Chuyện quy hoạch hai bờ sông Hồng, nhớ về ông Võ Văn Kiệt
Chuyện quy hoạch hai bờ sông Hồng, nhớ về ông Võ Văn Kiệt
Quốc Phong
Thứ bảy, ngày 27/03/2021 09:50 AM (GMT+7)
Vừa qua, Hà Nội tái khởi động việc quy hoạch hai bờ Sông Hồng, tôi ngẫm lại chuyện từ 26 năm về trước mà thấy tiếc cho tầm nhìn xa của một nhà lãnh đạo đất nước như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tầm nhìn ấy không được những người sau này quyết tâm đeo bám đến cùng để có thể sớm trở thành hiện thực.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quả là một trong những nhà lãnh đạo tài ba, có tầm nhìn xa và có khát vọng đổi mới - khát vọng của một nhà lãnh đạo rất bản lĩnh, táo bạo, quyết liệt nhưng cũng rất thương dân.
Đại tá Hồ Hà, nguyên là vệ sĩ tiếp cận bảo vệ Thủ tướng Võ Văn Kiệt khoảng ngót 30 năm trước, kể lại cho tôi nghe câu chuyện sau đây vào năm 2016, khi ông công tác tại Văn phòng Chủ tịch Nước...
Vào những 1994-1995, chính quyền Hà Nội ở các cấp đã buông lỏng quản lý trật tự xây dựng. Trong đó, họ để người dân vi phạm hành lang bảo vệ đê điều đến mức nghiêm trọng, xây nhà trái phép tràn lan lấn chiếm chân đê Yên Phụ và Nghi Tàm ngay sát Hồ Tây.
Người ta phát hiện có những vết nứt ở thân đê cũng như những ổ mối ở chân đê. Tình trạng "phạt cho tồn tại" ngày đó khiến người dân xem thường luật pháp rồi họ càng "làm tới", vì nếu tính chi ly họ vẫn là người hưởng lợi.
Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, trật tự xây dựng ở đường đê Yên Phụ - Nghi Tàm - Tứ Liên được vãn hồi, sau khi đã phá dỡ hơn 200 ngôi nhà. Dư luận chung đánh giá rất cao sự quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ .
Hai bên chân đê sau đó được chính quyền Hà Nội cho mở đường nhỏ có bề rộng 5m, xem như vệt ngăn cách giữa nhà dân với chân đê. Người dân Hà Nội nhìn chung rất đồng tình, thậm chí người nào sống gần đó cũng đều được hưởng lợi. Ngay cả người có nhà ngay chân đê, bị cưỡng chế phá dỡ phần xây dựng vi phạm cũng không hẳn tất cả đều bị "thiệt".
Chủ trương của Chính phủ chỉ đạo khi đó là chờ sau khi "chặt" bớt nhà chạm vào chân đê thì bước kế tiếp sẽ tiếp tục" chặt ngọn" nhà cao tầng để tránh lún đê. Song việc chặt ngọn có cần thiết nếu độ cao của những ngôi nhà chỉ vừa phải?
Để chuẩn bị cho bước ra quyết định tiếp theo, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cho gọi Bộ Công an, đề nghị cử nhân viên nghiệp vụ sang nhà ông ở tại phố Phan Đình Phùng, hoá trang làm sao có thể giúp ông "vi hành" thuận lợi, qua đó nắm bắt tâm tư,nguyện vọng của người dân địa phương.
Đại tá Hồ Hà kể với tôi rằng, sau khi được hoá trang rất khéo léo thìquả là rất khó nhận ra đó là ông Sáu Dân (tên thân mật của ông Kiệt), trừ giọng nói Nam Bộ thì khó thực hiện.
Songmột cán bộ công tác trên UBND Quận Ba Đình từng biết và gặp anh Hồ Hà vệ sỹ tiếp cận của ông Sáu ở đâu đó, nay kết hợp với cái giọng quen quen của ông già Nam Bộ khó trộn lẫn kia, khiến người ấy sinh nghi và luận ra đây rất có thể là ông Võ Văn Kiệt chứ không ai khác. Vị Thủ tướng cởi mở và đôn hậu nổi tiếng ấy hoá ra đang đứng cùng một nhóm người dân bàn tán rất vô tư trên đê Yên Phụ.
Và rồi người nọ thì thầm với người kia, cho đến lúc mọi người cùng òa lên kinh ngạc khi biết người đang nghe họ kêu ca chính là Thủ tướng Võ Văn Kiệt...
Câu chuyện sau đó trở nên cởi mở hơn dù người dân đã biết mình đang có vinh hạnh nói chuyện với ai. Họ vui vì được nói chuyện với Thủ tướng trong hoàn cảnh quá bất ngờ. Họ mếu máo trong nước mắt khi bày tỏ lỗi lầm trong chuyện này, nhưng có ý nói rằng lỗi này cũng là do chính quyền đã "phạt cho tồn tại", khiến ai cũng... "thích" được nộp phạt.
Từ thực tiễn mắt thấy tai nghe, ông Sáu Dân suy nghĩ rất nhiều. Ông đã nghe và hiểu nỗi đau của người dân, cộng với sự tư vấn của các chuyên gia có chuyên môn, kỹ thuật về xây dựng, thủy lợi, nên sau đó đã không ban hành quyết định" cắt ngọn" chiều cao của các ngôi nhà không quá cao tầng cạnh đê. Thủ tướng rất nghiêm khắc với dân mà thương dân cũng từ chi tiết này!
Là nhà lãnh đạo luôn muốn lắng nghe dân nói và rất cầu thị, ông Võ Văn Kiệt hiểu: Chính từ việc hữu khuynh và thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở khi "phạt cho tồn tại" nên đã khiến dân coi thường bộ máy công quyền. Cũng không loại trừ việc phạt này là có tiêu cực từ chính quyền lẫn bên trong.
Ý tưởng táo bạo nhưng không được hậu thế theo đuổi
Từ sự việc này, ông Võ Văn Kiệt đã đi khảo sát kỹ hơn hai bờ Sông Hồng và chứng kiến cảnh ngổn ngang, nhếch nhác của một khu dân cư rộng lớn ngoài đê mà vô cùng xót xa. Ông thấy tiếc cho "quỹ đất vàng" đầy tiềm năng này và muốn quy hoạch lại, trong khi quỹ đất ở nội đô ngày một cạn kiệt.
Ông suy nghĩ nhiều về câu chuyện trên rồi nhắc thư ký gọi điện cho Chủ tịch TP.Hà Nội lúc đó là ông Lê Ất Hợi, mời lên gặp Thủ tướng để bàn bạc.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội sốt sắng ủng hộ ý tưởng của ông muốn biến khu đất ngoài đê sông Hồng thành khu dân cư văn minh, thông qua việc quy hoạch lại rồi xây dựng tại đó những chung cư cao tầng, có công viên hiện đại để người dân vui chơi. Ông Võ Văn Kiệt rất kỳ vọng ý tưởng này sớm thành hiện thực.
Lúc đó, ông Kiệt chưa dùng cụm từ "khu đô thị mới" hoặc "khu chung cư cao cấp" như cách gọi bây giờ. Ông chỉ gợi ý Chủ tịch Hà Nội xây dựng khu vực ngoài đê sông Hồng thành mô hình với vài ba phường gì đó, và người dân sẽ được tái định cư tại chỗ sau khi đã quy hoạch rõ ràng.
Đây cũng chính là ý tưởng vừa được đề xuất của Hà Nội với Chính phủ nhiệm kỳ này và được biết đã có sự đồng thuận với đề nghị của Thủ đô, không chạy theo hướng quy hoạch để bán đất toàn bộ với quá nhiều cao ốc mà thay vì là nhiều khu công viên hoặc dịch vụ công cộng…
Năm đó, ông Lê Ất Hợi có hứa với Thủ tướng là sẽ về báo cáo ngay chuyện này với lãnh đạo Hà Nội để bàn rồi triển khai...
Những tưởng sớm muộn gì thì ý tưởng nói trên cũng sẽ được hiện thực hoá, bởi chính Thủ tướng là người gợi ý cho lãnh đạo Hà Nội. Rất tiếc sau đó, nhiệm kỳ của ông kết thúc. Phải chăng vì thế mà không có ai hối thúc Hà Nội thực thi, còn thành phố thì hình như cũng không còn quan tâm đến việc này?
Đó chính là một thời điểm vàng mà chúng ta đã bỏ lỡ rất đáng tiếc trong công tác quy hoạch Thủ đô. Nếu như tatriển khai ngay hồi đó thì đơn giản hơn rất nhiều và ít tốn kém hơn so với bây giờ cả trăm, nghìn lần. Tình trạng xây dựng lộn xộn tại những khu vực ngoài đê sông Hồng vẫn tiếp tục diễn ra, tạo nên một Hà Nội xấu xí, nhếch nhác phía bờ sông, trong khi lẽ ra đã có thể tận dụng được quỹ đất vàng này để biến nơi đây thành một khu đô thị văn minh, hiện đại.
Tôi được biết, một lần ông Sáu Kiệt ra Hà Nội vào năm 2007, khi đó cũng là lúc Quốc hội đang chuẩn bị quyết định sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. Ông tìm gặp Bí thư Thành ủy khi đó là ông Phạm Quang Nghị thì được biết, hướng phát triển Thủ đô sắp tới chính là Hà Tây chứ không phải là hai bờ Sông Hồng. Tất nhiên, để quy hoạch Sông Hồng cho khoa học, bài bản cần phải rất căn cơ, vì vấn đề trị thủy Sông Hồng mùa mưa lũ sẽ ra sao cho thật an toàn.
Song, rõ ràng 1/4 thế kỷ trước, chúng ta đã từng để vuột mất một cơ hội mà bây giờ mới tiếp tục bàn bạc, nghiên cứu nghiêm túc thì thật đáng tiếc.
Sau khi thôi trọng trách Thủ tướng, ông Sáu Dân vẫn ấp ủ một chuyến "vi hành" khác sang Hà Lan để tìm hiểu người Hà Lan làm đê biển ra sao mà họ có thể sống dưới mực nước biển. Ông muốn có thực tiễn về góp ý với nhà nước ta, từ đó sẽ áp dụng ra sao vào vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó có cả thành phố Hồ Chí Minh với sức ép của nạn triều cường đầy nan giải khi mùa mưa đến.
Chuyến đi ngày đó, theo lời kể của ông Phạm Ngọc Minh, nguyên Chủ tịch Hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines, ông Kiệt nói với ông Phạm Ngọc Mình (khi đó là Tổng giám đốc Vietnam Airlines) sang trao đổi với bên Bộ Ngoại giao rằng, ông rất muốn làm một cuốn hộ chiếu mang tên cũ của mình là Phan Văn Hoà, để ông đi lại cho thoải mái, tránh nghi lễ ngoại giao rình rang khi ông đã nghỉ.
Trong khi các vị có trách nhiệm còn lúng túng, chưa chốt để ông đi bằng hộ chiếu nào, thì rất tiếc ông Võ Văn Kiệt lâm bệnh rồi đi xa mãi mãi, và công việc tìm hiểu về đê biển Hà Lan thì vẫn còn dang dở
Tôi từng đọc trên báo và được một tác giả cho biết, có lần ông Sáu Dân đã "tiết lộ bí quyết lãnh đạo thành công"của mình cho các thế hệ sau: Phàm đã là người lãnh đạo thì cần phải nghe kỹ, nghe ngược, nghe xuôi các nhà nghiên cứu, quản lý (nghe xốn lỗ tai cũng được) trước khi quyết định.Và một khi đã ra quyết định thì đừng đưa tay ra sau sờ ghế mình đang ngồi, thà bị mất chức còn hơn là ngồi đó để thấy dân mình đói khổ...
Hẳn chúng ta không thể quên một câu chuyện cũng đã trên 1/4 thế kỷ trước về con người dám làm, dám chịu trách nhiệm như ông Sáu Dân. Đó là vào ngày 8/8/1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo.
Đây là Chỉ thị mang tính lịch sử bởi thói quen sản xuất, buôn bán và đốt pháo đã tồn tại từ hàng ngàn năm đối với người Việt. Song để quyết làm cho được,ông Sáu Dân đã cho làm cuộc tổng điều tra, nếu không cho dân Bình Đà, Hà Tây sản xuất pháo thì sẽ có bao nhiêu người lao động và ăn theo gặp khó khăn vì ảnh hưởng đến nồi cơm của gia đình. Ông yêu cầu phải tính cho được nghề phụ khác giúp họsống được.
Thế mới hiểu, ngoài tính quyết liệt của người lãnh đạo đất nước, ông luôn nghĩ đến dân và thương dân đến độ nào.
Những câu chuyện kể trên cho thấy, tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thật sâu xa, và cho dù sau này đã nghỉ công tác, ông lúc nào cũng nghĩ đến dân, lo cho dân cũng như sự phát triển bền vững của đất nước trước những mối đe dọa thiên tai nghiệt ngã .
Vui lòng nhập nội dung bình luận.