Bài cuối: Phát huy vai trò của Đại hội trong công tác nhân sự - Ảnh 1.

Vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành Đại hội Đảng bộ khóa mới, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó nhiều nhân sự được bầu làm Bí thư với số phiếu cao, gần như tuyệt đối. Trao đổi với PV Dân Việt về việc này PGS.TS Nguyễn Viết Thông – Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, công tác nhân sự lần này của chúng ta được thực hiện một cách rất bài bản và kỹ lưỡng. Công tác cán bộ được thực hiện theo quy trình 5 bước một cách rất chặt chẽ.

Bài cuối: Phát huy vai trò của Đại hội trong công tác nhân sự - Ảnh 2.

"Có thể nói, ở kỳ Đại hội lần này, dưới sự hướng dẫn của Trung ương, công tác nhân sự tại các địa phương đã được chuẩn bị rất kỹ. Đặc biệt, công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng theo quy trình 5 bước. Đề án nhân sự của các địa phương cũng đã được báo cáo Bộ Chính trị và các ban, ngành để xem xét, lấy ý kiến. Việc này cũng được chuẩn bị rất kỹ để lựa chọn những người có đủ năng lực, phẩm chất tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh khoá mới", ông Thông nói.

Theo Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, từ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng trên, có thể thấy, Đại hội đã giới thiệu được danh sách các nhân sự để bầu vào Ban Chấp hành rất có chất lượng. Những người được giới thiệu là những người đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo hướng dẫn của Chỉ thị 35.

"Cái gốc của điều này là do chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ về đề án nhân sự. Ban Chấp hành Đảng bộ cũng thống nhất cao với sự giới thiệu, chuẩn bị của Đại hội. Việc lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu cũng rất tập trung nên khi ra Ban Chấp hành có sự thống nhất rất cao. Một điểm mới khác trong công tác nhân sự lần này đó là rất hạn chế việc điều động, phân công nhân sự giữ vị trí Bí thư sau Đại hội. Tại hai Đảng bộ lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, các nhân sự giữ chức vụ Bí thư Thành uỷ đều do Ban Chấp hành bầu. Điều này chứng tỏ tính dân chủ ngày càng được mở rộng hơn. Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ được bầu nhân sự giữ chức vụ Bí thư", ông Thông nhấn mạnh.

Bài cuối: Phát huy vai trò của Đại hội trong công tác nhân sự - Ảnh 3.

Bàn về công tác nhân sự tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, đặc biệt là vấn đề bằng cách nào để loại bỏ được những người có dấu hiệu tham nhũng "luồn sâu, trèo cao", ông Nguyễn Túc – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng cần phải có thêm lực và quyết tâm hơn nữa. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước cần phải huy động sức của nhân dân vào công cuộc "diệt sâu tham nhũng".

"Đứng về góc độ một người dân, tôi mong phải làm sao huy động được sức của nhân dân vào công cuộc chống tham nhũng chứ không phải chỉ là cơ quan nhà nước. Bởi lẽ, phần lớn những hành vi tham nhũng vừa qua được người dân phát hiện, cơ quan báo chí vào cuộc thì cơ quan nhà nước mới tham gia vào chứ không phải vì ngay từ lúc đầu cơ quan nhà nước đã phát hiện ra. Chúng ta phải tin vào dân, dựa vào dân để chúng ta làm. Bác Hồ đã nói rằng: "Có dân là có tất cả, mất dân là mất hết". Cho nên tôi vẫn tha thiết mong muốn phải công khai danh sách trước khi đại hội để người dân có ý kiến", ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Bài cuối: Phát huy vai trò của Đại hội trong công tác nhân sự - Ảnh 4.

Dẫn câu nói của Bác Hồ: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong", nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt chỉ rõ, phải có phương pháp để nhân dân nói chung, đặc biệt là những người hiểu biết về cán bộ góp ý, đánh giá, giới thiệu, làm rõ những cán bộ đó có vấn đề gì, tốt hay xấu? Như thế mới có điều kiện, thông tin để đi đến lựa chọn, kết luận. Đảng lãnh đạo nhưng không dựa vào dân để nắm thông tin thì chắc chắn Đảng sẽ khó có đội ngũ cán bộ chất lượng.

Bài cuối: Phát huy vai trò của Đại hội trong công tác nhân sự - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh, việc nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật trong thời gian qua là bài học cho vấn đề lựa chọn, bổ nhiệm nhân sự. Cho nên việc lựa chọn nhân sự phải qua nhiều "kênh" khác nhau hơn nữa, không chỉ thông qua quy trình bổ nhiệm cán bộ do các cơ quan Đảng, Nhà nước thực hiện, mà cần chú ý lắng nghe phản ánh từ cử tri, người dân nơi công tác, nơi cư trú, cũng như từ các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để phát huy vai trò của người dân, thậm chí mở rộng, tạo điều kiện để nhân dân lựa chọn, giới thiệu nhân sự, đặc biệt là công khai, minh bạch danh sách nhân sự giới thiệu vào các cơ quan Đảng, Nhà nước để dân biết và giám sát.

Đồng quan điểm, ông Dương Quang Phái, nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ sẽ là tiền đề quan trọng để có một đội ngũ cán bộ thật sự xứng đáng trong khóa tới. Đặc biệt, phải công khai, minh bạch trong công tác nhân sự để nhân dân lựa chọn. "Chúng ta đừng bí mật trong công tác nhân sự, cứ công khai cho dân lựa chọn. Phải có các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của nhân dân mới hy vọng có bộ máy tốt", ông Dương Quang Phái nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bày tỏ, qua tiếp xúc cử tri, ghi nhận cử tri, nhân dân rất mừng vì sự quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là với những kết quả đạt được của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng T.Ư và Uỷ ban Kiểm tra T.Ư. Theo ông, cử tri, nhân dân mong muốn phải kiên quyết, kiên định tiêu diệt tham nhũng, phải xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản trong phòng chống tham nhũng.

"Tham nhũng cũng như sâu, cỏ đối với cây trồng, đối với sự phát triển. Đối với sâu, cỏ thì phải nói là diệt chứ không nói là chống" – ông nói và góp ý nên quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng bởi đây là sự nghiệp của toàn dân. Đồng thời, quan tâm đến công tác khen thưởng với người có đóng góp trong phòng chống tham nhũng. "Trong chống Mỹ chúng ta có dũng sĩ diệt Mỹ thì trong công tác này phải có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng" - ông Việt ví von.

Bài cuối: Phát huy vai trò của Đại hội trong công tác nhân sự - Ảnh 6.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, qua theo dõi, tổng hợp, 50 đảng bộ trực thuộc Trung ương tổ chức, về công tác nhân sự và kết quả bầu cử: Có 19 trường hợp tại 14 đảng bộ giới thiệu tái cử Ban chấp hành, 2 trường hợp giới thiệu tái cử Ban thường vụ nhưng không trúng cử.

Trong số này có 2 trường hợp cán bộ lãnh đạo của tỉnh Gia Lai vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình cảnh cáo nhưng vẫn có tên trong danh sách ứng viên để tái cử Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới. Đó là trường hợp ông Đặng Phan Chung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Gia Lai và ông Nguyễn Văn Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Kết quả cả 2 trường hợp nêu trên đều không được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai khóa mới. Điều đó cho thấy khi những nhân sự được đề cử nhưng đã mắc vi phạm, khuyết điểm và bị kỷ luật, không còn đủ tín nhiệm đã không được Đại hội lựa chọn.

Theo TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, câu chuyện trên cho thấy tính dân chủ đã được phát huy rất cao trong Đại hội Đảng bộ, đặc biệt là ý thức trách nhiệm của đảng viên dự Đại hội. Mặc dù công tác chuẩn bị Đại hội của tỉnh Gia Lai, trong đó có phương án nhân sự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Bài cuối: Phát huy vai trò của Đại hội trong công tác nhân sự - Ảnh 7.

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Tiến Dĩnh, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cũng đánh giá cao tính dân chủ, bản lĩnh, trách nhiệm của các đảng viên dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai, khi kiên quyết không để người mắc vi phạm, khuyết điểm lọt vào Ban Chấp hành khóa mới.

Vẫn theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, việc không bầu người đã mắc vi phạm, khuyết điểm không phải là kỳ thị hay trù dập. Đối với cán bộ, đảng viên đã có vi phạm, khuyết điểm hoặc có những việc làm tạo dư luận không tốt, uy tín không cao thì cần được bố trí vị trí công tác khác để họ có cơ hội rèn luyện, sửa chữa để trở lại lộ trình phấn đấu.

Không chỉ ở Gia Lai, ở Đại hội các Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, có nhiều trường hợp khi được giới thiệu tái cử Ban Chấp hành khóa mới đã không trúng cử. Mặc dù những trường hợp này chưa bị cơ quan chức năng kết luận đã mắc vi phạm, khuyết điểm trong nhiệm kỳ trước.

"Khi các đại biểu dự Đại hội không lựa chọn người được Ban Chấp hành khóa cũ giới thiệu, chứng tỏ họ phát hiện ra cán bộ, đảng viên đó có điều gì không chấp nhận được. Người được giới thiệu có thể lọt qua các quy trình nhưng khi ra Đại hội, ở đó diện rộng, tính dân chủ cao hơn, người không đủ uy tín sẽ không được lựa chọn", PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Bài cuối: Phát huy vai trò của Đại hội trong công tác nhân sự - Ảnh 8.

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, việc diễn ra ở Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai được xem là bài học kinh nghiệm đối với Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII trong việc lựa chọn bầu nhân sự xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.

PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, đối với công tác xây dựng Đảng phải dựa vào dân, người dân phát hiện, dân có ý kiến.

Bài cuối: Phát huy vai trò của Đại hội trong công tác nhân sự - Ảnh 9.

Để lựa chọn một Ban Chấp hành Trung ương khóa mới vững mạnh, bên cạnh công tác giới thiệu cần phải phát huy vai trò của đại biểu dự Đại hội trong việc đánh giá và lựa chọn cán bộ.

"Người được giới thiệu tái cử hay lần đầu tham gia Trung ương thì nhiệm kỳ trước họ giữ ví trí lãnh đạo tại ngành đó, lĩnh vực đó hoặc địa phương đó có đạt được mục tiêu không, hiệu quả kinh tế -xã hội của ngành, của địa phương có được phát huy không, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương thế nào… từ những căn cứ đó đưa ra đánh giá cán bộ, việc đánh giá đúng thì sẽ chọn và bầu đúng", PGS –TS Nguyễn Minh Tuấn nói.

Vẫn theo PGS –TS Nguyễn Minh Tuấn, tại Đại hội, đại biểu sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về nhân sự được giới thiệu nhưng quan trọng là sự nhạy cảm của đại biểu trong việc lựa chọn và bầu. Còn dân chủ là phát huy vai trò của các đảng viên dự Đại hội, độc lập suy nghĩ trong việc đánh giá nhận xét, không bị tác động bởi người khác hoặc vấn đề này, vấn đề kia.

 

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem