Hoài Linh và sự ngộ nhận về quyền lực trên "ngai vàng"
Hoài Linh và sự ngộ nhận về quyền lực trên "ngai vàng"
Mộc Linh
Thứ ba, ngày 25/05/2021 10:11 AM (GMT+7)
Hoài Linh đang ngụy biện, khi nài nỉ công chúng hãy tin ở anh, bởi anh minh bạch, anh không bao giờ đánh đổi 30 năm sự nghiệp cho số tiền 13 tỷ. Nhưng sự minh bạch ấy liệu có còn giá trị khi niềm tin đã sụp đổ? Nếu công chúng không chất vấn, khi nào Hoài Linh mới lên tiếng?
18h ngày 20/10/2020, Hoài Linh đăng đàn quyên góp ủng hộ từ thiện đồng bào miền Trung, khi nơi đây đang đau thương cùng tận bởi trận lũ lịch sử quét qua, ngay sau khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Anh nhanh chóng nhận hàng trăm ngàn lượt like, bình luận. Những hình ảnh chụp tin nhắn chuyển tiền nhảy theo từng tích tắc. Người hâm mộ để lại những dòng "gan ruột": "Anh Linh ơi, em đã ủng hộ nơi khác rồi nhưng vì hâm mộ anh nên thấy anh kêu gọi em lại ủng hộ tiếp"; "Nhiều nghệ sĩ kêu gọi ủng hộ nhưng cháu chỉ tin chú thôi…".
Nhưng rồi công chúng đột nhiên không còn thấy nam danh hài này nói về câu chuyện từ thiện nữa. Thay vào đó, anh thường xuyên lên YouTube khoe khuôn viên của ngôi nhà thờ Tổ, lên Tik Tok tấu hài, giao lưu với fan… Trong những clip ấy, anh đang tận hưởng cuộc sống của mình, hoàn toàn không nhắc tới chuyện "tôi sắp đi từ thiện", "vì dịch bệnh mà tôi chưa thể đi từ thiện".
Sáng 24/5, sau nhiều ngày im lặng và để điện thoại ở chế độ "thuê bao quý khách", Hoài Linh mới trần tình: "Hãy tin tôi minh bạch". Anh nói mình không thể đánh đổi sự nghiệp bằng hơn 13 tỷ đồng. Hôm qua, anh cũng đưa ra những văn bản của ủy ban nhân dân các tỉnh ghi nhận rằng anh đã liên hệ với họ, nhưng do dịch mà chưa thể triển khai. Anh cũng mong công chúng thông cảm bởi diễn biến dịch Covid-19 quá phức tạp. Nhưng công chúng nghi ngờ, không hiểu ở đây Hoài Linh xin lỗi, hay đổ lỗi!
Dù anh có xin lỗi đi nữa, thì lời xin lỗi ấy là không đủ. Anh đã im lặng rất dài trong khi lẽ ra anh phải thông báo và thường xuyên cập nhật những gì anh đã làm cho công chúng. Bởi anh không chỉ giữ tiền của họ. Anh giữ niềm tin, sự gửi gắm từ người hâm mộ anh. Anh giữ cả hy vọng về việc cải thiện chút nào đó đời sống cho người dân ngay sau thiên tai bão lũ.
Hoài Linh chọn im lặng. Anh chỉ mất 22 ngày để thống kê số tiền 13 tỷ, nhưng mất tới 6 tháng để đưa ra lời giải thích vòng vo và chỉ lên tiếng khi sự phẫn nộ lên tới cao trào. Những con số mù mờ và cách anh "ngâm" số tiền lớn trong tài khoản khiến những người từng yêu quý, thần tượng anh nhất cũng hốt hoảng và thất vọng.
Anh nghĩ tượng đài kiên cố và hình tượng giản dị, chất phác do anh gây dựng nên không dễ dàng xô đổ? Anh nghĩ im lặng là cách tốt nhất để đi qua scandal? Thế nhưng, chính sự im lặng ấy đã thổi bùng sự phẫn nộ mà công chúng dành cho anh, sau một thời gian dài kiên nhẫn chờ đợi và lắng nghe một câu trả lời thỏa đáng.
Thứ khiến công chúng nổi giận không đơn giản là sự mất mát hay chậm trễ về tiền bạc. Cao hơn, đó là nỗi đau xót khi niềm tin về những điều tốt đẹp, thiện lương bỗng dưng trở nên vỡ vụn, khi nhận ra lâu nay, ta đã gửi gắm và ngưỡng mộ sai người. Trong video gửi gắm truyền thông ngày hôm qua, chính Hoài Linh bảo, có người trích 8.000, 9.000 đồng để gửi cho anh, bởi họ thương đồng bào lũ lụt. Chắc hẳn, những người lao động vất vả ấy không thể tin được rằng, đồng tiền họ chắt chiu vẫn đang nằm im, hoặc bị "quên lãng" trong tài khoản, khi mà đồng bào miền Trung vật lộn trong bài toán sinh tồn suốt 6 tháng qua, sau cơn lũ.
Không ít ý kiến bênh vực cho rằng, Hoài Linh nên được thông cảm khi "chậm" tiền từ thiện, bởi đây là một hình thức kêu gọi hoàn toàn tự phát. Anh không vi phạm bất kỳ quy định nào, cũng có quyền bận rộn với những công việc cá nhân. Thế nhưng, hãy nhớ, từ thiện (charity) chỉ là vấn đề cá nhân, trong trường hợp đó là câu chuyện cho - nhận giản đơn giữa 2 người, hoặc diễn ra một nhóm cộng đồng rất nhỏ. Còn khi một người nổi tiếng đăng tải lên mạng xã hội một dự án ảnh hưởng tới cộng đồng, kêu gọi sự quyên góp của một tập hợp khổng lồ những cá nhân khác, việc này đã trở thành công ích xã hội (philanthropy). Nó ảnh hưởng tới xã hội, tác động đến cả những người không trực tiếp tham gia. Và bởi vậy, công chúng hoàn toàn có quyền lên tiếng, nhận định và phẫn nộ.
Từ thiện là lòng tốt được nảy sinh từ tâm. Không ai bắt buộc ai phải làm từ thiện, việc không làm từ thiện càng chẳng thể đánh giá được một con người. Thế nhưng, khi đã dấn thân vào công việc này, đừng làm nửa vời, đừng biện bạch, khuất tất. Ở vị thế của người nghệ sĩ có số lượng fan hâm mộ lớn bậc nhất Việt Nam, chẳng lẽ Hoài Linh không biết điều này? Hay anh đã vô tình lãng quên? Hoặc anh cho rằng, với vị thế của anh, chẳng còn điều gì có thể làm lay chuyển?
Có một điều đáng buồn nữa cần nhắc tới, cách làm từ thiện nửa vời của một số nghệ sĩ lại khiến công chúng chĩa mũi dùi vào các cơ quan chính quyền, các đoàn thể, trong khi chính họ là người đến nơi thiệt hại đầu tiên, có người hy sinh khi giúp đỡ đồng bào; và các chiến sĩ quân đội là người tự tay dựng lại nhà, quét dọn bùn lầy cho dân. Họ không chỉ là hô hào, quyên góp, đến trao một số tiền, chụp ảnh làm truyền thông rồi rời đi. Họ đã không bao giờ "quên" hoặc "chậm".
"Lòng tin giống như một tờ giấy, một khi nó đã bị nhàu nát thì không bao giờ được phẳng phiu trở lại". Những ngày qua, cơn cuồng nộ của dư luận chắc hẳn cho Hoài Linh thấy, anh đã quá tự tin rồi. Những vở diễn của Hoài Linh đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Nhưng lần này, chẳng rõ, anh diễn hài, hay diễn bi?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.