nhiều quốc gia từ những thế kỷ 17.

Dấu vết thời gian vẫn im đậm trên những bức tường rêu phong cây cỏ, những mái ngói âm trầm, những bức chạm khắc cổ... minh chứng cho sự hội tụ của các nghệ nhân tài hoa về nghề mộc, nề, gốm sứ của người Hoa, người Nhật, người Việt, người Chăm... được kết hợp hài hòa, đa dạng vẫn được lưu dấu đến ngày nay.

Đất và người Hội An là thế, luôn gìn giữ hồn cốt của xứ Quảng, của mảnh đất văn hiến. Để mỗi tháng 6 người dân muôn nơi lại có dịp cùng nhau về với Festival Di sản Quảng Nam, thăm lại mảnh đất di sản Hội An.

Hạ Nguyên