Quốc Phong
Chủ nhật, ngày 18/10/2020 16:14 PM (GMT+7)
Kết quả hành động trên nhiều lĩnh vực của mỗi địa phương sẽ phản ánh khá nhiều về năng lực, tư duy dám nghĩ dám làm của lãnh đạo địa phương đó. Phải khách quan, công tâm để tránh tư tưởng cục bộ, người thân, lợi ích nhóm khi chọn người.
Gần đây, công tác tìm chọn người lãnh đạo giỏi ở cơ sở rồi đưa về Trung ương đã cho thấy cách làm khá đổi mới và tương đối bài bản. Người được" nhắm "vào diện quy hoạch chiến lược là phải qua các "lớp nguồn", được luân chuyển xuống cơ sở để có thực tiễn. Gần đây, tôi đã viết về một thứ bệnh cần tránh trước Đại hội, đó là bệnh né tránh, muốn tròn trịa, không đụng chạm theo lối "đi nhẹ, nói khẽ, cười tươi" để lấy phiếu . Trong bài viết này, tôi muốn đề cập đến cách tìm nhân sự để "đãi cát tìm vàng", qua đó có thể tìm được những hiền tài ra gánh vác xây dựng đất nước, tránh tư tưởng cục bộ, người thân ruột thịt, lợi ích nhóm...
Có mấy chỉ số theo tôi là rất có ích khi nhìn nhận, đánh giá bộ máy lãnh đạo địa phương làm tốt hay không tốt. Từ đó có thể hiểu họ đã vượt khó ra sao để từ chỗ vốn là tỉnh yếu kém nhưng sớm vươn lên, từ chỗ đã tốt rồi thì bứt phá quyết liệt để tăng tốc...
Thứ nhất, có thể dựa vào Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là phương pháp mà dự án hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ ( USAID) phối hợp thực hiện từ 15 năm trước. PCI nay đã được xem là "tiếng nói" quan trọng của các doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là một động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh phân cấp từ Trung ương xuống cấp tỉnh tại Việt Nam..
Tiếp đó là chỉ số đo lường và so sánh, trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương (PAPI). Đây là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khởi xướng từ năm 2009, nhằm thúc đẩy xây dựng quản trị hiệu quả và chủ động đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng và bộ máy chính quyền nói chung, có lẽ một trong những điểm cộng là việc những địa phương nào, bộ, ngành nào tinh gọn bộ máy nhanh, gọn, hiệu quả. Điều này cũng nên xem là tiêu chí để nhận xét đơn vị nào làm tốt, chưa tốt...
Từ những tiêu chí nhất định, chúng ta sẽ tìm ra được những địa phương nào nổi trội nhất, làm tốt nhất, kinh tế xã hội tăng trưởng nhiều và nhanh nhất và ngược lại, địa phương nào yếu kém, mất đoàn kết... Từ đó, chúng ta có thể chọn lựa tại những nơi nhiều cán bộ lãnh đạo ưu tú hơn so với các địa phương ì ạch khác.
Tuy nhiên, cần công bằng khi đánh giá năng lực của họ, bởi mỗi địa phương đều có những ưu thế, hạn chế khác nhau mà không thể cào bằng theo số học. Nhiều khi, phải ưu tiên chọn ra những người từng lãnh đạo địa phương rất khó khăn, thiếu thốn đủ điều nhưng họ vẫn làm tốt. Hoặc như họ được luân chuyển về một địa phương đang quá mất đoàn kết nội bộ, thế nhưng họ lại mạnh mẽ vượt lên, quy tụ, đoàn kết được mọi người. Đó phải coi như là những " điểm cộng " khó có thể so bì.
Nhiều khi còn phải đánh giá những vị lãnh đạo đó cao hơn nhiều so với người lãnh đạo được luân chuyển về một địa bàn mà mọi thứ đều thuận lợi, êm ru...
Với cách làm nói trên, người ta sẽ thấy Đảng đã chọn đúng nơi cần chọn. Từ những con người đã kinh qua thử thách, đạt được những thành công nhất định, khi được điều động cất nhắc, họ sẽ có nhiều kinh nghiệm hay để nhân rộng hơn.
Ngược lại, nếu chỉ thuần tuý cơ cấu vùng miền thì nhiều khi sẽ thiệt thòi cho những địa phương có mô hình hoạt động tốt, hiệu quả nhưng lại không có "đất" cho họ dụng võ ở nơi vẫn còn khó khăn, hạn chế, thiếu thốn bộn bề. Chỉ có cách tuyển chọn lãnh đạo theo hướng này, những điển hình lãnh đạo tài giỏi mới sớm được nhân rộng, lan tỏa ...
Tôi được biết trong vài nhiệm kỳ gần đây, cách làm nói trên đã được Đảng ta quan tâm hơn rất nhiều. Những địa phương từng làm tốt và phát triển như Quảng Ninh, Lào Cai, Đà Nẵng (tiếc rằng Đà Nẵng tuy phát triển nhiều mặt hay, tốt nhưng rồi lại cũng bộc lộ những thiếu sót, sai phạm nhất định), như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Bến Tre, Long An...
Đặc biệt nhất có lẽ là Hà Nội - một thành phố vốn quá nhiều lợi thế nhưng lại có nhiều năm trì trệ. Vào những năm đầu khi xếp hạng, họ tỏ ra không bằng lòng với cách làm này mà sâu xa liệu có phải do tự ái !? Giai đoạn đầu, họ thường đứng áp chót của khá hoặc trung bình, thậm chí gần ngay với nhóm yếu kém. Vậy mà sau ít năm gần đây, PCI tăng vọt lên rất nhiều tới mức ngỡ ngàng.
Có địa phương đã vươn lên để đứng trong top 10, top khá của cả nước.
Ngoài yêu cầu về đạo đức, lối sống của người lãnh đạo, tiêu chuẩn để chọn cán bộ tốt và giỏi, nếu không "đãi cát tìm vàng" từ thực tiễn sống động như thế, thì thử hỏi chúng ta còn tìm ở nơi nào có thể tốt hơn nữa đây?
Người dân sẽ không thể ủng hộ mỗi khi đâu đó bổ nhiệm, đề bạt cán bộ lên cao hơn nhưng lại chưa thật xứng đáng. Khi còn ở cơ sở, họ không nổi trội trong công tác, nói nhiều, làm ít, thích hình thức, phô trương dù địa phương do mình lãnh đạo vẫn còn rất nghèo, phải sống dựa và ngân sách từ Trung ương nhưng lại không có sáng kiến tiết kiệm trong chi tiêu....
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng , Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội có viết một ý kiến mà tôi rất tâm đắc rằng: "Với một môi trường thể chế như nhau, với những nguồn lực không có gì khác trước, một số địa phương đã phát triển vượt bậc so với các địa phương khác, một số ngành đã phát triển vượt bậc so với những ngành khác, đó chính là bằng chứng đáng tin cậy nhất về tài năng của những người lãnh đạo. Hãy cân nhắc, lựa chọn các nhà lãnh đạo này".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.