Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên nghĩ về cuộc Tổng tuyển cử hôm nay

Vương Anh Thứ hai, ngày 17/05/2021 09:55 AM (GMT+7)
Tinh thần dân chủ "tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước" được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu bật từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946) đến nay vẫn không thay đổi.
Bình luận 0

Ngay sau khi giành lại được độc lập, một (trong số) công việc cấp bách được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị khẩn trương tập trung thực hiện là tổ chức Tổng tuyển cử. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, nhiệm vụ thứ ba trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh là "tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu" để người dân lựa chọn bầu ra người đại biểu cho mình vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

Một ngày trước khi nhân dân Việt Nam lần đầu tiên thực hiện quyền bầu cử dân chủ tự do mà cách mạng đã mang lại, ngày 5/1/1946, Người viết Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu với những dòng xúc động: "Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ… Ngày mai, nhân dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước..."[1]

Người viết những dòng đó giữa lúc nền độc lập non trẻ mới giành lại được còn đang trong tình thế nguy nan. Các thế lực phản động và xâm lược điên cuồng chống phá cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc. Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử, có nhiều cán bộ đã hy sinh.

Nhưng vượt qua tất cả những khó khăn thử thách, thật sự tin vào tinh thần độc lập hồ hởi của nhân dân và ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập đó, tin vào sự sáng suốt chính trị của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã (dám quyết định) và tổ chức thành công một cuộc Tổng tuyển cử trên phạm vi toàn quốc.

Ngày 6/1/1946, nhân dân Việt Nam đồng lòng chung sức tiến hành thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khoá đầu tiên, khẳng định tính hợp hiến của Chính quyền cách mạng do nhân dân, của nhân dân và vì nhân dân - thành quả lớn nhất của cuộc Tổng khởi nghĩa giành độc lập.

Giữa vòng vây thù trong, giặc ngoài, cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước đã được tiến hành chỉ hơn ba tháng sau ngày tuyên bố độc lập. Đây là một cuộc tổng tuyển cử tổ chức sớm nhất sau khi lật đổ ách thống trị thực dân của một dân tộc thuộc địa, đưa lực lượng chính trị của nhân dân lên cầm quyền với đầy đủ các tiêu chí của một cuộc bầu cử văn minh trong nền chính trị hiện đại - "phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín". Cho đến nay chưa quốc gia nào làm được điều này.

Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên nghĩ về cuộc Tổng tuyền cử hôm nay - Ảnh 2.

Danh sách cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử đại ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 được niêm yết công khai trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Hoàng Thành.

Gần đến ngày bầu cử, tại Hà Nội là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, có 118 vị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và đại biểu các giới, làng xã đã công bố một bản đề nghị: "Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà".

Từ nhiều địa phương khác, đồng bào cũng viết thư đề nghị Chủ tịch Chính phủ (lâm thời) Hồ Chí Minh không cần ra ứng cử, đồng thanh nhất trí cử Người vào Quốc hội. Trước tình cảm tin yêu của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để mình thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ công dân: "Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới"[2]

Dù ở cương vị Chủ tịch nước, được nhân dân rất mực tin yêu nhưng Người vẫn không và không bao giờ xác định một đặc quyền riêng cho mình. Thông điệp đó đã được Người truyền tải nổi bật qua việc từ chối được đặc cách "miễn bầu" trong lần bầu cử Quốc hội đầu tiên. Từ ngay sau những ngày độc lập đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng dẫn nhân dân "hưởng dụng quyền dân chủ" và Người cũng là người đầu tiên thực hiện gương mẫu nhất.

Trong bối cảnh mới của đất nước, dù cho việc bầu cử Quốc hội đã trở thành việc bình thường, định kỳ nhưng sự tuyên truyền chống phá không phải là không có, đặc biệt là trên "cõi mạng". Trong khi tất cả các ứng viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được hội nghị hiệp thương giới thiệu đều thực hành các trình tự tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử như luật định, lại có những đối tượng "tự ứng cử" rồi hô hào các hội nhóm "dân chủ" trên mạng xã hội ký tên ảo, tung hô, ủng hộ cho các "nhà dân chủ"(!).

Những người này nhân danh cấp tiến, dân chủ nhưng không đếm xỉa đến các tiêu chí, tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực để ứng cử, cũng không đếm xỉa đến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định rõ: "Người tự ứng cử nộp hai bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi mình cư trú hoặc công tác thường xuyên" (điểm b, khoản 1, Điều 36).

Cử tri nơi cư trú hoặc cử tri nơi công tác sẽ nhận xét về tiêu chuẩn ứng cử và trực tiếp biểu quyết để người đó ứng cử đại biểu Quốc hội / đại biểu Hội đồng nhân dân. Kết quả của hội nghị cử tri là một trong những căn cứ quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương và quyết định giới thiệu người ứng cử vào danh sách người đủ tiêu chuẩn ứng cử.

Khi không đủ điều kiện và bị loại qua các vòng hiệp thương, thì các "ứng viên dân chủ" lên mạng xã hội tung ra luận điệu: Đảng Cộng sản cố tình "cản trở" người ngoài Đảng tự ứng cử vào Quốc hội; phải để các ứng cử viên tự do tranh cử, dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần phải trải qua hiệp thương, v.v. Những phần tử chống phá còn bịa đặt, xuyên tạc rằng hội nghị cử tri ở nơi cư trú chỉ là "nơi đấu tố" và bầu cử chỉ là "màn kịch dân chủ" do Đảng đạo diễn, "Đảng Cộng sản đang độc diễn trong bầu cử", "Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử" v.v và v.v.

Nhớ lại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, trong khi tự mình từ chối lời đề nghị "miễn bầu" cho bản thân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Quốc hội (và được chấp nhận) dành 70 ghế không qua bầu cử cho các đại biểu của "Việt quốc", "Việt cách" để gạt đi mũi nhọn chống phá của các đảng phái phản động. Người tin vào sự sáng suốt của nhân dân có thể phân biệt rõ những ai thực tâm vì nước vì dân với những kẻ cơ hội chính trị. Lòng tin đó đã được thực tiễn lịch sử chứng minh. Khi quân Tưởng rút đi, những đảng phái tay sai cũng vội vã chạy theo. Và mất chỗ "chống lưng", những lời kêu gào yêu nước giả hiệu cũng tan đi như khói.    

Ngày 23/5 sắp tới, toàn thể nhân dân Việt Nam lại đi bầu Quốc hội khóa 15 của mình, lựa chọn những người đủ tài, đủ đức để đẩy mạnh hơn sự nghiệp phát triển bền vững đi vào chiều sâu. Cũng như đã tin vào sự sáng suốt của nhân dân khi đi bầu cử 75 năm trước, chúng ta tin vào sự sáng suốt của nhân dân trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 15 sẽ bảo đảm cho tương lai phát triển của đất nước.


[1] Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập – Nxb CTQG, Hà Nội, tập 4, tr. 166

[2] Theo Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử - Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tập 3, tr. 100


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem