Thiết chế bảo vệ người tố cáo đúng, nhìn từ chuyện Thiếu tá Trịnh Văn Khoa

Quốc Phong Thứ ba, ngày 18/05/2021 10:55 AM (GMT+7)
Qua sự việc Thiếu tá Trịnh Văn Khoa ở Đồ Sơn phải xin thôi việc mới có thể dũng cảm tố cáo sai phạm của ngành, có nhiều điều cần nói về một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đã và đang khẩn trương xây dựng, đó là phấn đấu để có được những chế tài đủ sức bảo vệ người tố cáo.
Bình luận 0

Tôi cứ băn khoăn mãi chuyện nguyên thiếu tá  Công an Trịnh Văn Khoa, công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma tuý, Công an Quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng đã đệ đơn xin nghỉ việc trước khi gửi đơn tố cáo một vài người trong đơn vị mình. Những người này có dấu hiệu bao che nhiều kẻ vi phạm pháp luật mười mươi, anh cùng một số đồng đội đã phát giác được. Song để tố cáo được họ, anh cũng phải đệ đơn xin nghỉ việc.

 Sau một ít thời gian "đánh võng" với gia đình người phạm pháp, thì những  người cầm cân nảy mực tại đơn vị của thiếu tá Công an Trịnh Văn khoa  đã dễ dàng thả người phạm pháp đó một cách thật lạ lùng. Trịnh Văn Khoa không thể chấp nhận cách làm tiêu cực nói trên của đồng đội mình, cấp trên mình . 

Thiết chế bảo vệ người tố cáo đúng, nhìn từ chuyện Thiếu tá Trịnh Văn Khoa - Ảnh 1.

Nguyên Thiếu tá Công an Trịnh Văn Khoa.

Anh Khoa đã dũng cảm gửi đơn tố cáo đến các cơ quan có trách nhiệm. Sau đó, cơ quan pháp luật vào cuộc, điều tra, kết luận và khởi tố, bắt tạm giam một số sỹ quan Công an Quận Đồ Sơn, Hải Phòng mà báo chí đưa tin . 

Có nhiều điều cần nói về sự việc ở Đồ Sơn trước một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước ta đã và đang còn khẩn trương xây dựng, đó là phấn đấu để có được những chế tài đủ sức bảo vệ người tố cáo. 

Trong nội vụ này, nếu người sỹ quan cảnh sát nọ tố cáo mà không đúng thì sao khiến các cơ quan pháp luật phải đưa mấy người "đồng chí" của anh vào vòng tố tụng?

Vậy nhưng không hiểu vì sao Công an sở tại lại chấp nhận để người sỹ quan đó nghỉ việc dễ dàng như vậy. Đây là hành động dũng cảm của một cán bộ nghiệp vụ chính trực, không chịu khuất phục dù anh biết nếu làm theo họ, anh "sẽ được nhiều hơn mất".

Trả lời trên báo chí, Khoa cũng nói rằng anh biết nghỉ việc anh sẽ khó khăn, hai con nhỏ và gia đình trông chờ vào lương của vợ trong lúc anh chưa có việc làm. Nhưng vì DANH DỰ và LÒNG TỰ TRỌNG mà anh không thể im lặng trước những sai phạm của đồng đội.

Hành động dũng cảm của  thiếu tá Khoa phải được biểu dương và động viên, để anh vững tin tiếp tục ở lại quân ngũ. Thậm chí, có thể anh cũng xứng đáng thay thế người chỉ huy đã bị truy cứu hình sự nếu quá trình công tác trước đó của anh Khoa là tốt. Còn nếu khó thì nên tìm cho anh đơn vị khác, nơi nào có môi trường lành mạnh, nơi mà người chỉ huy có phẩm chất tốt và chính trực rồi trao đổi điều chuyển anh về đó. 

Thiết chế bảo vệ người tố cáo đúng, nhìn từ chuyện Thiếu tá Trịnh Văn Khoa - Ảnh 3.

Mặc dù làm công an đã nhiều năm nhưng nguyên thiếu tá Trịnh Văn Khoa vẫn ở căn nhà cấp 4 ngoài cánh đồng thuộc xã Tân Phong (huyện Kiến Thuỵ).

Trong thực tế và cũng qua thực tiễn xử lý tham nhũng, chúng ta có thể thấy, người bị tố cáo thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có thế lực trong xã hội. Còn người làm đơn tố cáo trực diện lại thường ở vị trí yếu thế hơn, yếm thế hơn. Vì thế, nếu chấp nhận tố cáo, dám đấu tranh thì có thể sẽ dẫn đến nguy cơ người tố cáo bị trù dập, trả thù...

Việc thiếu tá Trịnh Văn Khoa làm đơn nghỉ việc trước khi quyết định "chiến đấu"với cái xấu, có thể anh hiểu hơn ai hết việc anh sẽ làm nếu vẫn còn trong hàng ngũ của lực lượng vũ trang. Tôi nghĩ có thể quy trình tố giác tưởng như bình thường này không được phép khi còn trong ngành. Hoặc cũng có thể anh Khoa đã lường trước sẽ gặp khó khăn hơn nếu còn là người trong đơn vị... 

Thực tế chúng ta đã có Luật Tố cáo, trong đó có những điều khoản bảo vệ người tố cáo tham nhũng tiêu cực. Tuy nhiên những thiết chế bảo vệ người tố cáo ở Việt Nam ta còn bộc lộ nhiều vấn đề bất hợp lý, đơn cử như việc chưa xác định cụ thể cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; cũng chưa có quy định cụ thể nào về trình tự, thủ tục tiếp nhận, thụ lý và giải quyết yêu cầu bảo vệ của người tố cáo, các biện pháp bảo vệ lại chưa được cụ thể hoá. Nhiều trường hợp người tố cáo bị lộ danh tính ngay từ quá sớm khiến họ bị đe dọa,trả thù. Từ đó, họ mất lòng tin vào tổ chức Đảng và Nhà nước ta trong đó có cả các cơ quan pháp luật... 

Đó là chưa kể việc xã hội ta còn thiếu các ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan đó qua việc bảo vệ người tố cáo. Vì vậy người nào dũng cảm tố cáo hành vi sai phạm của người khác thường rất cô đơn.

Tôi nghĩ Thiếu tá Trịnh Văn Khoa trong vụ việc này chính là người rất cô đơn. Nếu không cô đơn thì có lẽ anh đã không cần thiết phải làm đơn xin ra khỏi ngành. Sự cô đơn này, nói sâu xa hơn, liệu còn là chuyện hệ trọng khác, phải chăng  là người ủng hộ anh trong đơn vị không nhiều, hoặc có trân trọng anh đi nữa thì không dám ra mặt ủng hộ, đồng tình đứng bên cạnh anh và "người đấu tranh sẽ tránh đâu"!

Một xã hội lành mạnh thì không thể như thế!

Nếu đúng như vậy thì thật đau xót và càng đến lúc Nhà nước ta lại phải thật sớm ban hành những thiết chế đủ để người tố cáo vững tin vào chế độ, để họ không còn phải tính đường bỏ việc rất không đáng. Từ đó, họ và gia đình họ an tâm làm cái việc cần làm nhất, đặng xây dựng trên đất nước ta một xã hội văn minh, lành mạnh, dân chủ, luật pháp và trật tự, kỷ cương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem