Có một TP.HCM-Sài Gòn sôi động, bỗng trống trải như ngày 30 Tết, đi giữa đường cứ ngỡ mình đang lạc tận đâu! Ngoài thế giới của người giàu, cũng có một góc Sài Gòn lam lũ, âm thầm chịu đựng những ngày “giãn cách”, “giăng dây”, song không vì thế mà người lao động nghèo quên nhường nhau miếng cơm, bó rau xanh… chờ qua ngày dịch.
Giữa những thị phi về chuyện nghệ sĩ làm từ thiện, giữa những nỗi lo các tỉnh phải "né" người từ Sài Gòn về, rồi cảnh những người từng có thu nhập cao phải chạy Grab, bán hàng online kiếm sống, doanh nghiệp thất thần nhìn nhau vì sắp ngã sụm…, bỗng dưng Sài Gòn có thêm một đốm lửa ấm. Sau khi góp tiền mua vaccine, hỗ trợ y bác sĩ Bắc Giang phòng chống dịch, Hà Anh Tuấn lại lặng lẽ góp 25 tấn gạo để "cả Sài Gòn sẽ cùng nhau nấu cơm". Không chỉ thế, bữa ăn ở các bếp từ thiện còn có thêm trứng và dầu ăn, từ đó nồi cơm Thạch Sanh lại tiếp tục nở ra giúp người nghèo.
Những bếp ăn vui vẻ, những quán cơm xã hội Nụ cười, rồi bữa cơm cho công nhân trong khu vực bị phong tỏa, cơm cho bệnh nhân trong bệnh viện ung bướu như lâu nay người Sài Gòn vẫn chia sẻ, nay Hà Anh Tuấn lại tiếp sức, khiến nhiều khán giả của quý ông "The Veston" phải thốt lên: "Âm nhạc tử tế, con người tử tế, quá tuyệt vời"! Và câu nói "Khi mệt, cả Sài Gòn sẽ cùng nhau nấu cơm, mai mình tính tiếp" của Hà Anh Tuấn khiến người ta bùi ngùi và hy vọng.
Dù không muốn nói ra chuyện mình giúp người, song nam ca sĩ cũng được biết đến với độ lan tỏa của dự án cộng đồng "Rừng Việt Nam", hay siêu thị 0 đồng và cây ATM gạo, bởi anh biết, "nhìn sâu trong một giọt nước sẽ thấy cả dòng suối", bởi khi "làm một việc đơn giản, hiểu, sẽ thấy đời đẹp vô cùng".
Nghệ sĩ, đôi khi tự coi mình tách biệt khỏi đám đông, và tự hào vì mình sống được là nhờ tài năng, không phải nhờ ai "nuôi cơm", tức giận khi không được đánh giá đúng bản thân. Nhưng nghệ sĩ, khi có lòng biết ơn, sẽ nghiêng mình hòa lẫn vào đám đông, hiểu thêm cuộc sống của họ và giúp đỡ những ai đang lúc ngặt, bởi giúp tha nhân là giúp chính mình.
Trên trang cá nhân của Hà Anh Tuấn, có những dòng thế này: "Có hai cách thu xếp cuộc đời mình: Hoặc ta đứng trong hệ quy chiếu của những đám đông quyền lực, quăng cái nhìn ngạo nghễ về số phận yếu ớt mỏng manh của chính mình. Khi ấy, đám đông kia luôn có cách (bằng những con số ảnh ảo, những lời xưng tụng và cả tấn công) để mụ mị mình, mụ mị nhau về những điều hạnh phúc. Hoặc là ta luôn an yên ở đây, một mình nhỏ bé nhìn ra cuộc đời bao la. Nhìn xuyên qua tất cả những náo nhiệt rực rỡ, để hiểu biết về cái vô giá tuyệt đối của sự lặng thinh cô độc. Rồi dũng cảm đi tìm sự hạnh phúc riêng mình thấy".
Mấy hôm nay khi có những quyết định bị rút lại, chỉ bởi người Sài Gòn bỗng nằm trong tâm dịch, đi đâu cũng khiến các địa phương sợ hãi, không ít dân bản địa cho rằng cái vị thế "anh Hai Sài Gòn" bỗng trở nên nhỏ bé và chua chát. "Anh Hai" đầu tàu lo cho cả nước, "anh Hai" tình nghĩa thích nhường cơm sẻ áo cho những ai đến đây và cho những ai đang gặp khó,nhưng khi yếu bệnh thì ai chăm nom? Mà bản thân Sài Gòn chứa trong mình cả những nỗi bất an, từ khi bước ra khỏi đường phố, cho đến khi mang cả nỗi thất vọng về thành phố đáng sống trở về nhà.
Nhưng, như Hà Anh Tuấn nói, có được anh ngày hôm nay, còn là nhờ Sài Gòn. "Trong một bữa cơm nhiều đồ ăn ngon với gia đình, chúng tôi kể cho nhau nghe về Sài Gòn đang "cảm cúm" và những người lao động nghèo đang bắt đầu kiệt sức. Bữa cơm bỗng nhiên ngon hơn hẳn khi gia đình và tôi đồng lòng bảo nhau ngay ngày mai hãy sống đúng như Sài Gòn đã dưỡng dạy".
Vâng, Sài Gòn đẹp lên nhờ tình người. TS Nguyễn Thị Hậu, nhà khảo cổ và nhà văn hóa học, nhìn nhận: "Bên cạnh những chuyện bất an khiến người ta lo lắng, Sài Gòn còn vô vàn câu chuyện để người ta tin rằng, nghĩa tình ở Sài Gòn không mất đi đâu, nó sẵn sàng hiện ra từ bất cứ ai và bất cứ lúc nào. Mở lòng với Sài Gòn sẽ nhận được nhiều điều tử tế vì Sài Gòn không dửng dưng và lạnh lùng như những thông tin thường thấy trên báo chí".
Trong khi cả nước cùng nhau đóng góp để có đủ tiền mua vaccine, vẫn tranh cãi loại nào tốt, loại nào tiêm vào vẫn bị nhiễm, và khi cả thế giới dùng vaccine ngừa Covid-19 làm "hộ chiếu" để mở lại việc thông thương, vực dậy nền kinh tế toàn cầu vừa ốm dậy, thì ở một nơi như thế, Sài Gòn có đủ "vaccine" để gồng qua mùa dịch.
Dịch bệnh, hay "cộng nghiệp", mọi tiên đoán của các bậc minh triết hãy để lại đó. "Đóng cửa chờ vaccine" nhưng nỗi ám ảnh đói kém, hay trỗi dậy ra đường lo kinh tế thay vì suốt ngày chăng dây phong tỏa, chấp nhận miễn dịch cộng đồng và mất mát, cũng hãy để đó.
Hãy cùng nấu cơm với Sài Gòn, nấu cơm với tình thương và hy vọng dịch bệnh rồi sẽ qua. Là bởi trong thử thách, trước nỗi sợ, con người càng cần hơi ấm của cuộc đời. "Sài Gòn đang bệnh, Sài Gòn sẽ khỏe lại thôi"…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.