Coolcat - Kim tự tháp lòng tham

Thiên Lương Thứ hai, ngày 03/05/2021 08:32 AM (GMT+7)
Từ những năm xa xưa, cuối thế kỷ trước, khi ông chủ Nguyễn Văn Mười Hai của hãng nước hoa Thanh Hương làm hàng chục ngàn người mất tiền, cho đến Coolcat và nhiều mô hình đa cấp khác ngày nay không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, tất cả đều có một điểm chung là đánh vào lòng tham của con người.
Bình luận 0

Bernie Madoff, ông trùm lừa đảo tài chính người Mỹ, vừa qua đời trong tù sau nhiều năm bị giam giữ vì tội lừa đảo hàng chục tỷ đô la theo mô hình kim tự tháp. Một cách tình cờ, cũng thời gian này, ở Việt Nam lại thêm Coolcat - một hệ thống đa cấp theo mô hình kim tự tháp - bị sụp đổ, làm cho hàng ngàn người mất trắng hàng trăm tỷ đồng.

Theo các công tố viên, Madoff đã gom được hàng chục tỉ USD từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới nhờ đưa ra những lời hứa hão huyền về lợi nhuận khổng lồ từ những kế hoạch kinh doanh phi thực.

Trong một số trường hợp, lợi nhuận hằng năm được hứa hẹn lên đến 46%. Số tiền lừa đảo ước tính ban đầu là 50 tỉ USD nhưng theo tài liệu tại tòa, các công tố viên cho rằng con số đó phải lên đến 64,8 tỉ USD. 

Một điều mọi người hay thắc mắc là tại sao những vụ lừa đảo kiểu này xảy ra thường xuyên, mà rồi vẫn có rất nhiều người trở thành nạn nhân của chúng, không chỉ người nghèo mà cả những người rất giàu, có địa vị cao và học vấn cao trong xã hội.

Một mô hình lừa đảo cũ và hiệu quả

Từ những năm xa xưa, cuối thế kỷ trước, khi ông chủ Nguyễn Văn Mười Hai của hãng nước hoa Thanh Hương làm hàng chục ngàn người mất tiền, cho đến Coolcat và nhiều mô hình đa cấp khác ngày nay không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới, tất cả đều có một điểm chung là đánh vào lòng tham của con người.

Thông thường, các mô hình kim tự tháp yêu cầu một khoản đầu tư ban đầu và hứa hẹn mức lợi nhuận trên trung bình (thường là cao hơn vài lần so với lãi suất huy động dài hạn của ngân hàng). Họ sử dụng những mỹ từ mơ hồ và các sản phẩm khó hiểu để mô tả chiến lược thu nhập. Thông thường, người chủ hệ thống đa cấp sẽ lợi dụng việc khách thiếu kiến thức hoặc đôi khi tuyên bố sử dụng chiến lược đầu tư bí mật, độc quyền để tránh đưa ra thông tin cụ thể về hoạt động của mô hình.

Ngày nay, các sản phẩm bí ẩn như Bitcoin, vàng, cổ phiếu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,… trở thành các miếng mồi hiệu quả nhằm dụ dỗ khách hàng.

Ban đầu, nhà điều hành trả lợi nhuận cao để thu hút khách mới và lôi kéo các khách hàng hiện tại đầu tư thêm tiền. Khi số khách tham gia đủ lớn, một hiệu ứng thác lở bắt đầu. Những người chủ trả "lợi tức" cho khách từ khoản đầu tư của những người mới tham gia, thay vì từ lợi nhuận thực sự. Trên thực tế, rất khó có mô hình kinh doanh nào đem lại được siêu lợi nhuận đủ để trả lãi cao đến thế.

Ai là nạn nhân thật sự?

Nhưng nói cho đến cùng, kẻ lừa đảo trong các mô hình đa cấp này không hẳn chỉ là sáng lập viên của nó, mà có thể còn là tất cả những người tham gia.

Bất cứ ai có lý trí cũng hiểu rằng không thể dễ dàng có lợi nhuận ở mức hàng chục phần trăm hằng năm, vậy mà các mô hình đa cấp này hứa hẹn lợi nhuận có khi đến hàng chục phần trăm hằng tháng!

Người bỏ tiền vào đó có lẽ hiểu rõ rủi ro họ phải chịu, nhưng do lòng tham và sự tin tưởng rằng kim tự tháp chưa sụp ngay, nó còn tồn tại qua được một quãng thời gian nhất định để họ lấy được lợi nhuận.

Nói cách khác, mọi người tin rằng sẽ có một kẻ nào đó "dại" hơn mình. 

Theo Karl Marx: "Nếu lợi nhuận 100% thì nhà tư bản bất chấp pháp luật, còn lợi nhuận 300% thì có treo cổ nó lên, nó vẫn làm".

Chính lòng tham đã nuôi dưỡng các mô hình bán hàng đa cấp. Và về bản chất thì các mô hình ấy kiểu gì cũng sụp đổ, do nó buộc phải tìm nạn nhân mới để nuôi sống chính nó. Mức lãi suất theo cấp số nhân làm cho chúng sụp đổ nhanh hơn người ta tưởng.

Có một số mô hình đa cấp tồn tại khá lâu, đến hàng năm, như của Madoff, là vì ông ta hứa hẹn mức lãi suất không quá cao đến mức không tưởng. Còn những mô hình đa cấp hứa hẹn lãi suất phi lý đến hàng trăm phần trăm mỗi năm thì chắc chắn sẽ sụp đổ trong vòng vài tháng.

Mỗi lần có một hệ thống đa cấp sụp đổ, lại gây nên một cơn bão trên báo chí và mạng xã hội. Có cảm giác như hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn nạn nhân ấy đã bị lừa hết sạch tiền. Tuy nhiên, bản chất hoạt động của loại mô hình đa cấp này rất phức tạp và khó tính toán được thiệt hại chính xác của khách hàng.

Những vị khách đầu tiên có thể đã kiếm được lợi nhuận kếch xù rồi, và số tiền đầu tư ban đầu mặc dù đã mất sạch, nhưng vẫn chỉ là con số nhỏ so với những gì họ thu được. Những vị khách vào sau một chút có thể vẫn còn hòa vốn, thậm chí có lãi. Thiệt hại nặng nhất chính là những người vào hệ thống sau cùng. Có thể họ vừa nộp tiền vào và chưa lấy được gì thì hệ thống đã phá sản.

Lấy ví dụ một hệ thống đa cấp cho lãi suất 50% mỗi tháng, thì khách hàng nào đã tham gia 2 tháng coi như lấy lại được vốn, sau đó dù cho hệ thống sụp đổ, họ cũng chỉ mất tiền đầu tư ban đầu, còn tổng số tiền họ nhận được vẫn dương. Càng tham gia sớm thì càng có lợi.

Vậy nên để tính toán được thiệt hại thực sự của khách hàng, cần một sự thống kê rất sâu và rất chuyên nghiệp, kiểm tra lại dòng tiền xem ai đã lấy hết vốn, ai đã có lợi nhuận cao, và ai mất thật sự.

Trên nguyên tắc, bất cứ ai tham gia vào một mô hình bán hàng đa cấp cũng là một trong các ông chủ của nó, chỉ là ở cấp độ nào. Những người điều hành chính sẽ ở đỉnh kim tự tháp và về nguyên tắc là thu được nhiều tiền nhất, nhưng mỗi vị khách vào sau thực ra cũng có một kim tự tháp nhỏ hơn của mình, có những nạn nhân riêng của mình. Thiệt hại chỉ đến với những ai có cái kim tự tháp riêng quá nhỏ.

Nói chung khi còn con người thì vẫn còn các mô hình đa cấp, do chúng đều sống trên lòng tham. Mọi người nên ghi nhớ rằng lợi nhuận cao luôn đi cùng với rủi ro lớn. Đó là một quy luật tự nhiên. Vậy nên chúng ta phải hiểu cái giá phải trả cho lòng tham của mình, chứ đừng trách lẫn trời gần trời xa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem