Clip: Làng trồng cây mai vàng tại thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) – nơi được mệnh danh là thủ phủ trồng mai vàng miền Trung. CLIP: Thăng Bình.
Vùng đất thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định có thổ nhưỡng và con người rất 'đặc biệt'. Nơi đây tạo ra sản phẩm mai vàng chưng Tết trứ danh Bình Định, nổi tiếng trên cả nước.
Thị xã An Nhơn có gần 1.500 hộ nông dân trồng mai vàng, diện tích 145ha, với số lượng chậu mai từ 1,6-2 triệu chậu.
Vài năm trở lại đây, qua mỗi vụ mai Tết, doanh thu toàn thị xã này luôn đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm, bán ra khắp các thị trường trong cả nước, chủ yếu phía Bắc. Trong đó, nổi bật là các vùng trồng mai tại xã Nhơn An, Nhơn Phong.
Ở 2 xã Nhơn An và Nhơn Phong có nhiều người phất lên, trở thành tỷ phú bởi trồng những vườn mai bạc tỷ.
Nhắc đến ông Nguyễn Trí Tuấn (trú làng Thanh Liêm, xã Nhơn An, TX.An Nhơn), nhiều người phải "kính nể" bởi độ liều và những thành tích đáng nể của ông này trong nghề làm cây mai vàng bonsai.
Sinh ra ở làng Thanh Liêm, lúc bấy giờ ông Tuấn vốn là tay lái xe máy ủi chuyên đi xúc đất, san lấp mặt bằngcó tiếng nhưng khổ nỗi ông có niềm đam mê với cây cảnh, đặc biệt là mai.
Công việc xúc đất đang hưng thịnh, bỗng chốc sau 1 đêm suy nghĩ, ông bỏ ngang nghề xe ủi để thuê đất, đầu tư trồng mai với 2.000 chậu.
"Khi còn là tài xế máy ủi tôi có sở thích chơi cây nên lúc rãnh, tôi tranh thủ đến vườn mai những quen coi người ta cắt tỉa, uốn cành. Thấy họ làm thế nào thì mình học hỏi làm theo. Cặp mai lúc đầu mua về 500.000 đồng nhưng sau khi trồng và bán được tới gần 5 triệu đồng. Tưởng chỉ chơi cho vui nhưng lợi nhuận cao nên tôi quyết định đầu tư vào nghề trồng mai thương mại", ông Tuấn cho hay.
Khi theo nghề trồng mai, vườn mai của ông Tuấn khá nổi tiếng ở làng mai Nhơn An nhờ biết chọn giống cho nụ to, hoa đều, có dáng thế đẹp.
Vì vậy năm nào vườn mai của ông cũng có lãi ròng cả trăm triệu đồng.Với nhiều người ở nông thôn, chuyện làm ăn vậy đã quá ổn nhưng với người như ông Tuấn thì chưa đủ.
Ông nghĩ, khi đô thị hóa phát triển, nhà cao tầng mọc lên san sát, không gian bị thu hẹp thì loại mai bonsai sẽ được giới nhà giàu ưa chuộng. Nghĩ thế, ông Tuấn tự lên mạng tìm hiểu và thực hình mô hình bonsai mới mẻ này.
Ông Tuấn nhớ lại: "Năm 2012, tôi quyết định cưa trụi 200 chậu mai trong vườn để chuyển qua cây mai bonsai. Lúc đó, ai nấy trong làng đều nói tôi bị khùng, có vấn đề về thần kinh vì số mai ấy bán xô cũng được 300 - 400 triệu đồng. Nhưng tôi mặc kệ, cứ bỏ ngoài tai mà làm vì có dám đánh đổi cái trước mắt thì mới phát triển lâu dài được".
Mùa mai xuân năm 2014, sự kiện Tuấn "khùng" ở làng mai xuất bán ra thị trường 100 chậu mai dáng bonsai kỳ dị thu về gần nửa tỷ đồng đã khiến các chủ vườn mai Nhơn An ngớ người.
Thấy làm mai bonsai hiệu quả, ông Tuấn nghĩ nếu trồng từ mai con phải nhiều năm sau mới có thể tạo dáng bonsai, kéo dài thời gian thu lợi nhuận.
Theo ông Tuấn, nước tưới và công đoạn chăm sóc là 2 yếu tố ông cực kỳ coi trọng trong phát triển mai bonsai. Nhờ vậy, chỉ cần 1-2 năm sau khi cấy ghép chồi là ông đã có thể xuất bán.
Ông có nhiều cách để chọn nguồn nước, nếu nhiễm phèn thì bơm sang ao để phai bớt phèn, sau đó mới bơm từ ao lên tưới. Với cách làm này, tiêu hao của ông cả triệu tiền điện mỗi tháng nhưng bù lại cây phát triển khỏe, ít bệnh.
Điều đặc biệt, ông Tuấn không cho mai "ăn" phân hóa học, mà nghiêng hẳn về phân hữu cơ. Theo ông Tuấn, mai bonsai đứng trong những chậu nhỏ, đất ít, khi bón phân hữu cơ cây sẽ phát triển khỏe và sống thọ hơn.
"Cây hoa mai cũng như người, ăn uống phải điều độ, nếu quá nhiều thì chết vì bội thực, nếu ăn ít quá lại còi cọc, suy dinh dưỡng. Riêng phần phân bón cũng như thuốc bổ, phân hóa học uống vào thấy tác dụng ngay nhưng cũng mau phai và thường biến chứng, phân hữu cơ thì ngấm dần mà hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, mỗi người trồng mai đều có cách làm riêng, đó chỉ là những kinh nghiêm cá nhân của tôi trong công việc", ông Tuấn từ tốn nói.
Cứ mỗi dịp vào vụ Tết, các nhà vườn trồng mai ở thủ phủ mai vàng miền Trung liên tục chiêu mộ người "ôm cây, lặt lá" với thù lao hơn 120-160.000 đồng mỗi ngày. Công việc kiếm tiền Tết này đòi hỏi cẩn trọng, tỉ mỉ và rất dễ mỏi gối, đau lưng.
Tại xã Nhơn An, người dân chủ yếu kiếm thu nhập nhờ vào việc trồng, chăm sóc, bán mai dịp Tết nên nghề thời vụ lặt lá mai cũng rất sôi động.
"Lặt lá mai đơn giản nhưng đòi hỏi không được để rụng búp vì nếu rụng thì cây cảnh sẽ hỏng, không có hoa dịp Tết. Mỗi ngày tôi kiếm được 120 ngàn đồng, cứ xong mùa vụ đồng áng thì đến các vườn mai làm việc để làm kiếm tiền tiêu Tết", chị Phan Thị Hiền (xã Nhơn An) chia sẻ.
Anh Bùi Văn Khoa cho biết: "Mỗi năm gia đình tôi thuê nhân công lặt lá mai với mức thù lao dao động từ 120 ngàn đồng - 160 ngàn đồng/ngày/người, để hoa nở đúng dịp Tết. Đây là lao động phổ thông vùng nông thông, chỉ làm theo thời vụ nên tìm người cũng không khó".
Trong khi đó, cứ mỗi dịp Tết đến, không khí ở các làng mai An Nhơn lại bất bật, nhộn nhịp, để là khoảng thời gian mưu sinh rầm rộ nhất trong 1 năm.
Người bán mai phải thức trắng đêm, chong đèn rực rỡ, mang theo chăn màn, bếp núc… sống ven Quốc lộ 1 để trông hoa bày ngoài lề đường, tránh mất trộm.
Phải ngủ dưới túp lều tạm bợ ven Quốc lộ 1, chịu cảnh mũi đốt, gió lạnh trắng đêm chờ Tết…đó là những gì mà các nhà vườn ở thủ phủ mai vàng miền Trung đang trải qua để mưu sinh dịp Tết. Phờ phạc vì mất ngủ nhưng khi bị khách đánh thức giữa đêm, họ vẫn vui vẻ không cáu gắt.
"Người dân bán mai dựng lều ven Quốc lộ 1 phải chịu lạnh, muỗi đốt khi đêm về. Nhiều đêm thức trắng đến phờ phạc người nhưng bù lại xe khách đi đường dừng lại, dù nửa đêm đánh thức mình vẫn vui vẻ không quạo, vì lúc đó nếu bán được mai mới có tiền trang trải Tết cho vợ, con", ông Nguyễn Trung (TX.An Nhơn) bộc bạch.
Khi những chậu hoa Tết đổ ra ven quốc lộ thì người bán phải thay nhau thức đêm trông coi, đề phòng mất cắp. Mỗi gian hàng đều có những chiếc giường ngủ dã chiến, lều bạt hoặc cái võng nằm vắt vẻo bên lề đường.
Ông Nguyễn Văn Phương nhớ lại, năm ngoái tôi thuê 1 đất rộng 4m bên quốc lộ 1A đoạn thuộc phường Bình Định để bày bán mai nhưng rất ế ẩm do ảnh hưởng dịch bệnh.
"Thương lái bỏ cọc, mai ở vườn còn tồn động nhiều, tôi phải thuê bến bãi, thuê xe vận chuyển bán lẻ nhưng cũng rất ít người mua. Bình thường các năm tôi bán tầm trên 200 triệu nhưng năm nay ngoái chỉ được vài chục triệu, chưa đủ chi phí đầu tư. Lở tốn tiền thuê vận chuyển mai lên đây nên cố bán đến hết 30 Tết gỡ gạc được đồng nào hay đồng đó", ông Phương buồn bã nói.
Cây mai đã trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, tác hại từ trồng và chăm sóc mai cũng không nhỏ, nhất là đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Hiện nay, nhiều hộ chuyên trồng mai ở thị xã An Nhơn ý thức tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng và chăm sóc mai, nên đã áp dụng hiệu quả quy trình trồng mai sạch bằng việc áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, thay thế các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học, hoặc hóa chất ít độc hại hơn.
"Tôi thường ủ phân vi sinh kết hợp với xơ dừa và đất, sử dụng chế phẩm sinh học trong việc phòng ngừa sâu bệnh, dùng hệ thống lọc xử lý nước tưới cho cây, làm nhà lưới… là cách tôi thay đổi từ trồng mai truyền thống sang trồng mai theo hướng an toàn", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, cái lợi trước mắt là giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, giảm việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, cải thiện môi trường trong chính khu vườn của gia đình và môi trường xung quanh.
Để nâng cao giá trị cây mai vàng gắn với việc đảm bảo môi trường, thị xã An Nhơn đã phối hợp với Sở NNPTNT Bình Định xây dựng Đề án Phát triển làng sản xuất "Mai vàng Nhơn An".
Với việc thực hiện đề án này, hy vọng sẽ tăng thêm giá trị cây mai vàng từ 20 - 30%, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế -xã hội địa phương phát triển.
Ông Phan Văn Sáu (xã Nhơn An, TX.An Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết, khi Hội Nông dân xã Nhơn An xây dựng mô hình trồng mai sạch, ông sớm tham gia và quyết tâm "đoạn tuyệt" với phân bón hóa học.
Gia đình ông Sáu hiện có 4 vườn trồng mai cảnh diện tích gần 1 ha, mỗi năm xuất bán từ 1.500 - 2.000 chậu mai, thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng/năm. Mô hình trồng hoa mai của gia đình ông Sáu còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động và việc làm thời vụ cho và 15 lao động.
"Tôi sử dụng các loại chế phẩm sinh học và phân hữu cơ (phân chuồng, trấu, xơ dừa) trong quá trình trồng, chăm sóc cây mai, để diệt sâu bệnh mình chỉ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Những cây mai được "nuôi" theo phương pháp này không bị rụng hay vàng lá, màu hoa lại tươi, nở kéo dài thời gian hơn. Hiệu quả kinh tế từ việc trồng mai sạch cao hơn nhiều so với trước đây", ông Sáu chia sẻ.