Chuyện lạ, chuyện huyền bí độc đáo ở làng gốm Bàu Trúc của dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận

Quang Đăng-Đức Cường Thứ năm, ngày 22/07/2021 05:25 AM (GMT+7)
Với nguyên liệu bằng đất sét, cách làm bằng tay nhưng trong mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc chứa cả sự tài hoa của mỗi người thợ, từng nghệ nhân, gói cả nét văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh cộng đồng dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận. Ở làng gốm Bàu Trúc có chuyện lạ, chuyện huyền bí chưa lý giải được, ví dụ chuyện lấy đất sét làm gốm.
Bình luận 0

"Nghề xoa tay, xoay mông" ở làng gốm Bàu Trúc

Làng nghề gốm Bàu Trúc nằm ở thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) cách trung tâm TP. Phan Rang – Tháp Chàm của tỉnh Ninh Thuận khoảng hơn 10km (theo hướng Nam về TP.HCM).

Bàu Trúc là một trong những làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á tồn tại đến ngày nay. Và từ xưa tới này, gốm Bàu Trúc được làm hoàn toàn làm bằng thủ công.

Độc đáo làng nghề gốm cổ Bàu Trúc của người Chăm tỉnh Ninh Thuận - Ảnh 1.

Làng nghề gốm Bàu Trúc ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2017. Ảnh: Đức Cường

Một ngày đầu tháng 7/2021, vừa đặt chân đến làng gốm Bàu Trúc, chúng tôi đã cảm nhận được sức sống mãnh liệt của làng. 

Rõ nhất là các công trình giao thông, cổng làng nghề, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà trưng bày sản phẩm gốm...được xây dựng khang trang. Đây cũng là đơn vị cấp xã, phường đã đạt chuẩn Nông thôn mới của huyện Ninh Phước.

Theo các vị cao niên sống ở đây, làng gốm Bàu Trúc được gọi là Paley Hamu Trok nổi tiếng với nghề làm gốm do tổ nghề là ông Poklong Chanh, một vị quan thời vua PoKlong Garai trị vì xứ Panduranga (từ năm 1151-1205). 

Nghề gốm dưới thời vua PoKlong lúc bây giờ truyền dạy lại cho phụ nữ làng Chăm. Trãi qua gần cả nghìn năm, bà con người Chăm vẫn giữ được nét truyền thống làm gốm cổ này đến hôm nay.

Khác với những sản phẩm gốm nơi khác, gốm Bàu Trúc được nhào nặn bằng đôi tay khéo léo của các nghệ nhân và thợ lành nghề, không làm bằng khuôn nên các sản phẩm gốm khi ra lò đều có sự khác biệt và mang tính độc đáo của từng sản phẩm.

Cụ bà Đàng Thị Hằng (72 tuổi) người có kinh nghiệm làm gốm 60 năm qua cho biết, khách du lịch đến đây tỏ ra thích thú khi tận mắt chứng kiến cảnh các nghệ nhân làm gốm bằng tay. 

"Đặc biệt, khi du khách thấy chúng tôi dùng đôi bàn tay để nhào nặn cục đất sét và xoay người giật lùi theo từng đường vân xung quanh để cho ra sản phẩm gốm Bàu Trúc, ai cũng trầm trồ...", cụ Hằng nói.

Clip Độc đáo quá trình tạo ra sản phẩm gốm ở làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận). Thực hiện: Đức Cường

Cụ Hằng tiết lộ, do đặc trưng đất sét vùng này có độ dẻo cao, nếu đặt lên bàn xoay của máy thì đất bị dính chặt và khi xoay đất sẽ bị trề xuống nên không thể chế tác ra sản phẩm như ý mình muốn được. 

Với cách làm thủ công truyền thống, để tạo ra một sản phẩm gốm Bàu Trúc hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. 

Đầu tiên, những người thợ sau khi lấy đất sét nguyên liệu về phải phơi khô rồi đập nhỏ sau đó đem ủ qua đêm với một lượng nước vừa đủ. Sáng hôm sau đem đất sét đã ủ trộn với cát mịn theo tỉ lệ nhất định rồi nhào nặn thật nhuyễn trước khi tạo hình sản phẩm gốm.

Theo cụ Hằng, trong quá trình tạo hình sản phẩm, người thợ thường làm cùng lúc 5-7 sản phẩm và phải di chuyển giật lùi xung quanh khối đất để nặn, vuốt tạo hình, chà láng từng sản phẩm. 

"Bời thế, người làm gốm Bàu Trúc thường ví von với câu nói "làm bằng tay, xoay bằng mông". Cứ như vậy, trung bình mỗi ngày, một người thợ làm gốm Bàu Trúc phải đi giật lùi từ 7-8km…", cụ Hằng tiết lộ.

Độc đáo làng nghề gốm cổ Bàu Trúc của người Chăm tỉnh Ninh Thuận - Ảnh 3.

Sản phẩm gốm sau khi nung được người thợ tạo màu sắc theo phương pháp truyền thống mà nguyên liệu tạo màu có nguồn gốc từ thực vật. Đây chính là 1 trong những công đoạn góp phần làm nên nét riêng biệt của gốm Chăm Bàu Trúc. Ảnh: Phú Đoan

Các nghệ nhân làm gốm giỏi nghề trong làng cho biết, gốm Bàu Trúc không nung trong lò mà nung lộ thiên ngoài trời trong khoảng 6 giờ ở nhiệt độ từ 500 độ C trở lên. 

Sau khi nung, gốm Bàu Trúc được tạo màu bằng nguyên liệu thực vật nên khi sản phẩm ra lò có màu tự nhiên như đỏ, vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu. Màu gốm Bàu Trúc cũng thể hiện đặc trưng của nền văn hóa của dân tộc Chăm.

Nghệ nhân làm gốm Quảng Thị Ngọ, có thâm niên làm gốm gần 50 năm qua cho hay, theo truyền thống từ thời xưa thì phụ nữ làm gốm thường chế tác các sản phẩm thiên về hình tròn ví dụ như các loại bình, chén, lu…

Còn đàn ông làng gốm Bàu Trúc chủ yếu chế tác các sản phẩm phù điêu, tháp, tượng. Những năm gần đây, do nhu cầu thị trường ngày càng ưa chuộng các sản phẩm gốm mỹ nghệ nên người làng gốm Bàu Trúc ngày càng có thêm nhiều "đất diễn".

Độc đáo làng nghề gốm cổ Bàu Trúc của người Chăm tỉnh Ninh Thuận - Ảnh 4.

Gốm Bàu Trúc hiện có nhiều mẫu và màu sắc đặc trưng , được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: Đức Cường

Ông Vạn Quan Phú Đoan, giám đốc công ty TNHH gốm Champa - Bàu Trúc cho biết, bên cạnh các sản phẩm gốm phục vụ sinh hoạt thường ngày thì hiện nay nhiều mặt hàng gốm Bàu Trúc mỹ nghệ nổi tiếng đang có chổ đứng vững chắc trên thị trường.

Điển hình cho dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ là tượng nữ thần Apsara, phù điêu trang trí nội thất, bình nước phong thủy....đã có mặt ở nhiều khu du lịch, resort của nhiều tỉnh, thành phố trong nước và xuất khẩu sang một số nước trên thế giới.

Sự huyền bí từ đất sét làm ra gốm Bàu Trúc 

Rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở NInh Thuận đều có chung nhận định: Sản phẩm gốm của người Chăm nói chung và Làng gốm Bàu Trúc nói riêng luôn có một vai trò to lớn trong đời sống cộng đồng dân tộc Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận. 

Mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc chứa đựng nét văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình người Chăm.

Trên sản phẩm gốm Bàu Trúc được thể hiện nét văn hóa độc đáo, nổi bật, khác biệt với các sản phẩm gốm khác. 

Bởi khi tạo hình và trang trí, mỗi sản phẩm gốm Bàu Trúc, người thợ gốm sử dụng các dụng cụ đơn sơ từ vỏ sò, cái muỗng, chiếc lược, hòn đá… 

Chính những vật dụng thô sơ này cùng sự khéo léo của bàn tay các nghệ nhân, đã tạo hình hoa văn mang nét đặc trưng riêng của bà con người Chăm. 

Ẩn sâu trong từng sản phẩm gốm Bàu Trúc còn chứa những huyền bí từ vùng đất có nguyên liệu đất sét để làm gốm từ lâu đời đến nay vẫn chưa ai lý giải được sự thuyết phục...

Độc đáo làng nghề gốm cổ Bàu Trúc của người Chăm tỉnh Ninh Thuận - Ảnh 7.

Sản phẩm gốm được bà Quảng Thị Ngọ tạo hình tỉ mỉ từ chính đôi bàn tay của mình. Ảnh: Đức Cường

Ông Vạn Quan Phú Đoan, giám đốc công ty TNHH gốm Champa - Bàu Trúc cho biết, sự huyền bí trên được thể hiện bằng thực tế, bởi người làm gốm Bàu Trúc lâu nay chỉ sử dụng đất sét ở một vài thửa ruộng nhất định thuộc vùng sông Quao (cách làng Bàu Trúc khoảng 3km, tiếng Chăm gọi là Nu Lanh). 

Sau khi loại bỏ khoảng 20-30cm lớp đất trên bề mặt ruộng lúa, người làm gốm sẽ khai thác lớp đất sét dưới liền kề để làm nguyên liệu chế tác ra sản phẩm gốm.

Nghệ nhân làm gốm Quảng Thị Ngọ, người thường đi lấy đất sét ở ruộng về làm gốm cho biết, kỳ lạ ở chỗ vị trí được bà con khai thác đất sét đó xong, sau khi được lấp lại lớp đất cũ trên bề mặt thì không hề bị sụt lún hay thấp trũng. 

Chỉ sau một thời gian vài tháng, tại vị trí đó sẽ xuất hiện một lớp đất sét mới giống nhau y hệt, đất tiếp tục dâng lên lấp đầy vị trí cũ. Cứ như vậy, trải qua gần ngàn năm tồn tại và phát triển thì đến nay nguyên liệu làm nên sản phẩm gốm Bàu Trúc vẫn không hề vơi cạn.

Hơn nữa, ngoài vị trí thửa ruộng được cho là vùng nguyên liệu cố định để làm gốm Bàu Trúc thì đất sét lấy từ vị trí khác, dù chỉ cách xa vài bước chân cũng sẽ không thể tạo sản ra sản phẩm gốm chất lượng như lấy đất vùng trên.

Độc đáo làng nghề gốm cổ Bàu Trúc của người Chăm tỉnh Ninh Thuận - Ảnh 8.

Tùy vào mỗi gia đình làm gốm mà mỗi mẻ gốm có thể nung vào ban ngày hoặc ban đêm. Sản phẩm gốm sau khi nung có màu đỏ rực. Ảnh: Thanh Sơn

Theo quan niệm tâm linh của người Chăm làng gốm Bàu Trúc, để có được mẻ gốm trọn vẹn phải lựa chọn người châm lửa khi nung phù hợp. Dân làng tổ chức lễ cúng và lựa chọn ngày giờ trước khi nung. 

Trong quá trình nung gốm, người thợ nung cũng không được cười đùa để tránh sự quở phạt từ ông bà tổ tiên và các đấng thần linh. 

Người Chăm làng Bàu Trúc tin rằng, với sự thành tâm của họ, các thế lực tâm linh có khả năng tạo ra sự ảnh hưởng trực tiếp, quyết định đến sự thành công của mẻ gốm.

Làng gốm Bàu Trúc-làng du lịch

Theo ông Đàng Chí Quyết, trưởng khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước), hiện nay làng gốm Bàu Trúc có gần 600 hộ dân với trên 3.000 nhân khẩu. 

Trong khu phố, hầu như 100% gia đình dân tộc Chăm đều có người biết làm gốm và có trên 50% hộ gia đình thường xuyên làm gốm truyền thống.

Độc đáo làng nghề gốm cổ Bàu Trúc của người Chăm tỉnh Ninh Thuận - Ảnh 7.

Theo ông Vạn Quan Phú Đoan, giám đốc công ty TNHH gốm Champa - Bàu Trúc, để nhiều người biết đến sản phẩm gốm Bàu Trúc hơn thì ngoài việc nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm gốm thì công tác truyền thông cũng rất quan trọng. Ảnh: Đức Cường

Cũng theo ông Quyết, vào những năm 1980 gốm Bàu Trúc rất thịnh hành với nhiều mặt hàng được sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của không những dân tộc Chăm mà còn nhiều dân tộc khác ở khắp các địa phương trên cả nước như: Lu, chum, vại, lò, ấm, nồi…

Ngày nay, gốm Bàu Trúc đã phát triển thêm nhiều dòng gốm mỹ nghệ được chế tác phong phú hơn phục vụ chủ yếu cho đời sống thẩm mỹ mang đậm nét văn hóa Chăm và đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng.

Lần lượt các sản phẩm gốm như: Đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước, các biểu tượng văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông, văn hóa Chăm làm từ gốm Bàu Trúc đã xuất hiện tại các điểm du lịch, khách sạn, Resort nổi tiếng trong nước và nước ngoài.

Cũng theo ông Đàng Chí Quyết, tại làng nghề gốm Bàu Trúc đã và đang thực hiện dự án phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản văn hóa phi vật thể với sự tham gia hỗ trợ của chính quyền địa phương và bà con. Thông qua việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và đưa vào hoạt động các tổ, đội phục vụ văn hóa văn nghệ, ẩm thực nói chung nhằm phục vụ du khách tham quan.

Ban du dịch cộng đồng và Ban quản lý khu phố Bàu Trúc đã xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề trình các cấp thẩm quyền xem xét. Ban tổ chức sẽ bán vé tham quan đối với khách du lịch, khách sẽ được hướng dẫn viên hướng dẫn đến từng hộ gia đình, từng cơ sở làm gốm để trực tiếp trải nghiệm và có thể chọn cho mình những sản phẩm gốm ưa thích. Từ đó sẽ tạo thêm đầu ra cho sản phẩm gốm của bà con làng nghề, góp phần tăng thêm thu nhập và mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân trong làng nghề.

Làng gốm Bàu Trúc trước đây được gọi với tên tiếng Chăm là Paley Hamu Trok, có địa danh xưa là làng Vĩnh Thuận từ thời Minh Mạng (1832). Sau trận lụt lớn năm 1964 (Giáp Thìn), làng di dời về nơi cao ráo hơn, có nhiều cây trúc cạnh một cái ao nước lớn nên gọi là Bàu Trúc (trong tiếng Chăm Bàu có nghĩa là ao - hồ).

Làng gốm Bàu Trúc hiện đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 10/2017 và đang được ngành chức năng đệ trình lên UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem