Định mức chứng chỉ

Dương Tiêu Thứ sáu, ngày 04/06/2021 14:06 PM (GMT+7)
Dành cả thanh xuân đi sưu tập chứng chỉ là có thật. Cách đây vài năm khi có chủ trương xét thăng hạng đối với viên chức một số cơ quan, tôi mừng lắm. Vì tôi có 3 bằng đại học chính quy. Nhưng nhìn vào danh mục "điều kiện cần" thì bất cứ viên chức nào cũng ngại luôn!
Bình luận 0

 Danh mục yêu cầu với viên chức bao gồm: Ba năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, bằng đại học, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ trung cấp lý luận chính trị (LLCT).

Khó nhất là chứng chỉ trung cấp LLCT. Tôi học ngành khoa học xã hội, tốt nghiệp năm 1998. Có thời gian, sinh viên ngành này được coi tương đương trung cấp LLCT nhưng sau đó thì không được tương đương nữa. Có lẽ chỉ có một số đồng nghiệp của tôi nhờ học "phân viện" mà tuy cùng ngành, tốt nghiệp cùng năm nhưng vẫn có chứng chỉ "tương đương".

Chưa có thì chờ đến lượt đi học. Khi tôi về cơ quan mới, suất đầu tiên đi học Cao cấp LLCT thuộc về ông chánh văn phòng. Sau đó cứ có công văn về việc cử đi học Cao cấp LLCT thì ông chánh văn phòng lại "quên" báo cáo. Rồi năm sau thì thủ trưởng đơn vị "quên" phổ biến. Vậy là 5 năm cả cơ quan sự nghiệp cấp vụ chỉ có ông chánh văn phòng đi học Cao cấp LLCT để chuẩn bị cho chức danh phó thủ trưởng. 

Chưa kể chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Chứng chỉ ngoại ngữ phải theo chuẩn châu Âu, khung năng lực 6 bậc dành cho Việt Nam. Chứng chỉ tin học hay nói một cách chính thống là chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản. Hai loại chứng chỉ này thay thế chứng chỉ A, B, C tin học, ngoại ngữ "ngày xưa".

Chứng chỉ đã là "nỗi ám ảnh" của nhiều công chức, viên chức cũng như trở thành hàng rào kỹ thuật được một số thủ trưởng áp dụng để ngăn chặn cũng như dọn đường cho một số cá nhân thăng hạng, nâng ngạch, bổ nhiệm.

Trong vài lần trà dư tửu hậu, chúng tôi đã ngồi đếm sơ sơ rằng, muốn được bổ nhiệm chức vụ trưởng phải đủ các bằng cấp, chứng chỉ sau: Bằng Đại học (có bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ thì càng tốt dù trái ngành); chứng chỉ quản lý chuyên ngành, chứng chỉ của cơ quan chủ quản; chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ công nghệ thông tin; chứng chỉ viên chức hạng III, chứng chỉ viên chức hạng II (đối với công chức là chứng chỉ chuyên viên, chuyên viên chính); chứng chỉ quản lý cấp phòng, cấp vụ; giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 (cấp phòng) và đối tượng 2 (cấp vụ)… Tất nhiên là phải có Chứng chỉ Cao cấp LLCT.

Mê hồn trận mà tôi đồ rằng chỉ có những người làm chuyên môn tổ chức cán bộ mới nhớ hết những loại giấy tờ này.

Định mức chứng chỉ - Ảnh 2.

Bộ Nội vụ yêu cầu giảm quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, nâng ngạch công chức; thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. (ảnh minh họa)

Trả lời chất vấn tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIV (tháng 11/2019), Bộ trưởng Bộ Nội vụ khi ấy là ông Lê Vĩnh Tân giải thích, quy định về các loại văn bằng, chứng chỉ đối với công chức, viên chức đã có từ năm 1993 chứ không phải do Bộ Nội vụ đặt ra. Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận từ năm 1993 đến nay đã hai mươi mấy năm thì cần phải sửa.

Sau đó, thi thoảng Bộ Nội vụ cũng báo cáo giảm được vài chứng chỉ đối với… sinh viên tốt nghiệp trường đại học mà chuẩn đầu ra bao gồm tin học, ngoại ngữ.

Ở các Bộ ngành, chỉ có Bộ Giáo dục-Đào tạo ban hành 4 Thông tư vào đầu năm 2021 về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên từ mầm non đến THPT, trong đó chỉ yêu cầu bằng đại học/thạc sĩ chuyên ngành cùng chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên chứ không nhắc gì đến các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ như trước. Các ngành nghề khác "lặng thinh" - tức là các quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ vẫn là yêu cầu bắt buộc khi thăng hạng hoặc bổ nhiệm. 

Phải đến đầu tháng 6 năm nay, Bộ Nội vụ mới có "đột phá" nhằm giảm thiểu văn bằng chứng chỉ đã có "hai mươi mấy năm" khi đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức. Bộ Nội vụ cũng đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Đây là những nội dung Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng.

Mới đây, khi làm việc với Bộ Giáo dục-Đào tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, tập trung rà soát toàn bộ thể chế, cơ chế chính sách, đề xuất điều chỉnh, nhất là cơ chế, chính sách liên quan tới trường lớp, giáo viên. Những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Như vậy, tôi tin người đứng đầu Chính phủ sẽ "quyết" theo hướng giảm tải, giảm khó khăn phiền hà cho công chức, viên chức.

Nhưng tại sao lại có những con số trên? Tại sao không bỏ hết? Tại sao ngần ấy văn bằng chứng chỉ ai cũng biết là "làm khó" công chức, viên chức hơn hai mươi năm mà không cơ quan nào mạnh dạn đề nghị cắt bỏ? Và những người như chúng tôi sau nhiều năm vất vả, đã "sưu tập" gần đủ các loại văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu "khó tính" nhất của một cơ quan Nhà nước thì hóa công cốc?

Vấn đề nằm ở chỗ, bao lâu nay, các cơ quan vẫn xoay mòng mòng trong việc đánh giá công chức, hằng năm cũng như trước khi bổ nhiệm, thăng hạng, nâng ngạch. Không biết dựa vào đâu để định tính, người ta đành định lượng bằng ngần này chứng chỉ, ngần kia văn bằng rồi bao nhiêu năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, bao lần được chiến sĩ thi đua. Trong những tiêu chí đó thì ngay cả chất lượng công việc cũng được quy ra một tờ giấy A4.

Trong khi đó, nhìn ra khu vực ngoài quốc doanh, KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) được tính toán tỉ mỉ đến từng milimet và trong đó hầu như vắng bóng các loại bằng cấp, chứng chỉ không thật sự liên quan đến công việc.

Tôi có một người bạn chưa kịp tốt nghiệp đại học do anh dành những năm học đại học để đọc sách. Hiện tại anh làm sáng tạo nội dung mà theo chúng tôi nếu anh đứng thứ hai thì không có người đứng thứ nhất. Anh này vừa được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc một tổ chức phi chính phủ mà một trong những lĩnh vực hoạt động là truyền thông. Anh cũng thường xuyên được mời giảng về truyền thông cho các tập đoàn lớn.

Nhưng người như anh quá hiếm. Hơn 20 năm làm báo tôi chỉ quen duy nhất một người. Bạn bè khác của tôi trong khu vực Nhà nước, ai cũng có bằng đại học và một vài chứng chỉ. Nhiều người trong số họ dành phần lớn thời gian để đi học cho đủ "định mức chứng chỉ" theo quy định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem