Mới đây, Bộ Nội vụ vừa đề xuất thí điểm sáp nhập một số tỉnh không đạt chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo NQ1211/2016. Việc tổ chức sáp nhập tỉnh sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030. Theo Bộ Nội vụ, sẽ thí điểm sắp xếp các tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Trước mắt, sẽ thí điểm sáp nhập tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển.
Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định, việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp cần thiết và phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, các định hướng quy hoạch, chương trình phát triển; bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng của địa phương; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho nhân dân...
Theo luật định thì thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh được coi là việc hệ trọng, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Như vậy sau 17 năm, chúng ta lại xới lên việc nhập các tỉnh diện tích nhỏ, dân số ít. Đầu năm 2004, chúng ta tách tỉnh Lai Châu thành Lai Châu và Điện Biên, tách Đắk Lắk thành Đắk Lắk và Đắk Nông, tách Cần Thơ thành Cần Thơ và Hậu Giang.
Thời cha ông ta chia địa chính dựa vào tiêu chí địa lý, tập quán và thể thức kinh tế cho phù hợp quản lý. Nên chúng ta vẫn có tỉnh to, tỉnh nhỏ, có huyện lại có phủ. Khi người Pháp đến Việt Nam vẫn giữ nguyên địa giới hành chính nhà Nguyễn, không sáp nhập hay tách tỉnh, chỉ bổ sung Bắc Kỳ, Trung Kỳ ở chế độ bảo hộ và Nam Kỳ ở chế độ thuộc địa, trực thuộc liên bang Đông Dương. Vào thời điểm năm 1945, Việt Nam chúng ta có 69 tỉnh, thành phố.
Giai đoạn 1954-1975, miền Bắc có 34 đơn vị hành chính, Bắc Bộ có 26 tỉnh, 2 thành phố, Trung Bộ có 4 tỉnh và 1 đặc khu, đến năm 1975 điều chỉnh lại chỉ có 25 tỉnh thành, Việt Nam Cộng hoà (trước năm 1975) có 44 tỉnh, tổng cộng cũng có 69 tỉnh, thành phố. Sau 1975, chúng ta đã 3 lần tách nhập (1975-1978), (1989-1997), (2003-2004) hiện nay chúng ta có 63 tỉnh, thành. Có tỉnh như Hà Nam Ninh phải tách đến hai lần, năm 1991 tách thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, tiếp đến năm 1996 tỉnh Nam Hà lại tách thành 2 tỉnh là Nam Định và Hà Nam.
Bộ Nội vụ đưa ra 2 tiêu chí chính để sáp nhập tỉnh. Đó là dân số và diện tích. Đối với các tỉnh miền núi, diện tích không nhỏ hơn 8000 km2, dân số lớn hơn 900.000 dân. Đối với các tỉnh không phải miền núi, diện tích lớn hơn 5.000 km2, dân số lớn hơn 1,4 triệu dân. Những con số số học đơn thuần.
Có 2 vấn đề cần phải trao đổi, đầu tiên là: Vì sao phải nhập tỉnh? Nên lấy tiêu chí gì để nhập? Về câu hỏi đầu tiên, chắc chắn Bộ Nội vụ sẽ dẫn Điều 128 Luật tổ chức thực hiện chính quyền 2015 như đã nói trên, đây là điều thuộc về luật. Còn vấn đề lấy tiêu chí dân số, diện tích để sát nhập đã để lại nhiều phân vân trong cộng đồng.
Trước hết cho đến nay chúng ta chưa có một nghiên cứu độc lập để đánh giá, đo đếm đầy đủ, toàn diện các vấn đề được và mất của việc tách tỉnh.
Chúng ta công bố số kinh phí tiết kiệm được do giảm được biên chế cấp huyện, xã nhưng lại chưa làm rõ những hệ lụy các mục chi ngân sách khác phải tăng để giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư. Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, cơ sở dịch vụ công do đòi hỏi của quá trình đô thị hóa của tỉnh mới có quy mô lớn hơn. Rồi việc lãng phí các trụ sở, công trình xã hội do bỏ hoang không sử dụng. Vì vậy, chúng ta nói giảm chi ngân sách cho bộ máy thì phải tính trên cơ sở khi đã loại trừ số tăng chi cho các khoản mục khác phát sinh do sáp nhập tỉnh. Khi chưa có một con số thuyết phục thì đừng vội cho rằng sáp nhập tỉnh là giải pháp quan trọng để giảm chi ngân sách.
Nếu để giảm biên chế thì việc triển khai nhanh chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng CNTT vào quản lý, nâng cao chất lượng công vụ mới là giải pháp cấp bách. Thực tế đẩy mạnh Chính phủ số trong thời điểm này đang là một giải pháp tốt, đúng với xu hướng thời đại. Nếu chỉ để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế có nhiều cách để thực hiện, ngay cả khi không sáp nhập các tỉnh cũng có thể sắp xếp lại bộ máy chính quyền các tỉnh theo vị trí việc làm để tinh giản biên chế. Thực tế nhiều lần nhập tỉnh của chúng ta không giảm được biên chế hoặc giảm không đáng kể.
Về kinh tế, năm 2020, có 16 tỉnh có thể tự cân đối ngân sách, vốn là tỉnh được tách ra từ tỉnh lớn như Đà Nẵng, 9 tỉnh thuộc các tỉnh tái lập như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Dương, Quảng Nam, Hải Dương, Cần Thơ, Hưng Yên. Thực tiễn cho thấy các tỉnh được tái lập đều có xu hướng phát triển tốt hơn nhiều. Trong khi đó, tỉnh Thanh Hóa là một tỉnh có diện tích rộng nhất nước, có tiềm năng và lợi thế, có đầy đủ cảng biển, sân bay, ga đường sắt, quốc lộ... nhưng không thể cân đối được ngân sách mà trở thành một tỉnh xin trợ cấp ngân sách T.Ư lớn nhất. Ngược lại, Hà Tĩnh là tỉnh thuộc nhóm tỉnh nghèo nhất nước sau khi tách ra từ Nghệ Tĩnh nhưng đến nay đã trở thành một tỉnh thuộc câu lạc bộ thu ngân sách trên 10.000 tỷ đồng, gần cân đối được ngân sách. Những điều trên cho thấy tách tỉnh là tốt hơn nhập tỉnh, vấn đề quy mô như thế nào là hợp lý? Câu hỏi được đặt ra quy mô dân số, diện tích bao nhiêu thì phù hợp với năng lực cán bộ? Tại sao Bộ Nội vụ lại chọn diện tích chuẩn của tỉnh lại là 8.000 km2 với miền núi và 5.000 km2 với các tỉnh còn lại? Để cán bộ tỉnh có thể đi-về huyện trong ngày?
76 năm qua, chúng ta đã nhiều lần nhập tách tỉnh, huyện, xã. Việc phân chia đơn vị hành chính phải đảm bảo các mục đích phong phú, phức tạp về chính trị, kinh tế, văn hóa lịch sử, dân tộc, tình hình phân bố dân cư, điều kiện địa lý, nhu cầu an ninh, quốc phòng… Việc chia tách phải được tham mưu cân nhắc kỹ, không thể chỉ là phép cộng trừ đơn thuần, theo kiểu khắc nhập khắc xuất, chạy theo thành tích giảm biên chế, đầu mối một cách cơ học mà không phù hợp với thực tiễn, tránh những bài học tách rồi lại nhập rồi lại tách.