Tôi đang muốn nói đến hành động của vị đại úy công an đứng nhìn không can thiệp khi chứng kiến tình huống vật lộn giữa tên cướp và người tài xế taxi bị đâm trọng thương. Một hình ảnh không chỉ phản cảm của một nhân viên công quyền mà còn tạo ra làn sóng phẫn nộ cho những ai được xem clip này mấy ngày hôm nay. Mọi người đồng nhất đánh giá hành động đó là vô cảm nhưng không ít người nhìn nhận ở một chiều hướng khác. Đó đúng là vô cảm nhưng khi anh mang trọng trách đảm bảo an ninh cho cuộc sống bình an của người dân thì hành động đó lại mang sắc thái khác. Tôi gọi đó là tội ác.
Lâu nay trong sự phát triển xã hội theo chiều hướng hiện đại ở mọi lĩnh vực, vấn đề đạo đức luôn là điều mọi người quan tâm. Xuất hiện sự lo ngại không phải không có cơ sở. Khi đời sống phát triển, kinh tế khá lên, mức sống tăng lên ở những con số giá trị thì như một hiệu ứng tất yếu những giá trị của đạo đức bị xâm phạm thậm chí đảo lộn và đạo đức xã hội đi xuống. Nói một cách khác là đạo đức xuống cấp. Không quá bi quan nhưng điều này phản ánh phần nào sự thật.
Lực lượng công an nơi luôn là thành trì bảo vệ cuộc sống người dân đã có biết bao nhiêu tấm gương hy sinh để giữ gìn sự an toàn đời sống. Số người như vị đại úy kia tôi tin là không nhiều nhưng nó để lại sự hoang mang mất niềm tin không nhỏ. Thật đáng tiếc và đáng buồn. Trong trường hợp này tôi đã đọc được nhiều bình luận và không khỏi giật mình. Có bình luận nói công an họ là như thế. Với những vụ đánh nhau, gây mất trật tự xã hội mang tính nguy hiểm, những vụ gây án, những hành vi tội phạm…họ nhận được tin báo nhưng không bao giờ đến ngay và chỉ khi vụ việc kết thúc họ mới đến và tiến hành điều tra nguội. Tôi không nói bình luận này ác ý, vẫn có thể có trường hợp như vậy nhưng tôi tin là không phải tất cả.
Rất nhiều tấm gương sáng thậm chí là hy sinh bản thân mình của các chiến sĩ công an để bảo vệ sự bình yên cuộc sống. Mới đây tôi có đến làm việc ở một trụ sở công ty liên quan đến phòng chống ma túy. Tôi đã giật mình thảng thốt khi thắp hương ở một ban thờ trên bày những di vật liệt sĩ. Đó là kỷ vật của những chiến sĩ công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chống bọn tội phạm ma túy. Có tấm áo cảnh phục còn lỗ chỗ vết đạn và vết đạn ở chính lồng ngực đã cướp đi sự sống của người chiến sĩ này. Lúc nhìn vết đạn trên di vật, người tôi đã run lên trong sự xúc động và cảm phục bội phần. Tôi được biết có nhiều di vật của hơn một trăm liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu với bọn tội phạm sẽ được trưng bày ở một bảo tàng về phòng chống ma túy.
Mới nhất chúng ta đã biết về vụ việc Thiếu tá Trịnh Văn Khoa ở công an quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Một thiếu tá vì bất bình vì đau đớn trước cảnh đồng đội của mình bao che không xử lý một vụ án hình sự đã dũng cảm hy sinh cả sự nghiệp để viết đơn xin ra khỏi ngành, làm đơn tố cáo vụ việc tiêu cực ấy. Những "con sâu bỏ rầu nồi canh" làm hoen ố phẩm chất người chiến sĩ công an đã phải trả giá bị pháp luật trừng trị nhưng vẫn khiến chúng ta đau xót. Sự đau xót không chỉ vì phẫn nộ những kẻ mang danh bảo vệ pháp luật lại vi phạm pháp luật, những kẻ mang sứ mạng bảo vệ sự bình yên cuộc sống lại chà đạp cuộc sống mà còn là sự đau xót cho những số phận người như anh thiếu tá phải hy sinh chính sự nghiệp chính cuộc sống của mình để bảo vệ chân lý, bảo vệ sự tôn nghiêm pháp luật. Đau xót bội phần.
Trong đời sống hiện nay sự vô cảm ngày một tăng lên trong tất cả mọi tầng lớp người. Hàng ngày xuất hiện trên đường phố vô vàn những hình ảnh nghịch cảnh. Một cảnh đánh nhau của những đứa trẻ chẳng hạn. Và người ta làm gì? Nếu bình thường thì có sự ngăn cản quyết liệt của cộng đồng để giải tán nhưng không, người ta bình thản đi qua như không hề có chuyện gì xảy ra. Và như một mốt thời thượng người ta quay clip video như một phản xạ. Thậm chí có những người đứng xem, cổ vũ. Đấy chính là sự vô cảm rõ nhất.
Rất nhiều hình ảnh ai cũng có thể chứng kiến. Một vụ cướp hung hãn, nhỏ hơn là trộm cắp và với những kẻ manh động không còn tính người thì phản ứng của người dân tất nhiên có cả những cán bộ chiến sĩ công an là thận trọng để giữ an toàn bản thân cũng như cho cộng đồng thì dần dà điều đó sẽ tạo nên sự vô cảm như một thói quen. Với những người có trọng trách thì không còn là sự vô cảm nữa đó là sự vô trách nhiệm đáng bị phê phán.
Trở lại với câu chuyện vị đại úy đứng nhìn gọi điện không can thiệp vụ người lái xe taxi vật lộn với tên cướp giết người. Cho dù lúc đó anh ta gọi điện "xin ý kiến", nhưng rõ ràng hành vi đó là không phù hợp với chức trách và bối cảnh khẩn cấp. Một người dân thường dám xông vào hỗ trợ người lái taxi bắt cướp, tại sao một người mang phù hiệu lại chối bỏ nhiệm vụ của mình? Anh ta đã bị đơn vị ngay lập tức cảnh cáo thuyên chuyển. Mức kỷ luật ban đầu nặng nhẹ tùy quan niệm từng người nhưng như thế cũng đã là biểu hiện cho sự nghiêm minh không dung túng của ngành công an. Song mức kỷ luật ban đầu như vậy đã đủ chưa? Một con người vô trách nhiệm như vậy liệu có nên có một chỗ đứng trong vị thế của những người bảo vệ trật tự an toàn cho nhân dân? Có nên tiếp tục công việc của mình để gây hoen ố cho cả ngành, cho cả chính mình?
Bài học rút ra từ câu chuyện của vị đại úy này có lẽ không chỉ bản thân anh ta nhận được một cách thấm thía. Nó là lời cảnh tỉnh rõ ràng nhất về sự vô cảm. Khi con người vô cảm trước nỗi đau đồng loại thì sự vô cảm ấy đồng nghĩa với tội ác chính là tội ác. Và một quy luật bất biến tội ác sẽ đẻ ra tội ác. Đáng sợ lắm thay, hãy chặn chúng lại.