Thanh Hóa: 9X Lê Minh Cương (đường Bà Triệu, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá) bỏ lương nghìn đô về quê chưng tương ớt.
Thấy ớt đổ đỏ đường về quê khởi nghiệp và cái kết là khoản nợ khổng lồ
Chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất tương ớt của Lê Minh Cương là một khu nhà rộng chừng 100m2 nằm trên đường Bà Triệu, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hoá).
Tại đây "ông chủ" trẻ tuổi sinh năm 1992 đang cùng làm việc với các công nhân, nhân viên của mình, chuẩn bị các khâu sơ chế nguyên liệu cho mẻ tương ớt mới.
Vừa làm Lê Minh Cương vừa vui vẻ kể lại: "Cơ duyên đưa tôi đến với làm tương ớt cũng thật đặc biệt. Trong một lần về quê, thấy ớt của bà con nông dân rớt giá thê thảm, không có người mua nên bà con đem đổ đầy đường. Điều này khiến tôi ấp ủ giấc mơ sẽ phát triển nông sản quê hương từ trái ớt, nhưng lúc đấy bản thân tôi cũng chưa biết mình sẽ làm như thế nào".
Lê Minh Cương theo học chuyên ngành du lịch tại một trường đại học ở Singapore. Do đặc thù ngành học nên anh được đi qua nhiều vùng miền, nhiều nước trên thế giới.
Từ những chuyến đi như vậy, anh nhận thấy nông sản ở các nước được trồng một cách quy mô, bài bản, có giá trị cao và được chế biến, xuất khẩu nhiều khiến anh càng trăn trở mỗi khi nghĩ về nông sản ở quê nhà.
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp, Lê Minh Cương trở về TP HCM làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương cao. Thế nhưng, chỉ sau 2 năm làm việc và đang có sự thăng tiến, lương đang nghìn đô, anh bất ngờ quyết định nghỉ việc về quê khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trước sự ngỡ ngàng của gia đình và bạn bè.
Trở về quê Thanh Hoá – Lê Minh Cương bắt tay vào làm các sản phẩm tinh chế từ quả gấc như nước ép gấc, dầu gấc và thực phẩm chức năng từ gấc, sau đó tiếp tục với các loại trái cây địa phương sấy dẻo.
Tuy nhiên, do kỹ thuật còn yếu, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ do kén người dùng, cơ sở của anh phải đóng cửa sau 3 năm hoạt động cùng với khoản nợ khổng lồ.
Tưởng chừng như sau thất bại đó Lê Minh Cương sẽ từ bỏ nhưng anh lại dành cả một năm để nhìn lại, phân tích những gì còn thiếu sót, chưa hoàn thiện trên con đường sản xuất, kinh doanh, trên thương trường.
Cũng trong thời gian này, Cương liên hệ được với tổ chức PUM của Hà Lan - đây là tổ chức chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ để học hỏi kinh nghiệm, ý tưởng và hỗ trợ kinh nghiệm khởi nghiệp.
Lại quay về với hình ảnh nông dân đổ bỏ ớt đầy đường-làm tương ớt
Trong những lần đi tham quan các bếp ăn, Lê Minh Cương nhận ra các sản phẩm gia vị, đặc biệt là tương ớt được người Việt Nam trong và ngoài nước sử dụng rất nhiều. Hầu hết các sản phẩm tương ớt đều sản xuất ở quy mô ông nghiệp có chứa chất phụ gia.
Những chất phụ gia được phép có mặt trong thực phẩm theo quy định của pháp luật từng quốc gia, nhưng thực phẩm chứa phụ gia không phải là lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, anh đã nảy ra ý tưởng làm tương ớt không có các chất phụ gia.
Anh tự tìm kiếm trên mạng các công thức làm tương ớt truyền thống rồi điều chỉnh khẩu vị cho phù hợp. Sau hơn 4 tháng ròng rã với gần 50 mẻ tương ớt thử nghiệm thất bại, cuối cùng anh cũng cho ra đời sản phẩm tương ớt truyền thống mang thương hiệu "Spico - ớt Việt, hồn Việt".
