Cứu trợ thế nào?

Quốc Phong Thứ hai, ngày 02/11/2020 10:19 AM (GMT+7)
Trong những ngày vừa qua, khúc ruột miền Trung phải oằn mình chống chọi thiên tai quá ư nghiệt ngã. Từ mưa, lũ đến bão, sạt lở liên hồi kỳ trận đổ về tàn phá. Cứu trợ, phải lên được những vùng không mấy đoàn đặt chân đến, đúng nhu cầu bà con, mới thực sự là ý nghĩa.
Bình luận 0

Trong cảnh "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", cả nước đã chung tay góp sức giúp đỡ bà con lâm nạn với biết bao hình ảnh cảm động. Tuy nhiên, đây đó cũng nảy sinh những hiện tượng cần điều chỉnh sớm, để người dân bị lâm nạn ít nhiều đều nhận được cứu trợ, tránh hiện tượng nơi "no dồn", chỗ "đói góp"...

Một vấn đề thường mắc phải mỗi khi tham gia cứu trợ là muốn tìm nơi gần đường giao thông thuận lợi để tránh mang vác nặng rồi trao quà. Nếu người trao ngại trèo đèo lội suối hoặc ngại đi bộ, thậm chí có cả những khó khăn, nguy hiểm để đến nơi cần mình nhất, điều đó thật  đáng tiếc và cũng có thể hiểu được. Đành rằng cũng không nên quá mạo hiểm để rồi gặp chuyện phức tạp vì sa lầy... 

Song, trong thực tế vừa qua, trên mặt báo đâu đó đã xuất hiện những hiện tượng không vui, nhưng cũng cần được kiểm chứng thêm gốc gác nguyên do, và có thật như vậy hay chỉ là "nghe nói". 

Ví dụ như hiện tượng báo chí có chất vấn rằng ở một xã nọ thuộc huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Người dân tuy được trao 500 nghìn đồng/hộ nhưng thực tế lại phải trả lại xã 400 nghìn bởi xóm này ở gần đường đi nên hay được tặng. Trong khi đó, người dân khác trong thôn lại vẫn chưa có ai trao. Vì thế, họ mới nghĩ ra cách "điều tiết". Việc này rất dễ nảy sinh sự hiểu lầm. 

Tiếp đó là hiện tượng ở một địa bàn bị lũ lụt được trao quần áo cũ, họ tuy nhận đấy nhưng mức độ rồi vứt chỏng trơ. Thậm chí bên vệ đường, có những người giả danh khó khăn, tiếp nhận hàng hoá, nhưng họ lấy cho cá nhân mình nhiều hơn cho vùng sâu như hứa hẹn, rồi sau đó quên luôn không chuyển tiếp. Đồ quần áo cũ với nhưng người cả tuần chỉ có một bộ không có gì thay do nhà cửa ngập trong lũ thì quá giá trị, đâu có chuyện vứt đi như có người phát hiện rồi đưa lên mạng xã hội, gây sự bức xúc nào đó. 

Vì lý do nói trên, theo tôi nghĩ, chúng ta rất nên cân nhắc và cố gắng đến được những nơi chưa có bàn chân người, hoạt động cứu trợ sẽ tốt hơn, hiệu quả tích cực hơn. 

Cứu trợ thế nào? - Ảnh 2.

Đoàn cứu trợ của Báo Dân Việt đã đến những nơi thiệt hại do lũ nặng nhất ở huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để trao quà động viên, hỗ trợ người dân. Ảnh: Trọng Hiếu.

Có 2 câu chuyện cũ về hoạt động cứu trợ mà tôi từng tham gia trước đây thật sự đáng nhớ.

Chuyện thứ nhất: Vào khoảng những năm 2004-2005, khi huyện Tân Kỳ, Nghệ An bị lũ  lụt nặng nề, chúng tôi đã phối hợp với Công ty Honda Việt Nam trao tiền cho bà con khi lũ vừa mới rút khỏi vùng núi này, nơi cách Vinh gần trăm km.

Đường xá lúc ấy bùn đất ngập đến hết cả bánh xe. Khiếp nhất có lẽ là khi qua các đập tràn, xe leo dốc vô cùng khó. Xe du lịch hoặc xe gầm cao nếu không kinh nghiệm thì cũng chào thua.

Vì thế nên Uỷ ban huyện phải dùng xe Gaz 69 cũ mèm của Nga nhưng lại cực khỏe, cùng một lái xe có kinh nghiệm đưa đoàn chúng tôi. Xe lội bùn băng băng mà ngồi trên xe cứ ngỡ đang tham dự đua xe địa hình. 

Người lái xe bữa đó khiến tôi hết sức nể phục. Anh đánh vô lăng liên tục xe mới không bị chết máy và không bị ngập sâu trong bùn lầy.

Khi đến nơi, bà con đã chờ cả tiếng đồng hồ khiến chúng tôi rất áy náy, dù bà con đều hiểu đường xá đi lại đang chia cắt khó khăn.

Khi tôi phát biểu thay mặt cho đoàn cứu trợ trước bà con, tôi đã nhanh trí đề nghị mọi người có mặt hãy cho bác tài xế một tràng pháo tay bày tỏ lòng biết ơn. 

Trên đường về lại huyện lỵ, bác tài xế bảo rằng cuộc đời mình, anh đã lái xe vài chục năm, lại lái cả trên đường Trường Sơn và  nay sắp về hưu. Thế nhưng chưa một lần nào anh được chứng kiến cả cái sân Hợp tác xã với vài trăm người vỗ tay ào ào rất trịnh trọng ấy suy tôn mình. 

Chúng tôi bữa đó cũng có thưởng nóng cho anh. Nhưng dù có to mấy cũng không bằng những tràng vỗ tay cảm động và chịu ơn đó - anh tâm sự thật lòng.

Chuyện khác, cũng là việc chọn điểm cứu trợ xa mà đi thì sẽ nhiều ý nghĩa hơn, giá trị hơn.

Vào quãng năm 2010, Lào Cai bị một trận rét đậm rét hại hiếm có. Trâu, bò trên núi cao chết như ngả rạ. Người dân vùng núi cao như huyện Bát Xát thiệt hại rất nhiều. Trẻ em và người già áo mặc không đủ ấm...

Khi Đoàn thanh niên tỉnh Lào Cai bố trí cho chúng tôi đi cùng Bí thư thư tỉnh ủy (khi đó là ông Bùi Quang Vinh) để trao tiền và quà của bạn đọc cho bà con trên xã Y Tý, huyện Bát Xát (cách tỉnh lỵ hàng trăm cây số), chúng tôi rất hồi hộp bởi biết đây là vùng núi rất cao, khó khăn và sương mù đặc quánh dưới chân. 

Đó cũng là nơi mà bản thân tôi cũng chưa một lần được đặt chân đến thăm. Vì lẽ đó nên càng mong mỏi.

Tại vùng cao này, cho dù không một hạt mưa nào cả tháng thì giọt tranh mái nhà của bà con vẫn tong tỏng nước rơi suốt ngày. Nó tích tụ bởi độ ẩm cực cao quanh năm do có sương mù đậm đặc. 

Thật tiếc rằng đúng hôm đó, Bí thư tỉnh ủy Bùi Quang Vinh bị sốt viêm họng nên kế hoạch bị tỉnh bàn nhau rồi bố trí thay đổi . 

Vì lo cho lãnh đạo, các anh chị đã chuyển hướng để đoàn công tác đi thăm một xã khác vẫn thuộc huyện này nhưng chỉ cách thành phố  vài ba chục cây số, lại không phải leo núi cao. 

Lúc ngồi tại phòng làm việc của Bí thư tỉnh ủy , tôi vô tình được nghe cú điện thoại trực tiếp từ Bí thư Bùi Quang Vinh trao đổi với thuộc cấp. 

Người đứng đầu địa phương bữa đó đã "la" cấp dưới của mình mà tôi thấy thật bất ngờ và cảm động.

Ông bảo cấp dưới qua diện thoại rằng, "tuy tôi có sốt thật nhưng vẫn đi tốt, đừng băn khoăn vì tôi. Mình phải lên những nơi xa xôi, khó khăn như vậy thì mới quý và với bản thân tôi cũng sẽ là một dịp kết hợp lên với bà con, nắm thêm tình hình địa phương, chứ đâu dễ mà lên được! Còn xã  mà các đồng chí định thay thế, cách đây vài tháng tôi cũng đã xuống thăm rồi, ta hủy ngay đi. Còn nhiều xã chúng ta đã tới được đâu!"

Thế là đoàn chúng tôi sớm hôm sau đó  vẫn giữ nguyên kế hoạch lên xã Y Tý trao tiền hỗ trợ  các hộ dân mua trâu, trao áo ấm cho người già và trẻ em, tivi tặng Đồn Biên phòng do bạn đọc nhờ chuyển...

Việc tham gia bàn thảo giữa các bộ, ngành để Thủ tướng xem xét, thay thế Nghị định 64 quả là việc cần thiết phải làm sớm. Chỉ từ những thực tiễn đặt ra kiểu như những trận đại hồng thủy và bão lốc xảy ra với đồng bào miền Trung mới đây hay đại dịch Covid -19 hoành hành và đe dọa chúng ta suốt nửa năm qua trên đất nước Việt Nam cũng như thế giới càng cho thấy, chính sách quy định của nhà nước luôn cần được đưa ra xem xét, điều chỉnh sao cho thực tế hơn, giản tiện hơn mà vẫn chặt chẽ, tránh bị lợi dụng.

Chỉ một khi chính sách được làm từ thực tiễn cuộc sống đặt ra và đòi hỏi thì hơi thở của nó mới thực sự lan tỏa và có nghĩa. Thứ nữa, với các đơn vị tham gia cứu trợ, chúng ta nên phối hợp chặt chẽ với địa phương để họ giúp cân đối lại đối tượng cần trợ giúp sao cho chuẩn xác nhất, hài hoà nhất và công bằng nhất.

Bác Hồ của chúng ta lúc sinh thời từng nhắc nhở: "Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng", có lẽ cũng là vậy . 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem