Sốt đất - ai lợi, ai mất?

Hoàng Trọng Thủy Thứ hai, ngày 14/02/2022 09:10 AM (GMT+7)
“Người phố ơi, đừng đem tiền về quê mua đất nữa”! Lời than phiền của một bác nông dân ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) chìm nghỉm trong sự lộn xộn, ồn ào của gần 1000 người tham gia buổi đấu giá 34 lô đất (diện tích 3.000 m2), với giá sàn là 5,4 triệu đồng/m2, được đẩy lên 29 triệu đồng và đỉnh điểm là 40 triệu đồng/m2.
Bình luận 0

Tương tự ở huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), sau khi UBND huyện công bố giá sàn chuyển nhượng 700 lô đất ở, chỉ trong 1 tháng đã thu nhận 10.000 hồ sơ. Khi đấu giá, số tiền thu được tăng lên gấp 5 đến 6 lần so với giá khởi phát ban đầu.

"Sốt đất" lần này, không chỉ ở khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng ven Hà Nội hay các khu công nghiệp ở Hưng Yên, Bắc Giang… mà lan truyền nhanh đến các tỉnh cao nguyên và Nam bộ: Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Phước…, thậm chí ở cả những tỉnh khó khăn, nghèo như Ninh Thuận, Bình Thuận và nhiều địa phương khác trong cả nước. 

Hiện tại, những cơn sốt đất đã về giảm về số vụ, nhưng "người cầm nhịp giá đất" vẫn giấu mình chờ "tạo sóng". Thế nên, các nhà quản lý đất đai, các chuyên gia hàng đầu về bất động sản cũng không dám khẳng định trong năm 2022 này có chấm dứt "sốt đất" không! 

Bàn về đất và giá đất, một số ý kiến cho rằng, "sốt đất" là thật! Vì đất không sinh ra đất, người có nhu cầu mua đất thì nhiều, người bán đất thì ít. Kế đến, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng được mở ra, tác động mạnh đến phát triển thị trường bất động sản ở nông thôn; lượng giao dịch đổ vào bất động sản tăng do tiền dư rỗi rãi, nhiều người chuyển hướng vào đất đai như một kênh đầu tư sinh lời. 

Lại có ý kiến cho rằng, "sốt đất" là thật chứ không ảo! Vì nhiều người bán đất, mua đất công khai, mặc dù giá phi mã từng ngày. Đất là đất thật, tiền là tiền thật. Tiền từ bán đất, phần lớn góp vào ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương, phần lãi kếch xù chảy vào túi doanh nghiệp bất động sản, người môi giới, còn người nông dân hưởng lợi thì ít mà mất thì nhiều.

Bàn câu chuyện "sốt đất" với nhà nông, có những ý kiến cho là có lợi, ai cũng có phần, bởi đất được thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn. Bán được giá thì chi cho học nghề, chuyển nghề…cơ hội làm giàu sẽ nhiều hơn; với người già cũng có đồng tiền tiết kiệm, bớt đi gánh nặng cho con cháu sau này. Nếu bán đất nông nghiệp cho người sản xuất, kinh doanh giỏi trong làng, dù có rẻ hơn một ít cũng không sao, vì họ giữ được nghề nông, tạo thêm công ăn, việc làm cho người cơ nhỡ.

Sốt đất - ai lợi, ai mất? - Ảnh 2.

Đất đai khu vực Lương Sơn, Hoà Bình. Ảnh: TTXVN.

Ở một chiều khác, nông dân tuổi trẻ, tuổi trung niên lại cho rằng, bán đất lúc này, cái lợi chỉ là trước mắt, có thể đúng với chủ hộ đã hết tuổi lao động, kinh tế gia đình vững, có phần hỗ trợ tài chính của con cháu - nên họ làm nông chỉ là nghề phụ, thậm chí còn bỏ đất hoang. Nông nghiệp hộ nông dân muốn làm giàu phải có 3ha đất canh tác trở lên. Với mức ấy, chúng tôi (lớp trẻ) cần giữ đất và mua đất để sản xuất.  

Giá đất tăng chóng mặt từ cuối năm 2021 đến nay đã vượt xa thu nhập của người nông dân, không ít người có nhu cầu ở thực cũng không thể mua nổi đất; những nơi từng bị coi là xóm vắng cũng náo nhiệt bán mua. Người dân có đất cần bán bị cuốn vào cơn lốc giá, số ít gặp may thu về món tiền lớn, nhưng còn nhiều người bị thiệt hại nặng nề: Hộ thuần nông mất đất, mất cả sinh kế làm ăn - cái mất ấy mới là lớn, là lâu dài. Nông dân mà không có đất thì không phải là nông dân. Nông nghiệp mà không giàu thì khó có độ bền vững của một quốc gia.  

Cơn "sốt đất" lần này kéo dài hơn những lần trước, giá tăng nhanh hơn lần trước. Vậy, ai là người có trách nhiệm, ai có quyền vào cuộc để ngăn lại. Và vì sao, "sợi dây kinh nghiệm kéo hoài mà không hết" trong quy hoạch, cấp phép đầu tư và thói hành xử tùy tiện của cơ quan chức năng đã dẫn đến cái "nhờn" trong thực hiện những điều pháp luật quy định?

Phải chăng, trong mỗi lần "sốt đất, sốt giá" những nhà làm luật, nghiên cứu chính sách, những nhà quản lý cần nhìn luật, làm luật từ thực tế cuộc sống. Nếu Luật Đất đai chưa được điều chỉnh đúng và kịp thời thì phải bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện hiện hành. Khi luật bảo vệ được tài nguyên, tài sản quốc gia, tài sản của người dân thì tất yếu những cơn "sốt" hầm hập về đất sẽ được giảm tối đa.

Và ngược lại, khát khao về tự chủ ngân sách ở thời tài nguyên trở nên khan hiếm, khách mua ngấp ngó, nếu không bị ngăn đứng bằng sự rắn rỏi trong kiểm tra, xử lý vi phạm thì không ít cán bộ địa phương khó có thể cưỡng lại lời mời chào công nghiệp hóa – hiện đại hóa của của những kẻ tham, nặng túi tiền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem