Trần Đăng
Thứ hai, ngày 14/03/2022 10:37 AM (GMT+7)
Hôm nay tưởng niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa sáng sớm 14.3.1988. Suốt 34 năm, nỗi đau mất mát chưa bao giờ nguôi lặng trong lòng những người mẹ có con hy sinh ngày ấy. Vết thương Gạc Ma cũng luôn rớm máu trên da thịt mỗi người dân Việt.
Cụm tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma được dựng lên tại bán đảo Cam Ranh không chỉ là địa chỉ linh thiêng đối với mỗi người dân Việt mỗi khi có dịp ngang qua Khánh Hòa, mà đây còn là sự khắc tạc vào tâm khảm để nhắc cho con cháu mãi mãi đừng bao giờ quên sự mất mát này. Gạc Ma luôn thao thức trong lòng mỗi người dân Việt suốt 34 năm qua là thế.
Không chỉ là thao thức đơn thuần, suốt nhiều chục năm qua, biết bao người đã cụ thể hóa mối quan tâm về Gạc Ma bằng những việc cụ thể đầy trách nhiệm và cảm động biết bao. Như anh Nguyễn Văn Dũng, một cựu binh Trường Sa, người thoát hiểm trong gang tấc trước trận hải chiến ấy, từ hơn 20 năm nay đã biến ngôi nhà vừa là quán ăn của mình tại Bãi Tiên- Nha Trang thành chỗ gặp mặt hàng năm của những cựu binh Trường Sa và thân nhân các liệt sĩ Gạc Ga.
Không những thế, anh còn là người cưu mang số con em của các liệt sĩ Gạc Ma, dẫn về quán mình để tạo công ăn việc làm cho các cháu. Mỗi năm, người cựu binh này bỏ ra hàng trăm triệu đồng để thăm hỏi và hỗ trợ cho những người lính Trường Sa và thân nhân các liệt sĩ Gạc Ma gặp khó khăn.
Hay như việc làm hy hữu của thầy giáo Ngô Văn Minh. Trong nhà lưu niệm ở Khu tưởng niệm Gạc Ma tại Cam Ranh, suốt trong nhiều năm sau ngày khánh thành (2017), chỉ có di ảnh của 63 liệt sĩ , người duy nhất còn lại là liệt sĩ Trần Quốc Trị, quê Quảng Bình, chừa một ô trống vì không có di ảnh.
Trước khi lên đường, anh Trị đã để lại cho gia đình khá nhiều hình ảnh thời đi học nhưng trận lụt sau ngày anh nhập ngũ đã cuốn phăng tất cả những gì liên quan đến anh. Thân xác anh thì tan vào lòng biển, di ảnh và các hiện vật liên quan thì không còn một mẩu nào, gia đình anh vô cùng đau đớn.
Vì vậy, ô trống duy nhất ấy trên bảng trưng bày di ảnh trong nhà bảo tàng như một vết thương đau nhói khiến thầy giáo Ngô Văn Minh- PGS-Tiến sĩ, giảng viên Học viện Chính trị HCM khu vực 3 tại Đà Nẵng day dứt khôn nguôi sau một lần đến đây và nghe câu chuyện "hao khuyết" này. Và ông quyết tâm đi tìm cho bằng được chân dung người liệt sĩ còn lại.
Ngày 1.10.2020, di ảnh cuối cùng mang tên Trần Quốc Trị đã được tìm thấy sau nhiều nỗ lực khó tin: Một người học trò thầy Minh là công an Quảng Bình đã tìm ra chân dung anh Trị trong hồ sơ lưu trữ làm chứng minh nhân dân! Thế là, chân dung liệt sĩ Trần Quốc Trị đã lấp vào khoảng trống hao khuyết trên bảng trưng bày và cũng lấp đầy bao nỗi đợi chờ có một di ảnh để thờ của người thân gia đình anh.
Nếu không đau đáu bên lòng về sự hy sinh của 64 liệt sĩ nơi đảo đá Gạc Ma năm ấy thì thầy giáo Ngô Văn Minh không đủ kiên nhẫn để làm một việc tưởng chừng như không thể ấy.
Còn bao nhiêu việc làm nặng tình nặng nghĩa chung quanh số phận của 64 liệt sĩ Gạc Ma và thân nhân của các anh suốt 34 năm qua mà không thể nào kể hết. Chỉ biết rằng, sự hy sinh của các anh chưa bao giờ bị lãng quên trong lòng mỗi người dân yêu nước.
Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Khánh Hòa mới đây , Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã dành thời gian để đến viếng và thắp hương cho 64 mộ gió tại khu tưởng niệm Gạc Ma này.
Sự có mặt lần đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ tại khu tưởng niệm giữa lúc cả nước chuẩn bị tưởng niệm 34 năm ngày 64 chiến sĩ ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma đã gián tiếp gửi một thông điệp đến đồng bào cả nước rằng Đảng và Nhà nước không bao giờ quên những hy sinh to lớn của các liệt sĩ tại đảo đá Gạc Ma cũng như trên tất cả các vùng biển thân yêu của Tổ quốc.
Thăm và làm việc với tỉnh Khánh Hòa, viếng Khu tưởng niệm Gạc Ma, ủy lạo các chiến sĩ thuộc nhiều đơn vị tại Vùng 4 Hải quân, không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu Chính phủ lại chọn đúng vào dịp này, nhất là khi Trung Quốc đang giương oai diễu võ tập trận ở Biển Đông.
Chính vì tầm quan trọng với vị trí chiến lược của Trường Sa nên Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc quy hoạch xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trận đánh ấy đã trôi qua 34 năm. Thân xác của những người lính Việt hy sinh ngày ấy đã hoà vào lòng biển thẳm từ thủa nào rồi. Riêng nỗi đau thì còn mãi. Nó nhắc nhở chúng ta không bao giờ được phép mất cảnh giác trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.