Mở cửa đón "trứng vàng"

Nguyễn An Thanh Thứ bảy, ngày 05/02/2022 14:48 PM (GMT+7)
Trước Covid-19, mỗi ngày doanh thu du lịch quốc tế của nước ta khoảng 70 triệu USD (tính ra mỗi tháng thu hơn 2 tỷ USD). Mỗi năm ngành du lịch Việt Nam đóng góp 9,2% GDP, tạo ra 2,5 triệu việc làm trực tiếp, gián tiếp phát triển vận tải, dịch vụ ăn uống, làng nghề… Thế nhưng "con gà đẻ trứng vàng" ấy đang bị nhốt.
Bình luận 0

Du lịch quốc tế được coi là "xuất khẩu tại chỗ", cung cấp dịch vụ ở Việt Nam nhưng thu ngoại tệ từ nước ngoài. Doanh thu du lịch quốc tế của nước ta cao gấp 3 lần xuất khẩu nông, thuỷ, hải sản sang Trung Quốc, bằng 1/3 xuất khẩu hàng hoá sang Mỹ, gián tiếp tạo 2 triệu việc làm.

Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai chiến lược "Zero Covid" và chưa tiêm vaccine cho số đông dân số thì việc đóng cửa du lịch quốc tế là điều dễ hiểu. Sức khỏe của người dân phải được đặt lên trên hết và không thể phát triển kinh tế khi chưa khống chế được dịch. Nay thì mọi việc đã khác, Việt Nam đã nằm trong Top 6 quốc gia có số mũi tiêm vaccine cao nhất thế giới với gần 200 triệu liều vaccine, đạt tỷ lệ trên 63% người dân (đứng thứ 45) được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, vượt xa tỷ lệ trung bình trên thế giới 51%.

Thực ra, không phải Tổng cục Du lịch "ngủ đông", tháng 12/2021 chúng ta đã thí điểm đón du khách quốc tế trở lại tại 5 địa phương, nhưng sau 2 tháng Việt Nam chỉ đón được gần 7.800 khách. Trong số này, có đến một nửa là người Việt ở nước ngoài trở về quê hương. 

Hai rào cản về nhập cảnh đã khiến các công ty lữ hành quốc tế không mặn mà bán tour vì họ biết sẽ không nhiều khách quốc tế bỏ tiền ra đi du lịch khi bị "ép cách ly" như thế. Một thử nghiệm chả thu được gì nhiều vì điều kiện nhập cảnh quá khó, khách quá ít và tất nhiên, không con virus nào vào theo khách du lịch. Hệ quả là hệ thống chống Covid-19 ở các địa phương thí điểm chưa có lấy một cơ hội kích hoạt xử lý chống Covid từ khách du lịch nước ngoài. Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch và 5 tỉnh thành chỉ thu được 1 con số không tròn trĩnh.

Chưa kể từ tháng 3/2020, Chính phủ đã tạm ngừng miễn thị thực nhập cảnh công dân từ 22 quốc gia. Danh sách gồm, 9 nước ASEAN (trừ Myanmar), Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Nga và Belarus, khiến cho ngành du lịch mất đi lượng lớn khách tiềm năng, truyền thống.

Việc vừa tổ chức khách cho đủ ghế khi đã bỏ tiền bao trọn tàu bay, vừa phải chạy sấp mặt lo thị thực nhập cảnh cho hành khách là điều quá rủi ro cho các công ty du lịch quốc tế lúc này. Trước dịch, doanh nghiệp du lịch vẫn có thể nhận khách sát giờ khởi hành, nay khách hàng đăng ký trước 72h là đại lý du lịch ở nước ngoài cũng không dám nhận vì sợ không đủ thời gian xin cấp thị thực. Du khách cũng phiền vì phải làm thủ tục xét nghiệm PCR, thị thực thay vì cứ cầm hộ chiếu là thoải mái lên đường. Thị thực đang là một rào cản về kỹ thuật khiến Việt Nam như một điểm đến "mở cửa nhưng không mời khách" là điều có thực, khiến cho sự thí điểm không đem lại hiệu quả. 

Mở cửa đón "trứng vàng" - Ảnh 2.

Nhu cầu du lịch tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: CTV.

Trước đó ngày 19/1/2022, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 25 tuyên bố nhấn mạnh rằng ngành Du lịch ASEAN không chỉ đã sẵn sàng mở cửa trở lại mà còn phục hồi nhanh chóng với khả năng chống chịu tốt hơn. Điều này có nghĩa, nếu ai chậm chân sẽ đứng ngoài cuộc chơi của khu vực.

Khu vực châu Âu, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tối 26/1 đã tuyên bố sẽ chấm dứt mọi hạn chế của đại dịch covid-19 vào tuần tới. Vương quốc Anh lần thứ 2 chính thức xếp khẩu trang vào diện không bắt buộc phải mang và tất cả mọi người không phải làm việc ở nhà nữa. 

Thế nhưng khá bất ngờ cuối tháng 1/2021, tại buổi làm việc với 5 Bộ, ngành và các địa phương, Ban IV (Ban phát triển kinh tế tư nhân), Hiệp hội du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch thì Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch lại đề xuất phải đến thời điểm 30/4 và 1/5/2022 mới mở cửa đón khách quốc tế.

Trong khi đó, 5 Bộ tham gia buổi họp đều cho rằng cần phải sớm mở cửa đón khách quốc tế. Cả hội nghị ủng hộ mở cửa ngay, duy nhất Bộ chủ quản lại đi ngược, kể cũng lạ. Du lịch nội địa chỉ chiếm khoảng 35% doanh thu toàn ngành nên không thể thay thế du lịch quốc tế. Hãy nhìn 4-5 ngàn ô-tô thanh long xuất sang Trung Quốc bị ùn ứ tại cửa khẩu các Bộ, ngành đã vào cuộc còn hàng chục nghìn doanh nghiệp du lịch bị tan nát sau gần 2 năm đại dịch lại tiếp tục ngồi chờ.

Hiện chưa mở cửa Bộ Y tế đã công bố mỗi ngày nước ta đang có trên dưới 15.000 F0 theo công bố chính thức. Nếu sớm mở cửa du lịch quốc tế có làm tăng thêm số ca nhiễm thêm một vài trăm ca mỗi ngày thì xét về mặt chống dịch 15.000 ca với 15.100 hay 15.200 ca có khác nhau gì không? Chưa kể khi mà người dân ở các địa phương du lịch và du khách quốc tế đều được tiêm đủ vaccine thì con số lây nhiễm sẽ không đáng kể.

 Rất may, sau khi tiếp nhận đề xuất của các cơ quan, Tổng cục Du lịch đã đề xuất từ 31/3 chính thức mở cửa đón khách quốc tế. Các bộ ban ngành liên quan đang gấp rút nghiên cứu ban hành quy trình đón khách quốc tế, theo hướng gỡ bỏ các quy định cách ly, theo dõi sức khỏe tại nơi cư trú, chỉ yêu cầu du khách tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 và có kết quả xét nghiệm âm tính 72 giờ trước chuyến bay như thông lệ các nước trong khu vực ASEAN. 

Du lịch và vận tải là 2 ngành đã bị garo quá lâu và  cần được nhanh chóng phục hồi trước khi quá trễ. Việc sợ hãi Covid quá mức, đóng quá mức, đã đẩy nước ta xuống cuối bảng xếp hạng của Nikkei, Forbes về khả năng phục hồi của các quốc gia có đại dịch. Chần chừ gì nữa!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem