Ông Lê Vinh Danh và Đại học Tôn Đức Thắng: Thu nhập cao có xấu?

Huỳnh Thế Du Thứ tư, ngày 28/10/2020 19:55 PM (GMT+7)
Là người nghiên cứu về động cơ và những nhân tố tác động đến động lực làm việc và cách hành xử của những người làm trong khu vực công, tôi thấy rằng cơ chế tiền lương và phân bổ thu nhập của Đại học Tôn Đức Thắng chính là chìa khoá hay cách thức giải quyết bài toán mà Việt Nam đã đau đầu trong nhiều năm qua.
Bình luận 0

Lương không đủ sống mà ai cũng sống được - điều đó phản ánh thực trạng của Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác. Cái phần khiến một bộ phận người làm trong khu vực công sống được, đó chính là tiêu cực và tham nhũng. Nói thẳng ra đó là sự xấu xa cần loại bỏ. Chúng đã và đang làm băng hoại đạo đức xã hội, gây ra tình trạng bất công, giảm sút niềm tin của công chúng.

Chiến dịch chống tham nhũng hiện tại có lẽ đã ngăn chặn được việc Việt Nam có khả năng rơi vào vết xe đổ của một số nước mà tham nhũng làm đẩy lùi sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn phải là đưa những nguồn thu nhập không chính thức trở thành chính thức.  

Con voi lù lù giữa phòng mà ai cũng thấy là thu nhập của không ít những người làm ở các đại học, nhất là những người có vị trí lớn hơn rất nhiều tiền lương chính thức của họ (có thể còn cao hơn đáng kể mức thu nhập được công bố của ông Lê Vinh Danh - nguyên Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng). Có ai đảm bảo đó là những khoản thu nhập do công sức của những người đó đóng góp cho sự phát triển của nhà trường hay nhờ vị trí của họ? Hơn thế, thường thì những khoản thu nhập như vậy là không đóng đủ thuế thu nhập.

Trái lại, với cách làm của trường Đại học Tôn Đức Thắng, thu nhập của các vị trí tương xứng với công sức của mỗi cá nhân bỏ ra và họ đóng thuế đầy đủ. Họ đã thiết kế ra được cơ chế mà những ai có khả năng là có thể phát huy và sống khỏe bằng chuyên môn và năng lực của mình. Với mức thu nhập dựa vào chuyên môn đủ sống như vậy, giá trị và nhân cách của các thầy cô được đảm bảo hơn vì họ không phải lo "mánh mung".

Ông Lê Vinh Danh và Đại học Tôn Đức Thắng: Thu nhập cao có xấu - Ảnh 2.

Cơ chế lương như ở Đại học Tôn Dức Thắng là điều nên khuyến khích.

Ông Lê Vinh Danh và các đồng sự của mình đã có thể sử dụng hiệu quả các nguồn lực được giao, tận dụng được các cơ hội để biến một trường đại học rất ít được biết đến thành một trường có tên tuổi, với cơ sở vật chất và thực lực có thể cạnh tranh sòng phẳng với những "cây đa cây đề" trong ngành giáo dục Việt Nam và được ưu ái rất nhiều về ngân sách và các nguồn lực khác. 

Trong một cơ chế với vô số bất cập, việc sai sót của những người, những nơi tìm cách thoát ra khỏi cái áo cơ chế chật chội thúc đẩy sự phát triển của xã hội là điều khó tránh khỏi. Hơn thế, không mô hình nào có thể thỏa mãn tất cả mọi người. Do vậy, việc có tiếng ra, tiếng vào cũng là chuyện sẽ xảy ra.

Cách nhìn hợp lý vì sự tiến bộ của xã hội là tổng lợi ích và giá trị mang lại cho xã hội chứ không phải là vạch lá tìm sâu. Do vậy, để thực tâm muốn chống tham nhũng, thúc đẩy sự phát triển của đất nước thì cần phải tìm cách đưa cái cơ chế hết sức tệ lậu đang vận hành ở không ít trường công hiện nay sang cơ chế tương tự như trường Tôn Đức Thắng, và cần phải biểu dương mô hình này chứ không phải tìm cách đánh sập nó.

Là người say sưa với các mô hình thúc đẩy sự phát triển của xã hội, giải quyết những bài toán hóc búa, tôi đã rất kỳ vọng rằng Đại học Tôn Đức Thắng sẽ được tìm hiểu để giải bài toán cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, quả là cám cảnh và thất vọng khi phải thấy điều ngược lại.

Singapore đã hoá rồng dựa vào tài năng như phát biểu của ông Lý Quang Diệu sau đây:

"Chúng tôi không đưa Singapore từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất bằng việc săn lùng những vị bộ trưởng sẵn sàng hy sinh tương lai con cái của mình khi phải gánh vác nhiệm vụ phục vụ công chúng. Chúng tôi có một quá trình rất thực dụng, không đòi hỏi người có năng lực phải từ bỏ quá nhiều từ cộng đồng. Chúng tôi không hạ thấp Singapore thành một quốc gia bình thường khác ở thế giới thứ ba bằng việc né tránh vấn đề trả lương cho các bộ trưởng với mức lương cạnh tranh."

Việt Nam chúng ta thì sao?

Về tác giả: Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam.

Lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy chính: Kinh tế đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính ngân hàng.

Nhận bằng thạc sĩ quản lý công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010; bằng tiến sĩ tại Trường Kiến trúc Harvard năm 2013.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem