Dân Việt

Khi công nhân xô cổng tháo chạy

Nguyễn An Thanh 13/07/2021 12:06 GMT+7
Vừa nghe tin một công nhân trong công ty nghi nhiễm Covid-19, công ty sẽ bị phong tỏa tạm thời để truy vết và triển khai lấy mẫu xét nghiệm, lập tức hàng trăm công nhân ồ tạt xô cổng bỏ chạy ra ngoài. Việc phòng chống dịch cho công nhân không chỉ đơn giản trên loa, trên giấy hay bằng mệnh lệnh đóng cổng.

Sự việc xảy ra cuối tuần qua ở Công ty TNHH Ampacs International (Bình Dương), khiến nhà chức trách mất thời gian thuyết phục những công nhân bỏ chạy quay lại  xét nghiệm. Điều gì khiến cho công nhân ở đây mất bình tĩnh, bất chấp sự ngăn cản của bảo vệ, xô cổng để bỏ chạy? Điều mà tại Bắc Ninh, Bắc Giang không xảy ra?

Hiện nay, Bình Dương có 28 khu công nghiệp, với khoảng 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động và khoảng 1,2 triệu lao động, trở thành một địa phương phát triển kinh tế tốt nhất khu vực phía Nam. Tất nhiên khi Covid-19 xuất hiện thì Bình Dương cũng là nơi nhiều nguy cơ nếu dịch lan vào các nhà máy. 

Thực ra, những hình ảnh lộn xộn, tập trung đông người vi phạm quy định 5K không chỉ xảy ra ở Công ty TNHH Ampacs International mà ta có thể bắt gặp trong sự việc tranh nhau cướp giấy hẹn xét nghiệm ở chợ đầu mối Bình Điền hay hàng ngàn người xếp hàng dài chờ tiêm trước cổng Nhà thi đấu Phú Thọ TP.HCM. Dường như hậu quả đã đến ngay và luôn, bởi nơi đây chính là nguồn lây bệnh do tập trung quá đông người.

Để xẩy ra tình trạng trên, đầu tiên phải nói đến vai trò mờ nhạt của người đứng đầu, họ đã không xuất hiện tại các điểm nóng để tạo niềm tin cho người dân. Nhớ lại tháng 4 năm ngoái, toàn bộ thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), gồm 11 xóm, hơn 2.000 hộ dân với hơn 11.000 nhân khẩu đã được các lực lượng chức năng khoanh vùng, cách ly 28 ngày khi ghi nhận 13 người mắc Covid-19.

Khi đó, 11.000 người dân trong thôn Hạ Lôi đều được lấy mẫu xét nghiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Anh Tuấn bố vừa mất, gác việc riêng vào "cắm bản" để trấn an dư luận. Còn tại Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND thường trực tỉnh Mai Sơn đã cùng "bộ chỉ huy tiền phương" có mặt tại các khu công nghiệp để "ba cùng" với công nhân. Người dân sẽ yên tâm hơn nhiều khi lãnh đạo có mặt cùng họ vào những giờ phút căng thẳng. 

Tại các khu chung cư tại Hà Nội, tại nhiều khu văn phòng, công sở nơi được coi là dân trí cao hơn nhiều, cảnh hoảng hốt vẫn thường xẩy ra nhưng nếu có người đứng đầu xuất hiện, tình trạng này sẽ được sớm chấm dứt. Khi để hàng trăm công nhân trong cơn hốt hoảng, sợ hãi hè nhau xô đổ cửa thì vài ba ông bảo vệ công ty, có chăng chỉ là những tiếng kêu vô vọng mà thôi. Làm sao ngăn nổi những con người đang không có thông tin, không biết ngày mai của mình và gia đình sẽ ra sao, liệu người khác mắc Covid-19 thì họ có còn được đi làm, có bị bắt nhốt cách ly…

Tiếp đến, phải nói đến công tác truyền thông cho công nhân và người dân, vốn được thực hiện rất nhiều, liên tục nhiều ngày, nhưng đã đủ, đã trúng chưa. Như một công nhân người Nghệ An sau này chia sẻ: "Bọn em bỏ chạy vì chả thấy sếp ở đâu, không biết xét nghiệm mất mấy trăm ngàn thì tiền đâu, rồi nếu phải cách ly 21 ngày thì lấy gì mà sống". Điều người lao động cần biết, chỉ rất đơn giản xoay quanh sự sinh tồn của mình như thế, và họ cũng cần biết ai sẽ đồng hành cùng mình trong mùa dịch. Muốn người lao động chấp hành tốt các quy định chống dịch và để giữ trật tự, ổn định chung, họ cần có thông tin đầy đủ, nhiều hơn một tờ A4 để hình dung ra cuộc sống mai rày của mình khi trong công ty có người dương tính.

Khi công nhân xô cổng tháo chạy - Ảnh 3.

Công nhân công ty Ampacs xô cổng nhà máy bỏ chạy. Ảnh cắt từ clip.

Tại sao chỉ xét nghiệm thôi mà mấy trăm người hốt hoảng bỏ chạy tán loạn như vậy? Câu chuyện tiếp theo liên quan đến "giấy phép con" mùa dịch mà phần đông dân nghèo Bình Dương và TP.HCM đang phải móc túi để có. Bất cứ ai có chút kiến thức về y tế đều biết Giấy xét nghiệm chỉ là sự chứng thực từ thời điểm xét nghiệm trở về trước người đó không bị nhiễm virus chứ không có cơ sở nào để tin tưởng rằng, ngay sau đó họ không bị phơi nhiễm. Nếu coi nó là giấy thông hành thì khác nào người ta tìm đến sự yên tâm giả tạo. Chính đây là kẽ hở tạo ra sự lây lan mất kiểm soát F0, F1 trong thời gian gần đây, tệ nạn giấy xét nghiệm giả cũng đã xuất hiện.  

Bản thân chính quyền địa phương cũng hiểu biết về "giấy phép đi đường thời Covid-19" này khác nhau. Sát thủ Covid-19 giống nhau, nhưng đến nay mỗi tỉnh lại có quy định thời gian hiệu lực của xét nghiệm khác nhau. Đồng Nai có giá trị 7 ngày. Vũng Tàu 5 ngày. Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận... 3 ngày, phải chăng virus các địa phương yếu, khỏe khác nhau. Điểm chung duy nhất là tiền đều móc từ túi dân, từ 300 ngàn đến 700 ngàn, vạn sự tùy may mắn. Việc các địa phương áp dụng giấy xét nghiệm thông hành vừa thiếu khoa học, vừa tốn nhiều tiền và dồn hết lên đầu dân, khiến xảy ra những bất an như trên. Đối với người lao động thời Covid-19, vài trăm ngàn đồng là cả một vấn đề lớn, khiến họ hốt hoảng khi nghe tin phải xét nghiệm mà không biết lỗi từ đâu.

Mấu chốt của vấn đề vẫn là tiêm chủng. Bộ Y tế chủ trương phân bổ cho Bình Dương 500 nghìn đến 1 triệu liều vaccine Covid-19 để tiêm cho công nhân, song đến nay Bình Dương mới được cấp 24.000 liều vaccine, còn rất thấp so với nhu cầu. Trong lúc chờ đợi vaccine được gấp rút ưu tiên cho khu công nghiệp và công nhân như đã làm ở Bắc Ninh, Bắc Giang thì chúng ta vẫn phải thực thi tốt quy định 5K và chính quyền thì vẫn miệt mài thực hiện 5 công đoạn: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Điều này đòi hỏi phải chi tiết hóa các công đoạn và truyền thông chi tiết, cụ thể để người dân biết và thực hiện, còn những mệnh lệnh vô thức kiểu đóng cổng công ty ngay để tiến hành xét nghiệm sẽ thất bại. Để công nhân bỏ chạy toán loạn thì nguy cơ lây nhiễm lại càng tăng, một cái vòng luẩn quẩn.

Với những người lao động xa quê như công nhân Công ty TNHH Ampacs International, số tiền tích lũy không nhiều, ngừng làm việc là đói. Công cuộc chống Covid-19 còn dài, họ không thể nằm chờ hết dịch nên đã đến lúc chính quyền địa phương kết hợp doanh nghiệp sắp xếp, bố trí chỗ ở cho công nhân tại xí nghiệp, nhà máy để đảm bảo sự an toàn. Kinh nghiệm của các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang cần được Bình Dương, TP.HCM học tập, tham khảo.