Vì sao con cá linh-đặc sản mùa nước nổi ở tỉnh Đồng Tháp năm nay lại chậm lớn?
Đặc sản mùa nước nổi Đồng Tháp: Vì sao con cá linh lại chậm lớn?
Thứ hai, ngày 01/11/2021 06:45 AM (GMT+7)
Những ngày này, trên các cánh đồng nước khu vực đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp, nông dân bắt đầu tất bật với những chuyến đánh bắt thủy sản. Trong đó cá linh là loại không thể thiếu trong những mẻ lưới. Năm nay, nước thượng nguồn về muộn, cá linh vì thế cũng ít hơn và lớn chậm hơn.
Tuy nhiên, với những chuyến miệt mài đánh bắt, bà con vẫn có những chiến lợi phẩm đáng kể trong mùa nước nổi.
Bà Lê Thị Mủn ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: “Hôm nay đánh bắt cũng khá, cá linh được hơn 10kg, cá chạch hơn 1kg, cá ủ mắm thì cỡ 30kg. Cá linh bán cho thương lái ở Cao Lãnh lên cân, còn cá nhỏ bán người ta cho cá ăn hoặc ủ mắm. Qua mùa nước nổi, vợ chồng tôi cũng dư được chút đỉnh, có tiền cho con đi học rồi chuẩn bị qua vụ lúa”.
Mùa lũ miền Tây không chỉ mang theo dòng phù sa bồi đắp cho đất trồng mà còn chở theo những sản vật mà thiên nhiên ban tặng.
Bởi vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân lại hồ hởi ra đồng từ sớm để đánh bắt cá, kiếm thêm thu nhập.
Anh Đỗ Văn Tèo ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự cho biết: “Tôi đi đặt 50 cái cửa ngục cũng được một ký rưỡi cá, bán được 200 ngàn đồng. Hôm nay được nhiều hơn hôm qua. Cá cỡ này còn hơi nhỏ do nước về muộn. Mình còn đánh bắt tới khoảng nửa tháng 10 âm lịch mới nghỉ”.
Nhắc đến sản vật mùa nước nổi không thể bỏ qua đặc sản bông điên điển. Một loại bông đặc trưng của miền Tây, xưa nay chỉ trổ say vào mùa nước tràn đồng.
Dù nay, người dân các địa phương đã nhân giống và trồng điên điển như một mô hình kinh tế, nhưng có thể nói bông điên điển mọc trong tự nhiên ở các cánh đồng ngập nước hay kênh rạch mới mang đầy đủ hương vị của món ăn dân dã miền quê mùa nước nổi.
Theo ông Huỳnh Công An ở thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự: “Mùa nước lên, điên điển bắt đầu có bông (khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch). Nước lên ngập mé, hái điên điển lên ăn là ngon nhất. Đầu mùa, bông ít mà ăn rất ngon.
Bông điên điển hái lúc buổi sáng, còn chiều thì bông trổ nhiều và tàn rồi. Bông điên điển nấu canh chua với cá linh non, xào ếch cũng ngon”.
Các loại cá đồng, cá linh, bông điên điển, bông súng... là những sản vật bình dị, dân dã không lẫn vào đâu của vùng sông nước miền Tây mỗi khi mùa nước về.
Dù hiện tại sản vật mùa nước nổi mang lại không nhiều như vài mươi năm trước nhưng người dân vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp vẫn sống chung với con nước bằng việc đánh bắt, nuôi trồng. Người thì làm phong phú bữa cơm gia đình, người thì chọn đây là kế mưu sinh mùa nước nổi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.