Lào Cai: Đến khổ, vì sao nông dân ở đây trồng sả bạt ngàn cả quả đồi rồi phải tự tay châm lửa đốt?

Chủ nhật, ngày 03/10/2021 06:15 AM (GMT+7)
Từng được kỳ vọng sẽ là cây trồng chủ lực trong thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương, nhưng gần 1 năm nay, do đầu ra ách tắc, giá thu mua sụt giảm, người trồng sả ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) ngậm ngùi phá bỏ hàng chục ha đã đầu tư nhiều vốn và công sức.
Bình luận 0

 Trong khi đó, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương lại cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của mô hình này là do nông dân tự phát trồng.

Lào Cai: Đến khổ, vì sao nông dân ở đây trồng sả bạt ngàn cả quả đồi rồi phải tự tay châm lửa đốt? - Ảnh 1.

Người dân xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đốt bỏ cây sả.

Khu xưởng chiết xuất tinh dầu sả của Hợp tác xã Minh Ngọc nằm tại thôn Cốc Sâm, xã Phong Niên cách đây hơn 1 năm còn tấp nập người, xe ra, vào nhập sả để nấu tinh dầu thì nay vắng tanh.

Những gốc sả còn sót lại nằm chất đống một góc. Để không lãng phí cơ sở vật chất đã đầu tư, hợp tác xã đang gắng gượng bằng cách vay vốn đầu tư 2 nồi hơi chiết xuất tinh dầu quế.

Còn xưởng chế biến tinh dầu sả của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bản Cầm đặt tại bản Khẩu Cồ, xã Bản Cầm hiện cũng tan hoang, chỉ còn trơ lại khung thép, mái tôn. 

Chủ cơ sở này nhà ở xã Bản Phiệt đã bán thiết bị để gỡ gạc phần nào chi phí đầu tư, sau đó không thấy trở lại. Cả bãi phía trước xưởng chế biến tinh dầu trước đây trồng sả xanh mướt, nay phủ một màu xám tro.

Ông Phạm Tiến Lữ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Bản Cầm tiếc đứt ruột khi vừa tự tay đốt gần hết diện tích trồng sả của gia đình để chuyển đổi sang trồng chuối và ngô. 

Khuôn mặt sạm nắng, không giấu nổi sự thất vọng, ông Lữ nói: Hồi tháng 6, có người đến hỏi mua cả đồi sả của gia đình tôi với giá gần trăm triệu đồng nhưng tôi không bán vì để làm giống cho người dân trong thôn và hợp tác xã tự nấu tinh dầu, tạo điều kiện cho các lao động địa phương. 

Nhưng đến tháng 8/2021, các đầu mối đều ngừng thu mua tinh dầu hoặc trả giá rất thấp, nếu nấu cũng lỗ vốn. Chờ đợi mãi, rồi chính tay tôi phải châm lửa đốt cả đồi sả. Cũng tiếc lắm, nhưng phá đi để có thời gian chuyển đổi trồng cây khác.

Cây sả được Hợp tác xã Minh Ngọc (xã Phong Niên) đưa vào trồng từ giữa năm 2018, đến cuối năm cho thu hoạch. Lá sả sau khi thu hái được chưng cất thành tinh dầu, bán cho đối tác theo hợp đồng đã ký kết. 

Trung bình 1 tấn lá sả chưng cất được 20 lít tinh dầu. So với các loại cây trồng truyền thống khác ở địa phương, cây sả tốn ít công chăm sóc và phù hợp với đất đồi đất cằn. 

Mỗi ha sả cho năng suất bình quân khoảng 30 tấn lá mỗi năm, chưng cất ra khoảng 500 - 600 lít tinh dầu, giá trị thu về gần 300 triệu đồng. Từ những thành công bước đầu, Hợp tác xã Minh Ngọc đã vận động, liên kết với các hộ để phát triển diện tích trồng sả, cam kết đảm bảo đầu ra cho bà con.

Đến đầu năm 2020, diện sả của xã Phong Niên và khu vực lân cận đã lên đến 30 ha. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương kỳ vọng đây sẽ là loại cây giúp bà con giảm nghèo bền vững.

Tại xã Bản Cầm, năm 2017, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Bản Cầm và Công ty Tiến Thành (Lào Cai) phối hợp thực hiện mô hình liên kết trồng sả lấy tinh dầu. 

Thực hiện chương trình liên kết, doanh nghiệp đã đầu tư gần nửa tỷ đồng xây dựng cơ sở chế biến tinh dầu tại thôn Khẩu Cồ, mỗi ngày nấu 2 nồi, mỗi nồi 1 lần nấu 8 tạ sả, thu được 15 lít tinh dầu.

Ông Phạm Tiến Lữ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Bản Cầm cho biết: Cây sả dễ trồng, dễ chăm sóc, trồng sả chỉ mất công trồng 1 lần là có thể thu hoạch hàng chục năm, không mất nhiều công làm cỏ vì sả tạo tán che phủ đất tốt. 

Nếu chăm sóc tốt, mỗi ha cây sả có thể thu được 80 triệu đồng, gấp 2,5 lần so với trồng ngô. Cây sả cũng được xã khuyến khích mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập của người dân.

Đến tháng 6/2021, huyện Bảo Thắng trồng gần 90 ha sả dùng để nấu tinh dầu. Tuy nhiên đến nay, tất cả kỳ vọng và tính toán trước đó của chính quyền và nông dân vùng trồng sả Phong Niên, Bản Cầm, Trì Quang và một số địa phương khác của huyện đã bị “chệch hướng” khi đầu ra của sản phẩm tinh dầu sả bị ách tắc. Nhiều diện tích sả bị bỏ hoang, chết khô hoặc phá bỏ để trồng cây khác.

Sản phẩm tinh dầu sả chủ yếu để xuất khẩu. Khi giá tinh dầu xuất khẩu sụt giảm, từ 510.000 đồng/kg xuống chỉ còn 250.000 đồng/kg, các cơ sở chế biến tinh dầu sả buộc phải giảm giá thu mua nguyên liệu, khiến người trồng sả chán nản, chuyển sang cây trồng khác.

Lào Cai: Đến khổ, vì sao nông dân ở đây trồng sả bạt ngàn cả quả đồi rồi phải tự tay châm lửa đốt? - Ảnh 4.

Xưởng chế biến tinh dầu sả của Hợp tác xã Minh Ngọc, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng (Lào Cai).

Ông Sần Xuân Chung, Giám đốc Hợp tác xã Minh Ngọc cho biết: Hợp tác xã vẫn đang nỗ lực tìm đơn vị trong nước thu mua sản phẩm, nhưng việc thu mua của họ phập phù, không đảm bảo cho cơ sở hoạt động có lãi. 

Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vùng trồng sả ở Bảo Thắng, cơ quan chuyên môn cũng lắc đầu cho biết việc trồng và mở rộng diện tích sả là do nông dân tự phát nên không có cách gì tháo gỡ.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng (Lào Cai) cho biết: Cây sả mới được người dân một số xã đưa về trồng theo hình thức liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến tinh dầu.

Đây là cây trồng mới, ban đầu mang lại hiệu quả kinh tế hơn cây ngô và một số cây trồng khác. Tuy nhiên, nguồn đầu ra cho tinh dầu sả chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc, nên việc tiêu thụ khá bấp bênh. 

Trước tình hình này, huyện Bảo Thắng đã khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích cây sả nếu không có ký kết tiêu thụ tinh dầu với đơn vị uy tín. Đây cũng là kinh nghiệm để các địa phương trong huyện khi phát triển các vùng trồng cây nguyên liệu khác.

Tùng Lâm-Hà Mạnh (Báo Lào Cai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem