Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 1.

Ông Trần Văn Hành là một nông dân thuần phác, cả cuộc đời gắn bó với vườn vải, với những thăng trầm của từng mùa vải qua thời gian năm tháng. Hành trình trở thành một nhà khoa học nông dân, với giải pháp kỹ thuật giúp vải thiều ra quả từ thân cây cũng xuất phát từ thực tế sản xuất còn quá nhiều khó khăn, vất vả. Ông cũng không thể ngờ, một lần làm liều đã mang lại bước ngoặt lớn.

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 2.

Xuất phát từ ý tưởng nào ông lại nảy ra sáng kiến bắt vải thiều "đẻ" quả từ thân cây mà không phải như cách truyền thống nông dân Lục Ngạn vẫn làm từ nhiều năm nay khi cây vải lần đầu tiên bén duyên đất này?

- Tôi bắt đầu mua quả đồi này để trồng vải từ năm 1991 khi còn là một anh thanh niên 29 tuổi. Không thể kể hết công sức vợ chồng tôi đã bỏ vào mảnh đất này, vun xới cho những gốc vải lên xanh và bắt đầu cho thu hoạch.

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 6.

Nhưng cũng giống như những nông dân khác trồng vải ở Lục Ngạn, chúng tôi không chủ động được thị trường tiêu thụ. Người trồng vải vất vả chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, canh từng mùa hoa vải nở để hy vọng có vụ vải bội thu nhưng khi ra đến chợ năm nào mất mùa, sản lượng giảm còn tiêu thụ thuận lợi, còn năm được mùa, trên trời dưới đất nhìn đâu cũng thấy vải là thương lái tha hồ ép giá. Đã có những năm, một sọt vải to tướng, nặng mấy chục kilogam cũng chỉ bán với giá vài chục nghìn đồng, cơ cực không để đâu cho hết.

Tôi nhớ có lần vợ tôi chở sọt vải cao ngất ra chợ bán, lúc về bà ấy tức phát khóc vì thương lái chê quả vải nhỏ nên cố tình ép giá. Dù biết mình chịu thua thiệt nhưng những nông dân như chúng tôi vẫn chấp nhận bán với giá rẻ vì cũng không biết tự tiêu thụ vải ở đâu.

Thế rồi, có một lần tôi thấy một số cây vải phát triển quá nhanh, cây giao tán với nhau, tạo ra nhiều khoảng râm khiến sâu bệnh dễ phát sinh, tôi bèn bấm bớt cành nhỏ đầu tán để tạo ánh sáng cho khu vườn. Không ngờ, nhiều nhánh mới đã mọc ra từ thân cây, từ những nhánh này, vào mùa, hoa vải ra chi chít, tỷ lệ đậu quả cao, chất lượng quả vải từ những nhánh mọc ra từ thân cũng ngon, hình thức đẹp hơn quả mọc ở cành ngọn. Đó là thời điểm năm 2011, tôi bắt đầu quá trình cải tiến quy trình kỹ thuật chăm sóc vải từ một lần tình cờ như thế.

 Thế nhưng khi quyết tâm bắt tay vào cải tạo khu vườn, hẳn với ông cũng không hề dễ dàng?

- Tất nhiên rồi, đó là những vết cắt đau đớn. Sau cái lần vô tình tỉa cành tạo tán để cây đẻ nhánh từ thân, tôi bàn với vợ áp dụng dần trên diện tích vải rộng hơn 2ha của vườn nhà, đều là những cây vải được trồng từ năm 1991.

Khi tôi đề xuất, vợ tôi cũng lo lắng ghê lắm, bà ấy sợ tôi sẽ thất bại. Nhưng lúc đó tôi nghĩ, nếu mình không mạnh dạn đột phá, tìm lối đi riêng thì sẽ luẩn quẩn ở mãi trong cái vòng xoáy được giá mất mùa, được mùa mất giá.

Vậy là tôi lên kế hoạch tỉa cành tạo tán cho toàn bộ diện tích vải theo hình thức cuốn chiếu, mỗi năm làm một ít. Cách làm cũng đơn giản, ví dụ bình thường cây vải bà con để khoảng 10 cành ngọn thì tôi chặt đi, chỉ để lại 5 cành, dù tiếc đứt ruột nhưng vẫn phải liều mình làm thử.

Khi đó, nhìn vườn vải trụi thùi lụi, thấu cả da trời, vợ tôi bật khóc, còn tôi, bỗng nhiên cảm thấy hoang mang đến tột độ.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lộc ra từ thân ngay sau vụ thu hoạch tôi sẽ bỏ đi, đợi lộc ra đợt kế tiếp mới để lại cho hoa. Tôi cũng tuân thủ nghiêm túc việc cắt tỉa cành, hạn chế tán cây phát triển giúp ánh sáng tỏa xuống thân, bón thúc cho cây theo định kỳ, với lượng phân bón vừa đủ. Để cây ra ít lá, lấy sức nuôi quả, tôi còn áp dụng kỹ thuật khoanh vỏ cây.

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 7.

Và sau đó là những mùa vải căng mọng và ngọt ngào liên tiếp đến?

- May mắn là như vậy. Kể từ năm 2012 đến nay, năm nào tôi cũng thành công với việc áp dụng kỹ thuật này. Còn nhớ vụ này năm 2017 – là năm vải thiều mất mùa kỷ lục trong vòng 10 năm, trong khi 90% hộ trồng vải ở Giáp Sơn mất trắng thì tôi vẫn thu được 7 tấn quả.

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 8.

 Năm 2019, vải Lục Ngạn cũng mất mùa nhưng tôi cũng thu được 15 tấn quả với chất lượng vượt trội, quả to đều, khi chín hồng rực và căng mọng, ai nhìn cũng thích. Đặc biệt, từ ngày áp dụng kỹ thuật này, vợ tôi không phải vất vả chở từng sọt vải xuống chợ bán mỗi mùa thu hoạch, thương nhân Trung Quốc đến tận vườn đặt mua với giá luôn cao hơn thị trường.

Có lúc nào ông cảm thấy khó khăn khi áp dụng kỹ thuật mới này không?

- Trong gần chục năm áp dụng quy trình mới, năm nào tôi cũng tự tin mình sẽ thắng. Nhìn những chồi non tua tủa mọc, nhìn lượng hoa tôi có thể dự đoán năm đó được hay mất mùa.

Nhưng thú thực nông dân chúng tôi không chống chọi được với sự cực đoan của thời tiết. Như năm 2020 này, ngay mùng 1 Tết đã mưa đá, giông lốc, sau đó liên tiếp mưa đá, giông khiến nhiều diện tích vải thiều bị ảnh hưởng vì thời điểm đó cây vải đang phân hóa mầm hoa. Vải thiều Lục Ngạn năm nay sản lượng giảm cũng là vì lý do đó.

Kỹ thuật mới này cũng mang lại cho ông nhiều danh hiệu, phần thưởng mà nhiều nông dân mơ ước?

- Thực lòng, nông dân chúng tôi khi mày mò nghiên cứu, đổi mới cách thức sản xuất chỉ với một mong ước duy nhất, sản xuất đỡ vất vả nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 Từ động lực ban đầu đó, bí quyết của tôi đã được địa phương, ngành chức năng ghi nhận, tôi từng nhận giải trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Giang năm 2013, được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu: Nhà khoa học của nông dân năm 2018.

Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương cũng về tận vườn phối hợp với tôi nghiên cứu quy trình canh tác này. Đó là những phần thưởng, danh hiệu quý giá, nhưng điều tôi thấy hạnh phúc hơn là bí quyết của mình có thể giúp nhiều nông dân vùng vải sản xuất hiệu quả hơn.

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 9.

Trang trại vải của ông Hành có một ngôi nhà đặc biệt, nơi ông trân trọng lưu giữ tất cả những giấy khen, bằng khen, phần thưởng của chính quyền địa phương, các bộ ngành, Chính phủ ghi nhận những thành quả của ông trong quá trình sản xuất. Ngôi nhà đó nhỏ bé, rêu phong nằm khép nép bên cạnh căn biệt thự khang trang như để chứng minh cho những nỗ lực vươn lên không mệt mỏi của người nông dân này.

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 10.

img
img

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 12.

30 năm trồng vải, hẳn ông không thể nhớ được những thăng trầm của loại cây này trên đất Lục Ngạn, cả những vất vả mình phải trải qua?

- Bạn có nhìn thấy ngôi nhà nhỏ này không, tôi xây dựng nó năm 1993, khi đã đặt những cây vải đầu tiên trên ngọn đồi này. Ngôi nhà đó tuy nhỏ nhưng là mồ hôi công sức của hai vợ chồng, là biết bao nhiêu gánh vải xuống chợ. Năm 2013, nhờ vải, tôi xây dựng được ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi nhưng tôi vẫn muốn giữ lại ngôi nhà này, biến nó trở thành nhà truyền thống, để nhắc nhớ con cháu về một thời chúng tôi khai hoang lập nghiệp.

Khi tôi đặt chân đến quả đồi này, nơi đây chỉ có cây dại cao vút đầu người, chỉ bằng sức người, chúng tôi san đồi, đào hố trồng vải, không có điện, hệ thống nước không có, vợ chồng tôi phải gánh từng thùng nước về tưới cho hàng trăm gốc vải. Vất vả là vậy nhưng ai cũng bảo nhau bám trụ với đất, gắn bó với cây vải, 4 đứa con của tôi lớn lên, lần lượt trưởng thành dưới những cây vải xù xì, thô mốc đó.

Nhưng với người nông dân như chúng tôi những khó khăn về điều kiện canh tác không đáng sợ bằng việc không tìm được đầu ra cho trái vải. Chúng tôi chịu đựng được vất vả, một nắng hai sương chăm sóc nhưng rất dễ bị động trước biến động thị trường. Có những năm, cả sọt vải mới bán được vài chục nghìn đồng, xót xa vô cùng nhưng không ai có ý định quay lưng với cây vải.

Từ khoảng năm 2000 trở lại đây, cùng với nỗ lực của địa phương trong việc xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều, thương nhân Trung Quốc ngày càng ưa chuộng vải thiều Việt, việc tiêu thụ vải trở nên thuận lợi hơn, nông dân trồng vải cũng dễ thở.

Với 2ha vải, bình quân thu nhập của gia đình ông đạt khoảng bao nhiêu?

- Thu nhập cao hay thấp còn phụ thuộc vào giá cả của từng vụ vải. Nhưng với sản lượng khoảng 30 tấn thì nhờ trồng vải mỗi năm gia đình tôi cũng có thu nhập 800 – 900 triệu đồng.

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 13.

Nhưng cũng có thời điểm, cây vải thiều ở Lục Ngạn bị lấn át bởi cam, bưởi. Tại sao ông vẫn chọn gắn bó với loại cây này trong khi có lúc cam, quýt cho thu nhập rất hấp dẫn?

- Đúng là có thời điểm ở Lục Ngạn nở rộ phong trào trồng các loại cây có múi (cam Canh, cam Vinh, bưởi da xanh) nhưng Lục Ngạn mà không có vải thiều thì còn ý nghĩa gì nữa. Dù thu nhập không cao đột biến như cam, bưởi nhưng cây vải đã giúp hàng nghìn hộ dân ở đây có thu nhập ổn định, giúp bộ mặt nông thôn đổi mới.

Một vài năm trở lại đây, nhiều diện tích cam ở Lục Ngạn bỗng nhiên không cho quả, có hiện tượng thoái hóa và giá đã giảm do diện tích tăng quá nóng. Trong khi đó, vải thiều dù không tăng về diện tích nhưng chất lượng ngày một tăng, ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc và tiêu thụ nội địa, vải của Lục Ngạn còn đến được Mỹ, Úc, EU và sắp tới là Nhật Bản.

Trong quá trình canh tác, có lúc nào ông nghĩ đến kế hoạch đa dạng hóa cây trồng thay vì tập trung trồng vải?

- Nếu cá nhân tôi thì không nhưng đợt vừa rồi tôi phải nhượng bộ con trai phá đi vài cây vải để nó thử nghiệm trồng… hồng xiêm. Nhưng tôi chỉ cho nó phá vài cây sau nhà, năng suất không cao lắm chứ chặt cây nào tôi xót ruột cây ấy.

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 14.

Mùa vải năm 2019, thị trường vải lên cơn sốt với một hộp vải 12 quả trị giá tới 200.000 đồng, mức giá cao chưa từng có. Đây là loại vải được trồng theo quy trình hữu cơ, do doanh nghiệp liên kết với nông dân xã Giáp Sơn sản xuất. Ít ai biết, món quà thượng hạng đó đến từ vườn nhà ông Trần Văn Hành.

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 15.

Thật bất ngờ khi vườn vải của ông lại tạo ra một món quà đặc biệt và thượng hạng như thế. Để đạt được điều đó hẳn không hề dễ dàng?

- Đúng vậy, trước khi liên kết với doanh nghiệp chăm sóc vải theo quy trình hữu cơ, tôi đã có nhiều năm trồng vải theo quy trình VietGAP để đảm bảo trái vải của mình cung cấp ra thị trường đẹp và an toàn nhất có thể.

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 16.

Nhưng canh tác theo quy trình hữu cơ lại khác, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải áp dụng cực kỳ nghiêm ngặt và khắt khe, đúng quy định và đảm bảo thời gian cách ly nên chi phí đầu tư cao hơn các loại vải thông thường.

Trong vườn nhà tôi còn lắp camera giám sát quy trình canh tác, chăm sóc, nhật ký sản xuất phải ghi chép đầy đủ. Sản phẩm được cấp tem nhãn, có mã QR code để khi khách hàng cần kiểm tra có thể dùng điện thoại thông minh để kiểm chứng, khi đó, tên vườn cây, địa chỉ được hiện lên rõ rệt nên không làm ăn gian dối được.

Mà không phải quả vải nào trong vườn cũng được lựa chọn đóng hộp bán với giá này. Trái vải được lựa chọn phải to, đồng đều, vỏ mỏng và căng mọng, hồng rực. Khi ăn có vị ngọt êm dịu, cùi dày, hạt nhỏ.

Hộp giấy để đóng loại vải này cũng được đặt từ Nhật Bản, quả vải được đặt nổi lên trên nền vải lụa vàng, giá xuất bán tại vườn là 200.000 đồng/hộp 12 quả, tương đương 17.000 đồng/quả.

Tôi vẫn nhớ hôm doanh nghiệp xuống nhà tôi đóng gói vải để cung cấp cho thị trường, nhà tôi như có hội, những trái vải căng mọng vừa hái xuống lúc đêm được nâng tầm, trở thành một món quà biếu quý giá khiến tôi hạnh phúc vô cùng.

Mùa vải năm 2019, tôi cung cấp cho doanh nghiệp 3 tấn vải cao cấp nhất để đóng gói thành những món quà có giá trị, năm nay, doanh nghiệp cũng đã đặt mua tầm 4 tấn.

img
img

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 18.

Từ những trái vải được bán với giá "khủng" đó, ông có nghĩ đến ngày trái vải thiều Lục Ngạn sẽ trở thành một món quà cao cấp như nhiều nông sản của các nước đã làm được?

- Chúng tôi hoàn toàn tin sẽ có ngày đó, bởi trình độ canh tác của nông dân Lục Ngạn đã cải tiến rất nhiều, không ai hiểu cây vải như người Lục Ngạn. Trước bà con sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có phần lạm dụng nhưng giờ phần lớn diện tích được canh tác theo quy trình an toàn; trước chở từng sọt xuống chợ bán hên xui giờ nhiều diện tích đã có doanh nghiệp bao tiêu, sản phẩm có mã vạch, tem nhãn, kiểm tra được xuất xứ đến tận vườn. Những quả vải chất nhất, ngon nhất của chúng tôi đã trở thành món quà nhiều doanh nghiệp gửi tặng khách hàng, người thân trân quý gửi tặng nhau.

Cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao, nhu cầu được sở hữu một món quà đẹp và ngon ngày càng lớn. Nếu bà con chăm sóc, canh tác có trách nhiệm, làm ra sản phẩm tốt, chất lượng thì sẽ không bao giờ lo thị trường quay lưng, cơ hội sẽ luôn đến kể cả trong gian khó.

Dịch Covid-19 được dự báo sẽ tác động đến việc tiêu thụ vải khi vụ thu hoạch đang đến gần. Ông có lo lắng điều gì không?

- Hiện tại thì không, vì tôi cũng như bà con trong vùng đều tự tin với chất lượng vải mình làm ra, chính quyền cũng đang nỗ lực hết sức để thương nhân Trung Quốc sang mua vải thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến đặt hàng. Vụ vải thiều ở Lục Ngạn đang vô cùng sôi động.

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 19.

Câu chuyện giữa tôi và "phù thủy" trồng vải đất Giáp Sơn cứ thế trôi đi giữa vườn vải sai trĩu quả từ thân đến ngọn, năm nay thời tiết thất thường, vải được dự đoán giảm sản lượng nhưng ông Hành vẫn tin mình có chắc trong tay 20 tấn vải, vui hơn là doanh nghiệp đều rất muốn bao tiêu. Đất Lục Ngạn có 6.600 triệu phú, tỷ phú nhờ trồng vải, bằng tình yêu với loại cây này, những nông dân như ông Hành đang khiến đất nở hoa.

Nhà khoa học Sán Dìu ép vải thiều "đẻ" từ thân và món quà thượng hạng - Ảnh 20.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem