Dân ở thung lũng "thiên đường" của tỉnh Hà Giang thu tiền tỷ nhờ trồng cây thuốc quý và làm du lịch
Hà Giang: Thung lũng "thiên đường" của người Dao có gì vui, món gì ngon mà khách tây, khách ta đều muốn vào?
Minh Ngọc
Thứ bảy, ngày 24/07/2021 05:31 AM (GMT+7)
Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ (Hà Giang) nằm yên bình trong một thung lũng thơ mộng dưới chân núi đôi nổi tiếng. Toàn thôn có 60 hộ, 288 khẩu đều là người dân tộc Dao. Trong những năm qua, nhờ phát triển du lịch cộng đồng kết hợp trồng cây thuốc quý, đời sống của người Dao nơi đây ngày một khấm khá.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lý Tà Đành, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Nặm Đăm cho biết, từ năm 2012, được tỉnh Hà Giang, huyện Quản Bạ, xã Quản Bạ tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn thôn Nặm Đăm xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Qua gần 10 năm hình thành và hoạt động, làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Dăm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao.
Toàn thôn Nặm Đăm có 60 hộ, 288 khẩu đều là người dân tộc Dao. Trong đó, đã có 26 hộ gia đình đủ điều kiện làm dịch vụ lưu trú Homestay phục vụ trên 300 khách du lịch/ngày đến ăn, nghỉ, khám phá phong cảnh, đời sống sản xuất, đời sống văn hóa, những món ăn ngon tại làng
Gia đình ông Lý Quốc Thắng là một hộ làm Homestay từ năm 2013 - một trong những hộ đầu tiên ở Nặm. Để làm du lịch, ông đã giữ gần như nguyên vẹn ngôi nhà mình đang ở theo kiến trúc truyền thống của người Dao.
Ngôi nhà có 2 tầng, được xây dựng bởi bí quyết trình tường đất, sàn lát gỗ, tầng trên ngăn ra làm 8 buồng cho khách ở. Phần mái nhà được lợp bằng lá cọ, mùa hè rất mát, mùa đông rất ấm áp.
Clip: Ông Lý Quốc Thắng, giới thiệu về cách làm du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc Dao ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Clip: Minh Ngọc.
"Số lượng khách du lịch đến thôn Nặm Dăm tăng nhanh theo từng năm, khoảng thời gian khách đến đông nhất vào tháng 10 – 11, mùa hoa Tam giác mạch. Khách ở nhà tôi thường là khách Tây, các đoàn khách trong nước cũng có nhưng ít hơn" - ông Thắng nói.
Ông Thắng cho biết, với 220.000 đồng/người là có thể ở 1 đêm và 2 bữa ăn tối, ăn sáng. Nấu ăn cho khách, gia đình ông thường làm các món ăn đặc sản ủa địa phương, hái rau, củ, quả ở trong vườn nhà, như: quả bí non, thịt nướng, nem rán, đậu phụ, canh đậu xương... Bữa sáng thì làm bánh kép, bánh chuối và hoa quả theo mùa.
Gia đình anh Lý Tả Đanh, là một hộ mới đầu tư xây dựng nhà làm Homestay ở Nặm Đăm, cho biết: “Thấy các hộ làm dịch vụ Homestay có thu nhập khá hơn chúng tôi làm nông nhiều nên tôi đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng nhà cửa cho khách du lịch đến trải nghiệm nét văn hóa, ẩm thực của người Dao. Tôi đang có ý tưởng đầu tư trang trí thêm cảnh quan xung quanh nhà, làm chòi nghỉ mát, bán đồ uống”.
Anh Đanh cho rằng, dù ý thức làm du lịch của người dân đã thay đổi đáng kể, nhưng các dịch vụ ở đây vẫn chưa có sự phong phú để thu thêm hút khách, giữ chân khách ở dài ngày. Với tên gọi Homestay tức là hình thức du lịch ở nhà dân bản địa để khám phá văn hóa, phong tục, tập quán địa phương thì hiện nay du khách mới chỉ đến Nặm Đăm ngủ qua đêm chứ chưa ở lại lâu.
Theo đó, với việc phát triển du lịch cộng đồng, năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 thôn Nặm Đăm đã đón khoảng 6.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú 4.684 người, doanh thu 1,2 tỷ đồng.
Ông Lý Tà Đành, Bí thư chi bộ thôn Nặm Đăm bảo: "Do dịch Covid-19 nên lượng khách đến Nặm Đăm cũng giảm đáng kể, thu nhập của người dân cũng giảm theo".
Thu tiền tỷ từ trồng cây thuốc quý, chế biến dược liệu
Doanh thu năm 2015 trên 400 triệu đồng; năm 2016 đạt 670 triệu đồng; năm 2017 đạt 1 triệu đồng; năm 2018 đạt 1,5 tỷ đồng; năm 2019 đạt 1,7 tỷ đồng và năm 2020 đạt 2 tỷ đồng-đây là những con số ấn tượng mà HTX cộng đồng Nặm Đăm có được sau sau gần 6 năm đi vào hoạt động.
Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX cộng đồng Nặm Đăm cho biết, ngành nghề chủ yếu của HTX là trồng và chế biến các sản phẩm dược liệu, kinh doanh các ngành nghề, như: tắm lá thuốc, xông hơi, dịch vụ lưu trú, điều hành tua du lịch…
Sau hơn 6 năm hoạt động, HTX đã phát huy được hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu mang lại thu nhập cao cho các thành viên.
"Mặc dù, ban đầu gặp không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các thành viên cũng như sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, HTX cộng đồng Nặm Đăm đã tạo dựng được thương hiệu sản phẩm, sản xuất, kinh doanh ổn định từ hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến dược liệu có doanh thu ngày một tăng, tạo sự tin tưởng với người tiêu dùng" - Anh Dèn cho biết.
Anh Dèn cho hay, để nâng cao giá trị sản xuất, HTX đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, như: Nhà tắm lá thuốc, hệ thống nhà xưởng sơ chế, chế biến dược liệu với diện tích trên 4.000 m2, nồi chiết suất bằng hơi có công suất 1,5 tấn nguyên liệu/ngày và vườn bảo tồn cây thuốc người Dao với tổng diện tích hơn 0,3 ha…
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, mỗi năm HTX triển khai trồng từ 5 – 10 ha cây dược liệu, như: Đương quy, Huyền sâm, Kim ngân hoa, củ Hoành tinh, củ Dòm… Bằng việc đầu tư cơ sở vật chất, hơn 6 năm, HTX sơ chế, chế biến hơn 150 tấn nguyên liệu từ cây Atiso, Đương quy, hơn 150 tấn nguyên liệu dược liệu thu hái tự nhiên.
Bên cạnh đó, HTX còn sản xuất được một số sản phẩm, như: Cao Atiso; cao củ Dòm; cao mạnh gân hoạt cốt; cao ích não; trà gừng, dầu xoa bóp Nặm Đăm; cao Hà thủ ô; nước tắm thảo dược… trong đó, có hai sản phẩm đạt 3 sao OCOP là cao Atiso và trà gừng Cao nguyên đá. Mỗi năm HTX tạo công ăn việc làm liên tục cho 30 lao động, khoảng 15 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 4 – 5 triệu động/người/tháng.
Ngoài việc phát triển các sản phẩm dược liệu, HTX đã xây dựng 1 khu nhà tắm 14 phòng, anh Dèn chia sẻ thêm: "Trước đây chúng tôi đã xây dựng 1 khu nhà tắm lá thuốc dân tộc Dao để quảng bá và cho du khác trải nghiệm tắm lá thuốc có tác dụng chữa các bệnh về xương khớp, nhất là đối với những du khách đi trekking - đi bộ một ngày dài mệt mỏi sẽ được thư giãn, phục hồi sức khỏe. Đồng thời, tạo ra một sản phẩm du lịch mới tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, các du khách nghỉ tại các homestay trong làng đến trải nghiệm bản sắc văn hóa địa phương".
Hiện nay, HTX đã đầu tư xây dựng lại khu nhà tắm mới 1,5 tỷ đồng ở địa điểm đẹp hơn, trên đỉnh đồi của trụ sở HTX, trong phòng tắm có view nhìn xuống thung lũng; nội thất, bồn tắm của mỗi phòng đều bằng gỗ, tạo cho khách hàng cảm nhận gần gũi với thiên nhiên. Với mức giá rất phải chăng là 120.000 đồng/người.
"Tại khu nhà tắm còn có phòng trưng bày sản phẩm, khi du khách tới sẽ được nhân viên mời uống trà - những sản phẩm của HTX. Sự kết hợp giữa sản xuất sản phẩm dược liệu và du lịch đã tạo ra một điểm nhấn mới cho HTX, giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Dao" - anh Dèn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.