Lời chào người lính

Phạm Ngọc Tiến Thứ hai, ngày 26/10/2020 19:29 PM (GMT+7)
Là một nhà văn từng khoác áo lính, tôi đã sống gần trọn vẹn cuộc đời, chứng kiến nhiều cái chết của đồng đội, người thân, nhưng những cái chết của những liệt sĩ trong đợt chống lũ này gây cho tôi những cảm xúc mãnh liệt và đau đớn ám ảnh tận cùng.
Bình luận 0

Sau đợt tham gia chống lũ miền Trung, trong đó có hoạt động đại diện cho Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao thăm viếng tặng quà hỗ trợ cho gia đình thân nhân 18 liệt sĩ ở địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, tôi trở về Hà Nội đắm mình trong giấc ngủ miên mải mười mấy tiếng đồng hồ. Một giấc ngủ đầy mộng mị xoay trở.

Những ám ảnh có lẽ còn đọng lại mãi mãi trong tâm hồn tôi, một người lính tham gia những năm tháng cuối cùng cuộc chiến tranh kết thúc ở thời khắc 1975.

Mỗi liệt sĩ có gia đình ở những hoàn cảnh khác nhau.  Một người lính trẻ sinh năm 2000, mới 20 tuổi đời và chưa tròn tuổi quân, là con út trong một gia đình 5 chị em. Cha mất, mẹ ốm. Hình ảnh người mẹ cùng hai người chị nằm bất tỉnh truyền nước trên giường vì sốc trước mất mát quá lớn khiến tôi bàng hoàng. Ngôi nhà nghèo khó vừa trải qua trận lụt ngập đến lưng nhà còn vương dấu vết lam lũ nhọc nhằn. Tôi thắp hương trước di ảnh liệt sĩ mà người run bần bật. Niềm hy vọng lớn nhất của cả nhà nông dân nghèo khó giờ ở trên ban thờ. Đôi mắt trẻ trung, trong trẻo, thơ ngây của anh nhìn tôi như muốn hỏi: Anh ơi, sao em lại chết, gia đình cần em? Tôi cất từng bước chân nặng nhọc rời khỏi ngôi nhà. Tôi biết hỏi ai?

Lời chào người lính - Ảnh 1.

Em bé còn quá nhỏ để biết bố mình đã hy sinh khi đương đầu với bão lũ. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Ở Hà Tĩnh sau gần hai trăm cây số vòng vèo giữa nguyên quán và trú quán chúng tôi cũng tìm được đến địa chỉ cần tìm. Lễ truy điệu liệt sĩ đang được trang trọng cử hành. Người cha già khi vừa nghe tôi nói lời chia buồn đã vùng chạy vào buồng. Mãi sau ông mới hồi tỉnh để nhận phần hỗ trợ của Quỹ. Người cha run rẩy trong nước mắt chan hòa. Tôi biết ông đang nghĩ gì. Trước ban thờ là hai đứa con trai liệt sĩ trong độ tuổi tiểu học chít khăn trắng để tang cha, sụp nón lá để không phải nhìn ai. Tôi biết chúng đau đớn tận cùng dù đang ở tuổi con trẻ. Mất cha nỗi đau đớn nhường nào.

Trong lễ an táng tại một nghĩa trang liệt sĩ khác, tôi chứng kiến đứa con trai liệt sĩ khoảng đầy năm chít khăn trắng được một quân nhân bồng trên vai và một phụ nữ cầm bình sữa cho cháu bú. Không thể có hình ảnh nào tang thương hơn hình ảnh ấy khiến tâm can chúng ta quẫy đạp.  

Một người vợ liệt sĩ mới 28 tuổi ở Nghệ An nghề nghiệp không ổn định có hai đứa con nhỏ. Tôi bảo những người cùng đoàn hãy giúp em một công việc tốt hơn. Người cha cảm ơn nói cháu đã được Quân đội hứa nhận vào đơn vị. 28 tuổi, em còn quá trẻ. Vẫn những lời động viên khuôn cứng mà sao lòng đau thắt ruột.

Lại một nữ bác sĩ trẻ cứ ngơ ngác như sự thật người chồng thân yêu của mình chưa phải đã ra đi. Đây là vợ liệt sĩ duy nhất trong các liệt sĩ chưa sinh con. Tự nhiên lúc ấy tôi ước ao giá như em kịp có một đứa con với liệt sĩ, hẳn đoạn đời còn lại của em sẽ có nhiều hơn những gì đã có.

Một người mẹ liệt sĩ níu tôi lại khi chia tay: "Anh ơi cháu nó chỉ còn vài tháng nữa là ra quân. Một tuần trước khi mất cháu gửi về cho mẹ con chó con. Cháu gửi gắm tôi đấy. Con chó đẹp lắm, ngoan lắm, những ngày này nó cứ quanh quẩn bên tôi. Tôi biết cháu muốn an ủi tôi. Tôi thương con tôi quá anh ơi….". Rồi bà âu yếm gọi con chó. Tôi vội vã chào bà. Làm sao tôi đủ can đảm để nhìn thấy con vật mà con trai bà đã ký thác gửi gắm an ủi mẹ trước khi từ giã cuộc đời.   

Cũng một người mẹ liệt sĩ khác kể trong thổn thức. Con trai liệt sĩ đang học trung học ngủ mơ thấy bóng đè, tức ngực không thể ngủ được đầy bồn chồn lo lắng. Chính đêm ấy lũ cuốn sập nhà, người cha liệt sĩ ra đi. Giọng bà tấm tức: "Anh ơi, cha nó báo mộng đấy. Cha nó nhắn gửi với con, có phải thế không anh?". Tôi biết có một thế giới tâm linh đầy bí ẩn nhưng cất trong lòng mình những hiện hữu gắn kết con người. Đó chính là sợi dây gắn kết bằng tình yêu thương. 

Có một thế giới tâm linh ấy. Trong trường hợp này là những mách bảo của liệt sĩ. Đoàn của Quỹ chuẩn bị gấp gáp để lên đường. Sự chuẩn bị khó khăn để tập hợp danh sách liệt sĩ theo nhiều nguồn nên chưa thể thống kê hết các trường hợp hy sinh. Khi đi qua địa bàn một huyện ở Nghệ An tìm địa chỉ gia đình một liệt sĩ, chúng tôi gặp một đám tang lớn. Đám tang cả ngàn người. Cờ giăng, lực lượng cảnh sát, quân đội túc trực đám tang. Tôi đinh ninh đây là địa chỉ chúng tôi cần tìm. Khi xuống mới phát hiện không phải. Đây là một trường hợp chưa có trong danh sách. Gấp gáp vội vã tôi điện báo ông Trần Đăng Tuấn rồi huy động tiền bạc của những người trên xe đủ cho suất hỗ trợ và kịp chia tay liệt sĩ. Giải thích làm sao nếu chúng tôi đi sớm hoặc chậm hơn thời khắc ấy, hoặc đi bằng đường khác. Tất nhiên Quỹ vẫn có trách nhiệm về sau, nhưng tôi nghĩ liệt sĩ đã mách bảo, dẫn dắt chúng tôi kịp có mặt ở thời khắc thiêng liêng chia tay giữa hai thế giới.

Một người thương binh già cùng chiến trường B2 với tôi dạo chiến tranh, mất một chân, chống nạng, sức khỏe chỉ còn 17%, là chú ruột liệt sĩ. Ông ngồi sát anh trai mình tiếp đoàn. Khi chúng tôi vào thắp hương liệt sĩ, ông khó nhọc chống nạng cố đến được bên ban thờ cháu mình. Chia tay tôi không thể thốt thành lời trước những bộc bạch cắt xé của ông, chỉ ôm xiết người lính già và vùng đi như chạy khỏi ngôi nhà để cố giấu những giọt nước mắt không gì kìm giữ được.

Lời chào người lính - Ảnh 3.

Lời chào từ người lính dành cho người lính. Ảnh: Tác giả cung cấp.

18 cuộc đời người lính đã từ giã thế giới này. 18 gia đình ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang tang tóc chịu nỗi đau mất mát người thân. Tôi chỉ kể ở đây những trường hợp tôi trực tiếp tham dự thăm viếng. Nghệ An, Hà Tĩnh làm rất tốt tang lễ cho những người lính hy sinh. Tang lễ được làm ở gia đình, ở hội trường ủy ban xã, ở nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang quê hương, trang trọng và thiêng liêng. Mỗi một địa chỉ tổ chức đều cắm cờ đỏ sao vàng tiễn biệt và như để chỉ dẫn người viếng. Rất đông người dân cũng như đoàn thể chính quyền đã đến tiễn biệt. Xin được cảm ơn.

Đặc biệt cảm ơn tới những tấm lòng đồng bào đã chia sẻ tấm tình để Quỹ Trò Nghèo Vùng Cao có thể thực hiện thăm viếng tang lễ các liệt sĩ và hỗ trợ cho gia đình thân nhân liệt sĩ.

Là một nhà văn từng khoác áo lính, tôi đã sống gần trọn vẹn cuộc đời, chứng kiến nhiều cái chết đồng đội, người thân nhưng những cái chết của những liệt sĩ trong đợt chống lũ này gây cho tôi những cảm xúc mãnh liệt và đau đớn ám ảnh tận cùng. Tôi không đủ bút lực, tâm tư, tình cảm để ghi lại hết thảy. Chỉ lược ghi vài cảm xúc về giờ phút chia tay. Những người lính chết trong chiến tranh để có hòa bình, vì hòa bình, cho hòa bình. Còn những người lính chết trong hòa bình vì cuộc sống người dân, vì đất nước. Tựu trung cả hai trường hợp, tôi nghĩ họ đều là những người anh hùng. Trân quý và ghi công các liệt sĩ.

Trước ban thờ có di ảnh hay linh cữu liệt sĩ khi kết thúc thăm viếng bao giờ tôi cũng rập chân giơ tay chào theo đúng điều lệnh. Và tôi thầm thì những lời chào chân thành nhất từ đáy tâm hồn, từ đáy con tim tôi. Lời chào của người lính.

Thôi các anh an nghỉ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem