Dân Việt

Bác sĩ giả trong thời đại dịch

Nhật Lệ 23/02/2022 10:26 GMT+7
Vụ "bác sĩ giả" Nguyễn Quốc Khiêm bị phanh phui khiến dư luận rúng động vì thêm một cú sốc trong thời đại dịch, khi vẫn còn những câu hỏi nhức nhối về việc ngoáy mũi đại trà gây lây lan dịch bệnh, về khả năng điều trị "bắt nhốt và ngồi chờ" trong các khu cách ly sơ sài…

Cũng có người cho rằng việc một sinh viên cao đẳng dám lao vào nơi nguy hiểm để giúp cứu người là hành động dũng cảm cho dù kiến thức chuyên môn còn hạn hẹp.

Song đa số kinh hoàng vì bác sĩ "dỏm" không hiểu bằng cách nào đã lọt vào một khu cách ly, thậm chí có lúc đóng vai trò quản lý, chỉ đạo các y bác sĩ ra y lệnh cứu bệnh nhân Covid-19.

Dù chỉ là y sĩ đa khoa tốt nghiệp trường cao đẳng, Khiêm vẫn giả giấy khen là thạc sĩ - bác sĩ, công tác tại Khoa Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy. Các văn bản, giấy tờ mà Khiêm đã ký đòi hỏi tính chuyên môn, như báo cáo tử vong của các ca F0 tại khu cách ly, giấy chuyển tuyến điều trị ca F0. Trong các loại giấy tờ này có bút phê về chẩn đoán tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, phương pháp, thủ thuật, kỹ thuật, thuốc đã sử dụng trong điều trị. Ngoài ra còn có phiếu kê khai danh mục thuốc tiêm truyền từ tháng 4 đến tháng 6/2021 để người nhà bệnh nhân thanh toán tại khu điều trị Covid-19. 

Việc giả mạo của Quốc Khiêm đã từng bị một bác sĩ phát hiện, khi thấy cách lấy mẫu của Khiêm không đúng kỹ thuật và Khiêm không rành về loại thuốc kháng virus. Người này còn cho biết, Khiêm làm từ đầu mùa đến cuối mùa dịch, cũng có thể coi như quản lý của khu cách ly đó.

Vụ việc từng được xử lý từ tháng 9/2021, nhưng vì một lý do nào đó không hiểu sao bị giấu kín, đến hôm nay mới được đưa ra ánh sáng nhờ loạt bài điều tra của báo Pháp Luật TP.HCM.

Nhiều người cho rằng, nên xem xét hai vấn đề: động cơ của việc mạo danh bác sĩ - thạc sĩ của Nguyễn Quốc Khiêm và tại sao đơn vị nhận Khiêm vào đã biết sai mà im lặng cho qua.

Cho đến bây giờ, khi công an và ngành y tế vào cuộc, bác sĩ "dỏm" mới bày tỏ sự hối hận với việc mình làm. Song nguy hiểm là Nguyễn Quốc Khiêm cũng không nhớ hết y lệnh, giấy tờ đã ký. Khiêm cũng được cho là đã nhân danh bác sĩ đi kêu gọi từ thiện. 

Bác sĩ giả trong thời đại dịch - Ảnh 2.

Giấy khen mà Khiêm làm giả. Ảnh: PLO.

Câu chuyện vi phạm pháp luật của vị bác sĩ giả đến đâu đã có cơ quan công an điều tra làm rõ. Ngành y TP.HCM cũng không vì một "con sâu làm rầu nồi canh" mà bị đánh giá tiêu cực về tổng thể sau một thời gian dài kiên trì chống chọi với dịch bệnh và cứu sống nhiều bệnh nhân.

Thế nhưng, chính lỗ hổng rất lớn trong ngành đã gây nên sự việc này. Trước tiên là trách nhiệm của trường Đại học Y Dược TP.HCM khi công tác tuyển tình nguyện viên quá sơ sài. Chỉ cần tấm thẻ cựu sinh viên gửi online là nơi này tiếp nhận và chuyển đến các trung tâm, bệnh viện mà không có kiểm tra, đối chứng.

Thứ hai là vai trò kiểm tra, giám sát của Trung tâm Y tế quận 12 đối với nhân sự chủ chốt trong ngành quá lỏng lẻo. Thứ ba là vai trò điều hành, quản lý đội ngũ y bác sĩ của Sở Y tế TP.HCM cũng có vấn đề.

Ngay sau khi báo chí lên tiếng, đại diện của trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng đã thừa nhận có kẽ hở trong việc tuyển cựu sinh viên hoặc những ai có liên đới ngành nghề tham gia thiện nguyện.                                                                                                                                                                                      Còn phía Sở Y tế TP.HCM thì cho rằng, tại Trường CĐ Điện lực TP.HCM, "bác sĩ" Khiêm được Trung tâm Y tế quận 12 phân công làm nhiệm vụ khá đơn giản như nhận bệnh, hậu cần. Nói như vậy cũng chưa xác đáng, vì trên thực tế, Khiêm còn thực hiện việc ra quyết định chuyển bệnh lên tuyến trên hoặc thực hiện các báo cáo y khoa về nguyên nhân các ca tử vong.

Vào thời điểm tháng 9/2021, Trung tâm y tế quận 12 có yêu cầu trường ĐH Y Dược xác minh vai trò "thạc sĩ, bác sĩ" của Nguyễn Quốc Khiêm. Mặc dù đã nhận được câu trả lời Khiêm không phải là sinh viên của trường nhưng ngày 1/10/2021, UBND quận 12 vẫn ban hành Quyết định số 4561/QĐ-UBND về việc tiếp nhận phân công tình nguyện viên trường ĐH Y Dược TP.HCM trên địa bàn. Và như vậy, Nguyễn Quốc Khiêm nghiễm nhiên được làm việc tại khu cách ly tập trung trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM.

Thực sự không có chuyên môn mà dám mạo danh bác sĩ điều trị các ca bệnh Covid là một cú đánh kinh hoàng vào tâm lý những gia đình có người thân ra đi trong đại dịch. Đó thực sự là nỗi ám ảnh: Vì đâu nhiều vấn đề trong ngành y đến nay còn vướng mắc đến như vậy? Từ lỗ hổng kit test nâng giá kinh hoàng để trục lợi, đến thuốc giả ung thư, và bây giờ là bác sĩ "dỏm" mạo danh lừa đảo. 

Nếu vụ "bác sĩ rút ống thở của cha mẹ" chỉ đánh vào niềm tin của xã hội, thì vụ "bác sĩ Khiêm" lần này có gây hậu quả nghiêm trọng bằng những y lệnh sai?

Sức chịu đựng của xã hội, của bệnh nhân Covid-19 có giới hạn, cho nên ai cũng mong các giá trị y đức và hệ thống quản lý điều hành được củng cố mỗi ngày.