img img
 
img img
 

img img
 
img img
 

5 năm nhìn lại, Oanh còn nhớ mình từng khủng hoàng tinh thần thế nào trong những tháng ngày bị bệnh?

- Cuối năm 2014, kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc 2014 ở Nam Định trở về tôi bất ngờ bị phù, tăng cân đột ngột. Đi khám, bác sĩ bảo bị viêm cầu thận, có hội chứng thận hư. Bác sĩ cũng lưu ý tôi là thuốc điều trị sẽ ảnh hưởng tới xương khớp, làm loãng xương, teo cơ, không thể vận động mạnh chứ đừng nói đến chuyện tiếp tục theo đuổi niềm đam mê điền kinh.

Hãy thử tưởng tượng thời điểm đó tôi mới 19 tuổi, bắt đầu giành được những thành tích đầu tiên trên đấu trường quốc tế (HCB 3000m vượt chướng ngại vật SEA Games 2013 – PV), đang chạy nhảy suốt ngày như vậy…mà bất ngờ phải nằm im trong viện, đi lại cũng phải hạn chế.

Cảm giác rất suy sụp, hụt hẫng, rơi từ đỉnh cao niềm tin, khát khao khẳng định mình xuống vực sâu thất vọng.

Lúc ấy tôi nghĩ có lẽ mình vô duyên với điền kinh thật rồi. Thể hình của tôi nhỏ bé, đến với điền kinh muộn khi đã 15 tuổi và chỉ biết nỗ lực tập luyện miệt mài với hy vọng ngày nào đó có thể bước lên bục cao nhất như các “đàn chị”. Vậy mà cuối cùng tôi đã phải sớm dừng lại!

Thời điểm đó tôi nằm viện khoảng 10 ngày sau đó được cho về nhà điều trị trong 6 tháng. Đó là khoảng thời gian vô cùng chán nản, mất phương hướng. Sức khỏe yếu, sử dụng thuốc tây nhiều nên ngoại hình cũng bị ảnh hưởng, phù, nổi mụn khắp mặt, cổ, vai.

Ngay cả khi tôi quyết định đi học tại Đại học TDTT Từ Sơn thì cũng thường lủi thủi một mình. Tôi thấy rất lạc lõng khi nghĩ tới anh chị em, đồng nghiệp của mình đang tập luyện ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội.

img img

Trong những thời khắc chán nản nhất, điều gì đã giúp Oanh suy nghĩ tích cực, quyết tâm tập luyện trở lại?

- Lúc phải nghỉ tập tôi mới nhận thấy mình đã dành quá nhiều tình yêu cho điền kinh. Khát khao được trở lại đường chạy luôn cháy bỏng trong tôi. Tôi tự động viên bản thân, không chỉ với VĐV thể thao mà với mọi người trong mọi ngành nghề, lĩnh vực của xã hội cũng đều gặp phải những khó khăn, thử thách. Nếu không thể vượt qua những “khúc cua” thì cũng không xứng đáng nhận được thành công.

img

Cùng với nỗ lực của bản thân, tôi nhận được rất nhiều lời động viên từ gia đình, người thân, huấn luyện viên (HLV) Trần Văn Sỹ, các đồng đội và cả những người bạn trong những nhóm cộng đồng chạy bộ.

Một thời gian sau khi điều trị, cơ thể tôi hồi phục dần, được các bác sĩ cho phép tập lại. Ban đầu tôi chỉ chạy vài vòng sân đã rất mệt. Những lúc ấy, nếu không có các đồng đội thì có lẽ tôi đã không vượt qua nổi giới hạn của bản thân.

Các bạn tập xong thường nán lại tập cùng tôi, động viên, cổ vũ tôi, “kéo” tôi chạy. Với VĐV điền kinh khi đang yếu như vậy nếu tập một mình sẽ rất chán, không tập được nhiều.

Rơi xuống đáy của thất vọng trước khi trở lại đỉnh cao ở SEA Games 29 năm 2017 (giành 2 HCV 1500m, 5000m) và SEA Games 30 năm 2019 (3 HCV 1500m, 5000m, 3000m vượt chướng ngại vật), Oanh có ngạc nhiên với chính mình?

- Những ngày đầu tiên thi đấu trở lại ở giải điền kinh TP.HCM mở rộng tháng 7/2015, tôi chỉ tham gia nội dung tiếp sức 800m nữ cho Bắc Giang. Chỉ vậy thôi mà bao nhiêu sức lực tích lũy trong thời gian tập luyện trước đó gần như tiêu tan hết. Tôi cảm thấy rất mệt và lúc đó không tin mình có thể quay lại thể thao chuyên nghiệp được.

Với sự động viên, an ủi từ HLV Trần Văn Sỹ, tôi đã kiên trì tiếp tục tập luyện và thi đấu tiếp giải vô địch quốc gia 2015 vào tháng 10. Giải đấu đó tôi cũng thi đấu không thành công do còn yếu và thiếu rất nhiều, không tiếp nhận được nhiều bài tập về chuyên môn.

Nghĩ lại khoảng thời gian ấy, tôi không thể tưởng tượng được mình có thể thi đấu và đạt được những thành tích như bây giờ.

img img

Trước thềm SEA Games 30, Oanh bị mất ngủ triền miên và từng rất lo lắng với áp lực thành tích?

- Mỗi giải đấu đều có những đối thủ khác nhau, những tình huống bất ngờ xảy ra trong cả tập luyện, thi đấu và đôi khi không thể lường hết được.

img

Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 30, tôi luôn ấp ủ, đặt mục tiêu sẽ hoàn thành tốt cả 3 nội dung thi đấu. Tôi xin phép gia đình ít về nhà để tập trung toàn bộ năng lực, thời gian cho đấu trường thể thao khu vực.

Những khó khăn về lịch thi đấu tại SEA Games thì nhiều người đã biết (sáng thi đấu 5000m xong đi kiểm tra doping, không được nghỉ ngơi và tối bước vào so tài 3.000m vượt chướng ngại vật – PV), điều làm tôi lo lắng còn là chứng mất ngủ triền miên từ giữa tháng 4/2019 kéo dài cho tới hết SEA Games giữa tháng 12/2019.

Trong khoảng thời gian đó, đỉnh điểm tôi mất ngủ trắng 3 ngày. Nhiều hôm tôi cứ phải gồng mình lên ra sân, “đánh thức” mình, đưa tinh thần của mình lên cao hơn để hoàn thành giáo án chuyên môn.

Có những ngày mệt quá tôi phải nhắn tin xin phép HLV cho nghỉ 1 buổi để trấn an tinh thần, lấy lại sức khỏe.

Trong chuyến tập huấn Trung Quốc trước thềm SEA Games, tôi hy vọng khi thay đổi môi trường, tập luyện tập trung cao độ hơn sẽ cải thiện tình trạng nhưng vẫn thế! Càng gần SEA Games, áp lực đối với tôi càng lớn.

Nó cứ như một vòng tròn bất tận, mất ngủ thì sức khỏe không đảm bảo dẫn tới tập không tốt. Tập không tốt thì lại lo lắng và mất ngủ… Lúc đó vì sắp thi đấu nên tôi hạn chế dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng tới kết quả. Tôi chỉ dùng dược phẩm chức năng nhưng không mang lại kết quả như mong muốn.

Điều gì đã giúp Oanh vượt qua cái “vòng tròn luẩn quẩn” cứ mất ngủ - tập luyện không tốt - lo lắng – mất ngủ… ấy để “bùng nổ” ở SEA Games 30?

- Tôi đã rất lo lắng, tình trạng càng ngày nặng hơn, ngay cả khi đã có mặt ở Philippines, đêm trước khi thi đấu. Giờ nhìn lại, có thể lúc đó do tôi cuống quá, chưa tìm được giải pháp cho riêng mình.

Tôi đã tâm sự với nhiều người thân, bạn bè, thầy cô, đồng đội… Mọi người đều đưa ra cho tôi những lời khuyên nhưng nói gì thì nói cũng chỉ được lúc đó thôi. Cuối cùng chỉ có bản thân mới có thể giúp chính mình vượt qua được.

Tôi tìm thấy động lực từ những tình cảm mà tất cả mọi người xung quanh đã dành cho mình lúc khó khăn, từ trong quá khứ tới hiện tại, từ thời điểm tôi bị bệnh và đã vượt qua.

Tôi tự nhủ, mình đã dùng ý chí, tinh thần để vượt qua những đêm dài mất ngủ, để luyện tập suốt một thời gian dài, vậy thì sao không thể cố nốt một lần nữa? Trước khi tôi bước vào thi đấu, một người bạn nói với tôi rằng: Trong lúc tập luyện mình đã cố rất nhiều rồi. Tại sao trong thời khắc quyết định như SEA Games mình lại không thắng được? Mình hãy làm điều gì để không phải hối tiếc ở khoảnh khắc cuối cùng ấy!

Khoác trên mình màu cờ sắc áo Việt Nam, chứng kiến các đồng đội, VĐV các môn khác thi đấu thành công, mang vinh quang về cho Tổ quốc tôi lại cảm thấy rất xúc động.

img img

Ai cũng có những vất vả, gian nan riêng mà không thể chia sẻ nhưng họ vẫn làm được, chịu được, vượt qua và thành công. Vậy thì sao mình không làm được?

Đặc biệt, có một điều truyền cho tôi rất nhiều nghị lực là khi tập huấn ở Trung tâm HLTTQG Hà Nội còn có các VĐV khuyết tật. Họ đã vượt qua những mặc cảm, thiếu xót của bản thân để vươn lên thi đấu. Mình may mắn hơn rất nhiều mà chẳng lẽ không bằng họ?

Sau bước ngoặt năm 2014, trải qua “khúc cua” 2019, tôi cảm thấy bản thân lại vượt qua được một giới hạn nữa mà có lúc tưởng như mình đã không thể làm được!

Chính những trải nghiệm của mình đã thúc đẩy Oanh mong muốn truyền cảm hứng, niềm đam mê thể thao thông qua các nhóm cộng đồng chạy bộ?

- Những gì đã qua mang lại cho tôi nhiều người bạn và trân trọng tất cả những người đã ở bên, giúp đỡ mình trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc sống. Mỗi người tôi có duyên gặp mặt, quen biết đều mang lại cho tôi những động lực khác nhau.

Những năm gần đây tôi có tham gia một số giải chạy phong trào, một phần rèn thêm cho mình tinh thần, thể lực; một phần nữa cũng muốn mang lại cho mọi người nguồn cảm hứng rèn luyện thể thao để có sức khỏe tốt nhất.

Tôi đã thấy các em nhỏ hay các bác tuổi đã cao nhưng vẫn bền bỉ, chạy hết nội dung marathon (42,195km) – cự ly mà tôi chưa từng hoàn thành. Tôi khâm phục họ, những người không có đầy đủ điều kiện tập luyện như tôi, còn vất vả mưu sinh nhưng vẫn chiến thắng chính mình.

Thông qua các giải phong trào, khi mọi người nghĩ tôi truyền cảm hứng cho họ thì bản thân tôi lại được họ truyền cảm hứng!

img img

So với các VĐV khác, những mối quan hệ bên ngoài cuộc sống của Oanh khá rộng thông qua các nhóm cộng đồng chạy bộ. Vậy mà “Ỉn Oanh” (nick facebook dễ thương của Oanh – PV) vẫn chưa chọn được “một nửa” của mình?

- Tôi từng đọc cuốn sách: “Người giàu có hạnh phúc”. Cuốn sách đó nói đại ý một người giàu có thực sự thì không chỉ giàu về của cải, vật chất mà quan trọng hơn cần giàu có về tình cảm, các mối quan hệ.

Tôi tâm đắc với điều đó và rất trân trọng những mối quan hệ cả cũ và mới, những người đã gắn bó với mình từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường.

img

Thời gian qua, những nhóm chạy bộ phát triển rất mạnh. Mọi người thuộc nhiều lứa tuổi, công việc khác nhau nhưng đã gặp nhau ở một tình yêu lớn, niềm đam mê chạy bộ, điều đó thật tuyệt vời!

Tôi nghĩ nếu có “một nửa” riêng của mình thì có thể chia sẻ được với nhau nhiều hơn trong cuộc sống, cả khi có chút thành công cho tới những lúc mệt mỏi.

Nhưng lúc này tôi muốn dồn hết tâm huyết cho luyện tập, thi đấu điền kinh. Sau khi giải nghệ tôi sẽ suy nghĩ về vấn đề đó nhiều hơn. Tôi không muốn đến một lúc nào đó sẽ phải chọn lựa giữa đam mê điền kinh và tình yêu, người bạn đời của tôi. Điều đó quá khó khăn!

Vì điền kinh, Oanh đã bỏ sở thích kinh doanh?

- Đó là câu chuyện bắt nguồn từ lúc tôi bị bệnh, không thể tập luyện, thi đấu và chỉ đi học, kinh tế khá khó khăn.

Trước thời điểm đó, nhiều người thường hỏi tôi cách chọn giày thể thao, tư vấn chạy bộ thế nào cho đúng cách.

Rồi có người đặt vấn đề tại sao tôi không thử cung cấp luôn sản phẩm đó. Vậy là tôi và người bạn cùng lớp đã mở hàng. Nhưng kinh nghiệm chẳng có gì, vốn cũng không, chỉ bán giúp những cửa hàng lớn để mọi người biết đến họ nhiều hơn thôi.

Khi tập lại đội tuyển, tôi đã để cửa hàng lại phía sau, chỉ bán online cho vui. Tôi xác định mục tiêu lớn nhất của mình vẫn là tập luyện và thi đấu.

Cả năm 2019 vừa qua tôi không quan tâm gì đến bán hàng. Khoảng thời gian đi Trung Quốc tập huấn chuẩn bị cho SEA Games cũng khóa hoàn toàn facebook..

Nói chung, bất cứ vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần thi đấu đối với tôi lúc này đều bị gác lại. Tôi muốn dành mọi thứ tốt nhất cho thể thao.

img img

Là con gái nhà nông, mỗi khi về nhà Oanh vẫn thường phụ giúp cha mẹ việc đồng áng?

- Gia đình tôi thuần nông có 8 anh chị em nên cha mẹ cũng rất vất vả. Trước đây khi ở nhà, tôi vẫn thường giúp cha mẹ cấy lúa, trồng rau cỏ, việc nhà nông làm được hết.

Giờ về nhà, cha mẹ thương nên rất ít khi bảo tôi đi làm việc này, việc kia, sợ tôi bị đau lưng, đau chân ảnh hưởng tới tập luyện. Thi thoảng, tôi chỉ có thể xin “bám càng” mẹ cho đi làm cùng thôi.

Lúc này, kinh tế gia đình cũng đỡ hơn. Các anh chị trên tôi đều đã lập gia đình, chỉ còn cậu em trai sau tôi làm nghề tự do chưa ổn định. Mỗi dịp lễ tết khi gia đình sum vầy là cơ hội cho tôi “trổ¬ tài” nấu ăn. Tôi thích làm những món ăn lạ và thường tìm công thức trên mạng. Không biết vì hương vị lạ hay vì động viên tôi mà mọi người cũng hay khen.

img img
img img

Tại SEA Games 30, Oanh đã cán đích với thời gian 10 phút 00 giây 02, phá kỷ lục 3000m vượt chướng ngại vật. Tuy nhiên, thông số này vẫn kém thành tích tốt nhất của Oanh (9 phút 43 giây 83, giành HCĐ ASIAD 2018) và kém khá xa chuẩn Olympic (9 phút 30)…

- Có một câu nói mà tôi rất thích đại ý là: Không có con đường nào về đích nhanh nhất bằng cách mình phải nỗ lực, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Năm nay, mục tiêu cao nhất của các VĐV nói chung và cá nhân tôi là đạt chuẩn dự Olympic. Khoảng cách trình độ giữa điền kinh Việt Nam và các nước mạnh trên thế giới còn xa nhưng không phải vì thế mà mình nhụt chí. Bản thân tôi coi đó như động lực để không ngừng cố gắng nhiều hơn.

img
img

Ngay trong kỳ nghỉ Tết cổ truyền vừa qua, tôi vẫn có những bài tập cho riêng mình và tập trở lại từ mùng 6 Tết. Điều đó giúp tôi thích nghi tốt nhất với giáo án của thầy chứ không mất thời gian làm lại.

Điều khá khó khăn là nội dung 3000m chướng ngại vật của tôi cần cả sức mạnh và sức bền thể lực. Nếu chú trọng mặt này quá sẽ ảnh hưởng tới mặt kia. Từ đầu năm nay, thầy đã có những bài tập khác những năm trước, tăng cường khối lượng nhiều hơn sao cho nâng được nền tảng thể lực chung. Tới sát thời gian thi đấu, tôi sẽ tập trung vào chuyên môn sâu và hy vọng đạt được phong độ tốt nhất.

Ngoài HLV Trần Văn Sỹ, khi cần một điểm tựa, một thần tượng giúp mình mạnh mẽ hơn trong tập luyện, thi đấu, Oanh nghĩ tới ai?

- Có lẽ người đầu tiên chính là VĐV Indonesia (Rini Budiarti, sinh năm 1983 - PV), người đã giành HCV 3000m vượt chướng ngại vật SEA Games 2013, còn tôi chỉ có HCB giải đó.

Với lứa tuổi của chị ấy, ở Việt Nam các VĐV hầu hết đều đã giải nghệ. Vậy mà 3-4 năm sau, tôi vẫn gặp lại chị ấy thi đấu nội dung 5000m với tôi ở giải điền kinh TP.HCM 2016, 2017. Vậy đó, mọi người không thể biết giới hạn của mình là ở đâu.

Còn một người nữa tôi yêu thích, ngưỡng mộ là chị Nguyễn Thị Phương (người ghi hình ảnh đầy xúc động khi đã ngã nhưng vẫn cố nhoài người chạm tay vào vạch đích, giành HCB 3000m vượt chướng ngại vật SEA Games 2011 –PV).

Tôi có nhiều năm sinh hoạt, tập luyện cùng chị Phương ở đội tuyển và trân trọng, yêu quý tính cách cả trên sân tập lẫn cách cư xử trong cuộc sống. Với chị Phương, khi đã đặt ra mục tiêu là sẽ hoàn thành bằng được với tất cả ý chí “chiến đấu” của một “chiến binh”.

Tấm gương của những “đàn chị” đi trước giúp tôi có thêm niềm tin vượt khó, đi tới cùng với đam mê. Đó cũng là lý do sau này khi giải nghệ, tôi muốn tiếp tục con đường này trong vai trò HLV, phát hiện, đào tạo ra những VĐV giỏi cho đất nước.

- Xin cảm ơn Oanh! Chúc Oanh hoàn thành mục tiêu giành vé dự Olympic Tokyo 2020!

img img
img img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem