Dân Việt

Quan chức dùng bằng giả

Quốc Phong 13/11/2020 07:15 GMT+7
Quan chức dùng bằng cấp giả mà chỉ xử lý hành chính thì tất nhiên xã hội đi xuống. Lẽ ra chúng ta phải coi việc sử dụng bằng giả là hành vi gián tiếp phá hoại chế độ, phá hoại hệ thống chính trị theo kiểu "con mọt" gặm nhấm dần cả xã hội.

Tại phiên chất vấn chiều 9/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trả lời một Đại biểu Quốc hội trước tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng và tình trạng giả mạo các trang website quảng bá các dịch vụ làm giấy tờ, chứng chỉ giả và tại sao nó vẫn diễn ra công khai. Rất nhiều người trong chúng ta cũng từng đặt nghi vấn tại sao hành vi này lại có thể ngang nhiên tồn tại trong xã hội đến như thế? 

Theo Bộ trưởng Công an, những loại đối tượng này gồm 2 nhóm: Nhóm làm giấy tờ giả để  lừa đảo và nhóm làm giấy tờ, chứng chỉ giả phục vụ cho tuyển dụng, đánh giá cán bộ. "Ngay trong đội ngũ cán bộ nhiều người sử dụng giấy tờ giả", Đại tướng Tô Lâm cho biết. Như vậy, trong hệ thống chính trị của chúng ta, đã  khi nào có một cuộc tổng rà soát hồ sơ công chức, viên chức nhà nước và đánh giá ra sao xung quanh vấn đề này một cách nghiêm túc chưa? Khoa học công nghệ ngày nay không lẽ không hỗ trợ được gì xung quanh việc ngăn chặn hiện tượng nói trên?  

Tại sao bọn tội phạm lại dám sản xuất rồi rao bán trắng trợn trên mạng mà không sợ sệt dù thừa biết, nhiều kẻ làm như họ đã bị xử lý hình sự? 

Phải chăng bởi họ hiểu rõ hành vi này, rất biết là phi pháp, nhưng lại kiếm bộn tiền, khi bị bắt thì chỉ bị xử nhẹ như bấc? Và phải chăng còn do trong xã hội, một khi còn có cầu thì ắt có cung?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết một sự thật khiến người nghe buộc phải suy nghĩ: "Trước đây, với người sử dụng giấy tờ giả chỉ nặng về xử lý hành chính, ít khi xử lý hình sự, chúng tôi thấy đã đến lúc cần xử lý hình sự"...

Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị và cũng dẫn chứng cụ thể việc dùng giấy phép lái xe giả có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Trong cán bộ công chức cũng nặng nhiều về xử lý hành chính nhưng đã làm về giấy tờ giả cũng phải xử lý hình sự.

Những tưởng việc xử lý như vậy không bàn cãi, nhưng thực tế lại ngược lại. Một khi chỉ xử lý hình sự kẻ làm giấy tờ, con dấu, phôi bằng giả mà không xử lý người mua và dùng nó trục lợi thì tất yếu nghề làm đồ giả còn có đất sống, thậm chí còn là "đất màu mỡ".  Đó phải chăng là lỗ hổng lớn mà pháp luật của ta đang có vấn đề ở khâu thực thi? 

Quan chức dùng bằng giả - Ảnh 2.

HIình ảnh bằng giả từ một trang web nhận làm giấy tờ giả.

Quan chức dùng bằng cấp giả mà chỉ xử lý hành chính thì xã hội đi xuống cũng là phải. Lẽ ra chúng ta phải coi đó là hành vi gián tiếp phá hoại chế độ, phá hoại hệ thống chính trị theo kiểu "con mọt" gặm nhấm dần cả xã hội. Rồi kể cả hành vi gian lận trong thi cử, học giả nhưng bằng thật cũng thế. Vì vậy nên luật pháp cần phải xử lý hình sự cả đối tượng này thì mới hy vọng chấm dứt. 

Đó là chưa kể các loại bằng giả được mua của bọn tội phạm sản xuất có thể gây chết người như bằng lái xe giả, bằng bác sỹ y khoa, dược sĩ giả... thì quả là cực kỳ nguy hại cho xã hội. 

Chỉ xin nêu một ví dụ trong vô vàn ví dụ đã diễn ra. Chúng ta hẳn còn nhớ, hồi tháng 7/2020 mới đây, một phi vụ sản xuất và tiêu thụ giấy tờ giả khá quy mô  tại TP Hồ Chí Minh đã bị các lực lượng chức năng đánh sập. 

Theo đó, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an đã triệt phá ổ nhóm làm giả hàng nghìn con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng còn làm giả cả các chứng chỉ hành nghề luật sư, bằng đại học y dược, giấy tờ nhà đất, hộ khẩu, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, các loại bảng điểm…

Theo Cục A05, qua công tác nắm tình hình, đơn vị phát hiện một số đối tượng có hành vi làm giả số lượng lớn con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức trên địa bàn TP.HCM nên đã xác lập chuyên án đấu tranh rất công phu.

Để thực hiện hành vi này, từ năm 2017, bọn chúng đã tự mình mua máy móc, thiết bị để phục vụ việc chế tạo con dấu, phôi bằng giả rồi tự chế tạo, in phôi bằng, giả mạo chữ ký, trực tiếp đóng dấu vào các loại giấy tờ giả.

Chính kẻ chủ mưu thừa nhận từng làm giả khoảng hơn 1.500  bộ giấy tờ, tài liệu của nhiều cơ sở giáo dục. Mỗi văn bằng, chứng chỉ giả, chúng bán cho các đối tượng trung gian với giá từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng, các đối tượng này sau đó sẽ bán cho khách hàng với giá từ 2 đến 6 triệu đồng...

Rõ ràng, một khi có "cầu " lớn  thì "cung"mới ngang nhiên hoạt động như thế!

Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi làm giả tài liệu, con dấu cơ quan tổ chức và hành vi sử dụng tài liệu con dấu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật đều có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 341 Bộ Luật Hình sự năm 2015 mà mức hình phạt cao nhất có thể tới 7 năm tù.

Tuy nhiên, người mua và dùng văn bằng, giấy tờ giả thì hầu như chỉ bị phạt hành chính, hoặc nếu là người của nhà nước thì chỉ bị kỷ luật hành chính, cùng lắm là cách chức. Đó chính là điều khiến người vi phạm không biết sợ và làm liều. Cái gọi là liều ấy bên cạnh nó là cả một núi quyền lợi, bổng Lộc nếu được thăng tiến...

Giá như luật pháp nghiêm minh hơn, coi tất cả những ai dùng giấy tờ giả để phục vụ cho mục đích cá nhân, thăng quan tiến chức hoặc trục lợi khác đều phải bị nghiêm trị như kẻ phạm tội phá hoại an ninh, trật tự xã hội, gián tiếp phá hoại chế độ thì mới đúng.

Nếu xử lý theo hướng này thì tôi tin rằng bọn tội phạm sẽ không còn đất sống. 

Ai đời một cán bộ lãnh đạo cấp sở tại Nam Trung Bộ hồi nào báo chí đưa đã dùng bằng Trung học phổ thông giả để học lên đại học rồi tiếp tục thăng tiến. Thế nhưng khi phát hiện ra, người này chỉ bị cảnh cáo. Tôi cứ thắc mắc rằng, sai phạm đến như vậy mà tại sao tư cách đảng viên của anh ta vẫn còn thì có khác nào khuyến khích họ làm bậy, bởi không phải lúc nào họ cũng bị phát giác. 

Đảng ta không thể mạnh lên nếu trong bộ máy Đảng và chính quyền vẫn còn những cán bộ kém tư cách và hành vi như thế.

Một cán bộ lãnh đạo, một công chức nhà nước  mà đến bằng cấp cũng là giả (hoặc bằng thật nhưng học giả) thì xã hội rồi sẽ ra sao? Người dân lương thiện sẽ không thể tin ở họ, dựa vào họ để bảo vệ công lý.