Gia Tưởng
Thứ ba, ngày 11/05/2021 15:48 PM (GMT+7)
Chắc chắn qua cơn dịch bệnh, người Thuận Thành lại càng tự tin, yêu thương đoàn kết với nhau hơn, và cả nước sẽ biết thêm về một Thuận Thành luôn vững vàng đi qua đại dịch một cách yên bình.
Hôm nay là ngày thứ 3 huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, quê hương chúng tôi chính thức bị phong tỏa. Ổ dịch Covid-19 ở xã Mão Điền đã lan ra nhiều xã khác trong huyện. Toàn huyện Thuận Thành gồm 17 xã và thị trấn, 108 thôn khu dân cư, 46.733 gia đình 181.976 người. Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của mảnh đất hiền hòa này, từng căn nhà, ngôi làng phải đóng cửa, những còn đường văn hóa liên xã liên thôn bị rào lại. Nhưng người dân không ai nao núng, không ai hoảng hốt, mà họ đang vững vàng, cùng nhân viên y tế, chính quyền chống dịch một cách chủ động và quyết liệt như tính cách và khí phách của con người Thuận Thành bấy lâu nay.
Sau nhiều lần liên lạc tôi mới gọi điện được cho bạn mình là y tá Lê Thị Nhung lúc nửa đêm. Đã nhiều ngày chị Nhung làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm nơi tâm dịch xã Mão Điền. Chị kể: Ngay đêm đầu tiên xảy ra dịch, hơn 100 nhân viên y tế đã xung trận, làm tới 5h sáng mà chưa hết người bị truy vết, còn mấy hôm nay thì lúc nào cũng phải 2h đêm mới được ngủ. Ban ngày nhân viên y tế phải mặc bộ đồ bảo hộ nóng đến kinh hoàng, mồ hồi chảy xuống dép mà ướt như vừa bước vào vũng nước. Đã có những nhân viên y tế ngất xỉu phải cấp cứu, nhưng tất cả đều xác định bám trụ ở tâm dịch tới khi nào đến hết dịch mới thôi. Chị Nhung bảo, kể cả trường hợp xấu nhất có thành F0 cũng không có gì phải đắn đo cả, vì danh dự nghề nghiệp, vì sự an toàn của người dân chính quê hương mình, chẳng ai suy tính. Trước khi gác máy, Nhung còn nhắn thêm: "Các cậu cứ yên tâm chúng tớ ở đây, ngoài chế độ nhà nước thì dân mình chăm lo đầy đủ lắm, trứng sữa , rau thịt bà con mang tới hỗ trợ đoàn công tác nhiều lắm. Nên mọi người không phải lo gì đâu".
Từ khi dịch xảy ra bạn học của tôi là anh Phạm Văn Dũng, cán bộ mặt trận xã Trí Quả đã ngày đêm cùng đội ngũ chính quyền, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ truy vết thần tốc những ca nhiễm và nghi nhiễm. Cứ có tin mới gì về tình hình dịch bệnh, phương án triển khai ở quê thế nào, anh lại cập nhật cho chúng tôi biết. Anh Dũng còn động viên lại những người ở xa quê như chúng tôi: "Các bạn cứ yên tâm công tác đi, việc ở nhà chúng tớ lo được, để quê hương sớm được đón các bạn về, yên tâm đi nhé nếu cần gì chúng tôi sẽ nhắn". Chúng tôi đã hẹn với nhau, nhất định hết dịch lớp mình sẽ gặp mặt, hàn huyên. Bình thường lớp chúng tôi đã thân nhau rồi, nhưng khi dịch dã xảy ra mới hiểu được thêm rằng: Chúng tôi có những người bạn ở lại xây dựng quê hương giàu lên từng ngày, dù có người này người khác xa quê nhưng tình cảm thì không bao giờ phai nhạt, chính các bạn đang ở lại làm chúng tôi yên tâm lắm lắm khi quê nhà đang là tâm dịch thế này.
Từ hôm làng mình bị phong tỏa ngày nào tôi cũng gọi điện về quê. Mẹ tôi bình tĩnh lắm. Bà cứ nhắc: "Yên tâm công tác đi, ở nhà rau, gạo có sẵn, chỉ mua mắm muối dầu ăn, thức ăn mặn thôi. Cả làng không ai khó khăn gì cả, không phải lo tiếp tế cái gì về quê đâu. Chỉ cần mấy ông thợ điện đầu mùa nóng không cắt điện luân phiên là bà con yên tâm chống dịch rồi". Tôi biết cảnh cả làng ai ở yên nhà đó cũng buồn lắm, nhưng ai cũng tuân thủ theo mọi quy định an toàn, để sớm tai qua nạn khỏi. Việc của mẹ tôi giờ là ngày nào cũng khâu vá và tụng kinh và mong ngày các con cháu về để đoàn viên.
Khi dịch tràn về, cả Thuận Thành của tôi đều quên đi cuộc sống thường ngày của mình để lao vào "cuộc chiến". Chủ tịch huyện Thuận Thành, anh Nguyễn Xuân Đương, chia sẻ: "Huyện Thuận Thành đang phát triển kinh tế khá sôi động, nhiều nhà máy xí nghiệp đóng trên địa bàn hoạt động ổn định, mỗi ngày có đến hàng trăm xe container ra vào huyện để lấy hàng. Đặc biệt Thuận Thành cung cấp cho thủ đô Hà Nội mỗi ngày hàng chục tấn thịt, rau, gạo cùng vô số mặt hàng thiết yếu khác. Con em Thuận Thành làm việc ở Hà Nội rất nhiều. Nhưng trước tình hình dịch bệnh, đe dọa tới sức khỏe của nhân dân thì chúng tôi vẫn thống nhất kiên quyết thực hiện biện pháp phong tỏa huyện để chống dịch. Không gì có thể thay thế hay so sánh được với sự an toàn của người dân được, còn sức khỏe là còn tất cả mà".
Từ 9/5/2021 khi tôi nhận được thông tin quê mình đề xuất phong tỏa, cách li toàn huyện, tôi hiểu chính quyền UBND huyện Thuận Thành và người dân quê tôi đã quyết tâm cao như đi vào một cuộc chiến, không có ai phản đối, không có ai run sợ và cũng không có ai thoái thác hay kêu ca điều gì. Một Thuận Thành đồng lòng, đồng tâm và đồng tính cách đang từng giờ chống dịch, đang nhiều đêm trắng không ngủ nhưng vẫn vững vàng.
Tôi biết rằng người Thuận Thành quê tôi về kinh tế lúc này chẳng khó khăn gì, cả huyện đủ ăn, còn rất ít người nghèo. Với cá tính của người quê tôi, đùm bọc và sẻ chia với nhau, chắc chắn không ai bị đói và cần cứu đói. Đồng đất Thuận Thành trồng lúa, trồng rau còn cung cấp cho Thủ đô, người Thuận Thành làm công nhân hay đi buôn bán đều được, gia đình nào cũng có chút tiền mặt tích lũy, nên quê tôi lúc này không lo lắng về kinh tế. Nhưng bao nhiêu hội làng bị hoãn tổ chức, không được về thăm cha mẹ và người thân, với người quê tôi cũng là sự mất mát, hụt hẫng lắm rồi.
Chúng tôi những người xa quê, luôn chuẩn bị tâm thế lúc nào cũng sẵn sàng góp sức, góp của cùng quê chống dịch. Nhưng lúc này món quà mà chúng tôi có thể làm chỉ là sự hỏi han động viên tinh thần. Người dân Thuận Thành có nội lực và có ý thức rất cao để bảo vệ mình.
Với khí chất cứng cỏi, đôi khi đến cứng nhắc của người Thuận Thành, bây giờ quê tôi chỉ cần sự giám sát về mặt chuyên môn chống dịch, sự động viên khích lệ về mặt tinh thần, cần sự cảm thông, cùng bảo nhau thực hiện nghiêm túc những quy định và khuyến cáo chống dịch. Chắc chắn rồi dịch sẽ phải tan.
Tôi biết và luôn tâm niệm một điều, quê tôi cái gì không thuận cũng phải thành. Không điều gì làm khó được những người con Thuận Thành cả. Điều này đã được khẳng định trong lịch sử và hiện tại: Một mảnh đất luôn hiên ngang và văn hiến đã nghìn đời, chưa bao giờ buông xuôi, đầu hàng, hay gục ngã. Hai chữ Thuận Thành đã ăn vào suy nghĩ, vào huyết quản của mỗi người con ở xứ Kinh Bắc bên bờ sông Đuống này.
Chắc chắn qua cơn dịch bệnh, người Thuận Thành lại càng tự tin ,yêu thương đoàn kết với nhau hơn, và cả nước sẽ biết thêm về một Thuận Thành luôn vững vàng đi qua đại dịch một cách yên bình. Để chúng tôi, như nhà thơ Hoàng Cầm viết năm nào, lại được trở về, "Bên kia sông Đuống/ Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/ Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.