Dân Việt

Lời kể của những người "sống trong sợ hãi" ở rừng sâu vì theo tà đạo ở Tây Nguyên

Trần Hiền 15/07/2021 05:32 GMT+7
Trước đó, nhiều người dân huyện Mang Yang (Gia Lai) đã lầm đường lạc lối, trốn vào rừng sâu gần 10 năm trời khi tin vào những lời xúi dục, bịa đặt của các đối tượng theo tà đạo Hà Mòn. Giờ đây, khi được “giải cứu” khỏi tà đạo này họ đã về bên vòng tay của gia đình, chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Clip: Sau khi thoát khỏi rừng sâu, thoái khỏi tà đạo Hà Mòn, người dân trót tin theo tà đạo này ở tỉnh Gia Lai đã chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế

Sống trong sợ hãi-sự thật về tà đạo Hà Mòn

Từ cuối năm 1999, tại các làng Kơ Tu, Đắc Wơk, xã Hà Mòn, huyện Đắk Hà (Kon Tum) xuất hiện luận điệu tuyên truyền, tung tin "Đức mẹ hiện hình" do một số đối tượng là người dân tộc thiểu số như Y Gyin, Y Kach, A Níp, cầm đầu là Y Gyin dựng lên. 

Đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn ở Gia Lai: Ánh sáng trở về ngôi làng nhỏ - Ảnh 2.

Do nhận thức hạn chế nên một số người dân tộc thiểu số ở xã Hra, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã lầm đường, lạc lối tin và theo tà đạo Hà Mòn (Ảnh T.H)

Các đối tượng này lợi dụng hoạt động tôn giáo để lồng ghép âm mưu chống phá chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Cho đến nay, luận điệu tuyên truyền xấu của các đối tượng xấu đã lây lan đến một số thôn, làng của một số huyện, thành phố, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai.

Cụ thể, đến năm 2007, tà đạo Hà Mòn bắt đầu thâm nhập vào các làng Kret Krot, Bơ Chăk, Kdung I, Jơ Long - xã H’ra và làng Drăh - xã Lơ Pang, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai), do 2 đối tượng cầm đầu ở Kon Tum là A Tách và A Hyum lén lút đến tuyên truyền.

Những luận điệu xuyên tạc, những trò bịp mà các đối tượng xấu của tà đạo Hà Mòn tung tin ra để lôi kéo người dân phải kể đến như: "Đức mẹ hiện hình tại Hà Mòn", "Ai đi theo Đức mẹ Pluk thì sẽ xóa hết nợ nần, không phải lao động vất vả nhưng vẫn có cuộc sống sung túc, giàu sang" (Pluk theo tiếng của người Ba Na là mẹ lớn, lúc ẩn lúc hiện)...

Hay các luận điệu tuyên truyền vô lý, chướng tai như "Ai đi qua bước chân của Đức mẹ Pluk thì sẽ được xóa nợ ngân hàng"; "Ai ốm đau, bệnh tật đến với Đức mẹ thì sẽ khỏi bệnh"… 

Các luận điệu tuyên truyền này nhằm mục đích ly khai, gây chia rẽ tình đoàn kết dân tộc, chia rẽ đoàn kết đoàn kết tôn giáo, khiến nhiều người bán tín bán nghi. 

Những luận điệu này mang nặng tính mê tín, dị đoan nhằm lừa bịp những người dân thiếu hiểu biết, hoặc có suy nghĩ đơn giản. Do nhận thức hạn chế nên một số bà con người dân tộc thiểu số đã tin theo sự bịa đặt, những lời hoang tưởng trên rồivề làng tuyên truyền rộng rãi cho bà con giáo dân ở các làng tin theo.

Đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn ở Gia Lai: Ánh sáng trở về ngôi làng nhỏ - Ảnh 3.

Trước đó, vì tin theo tà đạo Hà Mòn mà một số người trụ cột gia đình như anh Kưnh trốn vào rừng sâu ở ấn, khiến gánh nặng gia đình đặt hết lên đôi vai của vợ, con (ảnh T.H)

Đến cuối năm 2009, tà đạo Hà Mòn đã phát triển lan rộng đến 5 làng, 2 xã (Hra, Lơ Pang) với 191 hộ/1.007 người tin theo. Năm 2010 và 2011 có 233 hộ/1.357 người tin theo tà đạo này.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của lực lượng chức năng, đến rạng sáng 19/3/2020 tại khu vực núi Jơ Mông, huyện Mang Yang, Công an tỉnh Gia Lai đã bắt giữ 3 đối tượng cầm đầu, cốt cán theo tà đạo Hà Mòn. 

Các đối tượng bị bắt gồm Kưnh (SN 1991), Lũp (SN 1972), Jưr (SN 1964) cùng ngụ làng Kret Krót, xã Hra). Đây là 3 đối tượng cốt cán lẩn trốn trong rừng để chỉ đạo các đối tượng khác hoạt động chống đối chính quyền. Và 3 đối tượng trên cũng là những đối tượng cuối cùng theo tà đạo Hà Mòn bị đưa ra ánh sáng...

Hạnh phúc ngày trở về từ rừng sâu, từ cõi mê

Sau khi lầm đường lạc lối tin và theo những lời xúi dục, bịa đặt của các đối tượng theo tà đạo Hà Mòn, nhiều bà con dân tộc thiểu số đã được chính quyền "giải cứu". 

Giờ đây, khi thoát khỏi tà đạo này, bà con đã trở về bên vòng tay của gia đình, ăn năn hối cải quay về làm ăn lương thiện, hòa nhập với cộng đồng.

Một trong số những người sống "ẩn giật" trong rừng sâu lâu năm nhất phải kể đến ông Jưr (SN 1964). Được biết, ông Jưr theo tà đạo Hà Mòn vào năm 2006. 

Đến năm 2011, ông Jưr trốn vào rừng sâu, mãi đến năm 2020 thì được lực lượng chức năng tiếp cận và đưa về. 

Dường như, sau thời gian gần một thập kỷ sống vất vưởng nơi rừng thiêng, nước độc, sức khỏe ông giảm xuống rõ rệt. Nhìn gương mặt của ông già hơn nhiều so với tuổi.

Đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn ở Gia Lai: Ánh sáng trở về ngôi làng nhỏ - Ảnh 4.

Khi được “giải cứu” khỏi tà đạo này nhiều bà con ở huyên Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã về bên vòng tay của gia đình, chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế (ảnh T.H)

Ông Jưr nhớ lại: "Chỉ vì niềm tin mù quáng, mình đã theo tà đạo mà không hay biết. Suốt thời gian dài ở trong rừng, mình rất nhớ vợ con nhưng lại không về thăm được. Là người đàn ông chính trong nhà, nhưng bao nhiêu gánh nặng lại dồn lên đôi vai của vợ, mình thấy có lỗi với gia đình lắm....". 

"Cuộc sống bây giờ rất thoải mái, tốt đẹp. Hằng ngày tôi lên rẫy chăm sóc mì và cùng vợ nuôi dạy con cái. Mong rằng, người dân trong làng hãy chăm lo làm ăn, đi theo con đường đúng đắn, đừng bao giờ đi theo con đường lạc lối như tôi trước đây", ông Jưr chia sẻ.

Tâm sự với phóng viên, anh Gyưn (SN 1980, trú tại xã H’ra) bộc bạch: "Khi nghe người ta nói rằng Đức mẹ hiện ra, lúc chết sẽ được lên thiên đường…thì mình rất xúc động và tin theo. Cuộc sống ở rừng, khó khăn trăm bề. Đói khát, lạnh lẽo đau ốm triền miền khiến mình nghĩ về những ngày tháng yên bình bên vợ con...".

"Lúc ở rừng mình không biết tà đạo này là sai trái, đến khi về lại làng rồi mới biết. Ngày được trở về bên vòng tay của vợ con, mình vui mừng lắm, vợ mình cũng vậy. Không còn lo lắng, thấp thỏm ngày đêm nữa. Nếu biết đây là tà đạo thì mình đã không tin, không theo...".

Đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn ở Gia Lai: Ánh sáng trở về ngôi làng nhỏ - Ảnh 5.

Anh Gưnh và anh Đinh Ngo ( cùng trú tại làng Krot Kret, xã Hra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) phấn khởi tâm sự với PV khi được trở về bên vòng tay của gia đình (Ảnh T.H)

Hạnh phúc nào hơn khi gia đình trùng phùng, mọi người quây quần bên mâm cơm xen kẽ tiếng vợ, chồng con cái vui đùa. 

Niềm vui ấy sẽ trở nên ý nghĩa hơn khi người chồng, người cha của họ sau một thời gian dài đằng đẵng đi theo con đường lạc lối đã biết quay đầu trở về xây dựng cuộc sống.

Sau khi được "giải cứu" khỏi tà đạo Hà Mòn, giờ đây tại các làng, hầu hết số người theo tà đạo này không còn tin vào các luận điệu tuyên truyền của số đối tượng cầm đầu. Bà con đồng bào không còn tập trung đông người nhóm tụ họp trái phép trong làng hoặc bị đối tượng lẩn trốn khống chế, lôi kéo ra rừng...

Bà con buôn, làng trót tin theo tà đạo Hà Mòn giờ đã chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với cấp ủy, chính quyền và cộng đồng làng đã từng bước được cải thiện, không còn mâu thuẫn căng thẳng như trước.

Đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn ở Gia Lai: Ánh sáng trở về ngôi làng nhỏ - Ảnh 6.

Huyện Mang Yang, địa phương từng đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn ở tỉnh Gia Lai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trọng – Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cho biết: "Những người bị lôi kéo, dụ dỗ đi theo tà đạo Hà Mòn đã được tuyên truyền, vận động về với gia đình. Hiện nay, trên toàn huyện tà đạo Hà Mòn đã chấm dứt hoạt động, người dân không còn tin vào tà đạo này. 

Trước mắt, địa phương sẽ giúp họ hòa nhập với cộng đồng, tiếp tục chuyển biến tư tưởng theo tín ngưỡng truyền thống đúng với pháp luật cho phép, không lợi dụng các tà đạo để làm trái quy định pháp luật".

Theo ông Trọng, về phía con em của những người trót tin và theo vào tà đạo Hà Mòn, huyện sẽ hỗ trợ, động viên để các em được học hành đến nơi, đến chốn. Về kinh tế, huyện sẽ rà soát, lập danh sách các gia đình có khó khăn. 

"Hằng năm, khi bình xét các hộ nghèo, cận nghèo (những người trước đây theo tà đạo nói riêng và của toàn bộ người dân nói chung), được dân làng bình xét dân chủ, công bằng. Từ đó, địa phương sẽ có những cách tiếp cận phù hợp như cho vay vốn ngân hàng, cho tham gia các chương trình, mô hình khuyến nông để nhân dân phát triển kinh tế...", ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang khẳng định.