Mẹ bắt con quỳ ở sân trường - nỗi đau dành cho ai?
Mẹ bắt con quỳ ở sân trường - nỗi đau dành cho ai?
Nguyễn An Thanh
Thứ ba, ngày 06/07/2021 19:05 PM (GMT+7)
Câu chuyện người mẹ bắt con gái 15 tuổi quỳ ngay tại sân một trường dân lập ở Hà Nội khiến nhiều bậc làm bố, làm mẹ ám ảnh mãi. Liên tiếp những kỳ thi mất ăn mất ngủ trong mùa dịch khiến chúng ta phải nghĩ lại về cách làm, cách tổ chức thi cử, học hành.
Bà mẹ này gào lên giữa trưa nắng: "Để yên cho tôi dạy con. 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận. Hôm nay, tao phải đánh cho mày chết thì thôi". Cô con gái sau đó thông cảm và bảo vệ mẹ, song liệu có bao nhiêu ông bố, bà mẹ kỳ vọng, giận dữ với con như vậy sau mỗi kỳ thi?
Năm nay Hà Nội có khoảng 93.000 học sinh thi vào lớp 10, chỉ có 70% số các con may mắn được vào trường công lập. Số học sinh thực hiện thủ tục xác nhận nhập học tại các trường ngoài công lập là 18.761 học sinh và tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là 5.765 học sinh.
Người mẹ chua chát và bất lực vì 7 năm nay, đứa con gái mà mình tự hào la học sinh giỏi mà ngay cả trường ngoài công lập cũng không kiếm được một suất. Tôi cũng chứng kiến, một ông bố tự đập chiếc điện thoại đắt tiền của mình khi tra điểm thi của cậu ấm. Đã nhiều năm nay, đi đâu ông giám đốc cũng khoe về thành tích học tập của con trai. Có bà mẹ khi báo tin cho ông nội của thí sinh dự thi vào trường THPT danh giá của Hà Nội đã khóc tu tu qua điện thoại khi thiếu mất 0,1 điểm. Nhiều học sinh lớp 9, sau khi biết kết quả thi, vài ngày liền không dám ra khỏi nhà vì thất vọng.
Điều trớ trêu của hệ thống giáo dục hiện nay của chúng ta là ngày thường muốn tìm một học sinh lưu ban còn khó hơn nhiều tìm chọn học sinh giỏi. Nhưng rốt cuộc học sinh giỏi 7 năm, thậm chí là 9 năm gia đình một cô bé vẫn không tìm được một chỗ ngồi học lớp 10 dù mẹ nó phải nghiến răng nộp học phí 3-4 triệu đồng/tháng.
Tôi lại vô tình chứng kiến, một cậu học sinh nức nở khóc trong vòng tay cô giáo chủ nhiệm khi trong lớp học 40 bạn, thì mình là số trong nhóm 7 bạn phải học dân lập. Buổi sinh hoạt dã ngoại cuối cùng "chào tạm biệt lớp 9" còn có vài khuôn mặt đỏ hoe, vài phụ huynh mãi phút cuối mới đồng ý cho con mình tham gia.
Đọc bài báo, hiệu trưởng một trường THCS quận nội thành Hà Nội chia sẻ: "Đã đến lúc chúng ta phải trở lại học thật, thi thật thôi nhà báo ạ, không thì còn nhiều cảnh đau lòng lắm. Ít nhất, trước kỳ thi giáo viên chủ nhiệm các lớp 9 phải dũng cảm nói sức học thật của các con, để phụ huynh phải lường được các con nên chọn trường công lập hay dân lập, thậm chí trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề cũng đâu phải là sự lựa chọn tồi".
Trở lại câu chuyện người mẹ đánh con ngay tại sân trường, tôi cứ vẩn vơ câu hỏi: Roi này đau ai? Bà mẹ tự đau và bất lực khi mãi đặt niềm tin vào những chiếc giấy khen, những điểm số đẹp trong học bạ? Đứa học trò có đau vì lời trách mắng của mẹ khi suốt cả năm trời, cô bé đã cố lắm rồi nhưng kết quả chỉ có thế?
Đối với nhiều gia đình tại Hà Nội, cuộc thi vào lớp 10 này còn vất vả hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều người lâm vào cảnh "con thi, cha hỏng" và gia đình lâm vào lục đục. Ngoài việc bận bịu lo mưu sinh, không có điều kiện quan tâm vào việc học hành thực chất của con cái thì nhiều ông bố, bà mẹ cũng không biết hết 4 sự lựa chọn. Ngoài trường công lập, ngoài công lập thì các con còn có thể tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề.
TS Phạm Gia Khánh, phụ trách trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: "Trường tôi đào tạo nghề cả hệ 9+ và 12+ chỉ tiêu mỗi năm trên 2.000 học sinh. Học sinh 9+ chỉ cần học 4 năm là có bằng tốt nghiệp THPT và cao đẳng nghề, ra trường lại có ngay việc làm, nhưng nhiều bố mẹ cứ tư duy, con mình phải có bằng đại học".
Nhưng ai sẽ là người tư vấn, hỗ trợ việc phân tuyến cho 30% học sinh lớp 9 Hà Nội nói riêng và cả xã hội nói chung để roi không giáng xuống những đứa trẻ tuổi đời mới 15? Là nhà trường, các thầy cô giáo, hay bà mẹ, ông bố đang giận dữ vung roi, đập điện thoại?
Ngày mai lại đến kỳ thi tốt nghiệp THPT. Gia đình nào có con lớn con bé thi cả hai kỳ thi đúng năm Covid thì thực sự là hết cuộc cân não này tới cuộc mất ăn mất ngủ khác. Không ít phụ huynh, chuyên gia giáo dục thốt lên, dịch giã thế này, có bỏ thi tốt nghiệp được không? Sao lại dùng kết quả thi tốt nghiệp để tuyển sinh đại học, cao đẳng, hai mục đích thi khác nhau mà?
Tại phía Nam, dịch đang diễn biến hết sức phức tạp, việc tụ tập đông người phải hạn chế tối đa. Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm nay, TPHCM có gần 90 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; tổng số lãnh đạo, cán bộ và nhân viên tham gia coi thi, chấm thi là hơn 19.000 người; còn Hà Nội có hơn 101 nghìn thí sinh đăng ký dự thi năm nay.
Để an toàn, các tỉnh thành đều triển khai những biện pháp phòng chống dịch triệt để. Nhưng một số tỉnh đã hoãn thi tốt nghiệp vào phút chót do diễn biến dịch phức tạp. Tại tâm dịch TP.HCM, nhiều em không thể đến địa điểm thi do bị phong tỏa cách ly. Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn thủ tục đăng ký thay đổi địa điểm thi tốt nghiệp THPT đối với các thí sinh đã đăng ký tham gia đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và Bộ cũng đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT về việc tạo điều kiện thay đổi hội đồng thi cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Một kỳ thi vất vả, tốn kém và có thể cả nguy hiểm khi "sát thủ Covid-19" xuất hiện, nhất là khi người ta biết trước kết quả đậu tốt nghiệp THPT sẽ xấp xỉ 100% vẫn được tiến hành. Đến giờ thì chính các nhà quản lý giáo dục đều biết, các quốc gia khác trên thế giới không tuyển sinh kiểu này nữa. Ngay ở ta, ĐH Fulbright, ĐH VinUni không tuyển sinh kiểu này. Theo luật thì các trường đại học, cao đẳng có quyền tự chủ và một trong các quyền tự chủ quan trọng nhất là tự chủ tuyển sinh, cách tuyển sinh không cần điểm số của kỳ thi tốt nghiệp THPT này nữa. Thế rốt cuộc người ta tốn mớ tiền vào đây để làm gì?
Việc thi cử của bọn trẻ nhưng là trăn trở của người lớn hết năm này qua năm khác. Kể cả khi hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch Covid-19, liệu rồi có còn cậu ấm, cô chiêu học sinh giỏi 12 năm bị mẹ đánh nữa không?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.