Theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng Covid-19, tính đến 17h00 ngày 10/6, số dư của Quỹ đạt 4.255 tỷ đồng. Số tiền nói trên đã bao gồm ngoại tệ quy đổi với sự đóng góp của 264.205 tổ chức, cá nhân… Tôi được biết, hiện vẫn còn trên hai nghìn tỷ các đơn vị đã đăng ký nhưng hiện chưa chuyển tới tài khoản của Quỹ. Có thể các doanh nghiệp đã rất cố gắng nhưng còn đang thu xếp, không dễ có ngay tiền nằm bất động trong tài khoản.
Nếu để ý thêm, đóng góp qua tin nhắn của người dân cả nước dù rất ý nghĩa và cần thiết, nhưng đã cả gần tuần nay, Quỹ cũng chỉ mới nhận thêm gần 60 tỷ đồng từ tin nhắn mà thôi. Như vậy, việc đăng ký đóng góp khoản tiền khoảng hơn 6000 tỷ của các doanh nghiệp như trên là rất quan trọng.
Con số mà Bộ Y tế dự chi 25.200 tỷ dành cho việc mua vaccine đã có một nửa từ ngân sách Quốc hội duyệt chi từ năm 2020. ¼ kinh phí nữa đã có và được cam kết từ nguồn xã hội hóa ở trên. Như vậy, chỉ còn thiếu non 1/4 tổng kinh phí nữa là ổn .
Thực ra, nếu Quốc hội cho chi từ quỹ dự trữ ngoại tệ Quốc gia cũng không quá khó vì Chính phủ nay đã có "của ăn của để". Song, đây là yếu tố tinh thần, thể hiện toàn dân luôn chung vai chung sức đồng hành cùng Đảng và Chính phủ chống đại dịch, bởi Chính phủ vẫn còn vô vàn thứ phát sinh cần phải chi, không thể đừng.
Việc ta còn thiếu trên 6 ngàn tỷ như vừa nói ở trên, theo tôi, Chính phủ chỉ cần quyết định sớm, đề nghị với Hiệp hội Thể thao ASEAN cho chúng ta huỷ tổ chức hoặc nếu không được thì đề xuất cho Việt Năm, nước đăng cai lui hẳn sang năm 2023 chứ không nên lùi sang năm 2022 vì nhiều lý do.
Nếu hoãn sang năm 2022 thì đây cũng là năm có nhiều Đại hội Thể thao khác trên thế giới như Đại hội Thể thao Châu Á hoặc Thế vận hội Mùa đông.
Thứ hai, nếu để sang năm 2023 mới tổ chức tại nước ta (vẫn cam kết đăng cai) thì chúng ta sẽ phải tiếp tục sửa chữa thêm một lần nữa các công trình thể thao, tuy không nhiều như chúng ta tổ chức ngay vào 2022.
Theo kế hoạch ban đầu, Seagames 31 diễn ra tháng 12/2021. Ngành Thể dục thể thao nước nhà đã và đang tính toán để sớm trình Chính phủ cho chuyển sang năm 2022. Nếu không tiếp tục tổ chức Seagames 31 sắp tới, chúng ta đã có thể có thêm cả nghìn tỷ bù vào khi đất nước có nhiều khó khăn.
Theo dự toán, ngân sách dự chi cho Seagames 31 là 1700 tỷ đồng cùng vốn đối ứng của các địa phương góp thêm và tài trợ. Hy vọng có thêm được khoản này thì sẽ là trên 2.000 tỷ. Nhưng cần hiểu, dù là địa phương góp thêm, cơ bản đó vẫn là tiền nhà nước. Vì thế nên cần cân nhắc.
Xin nhớ, không phải chỉ dân ta "thở phào" nếu như Chính phủ Việt Nam quyết định hủy hoặc lùi tổ chức, mà chính một số nước ASEAN họ cũng nhẹ nhõm. Với họ, áp lực chống dịch cũng quá gay cấn, chỉ một số nước dịch đã bớt căng thẳng.
Tôi xin kiến nghị Thủ tướng cân nhắc sớm việc này. Với ý chí, bản lĩnh cũng như tầm nhìn và tính quyết đoán của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, tôi hy vọng ông sẽ quyết theo hướng hủy tổ chức năm 2022 mà chuyển sang hẳn năm 2023, khi có điều kiện tốt chúng ta sẽ đăng cai trở lại. Như vậy uy tín của chúng ta với cộng đồng ASEAN vẫn được giữ vững và còn mạnh mẽ hơn nhờ một quyết sách hợp lý.
Nhân đây cũng xin kể lại chuyện cũ để chúng ta suy nghĩ, tham khảo: Năm 2012 ngành Giáo dục có tổ chức Hội khỏe Phù Đổng lần thứ 8 (định kỳ 4 năm 1 lần). Khi đó, ông Nguyễn Tấn Dũng đang làm Thủ tướng. Năm này, bão lũ tàn phá liên miên trên mảnh đất hình chữ S, gây tổn thất vô cùng nặng nề. Lúc đó cũng sắp đến kỳ Hội khoẻ Phù Đổng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng khi họp Chính phủ có chỉ đạo với Bộ GD & Đào tạo: Đất nước đang rất khó khăn, chúng ta nếu có tạm hoãn một năm không tổ chức Hội khỏe thì các cháu học sinh không vì thế mà không khỏe!"
Mọi người tại phiên họp đó hầu hết đều rất tán đồng hướng chỉ đạo trên của Thủ tướng.
Tinh thần này đã được Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hoá - Thể thao& Du lịch lĩnh hội (do có liên quan phối hợp tổ chức cùng Bộ GD & ĐT).
Những tưởng như vậy là xong, không tổ chức Hội Khỏe Phù Đổng năm đó.
Nhưng rồi bất ngờ chỉ ít ngày sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại ký kết luận phiên họp tiếp tục cho Bộ GD & ĐT triển khai. Nghe nói như vậy cũng ngốn cả trăm tỷ cho hoạt động nói trên, con số không ít ỏi khi đất nước khó khăn vì thiên tai dồn dập ập đến.
Tôi nhớ dư luận khi đó cũng không vui khi theo dõi Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc lần thứ 8.
Nay Seagames 31 có rất nhiều môn thi đấu và các nước bạn trong khối ASEAN sẽ sang Việt Nam tham dự.Vì thế sự tốn kém chắc chắn không thể chỉ dừng lại ở con số trên 2.000 tỷ từ ngân sách lẫn vốn đối ứng. Tôi không biết sẽ khó khăn thế nào khi đời sống người dân sau 4 đợt căng mình chống dịch đã kiệt sức, với nhiều ngành, nhiều người cần được nhà nước tiếp tục hỗ trợ tài chính vì họ đang bị mất việc làm.
Nếu chúng ta đề nghị các nước ủng hộ và BTC Hiệp hội Thể thao ASEAN cho lùi kế hoạch để Việt Nam đăng cai vào 2023 thì đây chính là cách tạo thêm một nguồn ngân sách phụ giúp cho Quỹ Vaccine mà chúng ta đang quyên góp những vẫn còn thiếu rất nhiều.
Mong Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cân nhắc để quyết định sớm. Chúng ta sẽ có thêm vài nghìn tỷ nếu hoãn tổ chức vào năm 2022. Hy vọng nhờ có khoản dự chi đã phê duyệt này cho SeaGames 31 sẽ được điều chuyển sang những việc thiết thực hơn như giúp mua vaccine. Lúc đó chúng ta sẽ không cần vận động tiếp nữa, nhất là lúc này nhiều doanh nghiệp đã và đang đuối sức vì gặp khó bội phần sau 2 năm Covid.