Khi đã hài lòng với sản phẩm tương ớt mà mình nghiên cứu, anh thành lập công ty, đầu tư mua thiết bị, dây chuyền, máy móc về sản xuất.
Sản phẩm tương ớt làm ra anh đem bán lẻ cho các cửa hàng ăn, bán online để thăm dò khách hàng. May mắn đến với anh khi các sản phẩm tương ớt đều nhận được đánh giá cao từ khách hàng.
Lê Minh Cương cho biết, sản phẩm tương ớt của mình có tới 12 bước trong quy trình sản xuất, từ thu hoạch trái ớt, chế biến, đến đóng gói và cung ứng ra thị trường.
Anh chủ động tìm kiếm nguồn trái ớt nguyên liệu an toàn, tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, tương ớt Spico đã có các dòng sản phẩm riêng với tương ớt vị Bắc, tương ớt vị Nam, tương ớt ít cay, tương ớt cay đặc biệt, tương chay và sản phẩm tương ớt cho trẻ em.
Sau khi thành công với tương ớt, anh tiếp tục mày mò phát triển thêm sản phẩm tương cà. Hiện anh đang bao tiêu nông sản trái ớt, cà chua an toàn cho bà con nông dân các huyện Hoằng Hóa, Thiệu Hóa…
Theo anh Lê Minh Cương, điểm khác biệt của tương ớt Spico là không có chất bảo quản, không chứa chất điều vị. Các thành phần ớt, cà chua chiếm tỷ lệ cao, từ 60 – 70% trong bảng nguyên liệu, trong khi ở các chai tương công nghiệp, loại nguyên liệu này chỉ chiếm khoảng 20%.
"Một điểm đặc biệt nữa đó là sản phẩm được đựng trong chai thủy tinh nhằm đảm bảo giữ nguyên vị, vỏ chai có thể tái chế góp phần bảo vệ môi trường. Do không có chất bảo quản nên việc sử dụng chai thủy tinh sẽ giúp dễ dàng tiệt trùng sản phẩm bằng cách hấp ở nhiệt độ cao để tăng thời gian sử dụng", anh Cương chia sẻ.
Chỉ sau gần 2 năm thâm nhập thị trường, đến nay tương ớt Spico đã có khoảng 60 đại lý ở hơn 40 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ Lào Cai, Bắc Giang, Hà Nội đến TP. HCM…
Hiện các sản phẩm tương ớt, tương cà của Lê Minh Cương cũng đã xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử của Shopee, Lazada, Sendo và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Công việc sản xuất, kinh doanh bận rộn là thế nhưng anh vẫn đảm nhiệm thêm việc thiết kế tem nhãn, bao bì, đăng bài truyền thông, quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh khác nhau.
Anh cho biết, trong năm 2020, anh tiêu thụ được khoảng 30.000 chai tương các loại, đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, do là doanh nghiệp mới nên lợi nhuận chỉ chiếm khoảng 10% và đó cũng được dùng để tái đầu tư sản xuất, mua máy móc và cải tạo xưởng.
Nói về những kế hoạch trong tương lai, Lê Minh Cương chia sẻ, hiện sản phẩm tương ớt của công ty đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Và anh mong muốn trong thời gian tới sẽ chinh phục được thị trường quốc tế, xuất khẩu các sản phẩm tương ớt, tương cà, gia vị mang đặc trưng của người Việt ra nước ngoài.
Cùng với đó, anh sẽ đầu tư sản xuất với quy mô lớn để bao tiêu được nguyên liệu trái ớt, cà chua nhiều hơn cho nông dân địa phương. Hiện các đơn hàng của công ty đã phủ gần khắp các tỉnh thành trong nước, bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên ra nước ngoài.