Sinh viên mất tích khi vào TP.HCM nhập học: Có nỗi sợ lớn hơn cả cái chết!

Hương Thủy Thứ sáu, ngày 18/02/2022 06:06 AM (GMT+7)
Vụ sinh viên Nguyễn Văn Nghĩa 19 tuổi từ Bình Định vào TP.HCM nhập học bị mất tích, được tìm thấy trên sông Sài Gòn chiều 15/2 vừa được Công an TPHCM thông tin nguyên nhân tử vong do tự tử khiến dư luận xã hội nửa muốn chấp nhận nửa không.
Bình luận 0

Trên MXH nhiều câu hỏi được đặt ra bày tỏ sự khó hiểu "vì sao một sinh viên học giỏi, ngoan ngoãn, vào TP.HCM để nhập học lại tự tử? hay "Vì sao phải từ quê nhà, vào TP.HCM rồi mới tự tử?"… Ai cũng có những câu hỏi hợp lý. Tôi thì nghĩ, không chỉ độc giả và dư luận có câu hỏi mà ngay cả gia đình, người thân em Nghĩa cũng sẽ có vô vàn câu hỏi trước một sự việc đau lòng, không thể cứu vãn nổi như vậy.

Em Nghĩa đã mất, nên dù có trăm nghìn câu hỏi thì cũng sẽ thiếu đi câu trả lời từ chính em, người đưa ra quyết định. Nghĩ vậy để không nên đào sâu vào nỗi đau của gia đình em Nghĩa.

Nhưng, theo các thông tin đã có, dường như em Nghĩa chủ động chọn cái chết khi đang trên đường vào nhập học ở TP.HCM. Sự việc một lần nữa khiến cho những người bố, người mẹ, người chồng, người vợ và tất cả chúng ta đang sống liên tưởng đến những cái chết có tên "trầm cảm".   

Gần đây không ít trường hợp tự tử khiến người ta nghi ngờ điều đó, từ vụ em học sinh cấp 2 rơi từ nhà cao tầng, đến những người phụ nữ sau khi sinh con chọn trẫm mình xuống sông...

Theo các thống kê, một trong nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tự tử là trầm cảm.

Căn bệnh trầm cảm đã không còn xa lạ với xã hội hiện đại, mà điển hình nhất là Hàn Quốc và Nhật Bản, các quốc gia có tốc độ phát triển cao. Những cái chết bất ngờ, thương tâm của nhiều ngôi sao điện ảnh, âm nhạc khi đang ở đỉnh cao của  sự nghiệp vẫn  là những thông tin gây sốc cho độc giả và dư luận.

Ở Việt Nam, dù chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính có khoảng từ 2 – 5% dân số mắc phải bệnh lý này. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh gây hại đến sức khỏe của con người đứng thứ 2, chỉ sau bệnh tim mạch. 

Và theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ khoảng 20% số đó nhận được hỗ trợ điều trị cần thiết.  

Sinh viên mất tích khi vào TP.HCM nhập học: Có nỗi sợ lớn hơn cả chết! - Ảnh 2.

Những áp lực trong cuộc sống không được chia sẻ dễ dẫn tới trầm cảm. Ảnh minh hoạ.

Chỉ khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Trầm cảm là gì mà họ không sợ chết?" có lẽ  chúng ta mới hiểu được  sức "công phá" của  nó mạnh đến thế nào. Tôi đã biết không ít trường hợp những người mẹ phải tìm đến địa chỉ tâm linh, thậm chí bói toán… Số đông khác thì tìm tới khoa tâm thần, thần kinh của các bệnh viện. Một số ít khác thì tìm đến các chuyên gia tâm lý để nghe lời khuyên và hướng dẫn….

Thương nhất là những đứa trẻ trầm cảm mà gia đình không biết.

Rồi những bố mẹ phải chứng kiến con mình rạch tay hàng trăm nghìn vết, cố gắng hủy hoại cơ thể để tìm đến cái chết mà bố mẹ và người thân không sao can ngăn được.

Thương cả những bố mẹ biết con mình trầm cảm mà lúng túng khi con hỏi "Làm thế nào để chết không đau?".

Chỉ những ai rơi vào hoàn cảnh đó mới hiểu được sự bất lực lớn như thế nào? Bởi nó có thể thay đổi cách nhìn đối với thế giới bên ngoài và khiến cho người không may mắc thấy mọi điều trong cuộc sống trở nên vô vọng.

Nguyên nhân của căn bệnh trầm cảm có lẽ có muôn hình vạn trạng. Mỗi hoàn cảnh lại có những nguyên nhân không ai giống ai. Sau mỗi vụ việc  không may xảy ra là cơ hội để gióng lên hồi chuông cho toàn xã hội, mỗi gia đình ý thức về căn bệnh này để loại bỏ và ngăn ngừa những cái chết vô nghĩa mang tên tự tử. 

Với kinh nghiệm của một người đã tiếp xúc và chia sẻ với nhiều trường hợp trầm cảm, tôi nghĩ rằng bác sỹ tâm lý và thuốc men chỉ là một phần hỗ trợ. Yếu tố quyết định vẫn là môi trường sống và làm việc của những người không may bị trầm cảm. Chỉ có người thân mới có thể giúp những người bệnh trầm cảm vượt qua căn bệnh này để tìm về với ý nghĩa của cuộc sống. 

Và trên con đường ấy, không ít trường hợp sự sống chỉ được níu kéo tính bằng ngày, thậm chí bằng giờ, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như diễn tiến tâm lý của người bệnh. Như trường hợp của sinh viên Nguyễn Văn Nghĩa thì có lẽ diễn tiến tâm lý đã diễn ra rất lâu trong quá khứ và đỉnh điểm sau khi rời nhà một mình, không có người thân bên cạnh, em đã hành động như vậy, tôi nghĩ là thế.

Bạn tôi đã có không ít những người mẹ ước con mình không học giỏi, không tài năng và cả không xinh đẹp, chỉ cần biết yêu cuộc sống của bản thân và sống khỏe mạnh. Lại có người bạn sau khi thấy "con gái muốn chứng tỏ mình là con trai" thì đã kịch liệt phản đối bằng nhiều biện pháp khiến cô bé nhiều lần tìm đến cái chết, may sao bất thành...

Tôi không cho rằng những trường hợp vượt qua được  những cơn khủng hoảng do căn bệnh trầm cảm đem lại là do may mắn, bởi may mắn không đến nhiều lần. Vì tôi đã chứng kiến những người bố, người mẹ phải từ bỏ đời sống xã hội của mình để sống đời sống của con, mà sau tận 3 năm mới bước đầu giúp con vượt qua "lằn ranh" giữa sự sống và cái chết.

Chắc chắn những ai vượt được qua căn bệnh trầm cảm thành công đều phải cần lắm có người thân đồng hành. Đồng hành với ý nghĩa thực chất của từ này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem