Người dân ở đâu trong chính sách?

Quảng Hà Thứ tư, ngày 15/12/2021 07:04 AM (GMT+7)
Cách thức lựa chọn các quyết sách sẽ cho thấy một điều: Người dân ở vào vị trí nào trong những quyết sách đó.
Bình luận 0

1. Cuộc đấu giá 4 lô đất vàng Thủ Thiêm mới diễn ra vài ngày trước, kết quả về tiền rất ấn tượng: Tổng số tiền trúng đấu giá lên tới hơn 37.000 tỷ đồng (vừa hay lại nhỉnh hơn chút xíu số tiền TPHCM dự kiến phải "trả nợ" liên quan quá trình thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm).

Ấn tượng nhất là lô đất do công ty Ngôi Sao Việt (công ty con của tập đoàn Tân Hoàng Minh) đấu giá thắng với số tiền 24.500 tỷ đồng, tương đương hơn 2,4 tỷ đồng/m2.

Có nhiều đồn đoán và bình luận quanh mức giá trúng này. Phần lớn tỏ ra hoài nghi, không hiểu toan tính của doanh nghiệp là gì mà bỏ ra tới hơn 1 tỷ USD - một số tiền rất lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào ở Việt Nam. Với mức giá tương đương 1 triệu USD cho 10m2 đất, khu đất này có thể đứng vào hàng top đắt đỏ trên thế giới. Giá lô đất này đã như vậy, đất xung quanh chắc không nằm yên, thể nào cũng phải "vùng lên". Lẽ nào TPHCM đã gia nhập hàng ngũ những đô thị cao cấp nhất hành tinh? 

Nhưng giữa cơn say sưa tỷ đô, có ai bỗng chợt nghĩ đến những người vốn sinh sống trên mảnh đất này? Những người dân từng vác đơn đi kiện nhiều năm ròng, từng khóc với lãnh đạo TPHCM vì đất của họ bị lấy đi với giá đền bù 18 triệu đồng, rồi không lâu sau được bán lại với giá 350 triệu đồng/m2, giờ này họ ở đâu khi nền nhà cũ của họ đã thành mảnh đất tỷ đô?

2. Sáng 14/12, báo VnEconomy dẫn lời TS. Lương Hoài Nam, cho rằng có những người nhân danh chống dịch để trục lợi trên nỗi khốn khó của đồng bào. Ông Nam kể: "Bạn tôi vừa về từ Mỹ với giá 170 triệu, trước đó lên đến 240 triệu đồng. Trong khi thời điểm tháng 3-4/2020, chuyến bay Vietnam Airlines giải cứu từ châu Âu về chỉ mất 1.200 USD;  từ Mỹ, Canada là 1.600 USD và sau đó đưa về cách ly tại các cơ sở quân đội".

Thông tin về sự đắt đỏ của các chuyến "bay cứu trợ" gần đây có thể dễ dàng được tìm thấy trên các diễn đàn của người Việt nước ngoài.

Trên nhiều diễn đàn, và trên thực tế, người Việt ở nước ngoài bày nhau cách: Mua vé bay về Campuchia, giá chỉ khoảng 500-700 USD (tùy nơi, từ Mỹ và châu Âu), rồi thêm 100 USD đi xe buýt về cửa khẩu Mộc Bài, chìa hộ chiếu Việt Nam và đi cách ly ở Tây Ninh. Rẻ hơn nhiều, mà không phải khốn khó xếp hàng, xin xét duyệt như "bay cứu trợ". Rốt cuộc, gánh nặng "cách ly" Việt Nam vẫn phải gánh, nhưng nguồn lợi thu từ hàng không thì Campuchia được nhận.

Người dân ở đâu trong chính sách? - Ảnh 2.

Người Việt về nước trong một chuyến bay thời đại dịch.

Sự trục lợi có thể đến từ một số cá nhân hay đơn vị nào đó, chứ không phải là chủ tâm của những người tổ chức chiến dịch bay "cứu trợ". Nhưng nếu các quan chức có trách nhiệm nhìn thấy và cảm thông sự khốn khổ của những người được hưởng chế độ "bay cứu trợ" từ thời gian trước, thì tin rằng các chuyến bay kiểu này đã được kết thúc sứ mệnh của nó rồi, và những người con Việt Nam ở nước ngoài không phải lòng vòng đến thế để về được quê hương.  

3. Hà Nội vừa kết thúc kỳ họp HĐND. Một thông tin được quan tâm từ kỳ họp này là đề xuất "cấm xe máy" vốn theo kế hoạch sẽ thực hiện vào năm 2030, được dự kiến đẩy sớm lên năm 2025 với phạm vi áp dụng với toàn bộ các quận từ vành đai 3, Quốc lộ 5 và đường Trường Sa, Hoàng Sa trở vào. Tuy rằng chưa phải là kết luận chính thức để đưa vào thực hiện, nhưng các thông tin đăng tải cho biết đây là "hướng tập trung nghiên cứu", nên có thể hiểu cơ quan quản lý có xu hướng nghiêng về giải pháp này.

Hà Nội vốn là thành phố của xe máy, số lượng xe chính thức (đăng ký biển Hà Nội) gần 6 triệu chiếc, chưa kể con số cũng phải đến triệu xe của người lao động ngoại tỉnh mang vào Hà Nội để đi làm, chạy xe ôm, làm shipper… Vì thế thông tin này gây xôn xao lập tức. 

Ngoài thông tin về dự kiến đẩy sớm lộ trình lên 5 năm, những người dân đi xe máy không được biết hệ thống giao thông công cộng có sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ không? Chuyên gia tính toán rằng để cấm xe máy, giao thông công cộng phải đáp ứng ít nhất 60% nhu cầu của người dân, nhưng hiện tại năng lực đáp ứng là 15% và cho dù triển khai các dự án suôn sẻ thì đến tận năm 2030 mới đáp ứng 50-55% nhu cầu.

Việc triển khai các dự án giao thông công cộng thời gian qua cũng đặt dấu hỏi lớn về năng lực của các cơ quan thực thi. Đường sắt trên cao chậm tiến độ kỷ lục, đội vốn gần 10 nghìn tỷ. BRT không có hiệu quả. Với những dấu hỏi về năng lực như vậy, người dân hoàn toàn có thể nghi ngờ khả năng vận hành hệ thống giao thông công cộng một cách hiệu quả.

Một khía cạnh khác nữa: Hà Nội đang là địa bàn hoạt động của cả trăm nghìn shipper, những người đang gồng gánh lượng hàng hóa của một mạng lưới thương mại điện tử, mua bán online phát triển rất nhanh chóng. Liệu rằng Hà Nội đã tính đến tác động của việc cấm xe máy đến cuộc sống của những người lao động này, cũng như tác động đến hoạt động thương mại điện tử (dù ít dù nhiều cũng đóng góp cho GDP của thành phố)?

Sau một ngày xôn xao, một quan chức của HĐND mới lên tiếng: Chính thức chưa có lộ trình cho đề án cấm xe máy.

4. Chúng ta luôn đứng giữa những lựa chọn: Chọn một chính sách đất đai sao cho người dân thấy không bị gạt ra ngoài, hay chính sách đất đai ưu tiên thu tiền đấu giá cao hàng đầu thế giới? Chọn kiểu "bay cứu trợ" đắt đỏ và bị trục lợi, hay tiến hành những chuyến bay thật sự mang tính nhân đạo, thật sự vì người Việt? Chọn chính sách quản lý giao thông đô thị hài hòa với cuộc sống những con người sống trong đô thị đó, hay mau chóng đạt thành tích với những con số đã đưa thành chỉ tiêu? 

Lựa chọn thế nào, tùy thuộc người dân có được vị trí ra sao trong lựa chọn ấy. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem