NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 1.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 2.

Ở thời điểm này không thể phủ nhận độ nóng từ cái tên Thanh Quý qua những vai bà mẹ "gây bão" trong các bộ phim truyền hình ăn khách. Chị có chọn kịch bản không?

- Gớm, như tôi tầm này còn bày đặt kén chọn gì nữa. Bây giờ các bạn diễn viên trẻ hot lắm, hút khách lắm, tôi thì chỉ chạy quanh thôi. Có một số người già nhưng người ta hot còn tôi không hot. Tôi… bình thường!

Nhưng nếu trên ge-ne-ric của một phim truyền hình mà chỉ toàn diễn viên trẻ, mới thì chắc chắn sẽ không có sức nặng bằng có thêm các diễn viên tên tuổi như chị?

- Tôi nghĩ cũng phải hợp nhân vật, hợp vai chứ nếu không hợp thì có muốn xin đóng cũng chẳng được. Tôi cũng không đặt nặng chuyện mình sẽ đóng vai chính hay phụ. Mà xét cho cùng, giờ thì còn nghĩ nặng nghĩ nhẹ gì nữa, đi làm cho người khỏe khoắn, cho đầu óc hoạt động.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 3.

40 năm trước, lớp diễn viên khóa II trường Điện ảnh Việt Nam các chị đã có những năm tháng làm nghề để đời bởi lúc này điện ảnh Việt Nam đang ở thời điểm sung sức với nhiều bộ phim gây được tiếng vang. Bản thân chị gần như "chết" tên với Chuyện tình trong ngõ hẹp, Người đàn bà bị săn đuổi… Chị có hài lòng với thời hoàng kim đó?

- Tôi nghĩ rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là mỗi bộ phim xong rồi bao giờ chả có điều nuối tiếc - làm sao mà mình thấy hoàn hảo được. Với tôi, nghệ thuật - nếu không còn làm do yếu mệt thì không nói làm gì, nhưng nếu đã và vẫn đang còn làm việc thì mọi thứ vẫn đang ở phía trước, không thể khẳng định được gì. Nên chẳng thể nói đó là hoàng kim hay gì đâu. Tôi nói thế không phải là khiêm tốn mà tôi nhìn nhận mọi việc đã qua là qua, là xong. Cũng chẳng bao giờ tôi nghĩ là mình sẽ nhìn lại ngày xưa để mà so sánh với bây giờ. Với tôi, nghệ thuật luôn ở phía trước, luôn là con đường mình đang đi tới, còn mọi thứ đã qua, mình không bao giờ dám nghĩ là chuẩn. Kể cả những thứ mọi người đánh giá là chuẩn chỉnh đi chăng nữa thì cá nhân tôi cũng không nghĩ thế.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 4.

Những nhân vật đó – Sinh trong Chuyện tình trong ngõ hẹp, Gái trong Người đàn bà bị săn đuổi - gần như đo ni đóng giày cho chị, khi đọc kịch bản cảm giác của chị thế nào? Đạo diễn có nói vì sao họ mời chị vào vai đó không?

- Có người hỏi tôi - nhân vật nào tạo nên tên tuổi chị? Tôi bảo, khổ quá, người ta có nhưng tôi không có, tôi đã có gì đâu. Ngày xưa phim là của hãng, đạo diễn thấy diễn viên hợp vai thì họ mời thôi, nghề này không hợp cũng chả ai dám mời.

Tôi cũng chưa bao giờ hỏi đạo diễn vì sao giao cho tôi vai này, vai kia trong phim này, phim nọ. Chỉ đơn thuần nếu thấy công việc riêng không ảnh hưởng hoặc do mình thích thì đi, cũng có lúc do việc riêng ảnh hưởng thì thôi chẳng đi được. Có nhiều vai rất hay, thèm đóng từ thời trẻ nhưng đến lúc người ta mời thì mình lại trót nhận một phim khác, đành tặc lưỡi, dù trong lòng rất tiếc. Suy cho cùng, mọi chuyện vẫn là do một chữ duyên.

Chị thường chuẩn bị như thế nào mỗi khi đóng một vai mới trong phim mới?

- Xưa như nào bây giờ tôi vẫn thế, mỗi lần nhận vai diễn vẫn phải đọc kỹ kịch bản, hiểu hồn cốt nhân vật, tinh thần của nhân vật để nắm được vai. Có những cái trong cuộc sống mình thấy gần gũi với nhân vật thì áp dụng vào. Về cơ bản là như vậy, còn tôi khi diễn cần đến sự thăng hoa. Nếu mình thích và có kiến thức sẽ có sự thăng hoa, còn không có kiến thức sẽ bị chông chênh. Mỗi người đến với nhân vật, tiếp cận nhân vật theo một cách còn tôi đi theo kiểu đó. Ngoài việc tưởng tượng ra nhân vật, đến trường quay còn có sự trợ giúp của đạo diễn. Cái gì chưa được đạo diễn sẽ có cách nhìn nhận tinh tế, uốn nắn mình theo kịch bản, theo hướng mà họ mong muốn. Tôi nghĩ, diễn viên lúc nào cũng trong tình trạng giống như cục bột, phải là nguyên liệu, cục bột đầu tiên để cho người ta nặn thành hình vuông, hình tam giác, hình tròn… tóm lại theo hình thù này nọ. Tất nhiên, nếu không nắm vững được nhân vật, mình sẽ bị thụ động. Còn nếu có được sự hiểu biết, có kinh nghiêm làm việc thì sẽ là sự cộng tác, thăng hoa giữa đạo diễn và diễn viên, giống kiểu người tung kẻ hứng vậy.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 5.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 6.

Chị có cho rằng một diễn viên cần trải nghiệm hoàn cảnh nhân vật thì sẽ thăng hoa hơn?

- Theo tôi, tính nghề nghiệp nếu chuẩn chỉnh thì việc mình có trải qua hay không cũng không thành vấn đề. Không có nghĩa là nhân vật này gần gũi với tôi ngoài đời thì tôi đóng sẽ hay hơn đâu. Nếu mình chủ quan quá, đem cuộc sống của mình vào, nghĩ như cái mình từng bị, đã gặp đôi lúc chưa chắc đã đáp ứng được vai diễn, mà ở đây là sự phân thân, sự điều chỉnh của diễn viên với vai diễn, như thế mới quan trọng. Đơn cử đóng cảnh say rượu, khi anh đóng giỏi, người ta thấy rõ đó là say rượu nhưng nếu anh uống say đóng thì anh diễn người xem sẽ thấy rất giả. Vì nghệ thuật là sự chọn lọc chứ có phải cứ bê cái tự nhiên vào là được đâu. Tôi nói thế này sẽ có người cười bảo ôi giời toàn cái sơ đẳng nhưng tóm lại, người diễn phải biết căn ke.

Từ điện ảnh đến truyền hình, từ những cô thanh niên xung phong cá tính đến những người bà người mẹ hết mực yêu con thương cháu… Nhân vật nào gần với con người chị nhất?

- Đã là con người thì đều có nhiều cung bậc tình cảm cảm xúc. Hạnh phúc, đau đớn, vui, buồn ai chả có, chỉ là có nhiều hay có ít. Diễn viên cũng là người, cũng sống cuộc sống con người bình thường nên có gì khác đâu. Có lúc tôi cảm thấy nhân vật này có gì đó giống mình nhưng nói chung là không được phép mang cá nhân vào vì nhân vật là nhân vật, có lý lịch hoàn cảnh xuất xứ khác, còn mình là mình.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 7.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 8.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 9.

Hồi nãy chị có nhắc đến tựa bài báo nói "hai lần vẫn cô đơn" ca chị ở thời điểm hiện tại với vẻ không hài lòng lắm và chị cũng "rào" trước là cuộc trò chuyện hôm nay sẽ tránh nói về đời tư. Vì sao lại có sự kiên quyết này?

- Tôi vốn là người không thích kể lể về cuộc sống cá nhân vì đó là sự riêng tư của mỗi người. Tôi rất ghét cảm giác bị người khác thương hại. Nhưng nhiều khi cũng có thể các bạn biết rồi nên quan tâm và hỏi tôi cảm giác khi nhìn lại những chuyện đã qua.Thôi thì… lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Mình nhận thế cho xong. Mà nói chung cũng nên nghĩ thế cho nhẹ người và tôi mong các bạn nhà báo cũng tránh viết về chuyện đó, trừ phi tôi nói ra, hoặc chính tôi kể. Cũng có thể do mọi người quan tâm muốn biết và báo chí muốn làm cầu nối thông tin cho độc giả, nhưng có phải cái gì mình cũng nói ra được hết đâu. Mình không thể làm hại, làm tổn thương người khác, tổn thương chính mình được. Thế nên thôi, tốt nhất là tránh đi.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 10.

Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính. Lỗi tại tôi!.

Chị không thích kể đời tư, thế nói về đời thường được không? Cuộc sống hàng ngày của chị khi không đi làm phim như thế nào?

- Tôi hiện sống cùng con gái và cháu ngoại. Nhà không có người giúp việc vì tôi thấy mình vẫn có thể đảm đương được, mà cũng không có gì nặng nhọc, chỉ đặt nồi cơm, quét nhà. Ngày thường là thế, Tết nhất cũng đơn giản. Nhà tôi ở trên Bưởi, Tết cứ lên trên đó ăn mỗi nhà một bữa là hết Tết. Mà giờ có ăn được đâu, nào là mỡ máu, tiểu đường đủ thứ, ăn vào còn mệt.

 Chuyện gì trong cuộc sống mà chị không muốn làm lại?

- Chửa đẻ. Tôi sợ gần chết, với những gì đã trải qua, tôi chỉ có thể nói được rằng chỉ là chưa chết thôi còn chuyện gì cũng gặp hết rồi. Giờ nghĩ lại tôi vẫn hoảng loạn, không thể tả được sự kinh khủng. Còn nhớ câu: Buồn ngủ đến đắng cả mắt thì đến lúc mình có con mình mới biết thế nào là đắng cả mắt, và mới hiểu tại sao dùng từ đắng mới chính xác. Rõ ràng là mắt nó đắng thật chứ không phải cay mắt. Lúc đó, tôi chỉ ước có một đêm ngủ từ tối cho đến sáng hôm sau một cách trọn vẹn. Đấy, cái ước mơ nó đơn giản thế mà không được. Sinh con xong, tôi có rất ít sữa mà con lại không chịu uống sữa ngoài. Lúc ấy, tôi gày, xơ xác lắm, tóc tai dựng ngược hết cả lên. Con thì cứ nhay vú mà tôi còn bị nứt cổ gà, cảm giác như có ai lấy cái cật nứa xuyên thẳng từ ngực xuống ruột của mình. Tôi đau quá, nước mắt chảy như suối, mà cứ phải cố cắn răng chịu đựng. Đấy là sau sinh, còn lúc bầu bí thì trời ơi, gần 3 tháng không ăn được gì, chỉ cần ngửi thấy mùi phở, mùi nấu cơm là tôi nôn thốc nôn tháo. Bữa nào cũng nhắm mắt, nhắm mũi vét tí cơm nguội cho vào mồm để mà có sức.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 11.

Trước ngày sinh, tôi ngồi trên gác mà tay cứ tóm chặt lấy song cửa sổ để khỏi phải nhảy xuống, thực sự khi đó tôi chỉ muốn nhảy xuống. Sau này mới biết là mình bị stress chứ hồi đấy làm gì có thông tin. Nhưng chính vì không biết nên mới thoát, không biết nên đành phải cố mà tôi cũng chẳng bảo ai, không kêu ca gì thành ra không ai biết, cứ một mình chịu đựng. May mà tự vượt qua được chứ từ lúc chửa đến lúc sinh con xong, đối với tôi là quãng thời gian kinh khủng khiếp, khiến tôi bị ám ảnh đến tận giờ.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 12.

Tôi không chắc chắn nhưng có thể do di chứng từ sau lần bị tai nạn ô tô. Hồi tôi 18 tuổi đi dự LHP Việt Nam ở Vũng Tàu, xe ô tô chở tôi và mọi người gặp tai nạn lăn xuống đèo khu vực gần bãi giữa. Tôi bị gẫy 2 cái xương sườn, cột sống vẹo hẳn đi, bác sĩ bảo may là không bị liệt, vì chỉ xuống thấp chút nữa thôi là đứt dây tủy sống liệt hoàn toàn phần dưới. Bác sĩ cũng cảnh báo sau này sinh con sẽ khó và khi có tuổi sẽ bị đau người mỗi khi trái gió trở trời. Chửa đẻ thì như thế, tôi nếm đủ mùi rồi, giờ chỉ còn chờ già xem thế nào. (cười)

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 13.

Gia đình chị có ai làm nghệ thuật không?

- Nhà có 8 anh chị em nhưng chỉ mình tôi theo đuổi nghệ thuật mặc dù cả nhà cũng có máu văn nghệ. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, mấy chị em trong nhà cứ như đàn chim ngày nào cũng hát líu lo với nhau. Hai bà chị trên tôi rất xinh, lại hát hay, múa giỏi. Bà chị lớn múa giỏi lắm, nếu theo nghề chắc chị ấy cũng là một người giỏi, nhưng mợ tôi không cho đi vì muốn con gái lớn ở nhà bế em, thứ nữa là tư tưởng các cụ ngày xưa, cứ nghĩ "xướng ca vô loài" nên cấm tiệt. Đến lượt tôi, lúc này nhà đông con quá bà nuôi không xuể, nên khi nghe con bảo đi học làm diễn viên được nhà nước nuôi, không mất tiền ăn, bà cho đi luôn.

Trong rủi có may, tức là chị đến với nghệ thuật ban đầu chỉ đơn thuần là để giải quyết vấn đề cơm áo gạo tin?

- Đúng vậy! Lý do rất đơn giản! Nói thật, bây giờ tôi vẫn nhớ cảnh mợ tôi đạp xe lên dốc, mà ngày trước cái dốc ở Đường Thành cao lắm. Cụ mắm môi mắm lợi bò ra xe, gân guốc nổi hết cả lên. Nuôi 8 đứa con, lắm hôm chẳng có tiền, dắt xe trốn đi làm, bà chị lớn chạy theo gọi bảo đưa tiền mua rau. Mợ tôi lại thần mặt ra, vạch hết túi nọ túi kia vét mãi mới được dăm ba xu lẻ… Ngày xưa cả nước cùng đói, có riêng gì nhà ai. Ấy thế mà các cụ đẻ rất giỏi, đứa lớn bế đứa bé rồng rắn cõng nhau lớn lên. Tôi theo thứ tự là số 5 trong nhà, cũng ẵm em vẹo cả cột sống. Có hôm mình đang chơi nhảy dây mà nó cứ khóc, tức quá phệt cho một trận, xong lại thương.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 14.

Những "trải nghiệm"đó đã giúp được gì cho chị khi hóa thân thành những vai người bà, người mẹ thương con cháu hết mực trong hầu hết các phim truyền hình chị tham gia?

- Tôi không thể nói cụ thể nhưng đúng là với tôi, được chăm con, chăm cháu là hạnh phúc. Cháu ngoại tôi năm nay 13 tuổi. Trời thương cho tôi đứa cháu đúng vào thời điểm tôi cảm thấy chán mọi thứ, thế là tự nhiên lại có thời gian chuyên tâm với công việc ẵm bồng. Mấy năm đó quả thực tôi thấy rất sung sướng, cảm giác đó chính quãng thời gian hạnh phúc nhất của mình, giống như người vừa ốm dậy được uống liều thuốc bổ khiến cho cả tinh thần lẫn thể xác được phục hồi, khỏe khoắn trở lại… Nhưng giờ nó lớn rồi, muốn gần nó cũng chả được. Nhiều lúc tôi nghĩ cuộc đời mình cũng lắm khổ cực, có điều chẳng bao giờ mình kêu, than vãn, thế rồi mọi thứ cũng qua đi. Cho đến giờ tôi thấy rất thoải mái, kể cả đi làm phim, thích thì tôi đi, không thích thì ở nhà. Tự do, không ràng buộc.

Và không buồn?

- Không! Tôi làm gì có thời gian mà buồn. Tôi nhận thấy khi mình càng có tuổi lại càng hay nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến quá khứ, nghĩ đến kỷ niệm, nghĩ đến những điều tốt đẹp, nghĩ đến những điều may mắn tốt lành mà ông trời mang đến cho mình. Còn những cái không ra gì, nó tự bay đi hết. Nói thật, con người ta nếu không thế làm sao mà sống nổi. Nhiều lúc tôi nghĩ chính ra ông giời ông ấy thương mình đấy chứ, những gì dở tệ đều đã được ông ấy lọc bỏ cho mình.

Sống chung nhà, nhưng tôi hiểu, con cháu có cuộc sống riêng của chúng nó: công việc rồi học hành. Tôi có cuộc sống riêng của tôi. Đúng là tôi sống một mình đấy, nhưng tôi thấy… không vấn đề. Nói ra thì không ai tin chứ ngày trẻ tôi cũng đã thích ở một mình, còn bây giờ tôi nghĩ mọi cái chỉ là ngoại cảnh, mọi cái chỉ mang tính tạm thời, tĩnh tâm hay không nó ở tròng lòng mình. Lòng mình mà không làm được thì ngoại cảnh buồn vui cũng chẳng thể tác động gì và cũng không có tác dụng gì.

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 15.

Khi nghĩ về quá khứ, chị hay nghĩ về ai và điều gì nhất?

- Cậu mợ tôi. Ngày xưa các cụ đi làm ở Hợp tác xã giấy, làm gì có lương hưu, đến lúc có tuổi rồi vẫn còn phải kiếm sống. Mợ tôi mất khi bà 84 tuổi còn cậu tôi đi sớm, mới ngoài 60. Cả đời ông khổ, thèm cốc rượu với lạc rang cũng chả có, đến khi con cái làm ăn được thì lại đi sớm, coi như ông khổ cả đời.

Hồi tôi sang Trung Quốc, có đến một ngôi chùa được mọi người đồn là bảo chùa này thiêng lắm, tôi bèn khấn: Con xin trời phật cho con biết bố con ở dưới kia có được yên lành không? Thế mà đêm hôm đó, tôi mơ thấy cậu tôi về thật. Tỉnh dậy, tôi khóc, thấy đời mình dẫu khổ cũng chưa thấm vào đâu, cũng còn may chán khi vẫn còn sức khỏe, vẫn làm việc được dù hiện đang uống đủ thứ thuốc. Thôi thế cũng coi như mãn nguyện, nhiều khi nghĩ giời có thương mình gọi mình đi bây giờ thì cũng không sao, coi như là ngủ giấc dài, mà lại được gặp cậu, mợ mình!

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

NSƯT Thanh Quý: "Tôi không cầu kỳ được, tính tôi hơi đàn ông, kém nữ tính"  - Ảnh 16.

 

Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem