Người phố cổ không muốn giãn dân vì sao?

An Thanh Thứ hai, ngày 22/03/2021 19:59 PM (GMT+7)
Khu phố cổ Hà Nội có khoảng hơn 4.300 biển số nhà; mỗi số nhà lại có rất nhiều gia đình sinh sống, chen chúc nhiều thế hệ. Có số nhà có tới 53 hộ gia đình với 200 khẩu. Song việc giãn dân không chỉ là thay đổi chỗ sinh sống, mà còn là bài toán về văn hóa, xã hội, sinh kế cho người dân.
Bình luận 0

Không phải bây giờ mà cách đây 22 năm, vào năm 1998 Hà Nội đã bắt tay vào thực hiện đề án Giãn dân phố cổ. Cùng với việc giãn mật độ dân tại các khu phố cổ (84.000 người/km2, thời điểm 1998) Hà Nội còn tính đến việc triển khai đồng bộ các chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở Bộ ngành… ra khỏi khu vực nội đô lịch sử.

Nhưng đến nay, hơn 2 thập kỷ thì công tác di dời dân vẫn nằm trên giấy, nguyên nhân chính là do người dân phố cổ "chê" các khu tái định cư mà chính quyền bố trí. Vì vậy lần này việc cần phải giảm khoảng 215.000 người tại khu vực Hoàn Kiếm là khu vực phố cổ, phố cũ, khu Hồ Gươm và vùng phụ cận theo định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô vừa được duyệt khiến nhiều người không khỏi băn khoăn về tính khả thi. 

 Về mặt kiến trúc, các khu phố cổ đa phần là nhà theo dạng hình ống và được xây dựng từ trăm năm trước. Đến nay, phần lớn chất lượng các công trình đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của người dân. Điển hình như số nhà 53 Hàng Buồm (Phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm) là nơi sinh sống của 53 hộ gia đình, với hơn 200 nhân khẩu, một mật độ dân cư thuộc dạng "khủng" trên thế giới.

Theo thống kê, khu phố cổ Hà Nội có khoảng hơn 4.300 biển số nhà; mỗi số nhà lại có rất nhiều gia đình sinh sống, chen chúc nhiều thế hệ. Trong số gần 1.000 căn nhà có tuổi thọ trên dưới 100 năm, có tới 63% thuộc diện xuống cấp, 12% thuộc diện nguy hiểm và 5% thuộc diện ô nhiễm. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp để đảm bảo an toàn cho số lượng dân cư khổng lồ như vậy là điều cần thiết, thậm chí là rất cần thiết.

Bộ mặt khu vực khu phố cổ, phố cũ và Hồ Gươm và vùng phụ cận là một phần không thể thiếu của cảnh quan Thủ đô. Việc tiến hành chỉnh trang đô thị nhằm tạo cho bộ mặt Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại hơn không thể bỏ qua khu vực này.

Người phố cổ không muốn giãn dân vì sao? - Ảnh 2.

Có gia đình 2 thế hệ, hàng chục năm qua sống trong căn nhà chưa đầy 10m2 giữa lòng phố cổ (chụp năm 2019). Ảnh: Ngọc Hải.

Vì sao đề án trước đây thất bại? Dù ai cũng biết điều kiện sống của người dân nơi đây đang ngày càng bất ổn, nhiều khu nhà đã xuống cấp, xập xệ, tối tăm… nhưng người dân vẫn kiên trì bám trụ ở khu phố cổ. Với khá nhiều lý do, chủ quan có, khách quan có, Hà Nội vẫn chưa thể triển khai các giải pháp bảo tồn di sản một cách bài bản và hệ thống. Trong khi hàng vạn dân phố cổ vẫn phải sống khổ, khắc khoải đợi chờ không biết bao giờ mới có hồi kết và không biết tìm câu trả lời ở cơ quan nào. Và thực thế, hơn 20 năm qua, khi đề án chưa được thực hiện thì khu phố cổ vẫn đang được coi là nơi sôi động, năng động nhất của Hà Nội.

Không cần quá am hiểu về phổ cổ thì người ta cũng biết các ngôi nhà khu phố cổ, phố cũ và Hồ Gươm và vùng phụ cận không chỉ là nơi "chui ra, chui vào" mà còn gắn liền với sinh kế của người dân. Nơi đây đúng nghĩa là "tấc đất, tấc vàng", chỉ cần đặt được chiếc bàn bán trà đá thôi là người ta có thể sống ung dung qua ngày. Nên nếu di dân chỉ là đơn thuần bố trí một nơi ở tại khu Việt Hưng (Long Biên) hay bất cứ nơi nào khác thì chả khác gì chặn đường sinh kế của người dân, không cho người dân có nhiều cơ hội kiếm sống. 

Cả trăm năm nay, người dân khu phố cổ có công việc mưu sinh, hình thành cộng đồng "buôn có bạn bán có phường". Giờ đây, bất kỳ lý do gì phải rời khỏi khu vực đó, các quan hệ, mối hàng bị mất đi mà không thể có vốn, liếng điều kiện chuyển nghề khác là một vấn đề cần phải được đánh giá chính xác. Khi không có kế sinh nhai thì dù có bố trí chung cư, thậm chí chung cư cao cấp thì người dân cũng khước từ, đó là sự thật. Nên việc giãn dân phố cổ không đơn thuần là thay đổi về chỗ sinh sống của người dân mà còn thay đổi về lối sống và văn hóa cho người dân. 

Rõ ràng  với đề án Giãn dân phố cổ trước đây và Quy hoạch phân khu nội đô (nội đô lịch sử) sắp công bố, thì vấn đề giãn dân và không xây thêm nhà cao tầng trong khu vực cần phải được nhìn nhận dưới cả góc độ kinh tế - xã hội khu vực, không đơn thuần là cuộc giãn dân cơ học. Chủ trương giãn dân phố cổ nhằm bảo tồn giá trị của phố cổ là hoàn toàn phù hợp, bởi giá trị ấy không chỉ là giá trị vật thể - về hạ tầng, mà còn là giá trị phi vật thể - hồn cốt của đời sống phố cổ. Nếu tiếp tục để người dân sống chen chúc, nhếch nhác thì giá trị văn hiến, nét đẹp của người Tràng An sẽ lụi tàn theo năm tháng.

Các chuyên gia kinh tế và văn hóa đều cho rằng điều cốt lõi để thực hiện giãn dân thành công, đó là phải giải quyết được bài toán lợi ích giữa người dân và với việc bảo tồn di sản. Việc khuyến khích di dân phố cổ bằng chính sách nửa vời như trong quá khứ sẽ không nhận được sự đồng thuận của người dân, không đạt được mục tiêu của dự án.

Khu nhà giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên, với diện tích hơn 11ha, gồm 16 tòa nhà cao từ tám đến chín tầng, một tòa nhà hỗn hợp làm khu trung tâm thương mại, dịch vụ, công trình công cộng cao 15 tầng và các công trình phúc lợi xã hội như trường học, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng, tuyến phố đi bộ không mấy hấp dẫn người dân phố cổ.

Điều quan trọng nhất là để người dân thấy được sự di dời một số lượng lớn người là một quyết định xứng đáng cho chính tương lai của họ, cho di sản quý của thành phố. Hà Nội cũng có thể học tập kinh nghiệm của Trung Quốc và nhiều nước khác đối với việc bảo tồn di sản. Ngoài giá đền bù (ước tính phải 1,2-1,5 tỷ đồng/m2) còn cần nghiên cứu cơ chế để cho doanh nghiệp hợp tác với người dân cải tạo, sau đó khai thác du lịch, ẩm thực. Lợi nhuận sau đó được 2 bên tính toán, chia sẻ theo thỏa thuận.

Di dời và bố trí tại định cư cho người dân vốn là chuyện chưa bao giờ đơn giản.Việc phải giải quyết bài toán an cư cho 215 ngàn người dân phố cổ lại càng không dễ dàng, nhất là với cộng đồng dân cư gắn với nét văn hóa đặc trưng lâu đời của Hà Nội. Sẽ có rất nhiều giải pháp được đưa lên bàn nhưng chắc chắn nó không phải chỉ đơn thuẩn chỉ là các biện pháp hành chính như suốt 2 thập kỷ qua.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem