Hải Dương: Việc đời, việc đạo "trăm người như một" nên làng công giáo toàn tòng này sạch, đẹp, khá giả

Thi Thi Thứ hai, ngày 26/07/2021 05:31 AM (GMT+7)
Giáo xứ Mỹ Động thuộc phường Hiến Thành, Thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là giáo xứ toàn tòng. Nông thôn Mỹ Động ngày càng sạch, đẹp, cuộc sống khá giả, bình yên nhờ người dân nơi đây "trăm người như một", trên dưới một lòng xây dựng quê hương, sống tốt đời đẹp đạo.
Bình luận 0

Con người và tên làng "Mỹ Động"

Thôn Mỹ Động được coi là giáo xứ toàn tòng với hơn 1700 giáo dân, tương đương hơn 300 hộ gia đình. Đây là giáo xứ đạo Công giáo lớn nhất thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Khi được hỏi vì sao gọi là làng Mỹ Động, ông Ngô Xuân Ca, sinh năm 1967, là một giáo dân, từng là trưởng thôn giải thích, theo truyền thuyết, làng này trước đây ở ngoài bãi đê sông Vận, là một nhánh của sông Bạch Đằng. 

Năm ấy ta đánh nhau với giặc phương Bắc, người chết nhiều quá, xác nổi lên mặt sông Bạch Đằng rồi trôi dạt về làng rất nhiều. Thấy vậy, người dân rút vào làng Tràng Đê. Vào Tràng Đê vẫn chưa yên ổn, lại di chuyển tiếp vào làng Mỹ Động hiện nay. "Động nghĩa là nay đây mai đó"- ông Ca nói. 

Hải Dương: Làng công giáo toàn tòng đạt chuẩn nông thôn mới gọi cây gì là ”mủa”? - Ảnh 1.

Ông Ngô Xuân Ca, người dân giáo xứ Mỹ Động, Thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Thi Ngọc.

Ông Ca chia sẻ, người công giáo ở làng Mỹ Động rất mộc mạc, chân thành, luôn sống "tốt đời, đẹp đạo". 

"Đối với Chúa, họ là những con chiên ngoan đạo, giữ vững đức tin của mình. Với Đảng và nhà nước, chính quyền địa phương phát động phong trào gì họ đều tham gia, đóng góp rất tích cực. Cụ thể như trong phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào ủng hộ đồng bào các tỉnh bị thiên tai lũ lụt, phòng, chống dịch Covid-19, hay như gần đây nhất là tích cực tham gia đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vào tháng 5/2021 vừa rồi...", ông Ca cho hay.

Ông Đinh Văn Vương, phó chủ tịch UBND phường Hiến Thành cho hay, thôn Mỹ Động đã chạm đích nông thôn mới từ rất sớm (năm 2016) và nhận Bằng khen vào năm 2017. Người dân nơi đây rất đoàn kết, chăm chỉ lao động. Thực tế cho thấy dọc đường làng, có rất nhiều ngôi nhà khang trang, to đẹp, đường xá đều đã bê tông hóa bằng phẳng, sạch sẽ.

Linh mục vận động giáo dân sống "tốt đời, đẹp đạo"

Khi nhà nước phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, những hộ dân ven đường thôn Mỹ Động đã hiến đất mở rộng đường đi. 

Ngoài ngân sách địa phương, bà con nơi đây đã tự đóng góp tiền để đổ bê tông cho đường làng ngõ xóm sạch đẹp như hôm nay. 

Bà con giáo dân ý thức tích cực được như vậy là nhờ công lao rất lớn của các vị linh mục ở đây. Ông Đinh Văn Vương đánh giá rất cao vai trò của các vị linh mục đối với bà con công giáo nói riêng và với địa phương nói chung. 

Điều đó cũng được minh chứng rất rõ nét trong đợt bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp vừa rồi. "Nhờ sự vận động của linh mục mà 100% cử tri có mặt tại địa phương đã đi bỏ phiếu bầu cử đầy đủ và Mỹ Động là thôn hoàn thành bỏ phiếu sớm nhất"- ông Vương chia sẻ.

Clip: Linh mục Bùi Xuân Thắng, người đứng đầu giáo xứ Mỹ Động (TX Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) luôn răn dạy giáo dân sống tốt đời đẹp đạo.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhà thờ Giáo xứ Mỹ Động cũng đang được xây dựng rất to đẹp, bề thế với diện tích hơn 1000m2 với sức chứa hàng nghìn người để phục vụ bà con giáo dân nơi đây. 

Linh Mục Giuse Bùi Xuân Thắng là người đứng đầu giáo xứ và chủ trì việc xây dựng nhà thờ hiện nay. Khi được hỏi về nguồn ngân sách xây dựng giáo đường này, ông Thắng cho biết, một phần ngân sách nhỏ do bà con đóng góp, phần còn lại do nhiều nhà hảo tâm ủng hộ. 

Do giáo đường cũ xây dựng từ năm 1909 đến nay đã quá lâu, vật liệu ngày ấy cũng không được tốt như bây giờ nên cơ sở bị xuống cấp, mục nát, tường bị bở gây mất an toàn. 

Ông Thắng đã vận các giáo dân và các nhà hảo tâm xây dựng giáo đường khang trang, sạch sẽ để phục vụ bà con cũng là công trình để chào mừng Thị xã Kinh Môn chuẩn bị lên thành phố.

Hải Dương: Làng công giáo toàn tòng đạt chuẩn nông thôn mới gọi cây gì là ”mủa”? - Ảnh 2.

Giáo đường Mỹ Động đang trong thời gian xây dựng. Ảnh: Thi Ngọc

Nói đến Linh mục Giuse Bùi Xuân Thắng, bà con Giáo xứ Mỹ Động luôn giành cho ông những tình cảm hết sức đặc biệt. Đó là sự tin tưởng, quý mến và kính trọng...

Tuy mới về giáo xứ được 3 năm nhưng ông luôn thấu hiểu tâm tư, tình cảm của bà con giáo dân. Ông thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con sống "tốt đời, đẹp đạo" chấp hành đúng pháp luật, không vướng vào tệ nạn xã hội... Cũng nhờ đó, các chính sách, phong trào do nhà nước chủ chương được bà con hưởng ứng, tham gia rất tích cực. 

Trong đợt bão lũ xảy ra tại miền Trung năm 2020, Linh mục Bùi Xuân Thắng đã kêu gọi bà con quyên góp tiền để ủng hộ đồng bào, chính bản thân ông cùng Giáo phận Hải Phòng vào miền Trung chia sẻ, ủng hộ bà con vùng lũ số tiền lên tới 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, trong các đợt dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn, Linh mục cũng đã cùng bà con giáo xứ Mỹ Động quyên góp tiền và hiện vật như nước sát khuẩn, khẩu trang ủng hộ địa phương phòng chống dịch, tổng số tiền ủng hộ tương đương 100 triệu đồng.

Linh mục cũng nhắc nhở bà con công giáo phải luôn tự ý thức giữ khoảng cách, đeo khẩu trang theo đúng quy chế 5K, việc hành lễ hàng ngày, hàng tuần cũng được điều chỉnh để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Lượng người đến hành lễ hết sức hạn chế, chủ yếu bà con giáo dân tham dự các buổi hành  lễ trực tuyến từ trung tâm Giáo phận Hải Phòng hoặc Giáo phận Hà Nội.

"Tôi luôn nhắc nhở bà con công giáo có 2 bổn phận chính. Một là phải có đức tin, sống mến chúa, yêu người, bác ái với xã hội; hai là phải đóng góp xây dựng xã hội, chấp hành pháp luật của nhà nước"- Linh mục Giuse Bùi Xuân Thắng chia sẻ.

Dân xứ đạo khá giả nhờ trồng thứ cây quen có cái tên lạ

Được biết, Giáo xứ Mỹ Động là một làng quê thuần nông, tỷ lệ làm nông nghiệp chiếm 90% với nghề trồng tỏi, hành, mủa… Nói đến cây hành, tỏi thì ai cũng biết nhưng nghe tên cây mủa chắc hẳn không ít người tò mò.

Hải Dương: Làng công giáo toàn tòng đạt chuẩn nông thôn mới gọi cây gì là ”mủa”? - Ảnh 3.

Người dân Mỹ Động đang làm cỏ trên ruộng trồng hành mà người dân ở đây gọi là mủa. Ảnh: Thi Ngọc

Trên cánh đồng của làng Mỹ Động, người dân ở đây đang trồng loại cây mà thoạt nhìn thì ai cũng tưởng là hành lá, nhưng hỏi ra mới biết, bà con ở đây gọi đó là cây mủa. 

Nghe cái tên khác lạ và ấn tượng, chúng tôi tò mò hỏi nguồn gốc vì sao người dân ở đây lại gọi cây hành lá là cây mủa thì các bà, các cô bảo, đó là cái tên quen gọi từ xa xưa lưu truyền đến bây giờ. Hỏi mấy vị cao niên trong làng, cũng không ai biết vì sao lại gọi cây hành lá là cây mủa. 

Cây mủa của làng Mỹ Động không phải bán lẻ ra chợ để làm gia vị mà được bán cả tấn cho các nhà máy sấy khô, băm nhỏ đóng gói trong các gói mì tôm, phở ăn liền…

Khác với cây hành lá bình thường khi sấy bị đổi màu, cây mủa khi được sấy khô, vẫn giữ nguyên màu xanh của lá, trông đẹp và hấp dẫn. Đây cũng chính là loại gia vị giúp đồ ăn thơm ngon hơn mà ít ai biết đến.

Công việc trồng trọt tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế không hề như vậy. Người nông dân ngoài việc chăm chỉ, cần cù cũng phải hết sức sáng tạo, tinh ý thì mới tạo ra được nhưng luống mủa tươi tốt, không bị sâu bệnh và cho năng suất cao. 

"Mỗi lứa mủa từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất hơn 1 tháng, tùy theo giá thị trường từng thời điểm nhưng nếu được giá thì mỗi sào cũng được gần10 triệu đồng"- một bác nông dân vừa nhổ cỏ cho ruộng mủa vừa nói chuyện với chúng tôi cho biết.

Clip: Làng công giáo Mỹ Động gọi cây hành lá này là mủa. Chính nhờ trồng loạicây gia vị công nghiệp này mà người dân có thu nhập khá.

Như vậy so với một số loại cây trồng khác thì cây mủa được cho là mang lại hiệu quả kinh tế cao và cũng là loại cây làm nên nét đặc trưng của nông nghiệp Mỹ Động.

Câu ca lưu truyền "Rau làng Hà, quà làng Mỹ"

Người dân ở làng Mỹ Động nói riêng, nhiều người ở thị xã Kinh Môn nói chung còn truyền nhau câu ca "rau làng Hà, quà làng Mỹ" để ca ngợi làng trồng rau ngon (làng Hà), và các món quà ngon ở làng Mỹ (Mỹ Động).

Người dân Mỹ Động vào lúc nông nhàn còn có thêm nghề làm một số loại bánh như bánh đa, bánh kê, bánh dợm, bánh dày, bánh gio… Các loại bánh này được bán chủ yếu ở Hải Dương và Hải Phòng. 

Theo lời kể của bác Ngô Xuân Ca, chúng tôi tìm đến gia đình một giáo dân của làng Mỹ Động chuyên làm bánh gio truyền thống. Đó là nhà bà Nguyễn Thị Sắt. Bà Sắt cho biết, ngoài công việc đồng áng, gia đình bà có nghề làm bánh gio từ năm bà còn nhỏ tuổi. 

Lưu giữ nghề truyền thống của gia đình, hiện nay, mỗi ngày bà làm khoảng 200 cái bánh gio theo đơn đặt hàng của khách quen, doanh thu khoảng 800.000đ/ngày. 

Bánh nhà bà Săt được nấu bằng bếp củi, lá dong gói bánh gia đình cũng tự trồng nên đảm bảo sạch sẽ, an toàn. Khi chúng tôi có mặt, cũng là lúc mẻ bánh mới nóng hổi vừa ra lò, mùi thơm của lá dong, của gạo nếp cái hoa vàng quyện với khói lam chiều bốc lên rất hấp dẫn. 

Bà Sắt mời chúng tôi nếm thử bánh vừa làm. Bánh vừa trong, vừa dẻo, vị thanh mát và rất thơm, không hề có vị nồng của nước vôi trong như một số bánh gio khác (một thành phần không thể thiếu của bánh gio). 

Với công việc làm bánh hiện nay, số tiền lãi thu được đối với nhà bà Sắt chỉ là tạm đủ ăn, nhưng bà vẫn duy trì nghề truyền thống với mong muốn bảo tồn văn hóa của làng, của gia đình. 

Để tận dụng tối đa thời gian còn trống, bà Sắt đã mở thêm cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà vừa để phục vụ nhu cầu thiết yếu của bà con làng xóm, vừa để thêm thắt thu nhập cho gia đình.

Hải Dương: Làng công giáo toàn tòng đạt chuẩn nông thôn mới gọi cây gì là ”mủa”? - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Sắt, giáo dân Mỹ Động với nghề làm bánh gio truyền thống. Ảnh: Thi Ngọc

Điều đáng quý mà chúng tôi được biết thêm ở người giáo dân này là, tuy không có điều kiện vật chất khá giả, vẫn phải làm từng chiếc bánh để mưu sinh nhưng bà đã sẵn sàng hiến gần 300m2 đất của gia đình mình để xây dựng nhà dòng phục vụ cho bà con công giáo nơi đây. 

Nhà dòng là nơi để các sơ ở,  làm việc, sinh hoạt và cũng là nơi các sơ trông giữ con nhỏ của các gia đình giáo dân để họ yên tâm đi lao động, sản xuất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem