Dân Việt

Đấu giá đất cho ai?

Lê Hân 25/03/2022 09:55 GMT+7
Vụ việc Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Từ Sơn và một Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh liên quan đến 79 lô đất đấu giá trên địa bàn mới đây đã thực sự làm dậy sóng trong “giới đấu giá đất” và cả dư luận.

Đấu giá đất là gì? Ai được tham gia vào các khu đất đấu giá? Tiền đấu giá đất về đâu? Vì sao có những doanh nghiệp liên tục trúng đấu giá đất?... là những câu hỏi của dư luận đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Có thể nói, đấu giá đất là một hình thức đang rất phổ biến và cũng đầy rẫy phức tạp, tiêu cực hiện nay ở các địa phương khi các khu đất đấu giá được hình thành nên khắp nơi. Theo đó, hình thức phổ biến của các khu đất đấu giá là, cấp huyện (hoặc tương đương) lập ra các khu đất để đem bán đấu giá, thường là lấy đất nông nghiệp để làm quỹ đấu giá đất, sau đó trình UBND cấp tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và ra quyết định tổ chức đấu giá có thu tiền sử dụng đất.  

Nói là UBND cấp huyện hoặc tương đương lập nhưng thực chất, phía đằng sau đó là các doanh nghiệp, công ty đã "lobby" để lập thành các khu đất đấu giá và những kẽ hở đã xuất hiện rất nhiều trong quá trình lập dự án, thẩm định, phê duyệt, tổ chức đấu giá đất và công nhận kết quả trúng đấu giá đất.

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Theo đó, đối tượng được tham gia là: Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất theo quy định của Luật đất đai có nhu cầu sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hoặc làm nhà ở theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đấu giá đất cho ai? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Nam Long ở khu phố Viềng, phường Đồng Nguyên, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh bày tỏ bức xúc vì đất dân cư dịch vụ của người dân chưa được giải quyết dù làm xong cơ sở hạ tầng từ năm 2007, nhưng nhiều lô đất đã được bán đấu giá, hiện đã xây nhà cửa, lán xưởng ở những vị trí đắc địa. Ảnh: Khương Lực.

Tuy nhiên, trên nhìn trên thực tế, trong thời gian vừa qua, tại các khu trúng đấu giá đất ở các địa phương, hầu hết chỉ dành cho một doanh nghiệp hoặc một liên danh. Theo đó, các doanh nghiệp này trúng toàn bộ khu đất đấu giá (ít thì 50-70 lô, nhiều có khi lên tới 200-300 lô). Sau đó, họ sẽ độc quyền phân phối và chuyển nhượng lại các lô đất đó cho các cá nhân có nhu cầu.

Ngay sau khi Phó Chủ tịch UBND TP. Từ Sơn Nguyễn Thế Tuấn và Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh bị bắt vì liên quan đến 79 lô đất đấu giá trên địa bàn, trên các diễn đàn mạng xã hội đã bày tỏ sự "hân hoan" vì những tiêu cực trong đấu giá đất đai lâu nay mà dư luận bức xúc phần nào đã được giải tỏa. Nhiều người cho biết, mục đích của việc lập các khu đất đấu giá là để tạo quỹ đất cho người dân địa phương thực hiện mục đích giãn dân hoặc nhu cầu ở, kinh doanh buôn bán thực sự. 

Song trên thực tế, người dân địa phương có rất ít cơ hội được tiếp cận với nguồn đất này, mà thường là những người ở nơi khác về mua, đầu cơ sau đó… bỏ đó gây lên tình trạng lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và hạn chế sự tiếp cận của người dân địa phương có nhu cầu thực sự. 

Hãy nghe người dân ở đây nói. Năm 2007, ông Nguyễn Nam Long ở khu phố Viềng, phường Đồng Nguyên, TP.Từ Sơn đã giao đất ruộng để làm khu công nghiệp. Giá bồi thường khi đó chỉ là 17 triệu đồng/sào (360m2). Và người dân sẽ được trả lại 36m2 đất dịch vụ nhưng cho đến nay, ông Long vẫn không nhận được đất. Và một lô đất (80m2) ở Từ Sơn cách đây 7 năm (2015) chỉ có giá 800 triệu đồng, thì nay đã có giá đến cả 8-10 tỷ đồng. 17 triệu đồng cho 360m2 và phần nhận lại chỉ là 36m2 nhưng cho đến nay người dân vẫn chưa được nhận?

Đất tại các khu đấu giá thường được các địa phương lấy ra từ nguồn đất công ích tại đó hoặc đất giao thầu, khoán hàng năm. Có nhiều nơi lấy cả đất sản xuất nông nghiệp của người dân và đền bù với giá khá rẻ để tạo quỹ đất sử dụng vào mục đích đấu giá.

Người dân thường phải cay đắng nhận những số tiền rẻ mạt với chỉ 150-180 triệu đồng/sào (360m2) như thời giá hiện tại để bàn giao mặt bằng cho địa phương lập khu đất đấu giá, nhưng sau đó số tiền được đền bù đó không đủ để mua được ½ lô đất được hình thành sau này trên chính mảnh ruộng của mình.

Một trong những điểm bất thường dễ nhận thấy, đó là trong quá trình tổ chức đấu giá đất, thường chỉ có một vài doanh nghiệp trúng và với giá rất sát so với giá khởi điểm. Điểm bất thường khác nữa là người dân địa phương thường rất ít và không có thông tin trước thời điểm đấu giá, dẫn đến chỉ vài doanh nghiệp biết thông tin đến… đấu giá.

Tại khoản 1, điều 8 của Nghị định 215 cũng nêu rõ: Trước khi tiến hành đấu giá 30 ngày, Hội đồng đấu giá hoặc tổ chức của nhà nước có chức năng đấu giá quyền sử dụng đất thông báo công khai thửa đất tổ chức đấu giá ít nhất 2 lần trong thời gian 2 tuần trên phương tiện thông tin đại chúng và được niêm yết công khai tại địa điểm tổ chức đấu giá và trụ sở UBND cấp huyện nơi có thửa đất đấu giá. Tuy nhiên, trên thực tế, trong thời gian qua việc này được thực hiện không nghiêm. 

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/3, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về việc sử dụng đất đai để phát triển đô thị. Theo ông Sang, việc sử dụng đất đai để phát triển đô thị đang tự phát, không theo quy hoạch. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thị trường gây chệch hướng phát triển, giải pháp ngăn chặn ra sao?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: "Tình trạng thổi giá và dìm giá đất đều nguy hiểm. Việc đẩy giá làm biến động thị trường, làm cho đầu vào của nền kinh tế không hiệu quả gây ra giá ảo; qua đó, rút tiền từ ngân hàng và nhiều hệ luỵ liên quan.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đấu giá đất đai không phải như đấu giá một chiếc đồng hồ hay máy móc khác, mà đấu giá đất đai là phải theo quy định, thủ tục trình tự chặt chẽ. Tiếp đó, phải áp dụng công nghệ thông tin, bảo vệ những người tham gia đấu giá đó, bởi vì có hiện tượng gây sức ép đe doạ và nơi đấu giá lộn xộn, mất trật tự. Thậm chí có cả việc móc ngoặc giữa đơn vị tổ chức đấu giá với người tham gia đấu giá. Như vậy, cần phải thanh tra kiểm tra xử lý, đề xuất những chế tài mạnh mẽ hơn, kể cả hình sự để xử lý, xen lẫn các chế tài xử lý về kinh tế.

Sáng 24/3, Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9. Trong đó, Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ trưởng tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan.

Việc này phải bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai, quản lý chặt và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.

Như vậy, có thể thấy Quốc hội đã nhận ra hàng loạt kẽ hở trong việc thực hiện đấu giá đất ở các địa phương trong thời gian qua và yêu cầu về việc phải sửa đổi, giám sát việc thực hiện đấu giá đất. Những động thái này này là cần thiết để nhằm ngăn chặn tình trạng lợi ích nhóm, cấu kết với nhau để hưởng lợi dưới chiêu bài "đấu giá đất".

Những hành động, hành vi đó nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ vừa gây thất thoát tài sản nhà nước, lãng phí nguồn lực đất đai, đặc biệt sẽ làm giảm cơ hội tiếp cận đất đai, nhà ở của những người dân bình thường khác. 

Về lâu dài, việc này sẽ gây nên những xáo trộn, bất ổn ở nông thôn và mất trật tự, an ninh.