Gạc Ma với tấm bia Sinh Tồn trên biển

Gia Tưởng Chủ nhật, ngày 14/03/2021 11:03 AM (GMT+7)
Mỗi tình huống, mỗi đối sách ở nơi đảo xa phải kiên quyết và phù hợp ra sao, để vẫn bảo vệ được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và tránh những xung đột mất mát như sự kiện Gạc Ma 14/3/1988.
Bình luận 0

Một ngày của lịch sử, ngày 14/3/1988,  64 cán bộ, chiến sỹ  hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hi sinh trước họng súng của quân Trung Quốc. Đó là trận chiến không cân sức giữa hải quân Việt Nam với hải quân Trung Quốc tại cụm đảo Cô Lin – Len Đao – Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Hải quân Việt Nam chỉ có 3 tàu vận tải, với cuốc xẻng, súng AK, B-41 đã phải đương đầu với các tàu chiến Trung Quốc, gồm tàu hộ vệ và tàu tên lửa, pháo hạm. Những người lính hải quân và công binh Việt Nam đã phải đổ bộ lên các ghềnh đá, lấy chính thân mình làm cột mốc giữ đảo. Họ kiềm chế không nổ súng trước, nhưng đã quyết chiến đến người lính cuối cùng, không đầu hàng trước lực lượng áp đảo. 

Đảo chìm Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm, nhưng chúng ta giữ được Cô Lin và Len Đao thành công đến ngày nay. Tên tuổi những người con của Tổ quốc được khắc ghi trên bia đá, được đặt trang trọng trên chùa Sinh Tồn, tại đảo Sinh Tồn, nhắc nhở các thế hệ chiến sỹ đang bảo vệ quần đảo Trường Sa, và người dân cả nước luôn phải cảnh giác và tỉnh táo trước mọi tình huống.  

Gạc Ma là một tấm bia về lòng yêu nước, hi sinh của những người con đất Việt.

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác mình quay trở lại đảo Sinh Tồn lớn. Khi đó trong một chiều hè tháng Bảy, tiếng chuông chùa Sinh Tồn ngân như dài hơn, vang hơn thúc giục những người có mặt trên đảo hướng về nơi tưởng niệm. Tôi khựng lại khi nhìn thấy tấm bia đã ghi rõ từng tên tuổi địa chỉ, của mỗi cán bộ chiến sỹ cùng hi sinh đúng một ngày 14/3/1988. Sau những phút xúc động đến nghẹn ngào, tôi mới bình tĩnh để hỏi về sự kiện Gạc Ma, và hiểu thêm về sự hi sinh của những người con của đất nước trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Gạc Ma với tấm bia Sinh Tồn trên biển - Ảnh 2.

Nhiều đoàn công tác từ đất liền đã tới thắp hương tưởng niệm các liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ Gạc Ma trước tấm bia đặt trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: VOV.

Ai đang từng có mặt nơi quần đảo Trường Sa , hay bỏ công tìm hiểu về quần đảo này thì thấy được, cụm đảo  Sinh Tồn - Cô Lin - Len Đao là gạch nối giữa nhánh Nam và nhánh Bắc của quần đảo Trường Sa. Gạc Ma là đảo chìm nằm ở trung tâm của giữa cụm đảo hướng nam gồm: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Đá Lớn..  và cụm đảo hướng Bắc: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Thị. Chúng sẽ ta hiểu một phần vì sao Trung Quốc chọn tấn công, chiếm đóng Gạc Ma, vào năm 1988. Đấy là vị trí chiến lược nhằm chia cắt quần đảo Trường sa của chúng ta.

Đã nhiều năm tôi để tâm theo dõi về Trường Sa và tình hình biển đảo. Và tôi đã may mắn gặp được những người con của các chiến sỹ hi sinh trong ngày 14/3 nơi Gạc Ma. Nhiều người đang tiếp bước cha anh mình, có mặt ở Trường Sa  để bảo vệ  mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc với vô vàn bão tố này.

Đại úy Nguyễn Tiến Xuân, hiện là nghiệp vụ trưởng hàng hải, phòng Tham mưu, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân, là con trai của liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong  - người đã anh dũng hy sinh khi giữ đảo Gạc Ma. Đại úy Xuân tâm sự: Bố hy sinh khi anh mới được 3 tháng tuổi. Lớn lên bằng tình yêu của mẹ, ngay từ nhỏ Xuân đã ước mơ trở thành người chiến sĩ Hải quân, tiếp nối con đường của bố. Trước khi ở vị trí hiện tại, Xuân từng là một truyền trưởng nhiều kinh nghiệm, điều khiển con tàu vượt sóng gió bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa. Nguyễn Tiến Xuân cho biết: "Em vào lực lượng hải quân có hai lý do: Truyền thống của gia đình và ước mơ từ nhỏ của bản thân rất yêu màu áo hải quân. Chuyến đi biển đầu tiên của em là đến với Trường Sa. Khi đi qua nơi bố hy sinh, gặp một đàn cá heo, em có cảm giác như bố đang theo dõi động viên mình, lúc đó em rất muốn khóc nhưng đã kìm lại được. Và trong nhiều năm liên tiếp em đều đi thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa". 

Thượng úy Trần Thị Thủy, hiện công tác tại Lữ đoàn 146, BTL vùng 4 Hải quân-con gái của anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương (lúc đó là thiếu úy, đảo phó đảo Gạc Ma). Những gì mà chị Thủy biết về cha mình là qua lời kể của bà và ký ức đầy nước mắt của mẹ. Thủy tâm sự: Tự hào về cha bao nhiêu thì thì ước mơ trở thành một người chiến sỹ Hải quân càng cháy bỏng bấy nhiêu. Thủy nuôi ước mơ ấy cho đến ngày tốt nghiệp Đại học. Khi được đến Trường Sa vào năm 2010, qua vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, tận mắt nhìn thấy nơi cha mình đã ngã xuống trong cuộc chiến giữ cờ đẫm máu trên đảo Gạc Ma, ngay trên tàu, trong chuyến đi ấy, Thủy đã viết đơn tình nguyện vào quân ngũ. 

Tôi đã gặp Trần Thị Thủy, và nhiều lần trò chuyện với cô bộ đội Hải quân này, thấy trong mắt em như đang rực cháy ngọn lửa truyền thống anh hùng.

 Ai đã từng trở đi, trở lại hay yêu mến Trường Sa mới hiểu được vị trí quan trong của nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của nước ta cam go và quan trọng đến nhường nào. Mỗi tình huống, mỗi đối sách ở nơi đảo xa đều phải kiên quyết và phù hợp ra sao, để vẫn bảo vệ được chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, và tránh những xung đột mất mát như sự kiện 14/3/1988. Đó mới là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Tấm bia ghi danh những chiến sỹ hinh sinh ở Gạc Ma trên đảo Sinh Tồn và cả khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma tại bán đảo Cam Ranh đã được xây dựng khánh thành năm  2017. Nó luôn nhắc nhở chúng ta không được phép quên, không được sao nhãng đóng góp máu xương nơi biển đảo của các chiến sỹ. Và chúng ta phải hành động, phải ứng xử ra sao cho thật ý nghĩa với những hi sinh của các anh. 

Các anh được ghi danh không chỉ trên bia, trong khu tưởng niệm, mà cả trong lòng dân, trong tâm trí những người lãnh đạo đất nước. Điều đó nhắc nhở chúng ta phải Sinh Tồn, bằng mọi giá, trên biển , bảo vệ biển cả mãi mãi trường tồn cùng đất nước, Tổ quốc.

Giữ  biển là giữ quê hương,  giữ một cánh cửa, con đường để đất nước ta vươn ra biển lớn, hội nhập với thế giới trong thịnh vượng và hòa bình.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem