Dân Việt

Cần bao nhiêu cấp phó trong cơ quan hành chính nhà nước?

Đinh Duy Hoà 25/01/2022 08:11 GMT+7
Bàn về số lượng cấp phó trong cơ quan hành chính nhà nước ( CQHCNN ) ở nước ta là một chủ đề hay, có vẻ còn lâu mới có hồi kết. Nói như vậy vì mấy chục năm qua đã có khá nhiều văn bản pháp luật quy định về vấn đề này.

Mới đây, Bộ Nội vụ lại có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc sửa đổi, bổ sung số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Có thể nói công văn này là một nỗ lực trong cố gắng tìm cách giảm bớt cấp phó đang có vẻ quá nhiều tiến tới bố trí đúng số lượng cấp phó tại các CQHCNN.

Thực tế cho thấy số lượng cấp phó đã là vấn đề có tính lịch sử trong nền hành chính nước ta kể từ 1946 đến nay. Số lượng cấp phó cứ tăng dần và rồi buộc phải nghĩ đến việc giảm bớt cấp phó. Vào năm 1987, Hội đồng bộ trưởng tức Chính phủ có tới 15 Phó Chủ tịch HĐBT, trong khi hiện tại vào năm 2022 qua bao nỗ lực cải cách, Chính phủ chỉ còn 4 Phó Thủ tướng. Đừng nghĩ còn 4 Phó TT là việc quá đơn giản, bởi cũng mất hơn chục năm mới có thể từ 5 Phó TT giảm xuống 4 như hiện nay.

Rồi đến cấp phó cho bộ trưởng. Từ nhiều năm nay đã chốt cứng các bộ "bình thường" chỉ có tối đa 5 thứ trưởng. Riêng các Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao có ngoại lệ. Thử xem  các bộ bên tây có bao nhiêu thứ trưởng, cũng chỉ 1 vị phó cho bộ trưởng? Không hoàn toàn là như vậy. Số liệu vào các năm 2017-2019  về số lượng thứ trưởng tại một số bộ ở vài nước sau đây sẽ cho thấy rõ vấn đề này.

Bộ Giao thông Anh quốc, ngoài bộ trưởng còn có 6 vị cấp phó với các chức danh là 2 Bộ trưởng nhà nước, 3 thứ trưởng nghị viện và 1 thứ trưởng thường trực. Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh ngoài bộ trưởng có 2 bộ trưởng nhà nước, 3 thứ trưởng nghị viện và 1 thứ trưởng thường trực. 

Ở Nhật, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp cấp phó có 2 Bộ trưởng nhà nước, 2 thứ trưởng nghị viện và 2 thứ trưởng khác. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật ngoài bộ trưởng có 2 Bộ trưởng nhà nước, 2 thứ trưởng nghị viện và 3 thứ trưởng khác.

Bộ Liên bang về Nội vụ, Xây dựng và Quê hương Đức lãnh đạo là 9, bao gồm Bộ trưởng, 3 thứ trưởng nghị viện và 5 thứ trưởng khác… 

Thế ra số lượng thứ trưởng ở một số nước còn nhiều hơn cả ở ta. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì cấp phó trong bộ máy của ta vẫn là quá nhiều. Ngoài chức danh phó, ví dụ phó trưởng phòng, phó giám đốc sở, phó vụ trưởng, sau này một số cơ quan ở trung ương còn "sáng tạo" ra thêm chức danh "hàm". Nói một cách cụ thể hơn một vụ ngoài vụ trưởng sẽ có phó vụ trưởng, hàm vụ trưởng, hàm phó vụ trưởng.

 Vậy các quy định pháp luật về cấp phó như thế nào?

Phương pháp thứ nhất được sử dụng là quy định cứng luôn loại cơ quan nào thì có bao nhiêu cấp phó. Theo cách này thì: Bộ có tối đa không quá 5 thứ trưởng. Riêng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao tối đa là 6 thứ trưởng; Tổng cục và tương đương thuộc bộ không quá 4 phó; Vụ, cục và tương đương không quá 3 phó; Sở không quá 3 phó…

Nhiều địa phương phàn nàn có sở nhiều việc mà chốt cứng chỉ 3 phó là không phù hợp, rồi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà cứng chỉ tối đa không quá 3 phó một sở cũng là bất cập… Thế là lại sửa quy định cứng, nhưng linh hoạt theo cách là bình quân 3 phó một sở, nhưng bố trí sở này 1 hay 2 phó, sở kia 4 hay 5 phó là quyền của tỉnh miễn không vượt quá tổng số phó theo quy định cứng mỗi sở tối đa là 3. Riêng Hà Nội và Thành phố HCM được thêm 10 phó.

Bên cạnh phương pháp thứ nhất chốt cứng còn áp dụng phương pháp thứ hai tính theo đầu biên chế, ví dụ như: Vụ thuộc tổng cục có từ 15 đến 20 biên chế công chức không quá 2 phó; có trên 20 biên chế không quá 3 phó. 

Phòng thuộc cục thuộc bộ có từ 7-9 biên chế công chức được bố trí 1 phó; có từ 10- 15 biên chế được bố trí  không quá 2 phó; có từ 16 biên chế trở lên không quá 3 phó.

 Phòng thuộc chi cục thuộc cục thuộc bộ có từ 5-7 biên chế công chức được bố trí 1 phó; có từ 8 biên chế công chức trở lên được bố trí  không quá 2 phó…   

Lại còn một phương pháp nữa tính số lượng phó theo số lượng tổ chức, ví dụ như: Chi cục thuộc cục thuộc bộ có từ 1-3 phòng được bố trí 1 phó; có từ 4 phòng trở lên được bố trí không quá 2 phó; Chi cục thuộc cục thuộc bộ không có phòng được bố trí không quá 2 phó…. 

Từ các quy định hiện hành với 3 phương pháp để ra số lượng cấp phó như vừa nêu có thể thấy khó có sự thuyết phục bởi cái gốc là cơ sở khoa học ẩn mình trong các phương pháp rất ít. Phương pháp  quy định cứng gần như là áp đặt. Phương pháp theo biên chế sẽ khuyến khích tăng biên chế vì chỉ thêm một biên chế đã có thêm 1 phó, ví dụ như trường hợp phòng thuộc cục thuộc bộ có từ 7-9 biên chế có 1 phó, nhưng có từ 10-15 biên chế được 2 phó thì giữa 9 và 10 biên chế là có sự khác nhau về số lượng phó. Tương tự là phương pháp tính số lượng phó theo số lượng tổ chức.

Đề nghị sửa đổi số lượng cấp phó của Bộ Nội vụ đưa ra mới đây vẫn dựa trên 2 phương pháp là dựa vào số lượng biên chế và số lượng tổ chức, ví dụ cục thuộc tổng cục thuộc bộ có từ 15-20 biên chế công chức được bố trí không qua 2 cấp phó; có trên 20 biên chế được bố trí không quá 3 cấp phó; Cục, thanh tra, văn phòng thuộc tổng cục có dưới 4 tổ chức được bố trí không quá 2 cấp phó, có từ 4 tổ chức trở lên được bố trí không quá 3 cấp phó… Cách làm theo kiểu này tiềm ẩn nguy cơ sau vài năm có khi phải tính lại theo kiểu  có khi phải ngần nầy biên chế mới được bố trí 1 phó, thêm ngần kia biên chế thì lại thêm 2 cấp phó nữa…

Điều đáng suy nghĩ là trong khi Thủ tướng Chính phủ đang nhấn rất mạnh đến tầm quan trọng của vị trí việc làm thì việc tính xem mỗi cơ quan, tổ chức có bao nhiêu cấp phó lại không được xác định luôn trong quá trình xây dựng và quyết định vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức đó. Nói như vậy có nghĩa là các phương pháp xác định cấp phó từ trước đến nay chưa chuẩn thì phải mạnh dạn chuyển sang cách làm, cách xác định khoa học hơn. 

Về nguyên tắc, xác định chuẩn vị trí việc làm sẽ ra số lượng vị trí việc làm cần phải có của một cơ quan, tổ chức, trong đó có vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, cụ thể là 1 trưởng và mấy phó, số lượng biên chế và cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức đó.

Đương nhiên, việc xác  định chuẩn vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức không đơn giản. Nhưng hãy đừng vì việc này quá phức tạp, khó làm mà không làm để rồi vẫn xác định số lượng cấp phó theo các phương pháp từ trước đến nay. Đã đến lúc phải thay đổi cách làm để góp phần đạt được  mục tiêu giảm bớt cấp phó và tinh gọn bộ máy.