Xoá khoảng cách giữa 2 hình thái kinh tế xã hội nhờ chuyển đổi số - cú huých trăm năm

Quốc Phong Thứ tư, ngày 16/02/2022 08:23 AM (GMT+7)
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã chỉ ra "điểm tử huyệt" bị xem là yếu thế của CNXH. Đó là năng suất lao động của chúng ta và các nước XHCN nói chung là quá thấp.
Bình luận 0

Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ra mắt nhân kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Với các nhà nghiên cứu về CNXH cả trong và ngoài nước, vấn đề được đặc biệt quan tâm. 

Vì sao cuốn sách lại được bạn bè thế giới lưu tâm như vậy? Theo tôi, một trong những nguyên do đó chính là vì vài thập niên vừa qua, sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Âu, nó ít nhiều gây mối hoài nghi về con đường đi tiếp của học thuyết này. Cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam - đất nước có những thành tựu tích cực của Đổi mới lại càng khiến thế giới quan tâm hơn. 

Các bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách giúp chúng ta và bạn bè thế giới thêm hiểu, thêm vững tin rằng xã hội XHCN với giá trị cốt lõi, bền vững và tốt đẹp mà nhân loại hướng tới là một xã hội "thực sự vì con người; sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân".

Cần hiểu rằng, đây cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, nhân dân ta hơn 90 năm qua đã đổ biết bao máu xương và nước mắt mới có được như hôm nay. Trên hành trình đầy gian nan đó, học thuyết của CNXH mà các bậc tiền bối để lại cho hậu thế không hẳn đã tuyệt đối đúng và không nên hiểu nó sẽ mãi mãi bất di bất dịch.

Để thành công khi chúng ta kiên định đi theo con đường  XHCN, thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay với mục tiêu chuyển đổi số có lẽ là thời cơ vàng, là cơ hội lớn với đất nước. Nó có thể sẽ là "cú huých trăm năm" vào lúc đại dịch Covid-19 hoành hành. Nó sẽ giúp chúng ta nhanh chóng tăng năng suất lao động, đuổi kịp các quốc gia văn minh khác. 

Xoá khoảng cách giữa 2 hình thái kinh tế xã hội nhờ chuyển đổi số - cú huých trăm năm - Ảnh 2.

Chuyển đổi số có thể là cú huých trăm năm cho Việt Nam?

Điểm yếu chí mạng trong quá khứ giữa hai hình thái kinh tế xã hội là năng suất lao động của chúng ta quá thấp?

Một trong những thứ dễ thấy nhất, phải chăng là vấn đề năng suất lao động của các nước XHCN trước đây và Việt Nam hôm nay đang đi theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN luôn thấp hơn các nước tư bản chủ nghĩa (TBCN) quá nhiều.

Rồi thì khái niệm CNTB bóc lột công nhân cũng không còn chính xác khi chính các nhà tư bản đã nghiên cứu  học thuyết của  Karl Marx để ngày một tiến bộ lên, hoàn thiện mình nhanh hơn. 

Lương của các doanh nghiệp tư nhân trả cho người lao động ngay tại nước ta thường cao hơn, thậm chí rất cao so với doanh nghiệp nhà nước trả cho người lao động (tôi chưa cần nói lương công chức làm trong các cơ quan công quyền). Sự đổi thay nói trên cũng xuất phát từ năng suất lao động của các doanh nghiệp tư nhân đã vượt xa doanh nghiệp nhà nước nhờ đầu tư máy móc và công nghệ hiện đại nhất...

Thứ mấu chốt để giúp người lao động cho các doanh nghiệp tư nhân dù làm ít vẫn có thể hưởng nhiều là thứ mà chúng ta rất khó làm công tác tư tưởng cho người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước. 

Mức tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn 26 lần so với Singapore, 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan. Một số liệu còn đáng suy nghĩ hơn khi mà năng suất lao động của Việt Nam đang tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia và 10 năm so với Thái Lan.

(Thông tin từ Hội thảo đánh giá thường niên nền kinh tế Việt Nam, ứng phó và vượt qua dịch Covid-19 hướng tới phục hồi và phát triển, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 31/3/2021 tại Hà Nội).

Tiến sĩ Đặng Vũ Chư, nguyên Bộ trưởng bộ Công nghiệp với 2 thời kỳ làm bộ trưởng (1990-2002) của ba đời Thủ tướng( ông Đỗ Mười, ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải) đã kể cho tôi nghe câu chuyện ông được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời sang Văn phòng Chính phủ để cùng dự buổi đón tiếp cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu sang thăm nước ta theo lời mời của Thủ tướng chúng ta. Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, lúc đó, sau 25 năm giữ trọng trách Thủ tướng đã nghỉ để chuyển sang làm Bộ trưởng Cố vấn( Minister Mentor). Ông Võ Văn Kiệt lúc đó có ý muốn mời ông Lý Quang Diệu là Cố vấn cấp cao cho mình nhưng không thành.

Bữa đó, chính ông Lý Quang Diệu đã chỉ ra "điểm tử huyệt" bị xem là yếu thế của CNXH. Đó là năng suất lao động của chúng ta và các nước XHCN nói chung là quá thấp.

Theo Tiến sĩ Chư, khi ông Lý Quang Diệu tiếp Thủ tướng chúng ta, đây là một trong những cuộc đối thoại  ấn tượng nhất đối với ông, vị bộ trưởng vừa nhậm chức chưa lâu. Đó là một cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở giữa hai vị đại diện cho hai hệ tư tưởng và hình thái kinh tế xã hội khác nhau.

Những câu nói trực diện, không hề câu nệ xã giao hẳn cũng khiến ông Võ Văn Kiệt phải suy nghĩ rất nhiều dù có thể khó nghe.

Còn riêng bộ trưởng Chư cũng thấm thía rất nhiều mà theo ông, lâu nay chúng ta luôn chìm đắm trong một xã hội duy ý chí. Đến khi CNXH ở Đông Âu gần như đổ vỡ hoàn toàn thì chúng ta mới thức tỉnh. Và có lẽ chính ông Sáu Dân, tên gọi thân thương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo tiên phong thức tỉnh chúng ta cần bước tiếp hành trình của Đổi mới theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Và đến nay, thành quả thật to lớn, đáng tự hào.

Kỷ nguyên của số hoá sẽ giúp hố sâu ngăn cách về năng suất lao động giữa hai hình thái xã hội xích lại gần nhau?  

Tôi rất tán đồng với các ý kiến chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về việc tập trung cao độ cho chuyển đổi số gần đây, ngay từ trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 cho đến các văn bản, nghị quyết sau này. Đây chính là lối đi rất tích cực để chúng ta đi tắt đón đầu cho kịp với các nước có nền công nghiệp số hiện đại. 

Hôm 10/2, khi dự tổng kết năm của khối công nghệ số, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Lần đầu tiên, khối công nghệ số có một cơ hội trăm năm, đó chính là nghịch cảnh do đại dịch Covid-19 tạo ra. Năm 2021 là một năm vươn lên mạnh mẽ của khối công nghệ số toàn quốc… Đại dịch Covid-19 tạo ra sự phát triển bứt phá mang tính cách mạng sau 20 năm ứng dụng công nghệ thông tin"…

Trong "nguy" có "cơ" cũng chính là đây. Thực tế cho thấy, 2 năm đại dịch, đúng là các doanh nghiệp công nghệ thông tin lại là những doanh nghiệp có cơ hội chuyển đổi số nhanh nhất, tích tụ tư bản nhanh nhất. 

Chính vì thế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hơn một lần bày tỏ quan điểm và chỉ đạo ngành công nghệ thông tin chủ động nắm cơ hội này để phát triển kinh tế xã hội một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất theo hướng quan tâm đến chuyển đổi số. 

Phải chăng nhờ chuyển đổi số mà nhiều khi khoảng cách vốn khá xa về năng suất lao động giữa hai hình thái kinh tế xã hội của TBCN và kinh tế thị trường định hướng XHCN sẽ bớt đi sự xa cách trong phát triển kinh tế nói chung, nếu ai biết nắm lấy nó nhanh nhất, sớm nhất và tự tin nhất.   

Tôi có tâm sự với một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin khá nổi bật gần đây là Chủ tịch HĐQT Công ty VNPAY Trần Trí Mạnh. 

Tôi biết anh Trần Trí Mạnh từ 4 năm trước, khi vô tình được đi cùng anh trong một chuyến du lịch thăm mấy nước Tây Âu theo dạng mua tour. Thế nhưng hình như không có một ngày nào anh rỗi rãi để cùng đoàn chúng tôi thăm thú các nước. Anh chỉ dành thời gian cho việc"săn đầu người" nơi trời Tây. Nào là từ nước Pháp, Áo đến Đức ... Nghĩa là đi đến đâu, anh cũng tách đoàn để đi tìm người tài về đầu quân cho công ty của mình mà anh đã có ý tìm hiểu, trao đổi với họ từ trước.  

Thật thú vị khi anh Trí Mạnh cho tôi biết, ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, VNPAY thực sự coi chuyển đổi số là tất yếu để mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn, chuyên nghiệp hơn và nâng cao năng suất lao động, cũng như xây dựng chân kiềng vững chắc cho doanh nghiệp.

VNPAY định hướng xây dựng một hệ sinh thái thanh toán điện tử ưu tiên phát triển các công nghệ mới nhất theo xu hướng của thế giới: Lấy công nghệ là yếu tố "hạt nhân", kiên trì đi theo triết lý kinh doanh là đầu tư rất nhiều nguồn lực cho việc nghiên cứu, xây dựng hạ tầng công nghệ về thanh toán, phát triển các dịch vụ công nghệ mới như: Big Data, AI, Blockchain..., đảm bảo mang đến cho người dùng các dịch vụ thanh toán đa dạng, tiện ích từ đó nâng cao các trải nghiệm người dùng.

Ngoài ra, VNPAY cũng tập trung vào các phát triển công nghệ lõi để tham gia cuộc cách mạng thanh toán không tiền mặt, đảm bảo khả năng phát triển nội địa mà không phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài. VNPAY luôn tìm tòi, phát triển những dịch vụ mới, phương thức mới để làm thay đổi chính mình và thay đổi đối tác, khách hàng theo xu hướng hiện đại và hiệu quả.

 Trong đại dịch vừa qua, có lẽ họ là đơn vị đã gặt hái rất thành công nhờ công nghệ số.

Từ những câu chuyện thành công rất thực tế của các doanh nghiệp công nghệ như trên, có thể thấy, chính những doanh nghiệp tư nhân như vậy sẽ giúp đất nước xoá dần sự xa cách về năng suất lao động của chúng ta với thế giới vốn đã có nền công nghiệp hiện đại như các nước tư bản. Và trong bối cảnh  cầu đang đối phó với đại dịch Covid19 đầy khó khăn thì họ vẫn có sự tăng trưởng vững chắc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem