Có lẽ không nhiều người biết là rất nhiều tác phẩm chủ chốt nghiên cứu và bàn luận về Việt Nam hay các vấn đề có quan hệ cốt yếu với nước Việt, kể cả được xem là "gai góc" hay "nhạy cảm" đều đã được dịch ra tiếng Việt và phổ biến ở các mức độ khác nhau.
Trong số sách "khó đọc" này, có không ít bản dịch là do chính các cơ quan Đảng và chính quyền thực hiện. Tôi đã từng rất thích thú đọc các tác phẩm dịch đầu những năm 90, chẳng hạn cuốn "Thất bại lớn", mổ xẻ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, do Viện Thông tin Khoa học Xã hội xuất bản năm 1992.
Sau đó tôi mới biết đến các tủ sách phục vụ lãnh đạo, tủ sách phục vụ nghiên cứu, tài liệu tham khảo đặc biệt. Nếu trước đây những cuốn sách dạng này được dịch để lưu hành nội bộ, thì giờ được xuất bản chính thức bởi những địa chỉ rất tin cậy, như Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, hay một vài cơ quan xuất bản khác.
Việc chủ động dịch thuật những cuốn sách "khó đọc" không chỉ cho thấy thái độ tiếp cận chủ động và tích cực của chính quyền với những sự phát triển mới về nhận thức; các ý kiến phê bình, quan điểm khác biệt thẳng thắn nhưng vạch ra nhiều bài học lịch sử sâu sắc; điều tôi tin là góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và điều chỉnh quan điểm, chính sách của Việt Nam cho từng thời kỳ.
Các khái niệm đóng vai trò nền tảng cho công cuộc cải cách, xây dựng và phát triển đất nước như nhà nước pháp quyền, thị trường, thể chế, nhà nước kiến tạo phát triển, chính phủ mở, chuyển đổi số chắc chắn không thể xuất hiện từ hư không. Nó đã được du nhập qua rất nhiều con đường mà trong đó dịch thuật có vai trò rất quan trọng.
Điều này cho thấy là ở Việt Nam không có gì là quá nhạy cảm đến mức không thể bàn luận hay đề cập được. Chỉ là cách thức, thái độ, và phương pháp đề cập và thảo luận thôi.
Nhưng đáng tiếc là đôi khi thái độ, cách thức tiếp cận chủ động, tích cực ở cấp cao đó lại chưa được lan tỏa. Có thể một phần là do việc truyền thông. Những cuốn sách vốn khó đọc, lại chạm vào những đề tài từng được cho là nhạy cảm, nay được xuất bản chính thức lại không được giới thiệu rộng rãi trong khi rất nhiều người quan tâm.
Có thể thấy, ở các địa phương, cơ quan nào mà cởi mở, ủng hộ cho việc dịch thuật và tiếp thu kiến thức mới, ở đó chúng ta có thể quan sát thấy sự sáng tạo, thành công. Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh…, sự thành công - thể hiện bằng những thước đo như Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công chẳng hạn, gần như là song hành với sự cởi mở về quan điểm.
Nói vậy để thấy, học giới Việt Nam không nằm ngoài cuộc với những thổn thức về số phận của dân tộc và nhân loại. Có thể nói, họ đóng vai trò chủ chốt trong quá trình này bởi lí do dễ hiểu: Chuyên môn sâu và kỹ năng ngoại ngữ.
Thiếu một trong hai yếu tố này đều không thể có được một bản dịch thành công. Và hai yếu tố này cũng thường xuất hiện trong học giới.
Một điều may mắn nữa là kinh tế phát triển cộng với giao lưu quốc tế rộng mở cũng giúp cho việc tiếp cận và triển khai dịch thuật các tác phẩm kinh điển thuận lợi hơn. Tôi vẫn nhớ khi còn học cử nhân cách đây gần 20 năm. Việc tìm được một quyển sách dịch hay là rất hiếm hoi. Còn bây giờ, có nhiều tác phẩm kinh điển mới xuất bản trên thế giới tầm một đến hai năm là đã có bản dịch ở Việt Nam.
Ví dụ như hai tác phẩm kinh điển có liên hệ ít nhiều tới Việt Nam từ góc độ học thuật và nghiên cứu này đều đã được dịch ra tiếng Việt: Những cộng đồng tưởng tượng" (NXB Đại học sư phạm, 2019) và "Thuyết âm mưu và chủ nghĩa dân túy" (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tháng 2/2020)".
Một cuốn lấy cảm hứng từ chính Việt Nam để giải thiêng một trong những khái niệm quan trọng nhất của thế giới hiện đại: Quốc gia - Dân tộc. Một cuốn thì góp phần cảnh báo cho Việt Nam về một trong những cái bẫy nguy hiểm nhất của thời đại: thuyết âm mưu trong bối cảnh dân túy.
Cả hai quyển, tôi tin, đều là những tác phẩm hệ trọng không chỉ cho các nhà lãnh đạo mà còn cho chính mỗi cá nhân. Đấy là nếu các bạn có duyên tìm được.